Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 12 năm 2021 | 15:54

Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19

Tại Toạ đàm với chủ đề “Sản xuất an toàn trong đại dịch” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để sản xuất an toàn, thích ứng trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Năng lực ứng phó với dịch Covid-19 được nâng lên

Tại Toạ đoàm ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua, công tác phòng chống dịch ở nước ta nói chung và ở TPHCM nói riêng, ngoài sự đồng sức, đồng lòng của cả nhân dân Thành phố thì có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH và các địa phương khác đã chung tay góp sức cùng nhânh dân Thành phố. Đến nay, cơ bản chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch ở TPHCM.

Tuy nhiên, theo nhận định của WHO và các nhà khoa học, tình hình dịch trên thế giới và ở nước ta diễn biến vẫn phức tạp. Chính vì thế, để thực hiện được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa làm tốt công tác phòng chống dịch và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sản xuất an toàn và có an toàn mới sản xuất, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800 để đưa ra các phương pháp, biện pháp hết sức cụ thể trong điều kiện bình thường mới hiện nay.

 

 Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang dự thảo kế hoạch tổng thể đối với công tác phòng chống dịch dựa trên nền tảng khoa học và kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đặc biệt là kinh nghiệm mà chúng ta rút ra qua 4 đợt dịch, nhất là đợt dịch thứ 4.

Ở Việt Nam, sau khi kiểm soát tốt đợt dịch thứ 4, có thể khẳng định rằng năng lực ứng phó đang được nâng lên, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đồng thời, với chiến lược vaccine thực hiện rất hiệu quả, đến nay việc triển khai tiêm vaccine cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên của Việt Nam mũi 1 đã đạt khoảng 98% và mũi 2 đạt trên 78%.

Cùng với đó, đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi với tỉ lệ mũi 1 đạt trên 64% và mũi 2 đạt trên 15%. Trong đó, TPHCM là 1 trong các địa phương đạt tỉ lệ tiêm vaccine bao phủ vaccine nhanh nhất và cao nhất. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh Covid-19, tuy nhiên, đã có một số thuốc kháng virus có hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt là qua 4 đợt dịch, ý thức của người dân đã nâng lên rất cao, từ đó có thể chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch.

Tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng mới như Omicron. Theo báo cáo vừa qua của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến 2/12/2021, trên thế giới đã ghi nhận người nhiễm Omicron trên 30 quốc gia ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Đại dương.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Trả lời câu hỏi, 2 tháng qua, số lượng F0 được phát hiện trong các nhà máy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP. HCM khá cao, Bộ Y tế đã có chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay như thế nào?

Về vấn đề này, ông Tuyên cho biết, theo đánh giá của các nhà khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới, các vaccine đều có tỉ lệ nhất định người đã tiêm vẫn mắc căn bệnh đó. Loại vaccine tốt nhất là loại chúng ta tiêm để ngăn ngừa sự lây nhiễm, chuyển nặng và tử vong. Vẫn xuất hiện tỉ lệ nhất định trường hợp F0 khi đã tiêm đủ vaccine, đặc biệt trong môi trường sản xuất cũng như trong cộng đồng. Không có vaccine nào ngăn ngừa 100%. Chính vì vậy, người dân đã tiêm đủ vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng triệu chứng sẽ nhẹ hơn rất nhiều hoặc không có biểu hiện. Những chúng ta không được lơ là chủ quan.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai quyết liệt Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các cấp độ khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Ngày 8/11, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương triển khai, cụ thể hoá Nghị quyết 128, trong đó có nội dung hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ở cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống dịch, qua kiểm tra, báo cáo, 63 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện cụ thể Nghị quyết 128. Các kế hoạch đã bám sát tình hình thực tế của địa phương, đưa ra các biện pháp phù hợp thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như phòng chống dịch. Các địa phương đang phục hồi kinh tế và quyết liệt phòng chống dịch.

Sau kiểm tra đã có đánh giá kết quả, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra giám sát ở 35 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy các địa phương đã chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể trong công tác phòng chống dịch, nâng cao hơn nữa nhận thức, khắc phục tồn tại, hạn chế để sản xuất và phòng chống dịch tốt.

Tuy nhiên, việc tự kiểm tra, giám sát của địa phương, doanh nghiệp là rất quan trọng để tự nhận ra những khiếm khuyết trong công tác phòng chống dịch, để phù hợp và thích ứng linh hoạt, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch tốt. Vì vậy, theo tôi Ban chỉ đạo chống dịch từ cấp huyện cần tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, thường xuyên tổ chức diễn tập trong các tình huống cụ thể khác nhau (xuất hiện F0, xuất hiện F1) để đánh giá được nguy cơ.

Thông qua kiểm tra giám sát đã tạo được động lực, giúp cho doanh nghiệp củng cố toàn diện hơn công tác phòng chống dịch, giúp cho công tác sản xuất được tốt hơn.

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng Giám đốc Galaxy One, Sovico Group cho biết, ngoài việc tiêm vaccine và ý thức của người dân thì công nghệ đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong đợt chống dịch lần này. Công nghệ đã hỗ trợ các DN trong việc tự động hóa cũng như vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn.

 

 Bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng Giám đốc Galaxy One, Sovico Group.

 

Có thể nói, một trong những thành tựu ứng dụng công nghệ của của Tập đoàn Sovico trong ứng phó đại dịch là sáng kiến xây dựng nền tảng ứng dụng "Việt Nam Khỏe mạnh" hỗ trợ toàn diện cho việc chống dịch, chẳng hạn như hệ thống xét nghiệm, những số liệu tổng hợp, phân tích để các nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng khi xuất hiện F0 tại cơ sở, hỗ trợ cách ly F0 ra khỏi khu sản xuất sao cho an toàn...

Bên cạnh đó, mỗi người đều có thể đại diện cho 1 cung đường, một khu vực... Như vậy, thay vì việc tốn kém chi phí xét nghiệm để cách ly F0 ra khỏi cộng đồng thì công nghệ đã hỗ trợ để mỗi tháng bình quân mỗi công nhân chỉ mất khoảng 80.000 đồng/người/tháng cho việc xét nghiệm và các nhà quản trị cũng nhanh chóng tách được F0 ra khỏi nhóm sản xuất an toàn. Đó là những giá trị cao nhất mà công nghệ mang lại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, để vừa sản xuất, vừa chống dịch an toàn.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh chưa biến mất mà còn thêm những biến thể mới, trong những ngày qua thế giới đang phải đối diện với biến chủng mới Omicron, chúng ta chưa có đủ thời gian để đánh giá sự nguy hiêm của chủng mới này. Điều ta ước ao là biến chủng Omicron sẽ không quá nặng nề và mong rằng sẽ đến ngày chúng ta không còn dịch bệnh nữa, kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh thì khi đó kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh. Để ước mơ này thành hiện thực thì chúng ta phải chống dịch tốt.

 

 

Chúng tôi cũng mong là Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép doanh nghiệp được sản xuất thuốc chống Covid-19, tôi được biết là nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được cung cấp thuốc chống Covid-19, cũng như sản xuất được vaccine phòng Covid-19, nội địa. Khi có thuốc và vaccine trong nước chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Về y tế cơ sở, TP. HCM là đô thị đặc biệt rất đông dân, mật độ dân số rất cao trên 4.500 người/km2. Vừa qua Sở Y tế đã trình thành phố phương án chống dịch sắp tới trong đó có nội dung quan trọng là nâng cao năng lực y tế cơ sở, đây là điều y tế cơ sở rất cần sự chia sẻ từ trung ương về việc bổ sung nhân lực. Về nhân lực y tế cơ sở hiện nay, có phường xã 10.000 dân có 10 cán bộ y tế, nhưng cũng có phường xã có tới 150.000 dân cũng chỉ có 10 cán bộ y tế, như vậy sẽ không đảm bảo. Rất cần chính sách thu hút nhân lực về đơn vị y tế cơ sở hiện nay.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng doanh nghiệp hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Được biết, Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tôi cho rằng đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistic đang rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, tôi cho rằng Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để đầu tư về hạ tầng để tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí logistic.

Việc sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được mà các doanh nghiệp vừa nói đến là do tổng cầu giảm. Tôi cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc Covid-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp chủ động với biến chủng mới

Trả lời trước nguy cơ từ biến chủng Omicron, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những gì để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả đồng thời duy trì sản xuất liên tục?.

Về vấn đề này, Bà Lương Mai Anh cho biết, chúng ta vừa vượt qua đợt dịch này, nhưng cũng đang đứng trước nguy đối mặt với đợt dịch mới với những biến thể mới, ví dụ như Omcron. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải xem xét để tái cơ cấu tái cấu trúc để có biện pháp đối với với đại dịch với các dịch bệnh trong thời gian tới.

 

 

Trước hết, không nên lo lắng vì Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để ứng phó với dịch bệnh. Chúng ta có thể theo dõi các thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế về biến chủng mới và các biện pháp ứng phó của Chính phủ được cập nhật trên đó. Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế  cập nhật thông tin tình hình dịch của tất cả các tỉnh, thành phố và đến tận cấp xã, phường và đây cũng là thông tin để doanh nghiệp có thể chủ động biết được tình hình dịch trên địa bàn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, phải chủ động trong công tác phòng chống dịch tại cở sở sản xuất, việc này đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác tự kiểm tra, tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở tại nơi làm việc; tổ chức xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc.

Vấn đề thứ 3 nữa là phải chủ động trong việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị thiết yếu trong công tác phòng chống dịch để tránh bị động và cần áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch trong các hoạt đông của công ty để ứng phó trong thời gian tới.

Vấn đề thứ tư là ý thức phòng chống dịch của người lao động, không được chủ quan lơ là, chủ quan; phải thường xuyên tuyên truyền cho người lao động nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch và điểm cuối cùng là nâng cao năng lực của hệ thống y tế.

Bộ Y tế rất quan tâm đến việc này và cũng đã đề xuất để làm sao chúng ta tăng cường hơn nữa năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp, tức là bản thân doanh nghiệp cũng có trách nhiệm nâng cao năng lực y tế trong doanh nghiệp, trong việc kết nối với y tế địa phương.

Vấn đề nữa là tổ chức trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào tiêu chí đánh giá năng lực đáp ứng của y tế các tỉnh khi đánh giá các cấp độ dịch. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang triển khai rất hiệu quả và thực tế nó giúp cho các chủ doanh nghiệp yên tâm hơn khi có trạm y tế tại khu công nghiệp và giảm áp lực cho y tế địa phương. Tôi thấy cần phải được nhân rộng mô hình trong thời gian tới để chúng ta có thể chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy.

Thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tới đây, chúng ta đưa ra các định hướng tổng thế là tạo định hướng cơ bản trong công tác phòng chống dịch để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ hai là đảm bảo thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH.

Thứ ba là trong kế hoạch tổng thể, định hướng phân cấp, phân quyền một cách triệt để cho các tỉnh, thành phố để các tỉnh, thành phố chủ động trong công tác phòng, chống dịch cũng như chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ với năng lực và tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, cùng với kế hoạch tổng thể đó, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan luôn quan tâm đặc biệt đến các tỉnh, thành phố có tình hình dịch phức tạp, tức là không chỉ quan tâm đến TP. HCM mà còn quan tâm đến các tỉnh, thành phố khác.

Nếu có diễn biến bệnh phức tạp thì Bộ Y tế, các bộ ngành Trung ương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đều kịp thời hỗ trợ, không để các tỉnh, thành phố nào, khu vực nào bị bỏ lại phía sau. Các tỉnh, thành phố có thể đề xuất, xin hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ y tế và các bộ, ngành khác cũng như các địa phương khác sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh.

Phải nói rằng, với chiến lược phòng chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là với kế hoạch phòng chống dịch mà Bộ Y tế đang chuẩn bị trình Chính phủ, chúng tôi cho rằng kế hoạch này vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội và nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển.

Bàn về vấn đề này, ông Trần Việt Anh cho biết, trong tháng 7-9, đã có ý kiến về việc nên có bệnh viện dã chiến ở các khu công nghiệp khi có khu công nghiệp có tới hàng trăm, chục nghìn nghìn lao động. Chủ trương đã được thông qua, việc này rất quan trọng.

 

 

Người lao động ở các khu công nghiệp khi bị F0 thì tâm lý của F0 rất sợ hãi, hoang mang nếu phải tới các bệnh viện dã chiến ở xa nơi làm việc và nơi ở của họ. Khi chúng ta có bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp, họ cảm giác như đó là phòng khám y tế của nhà thì sẽ khiến họ rất yên tâm.

Một điều kiến nghị nữa là số lượng người lao động ở khu nhà trọ tương đương với số lao động ở khu công nghiệp. Do đó, y tế của địa phương ngoài y tế lưu động cho dân thì khu nhà trọ 500-2.000 người lao động tập trung cũng cần được đảm bảo về y tế. Nếu có y tế lưu động ở ngay trong khu công nghiệp thì sẽ khiến họ yên tâm, bớt hoang mang.

Về vấn đề ý thức, người lao động ý thức hoạt động trên cơ sở quy trình để mô tả công việc, ra sản phẩm tốt, còn ý thức về phòng dịch ngoài việc bắt buộc phải thực hiện thì họ cũng mong muốn được đảm bảo an toàn ngay tại chỗ, chứ không phải đi chữa bệnh ở xa.

"Chúng ta cũng nên dùng một từ khác để thay cụm từ “khu cách ly” và “bệnh viện dã chiến” sao cho nhẹ nhàng hơn, để người lao động cảm thấy họ đi khám sức khoẻ, hoặc điều trị tăng cường, chứ những cụm từ kia sẽ tác động tiêu cực rất nhiều đến người lao động. Chúng ta phải có những biện pháp gần gũi để ổn định tâm lý cho họ", ông Việt Anh nhấn mạnh.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top