Thiếu nguyên liệu sản xuất, vướng mắc trong thủ tục hải quan là những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu điều đang gặp phải. Vì thế, để giữ vững kỷ lục 12 năm liền đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, những rào cản này cần sớm được gỡ bỏ.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Danh Lam.
Thiếu nguyên liệu trầm trọng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng điều nhân xuất khẩu đạt 165.000 tấn, với kim ngạch hơn 1,617 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và 27% về giá trị so với cùng kì năm 2016.
Ngành chế biến và xuất khẩu điều Việt Nam đã lập kỉ lục 11 năm đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều. Theo dự báo của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 2017, ngành điều Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, với sản lượng 360.000 tấn điều nhân các loại, để lập kỉ lục 12 năm liền đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS, trong 6 tháng đầu năm, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho chế biến nên các doanh nghiệp đã phải nhập thêm 400.000 tấn nguyên liệu chất lượng cao từ châu Phi, Bờ Biển Ngà.
Ông Nguyễn Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cho biết, công ty đã xuất khẩu 4.300 tấn điều nhân chế biến sang các thị trường Mỹ, châu Âu..., đạt kim ngạch gần 40 triệu USD, tăng 10% về lượng cũng như giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Để đảm bảo kế hoạch sản xuất, công ty đã nhập 35.000 tấn nguyên liệu từ Bờ Biển Ngà để ứng phó với việc thiếu hụt nguyên liệu trong nước, vừa dự trữ nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu cả năm.
Theo ông Thanh, một trong những nguyên nhân khiến điều nguyên liệu thiếu trầm trọng là do hiện tượng mưa trái mùa làm cho sản lượng điều niên vụ 2016-2017 giảm so với niên vụ trước. Đó là chưa kể vài năm trước, giá điều nguyên liệu không ổn định, thấp hơn nhiều so với các loại nông sản khác nên nông dân đã phá bỏ điều chuyển sang trồng tiêu, cà phê,... Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2017, toàn ngành phải nhập khẩu thêm 500.000 tấn điều thô, cùng với nguồn nguyên liệu được chuẩn bị trước từ hồi đầu năm 2017, mới đáp ứng được các hợp đồng đã ký.
Theo dự báo, hiện thị trường tiêu thụ điều thế giới có chiều hướng tăng dần. Thế nhưng, vì nguồn nguyên liệu điều cho chế biến, xuất khẩu khan hiếm nên giá nguyên liệu điều trong nước sẽ không giảm mà có chiều hướng tăng cao, nguồn nguyên liệu điều thô chất lượng thấp cũng sẽ tăng giá hơn so với trước đây, đặc biệt là khoảng từ tháng 10 đến tháng 12/2017. Do đó, nhiều nhà máy sẽ giảm công suất chế biến và một số nhà máy nhỏ sẽ phải đóng cửa.
Kiến nghị linh hoạt trong khai báo hải quan
Không chỉ gặp khó trong khâu nguyên liệu, ngành điều cũng đang gặp vướng mắc ở một số thủ tục hải quan. Mới đây, VINACAS đã có văn bản đề nghị các bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT cho phép DN ngành điều được linh hoạt lựa chọn khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hoặc chi cục hải quan của tỉnh/thành phố nơi DN đặt cơ sở sản xuất, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi DN.
Cụ thể, tại Văn bản 115/2017/CV-HHĐ ngày 25/7 gửi tới các bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, đồng kính gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và chi cục hải quan các tỉnh/thành phố, VINACAS nêu rõ: Theo thông tin từ DN hội viên của VINACAS, từ cuối tháng 7 đến nay, hàng trăm container điều thô nhập khẩu và điều nhân xuất khẩu về tới cảng TP.Hồ Chí Minh buộc phải lưu công, lưu bãi chờ thông quan.
Đó là bởi vướng mắc các quy định mới về khai báo hải quan, căn cứ Công văn số 4828/TCHG-GSQLngày 27/6/2017 và Công văn số 4824/TCHQ-GSQL ngày 20/7/2017 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, theo các công văn nêu trên, thay vì trước đây DN được phép làm thủ tục khai báo hải quan và kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nơi hàng đến (một cửa) thông qua Chi cục Hải quan tại TP.Hồ Chí Minh với thời gian và thủ tục thông quan nhanh chóng thì nay DN bắt buộc phải khai báo hải quan tại chi cục hải quan của tỉnh/thành phố nơi DN đặt cơ sở sản xuất (Bình Phước, Đồng Nai….).
Theo VINACAS, quy định mới này đã phát sinh thêm một cửa thứ hai vì việc kiểm dịch thực vật vẫn bắt buộc phải thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Cơ quan Kiểm dịch Thực vật vùng II không thể lấy mẫu kiểm dịch ngay khi hàng mới về tới cảng TP.Hồ Chí Minh mà phải đợi hàng hóa đã được kiểm tra xong bởi chi cục hải quan của tỉnh/thành phố, nơi DN đặt cơ sở sản xuất, mới tiến hành lấy mẫu kiểm dịch.
“Như vậy, một lô hàng sẽ phải được vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh/thành phố có liên quan (để thông quan) và có thể từ các tỉnh/thành phố kéo về TP.Hồ Chí Minh (để kiểm dịch), sau đó quay ngược lại các tỉnh/thành phố (để nhập kho và đưa vào sản xuất), gây lãng phí thời gian và chi phí liên quan cho DN và xã hội (như gia tăng chi phí lưu công, bãi; gia tăng thời gian vận chuyển hàng hóa từ cảng về kho của DN; trì hoãn thời gian xếp dỡ và tiến độ sản xuất, giao hàng cho khách…)”, văn bản của VINACAS nêu rõ.
Căn cứ điều kiện thực tế của ngành điều với lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu lớn và vòng quay trong sản xuất, chế biến nhanh, VINACAS đề nghị các cơ quan liên quan cho phép DN ngành điều được linh hoạt lựa chọn khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hoặc chi cục hải quan của tỉnh/thành phố nơi DN đặt cơ sở sản xuất, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi DN.
Không chỉ vướng thủ tục hải quan mới, trước đó, Chủ tịch VINACAS Nguyễn Đức Thanh đã ký văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội chủ hàng Việt Nam nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành điều trước tình trạng hàng hóa bị “kẹt” tại cảng.
Theo phản ánh của các DN thành viên VINACAS, trung bình thời gian vận chuyển của một số lô hàng, kể từ lúc xếp hàng lên tàu tới cảng đến mất 60-70 ngày, trong khi thông thường thời gian vận chuyển tối đa chỉ 30-45 ngày.
Có lô hàng về gần tới cảng đến thì mới có vận đơn (B/L) gốc, có lô hàng nằm tại cảng trung chuyển (Malaysia, Singapore,…) tới 30 ngày trước khi về Việt Nam. Khi về tới Việt Nam bị kẹt tại cảng Cát Lái do hàng hóa ùn ứ, dẫn đến việc thông quan diễn ra rất chậm.
VINACAS cho rằng, việc trì hoãn vận chuyển của các hãng tàu, vì lý do chủ quan hay khách quan, đang gây ra những tổn thất nặng nề cho cả người bán lẫn người mua. Thời gian vận chuyển kéo dài, khi về tới Việt Nam, nguyên liệu sẽ bị giảm phẩm cấp, chất lượng, mọc mầm…, gây tổn thất nặng nề cho DN.
Bên cạnh đó, do thời gian vận chuyển kéo dài, DN sẽ không có đủ lượng hàng hóa đưa vào sản xuất kịp thời để giao hàng cho các đơn hàng xuất khẩu điều nhân đã ký, sẽ bị khách hàng khiếu nại và yêu cầu đền bù hợp đồng.
Rõ ràng, những khó khăn trên đang khiến ngành điều chậm phát triển dù tiềm năng là tương đối lớn. Vì vậy, rất cần một hệ thống giải pháp đồng bộ để nâng cao vị thế của ngành.
Nguyên Hoa
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.