Nhiều địa phương ở Quảng Nam, Đà Nẵng, nông dân không trọn niềm vui vì năng suất lúa đông xuân đạt thấp.
Nông dân nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân để chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ hè thu 2022.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong xây dựng hệ thống trạm bơm điện, bê tông hóa kênh mương nên nguồn nước tưới cho cây lúa luôn đảm bảo. Đồng thời, ngành nông nghiệp cơ cấu các loại giống lúa có chất lượng tốt và thời tiết tương đối thuận lợi nên năng suất lúa không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân 2021-2022 lại không đạt kỳ vọng như mong đợi vì thời tiết cực đoan, dị thường liên tục xuất hiện từ sau Tết Nguyên đán.
Ông Đinh Văn S. (xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng) nói: “Cuối tháng 3 và đầu tháng 4, 2 sào lúa nhà tôi đang chín vàng thì mưa lớn bất ngờ kéo dài khiến toàn bộ diện tích ngập sâu trong nước, nên đến độ thu hoạch năng suất bị giảm nhiều. Bình quân 1 sào chỉ đạt khoảng 260kg lúa khô, giảm gần 80kg so với vụ đông xuân trước”.
Tại các địa phương trồng lúa của tỉnh Quảng Nam, thời tiết cực đoan cũng ảnh hưởng phần nhiều đến sản lượng lúa thu hoạch. Bà Trương Thị Hoài Nhân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Duy Xuyên, thông tin: “Do nhiều ruộng lúa bị ảnh hưởng nặng trong đợt mưa to, gió mạnh bất thường xảy ra cách đây gần 1 tháng nên vụ này huyện Duy Xuyên không được mùa như những vụ đông xuân trước. Ước tính, năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ đạt khoảng 53 – 55 tạ/ha, giảm 8 – 10 tạ/ha so với năm trước”.
Nông dân ở nhiều địa phương khác của Quảng Nam, Đà Nẵng cũng không trọn niềm vui vì năng suất lúa đông xuân đạt thấp. Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ này toàn tỉnh Quảng Nam sản xuất 42.132ha lúa, trong đó có 38.310ha chủ động nước tưới và 3.822ha phụ thuộc nước trời. Mưa lớn bất thường đã khiến cho lượng nước tăng cao đột ngột, nhiều diện tích lúa trong tỉnh ghi nhận tình trạng ngập úng kéo dài trong những ngày mưa liên tục.
Ngành chuyên môn ước tính, đông xuân năm nay năng suất lúa bình quân của tỉnh Quảng Nam chỉ đạt khoảng 56 tạ/ha, giảm 5 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là tại nhiều nơi có hàng loạt ruộng lúa bị chìm trong nước, ngập úng nghiêm trọng trong đợt mưa to, gió mạnh bất ngờ xảy ra hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022.
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng có liên quan cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, để những vụ mùa tiếp theo người nông dân có định hướng kịp thời.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…