Sau hơn 10 năm quy hoạch vùng trồng và nhiều năm đầu tư trồng thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP, nông dân Long An đang được hưởng thành quả.
Hơn 10 năm trước, nông dân tỉnh Long An bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu và sản xuất trái cây thanh long. So với một số địa phương khác, Long An là địa phương đi sau trong việc sản xuất loại cây này nên việc tạo dựng chỗ đứng trên thị trường trái cây khá khó khăn.
Để mở rộng thị trường, nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Long An đã quy hoạch chi tiết vùng trồng, hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và bình ổn được giá.
Đến nay, Long An có trên 9.000 ha trồng thanh long, sản lượng 215.000 tấn/năm. Riêng huyện Châu Thành là vùng trồng lớn nhất tỉnh với gần 8 ngàn ha. Nhờ những định hướng mang tính chiến lược, thanh long của Long An đã vào được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Đài Loan. Ngày 20/9, lô hàng thanh long đầu tiên của Long An đã được xuất sang Australia bằng đường hàng không.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết: “Hiện nay tỉnh Long An chúng tôi đang có gắng tổ chức sản xuất lại. Trong tổ chức sản xuât là mối liên kết từng hộ nhân dân, xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Thứ hai là quá trình chuỗi sản xuất ứng dụng tất cả các công nghệ để làm sao trong đó giống - phân - thuốc đảm bảo đúng quy trình đạt chuẩn để xuất khẩu sang những nước có thị trường khó tính nhất”.
Để vào được thị trường Australia, trái thanh long phải được trồng theo quy trình canh tác tốt tại Long An, được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp mã số. Sản phẩm phải có hình thức đẹp, vỏ xanh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trọng lượng từ 8-12 quả/thùng 5kg, được xử lý bằng hơi nước nóng để diệt dịch hại, đóng gói theo quy trình khép kín và được kiểm tra ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật từ phía Australia...
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát nói: “Mong muốn mang trái thanh long của Việt Nam có thương hiệu, nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc xử lý trái cây hơi nhiệt. Với uy tín và kinh nghiệm có được chúng tôi rất vinh dự tự hào là đơn vị đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Australia.
Thêm một thị trường mới là thêm một điều đáng mừng, ổn định đầu ra và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Nhưng muốn đưa thanh long từ nhà vườn đi nước ngoài thì cần có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm cầu nối.
Trong khi đó, hiện nay, phí vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam khá cao khiến các doanh nghiệp lo ngại. Ông Hoàng Huy Khánh, đại diện đơn vị nhập khẩu trái cây vào Australia nói: “Mỗi tuần tôi nhập 10 tấn măng cụt từ Thái Lan về Australia phí vận chuyển đường bay 1,79 USD/1kg trong khi ở Việt Nam đường bay ngắn hơn 1 giờ so với họ nhưng phải trả khoảng ít nhất 2,2 USD/tấn. Thành ra bên Bộ Nông nghiệp cần thu xếp với Việt Nam Airlines như thế nào, có như vậy mới tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu”.
Bà Karen Lanyon, Tổng lãnh sự Australia tại TP.Hồ Chí Minh nói: “Người trồng thanh long Việt Nam đã hợp tác rất tốt với các cơ quan chức năng trong nước và chuyên gia của Australia để tạo ra sản phẩm có thể nhập vào thị trường khó tính này. Các cơ quan nghiên cứu quốc tế của Australia và Viện cây ăn quả miền Nam đã hợp tác, nỗ lực rất nhiều để định hướng, giúp đỡ nông dân về kỹ thuật từ nhiều năm trước”.
Lô trái cây thanh long tươi đầu tiên, gồm hơn 500 thùng, tổng trọng lượng trên 2,5 tấn được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát, ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An vận chuyển bằng container qua đường hàng không để đến Australia. Những lô hàng tiếp theo sẽ vận chuyển cả bằng tàu biển để có giá thành cạnh tranh hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: “Đây là nỗ lực rất lớn của những người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu sau 9 năm đàm phán hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu để trở thành nước đầu tiên được Chính phủ Australia đồng ý nhập khẩu trái thanh long tươi. Để tạo điều kiện trái cây xuất khẩu bằng đường hàng không, Bộ Nông nghiệp sẽ làm việc với một số hãng hàng không để trái cây Việt Nam có thể cạnh tranh bền vững”./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…