Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2020 | 14:24

Thi đua gắn liền với công cuộc đổi mới và phát triển

Qua các phong trào thi đua, xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc.

Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.

 

t18.jpg

Những kết quả đáng ghi nhận

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, nhấn mạnh: Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”.

Báo cáo kết quả phong trào Thi đua yêu nước 5 năm qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, cho biết, phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Hàng loạt mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng được nhân rộng ra cả nước như mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018-2020; mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh, Phong trào “Sáng, xanh, sạch đẹp” của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà” của các tỉnh Đồng bằng aông Cửu Long và Đông Nam bộ; phong trào “Điểm sáng biên giới” của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên...

Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu mét vuông đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần hai năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Có 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, thành phố có 100% xã về đích nông thôn mới. Một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%; so với đầu nhiệm kỳ có 32,5% xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 50% huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Các phong trào tiêu biểu có thể kể đến: “Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu” của mảng công thương, giao thông. Phong trào “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, “Áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)”, “Quản lý bảo vệ rừng tận gốc” của khối ngành nông nghiệp. Phong trào “Thi đua thực hiện thành công tái cơ cấu ngân hàng”, “Lao động giỏi, sáng tạo, quản lý tốt”... của khối tài chính, ngân hàng. Các phong trào thi đua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua

“Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn như thế.

Đến nay, cùng với các phong trào thi đua quy mô toàn quốc, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều có những phong trào thi đua, với nhiều hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, động viên và lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.

Trong số 56 thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã lựa chọn 10 thanh niên tiêu biểu nhất để đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Phát huy vai trò xung kích của Thanh niên, trong thời gian qua, Trung ương Đoàn đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để hỗ trợ thanh niên, trong đó có thanh niên nông thôn, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều mô hình xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh phát triển ngành nghề nông thôn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện, lan tỏa và được nhân rộng.

Tôn vinh những tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu, Trung ương Đoàn TNCS HCM đã tổ chức trao tặng giải thưởng Lương Định Của – giải thưởng mang tên nhà Nông học nổi tiếng, Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt 1 (1996), người đi đầu trong lĩnh vực giống cây trồng Việt Nam. Qua 15 năm, đã có gần 2.000 thanh niên nông thôn là chủ các mô hình kinh tế tiêu biểu được tuyên dương và hỗ trợ. Đây là những mô hình điển hình cho ý chí phấn đấu, tinh thần vượt khó, đoàn kết và tiêu biểu cho những mô hình có phương thức hoạt động sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường nông sản trong nước và quốc tế.

Lan tỏa phong trào thi đua từ những tấm gương trẻ

Vượt lên trên 116 hồ sơ của các cá nhân đến từ 58 tỉnh, thành, 56 thanh niên xuất sắc nhất đã được tôn vinh tại Giải thưởng Lương Định Của năm 2020. “56 gương được trao Giải thưởng Lương Định Của chính là những bông hoa ngát thơm hương sắc trong phong trào tuổi trẻ thi đua xây dựng nông thôn mới. Đây là những kết quả rất cụ thể, rất đỗi tự hào trong hành trình đầy sục sôi của những người trẻ, đầy trăn trở của những miền quê, đầy khát khao vươn tầm sánh vai thời đại của lớp lớp thanh niên”, ông Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn nhấn mạnh.

 

t19.jpg

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền là một trong hai thanh niên của Quảng Ninh được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020. (Ảnh Nhân vật cung cấp)

 

Với mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh và liên kết theo chuỗi trong nuôi gà bản Đầm Hà”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 1989) xã Quảng Tân (Đầm Hà – Quảng  Ninh) đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020. Mô hình thực hiện trên diện tích hơn 1.000m2, quy mô nuôi 3.000 con gà sinh sản, liên kết sản xuất theo chuỗi với 80 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đầm Hà và các vùng lân cận. Mỗi năm, hợp tác xã của chị Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 120 tấn gà thương phẩm, doanh thu đạt 12,3 tỷ đồng và lợi nhuận đạt từ 1-1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên và 7 lao động thời vụ.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi gà Tiên Yên của anh Nguyễn Đăng Hạnh (sinh năm 1993) xã Phong Dụ (Tiên Yên – Quảng Ninh) cũng đem lại nhiều thành công. Mỗi năm, mô hình của anh Hạnh xuất bán ra thị trường gần 4.000 con gà thương phẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt  200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động.

Ngoài ra, anh Hạnh còn là Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên, đảm nhiệm triển khai các dự án chăn nuôi gà Tiên Yên trên địa bàn quản lý với tổng đàn trên 80.000 con/năm, quản lý sản xuất trên 50 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ 200 con/năm...

Với những nỗ lực đó, Nguyễn Đăng Hạnh đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV, năm 2020.

Điểm chung của các đại biểu nhận giải thưởng, đó là ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, là chủ các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, doanh thu và lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên, đặc biệt là thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số...

Năm nay, 56 gương thanh niên được trao Giải thưởng Lương Định Của đều là những doanh nhân đạt doanh thu đạt trên 1 tỉ đồng mỗi năm, trong đó có những bạn đạt doanh thu hằng năm trên 10 tỉ đồng; tạo việc làm cho nhiều lao động. Họ là đại diện cho những gương người trẻ có nhiều hoạt động thi đua yêu nước và lan tỏa khát vọng làm giàu.

Đặng Đình Hợp (Thanh Sơn - Phú Thọ), gương cá nhân đoàn viên thanh niên tiêu biểu vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của. Hợp sinh năm 1998, tại xã Tân Lập, em là 1 trong 56 đại biểu trên toàn quốc có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2017, Hợp triển khai mô hình trang trại “Vườn ao chuồng rừng”: Trồng cây ăn quả, nuôi bò 3B, vịt, ngan, ngỗng, cá trắm, rô phi đơn tính, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 600 triệu đồng/năm.

Hợp thực sự là tấm gương đáng được nhân rộng để tuổi trẻ huyện nhà cũng như tuổi trẻ Đất Tổ học tập và noi gương. Tin tưởng rằng, sau giải thưởng này, Đặng Đình Hợp sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình sản xuất của mình, đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương.

Biểu dương những thành tích xuất sắc của 56 thanh niên tiêu biểu được trao giải thưởng Lương Định Của năm 2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, để phát triển nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, ứng phó thành công trước những biến đổi bất ổn của thị trường toàn cầu và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, dự thảo văn kiện Đại hội XIII xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học…”. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn Dân và toàn xã hội nhưng trên hết và trước hết là vai trò của thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn. Đây chính là tương lai, là những chủ nhân mới của nông thôn mới Việt Nam.

“Tôi hy vọng rằng, từ niềm tự hào, vinh dự của mỗi bạn trẻ được nhận giải thưởng sẽ được lan tỏa tới đông đảo đoàn viên, thanh niên ở mỗi địa phương, đơn vị, sẽ tiếp tục là động lực góp phần làm cho giải thưởng Lương Định Của ngày càng có uy tín sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi và nhân rộng các mô hình hiệu quả”, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top