Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 1 năm 2019 | 13:47

Thu hàng chục tỷ nhờ áp dụng phương pháp nuôi cá “sông trong ao”

Phạm Văn Nhiêu đã mạnh dạn thay đổi lối mòn trong môi trường nuôi truyền thống bằng phương pháp nuôi cá “sông trong ao” theo công nghệ tiên tiến, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

1.jpg
Mô hình nuôi cá của gia đình anh Phạm Văn Nhiêu cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

 

Khởi nghiệp chỉ với 1 sào ao, 1 chiếc xe thồ chở cá giống đem bán cho người dân tại các xã trong huyện. Sau gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá, anh Phạm Văn Nhiêu (sinh năm 1970, thôn Đông Ninh xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) đã mạnh dạn thay đổi lối mòn trong môi trường nuôi truyền thống bằng phương pháp nuôi cá “sông trong ao” theo công nghệ tiên tiến, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đi lên từ bàn tay trắng

Sinh ra trong gia đình ở vùng nông thôn, năm 21 tuổi, Phạm Văn Nhiêu xây dựng gia đình với chị Ngô Thị Lụa, cô gái cùng thôn. Lúc bấy giờ vợ chồng anh được bố mẹ cho 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ao và chiếc xe thồ để lập nghiệp. Cuộc sống mưu sinh, lam lũ vất vả, nghèo khó quanh năm thôi thúc anh phải vươn lên thoát nghèo, khát vọng làm giàu ngày một lớn trong anh.

Năm 2000, nhận thấy huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) có điều kiện tự nhiên thích hợp cho nuôi tôm sú, Nhiêu vay mượn trên 100 cây vàng để đấu thầu 7ha trong vòng 20 năm nuôi giống tôm này. Tuy nhiên, do ban đầu còn thiếu kinh nghiệm, nguồn nước bị ô nhiễm cộng thêm thiếu vốn nên anh gặp nhiều khó khăn trong đầu tư và kỹ thuật chăm sóc nuôi. Do đó, hiệu quả chỉ là “lấy công làm lãi”.

Làm ăn kinh tế khó khăn là vậy, nhưng ý chí làm giàu chưa bao giờ nhạt phai trong suy nghĩ và hành động của Nhiêu. Nhờ các mối quan hệ làm ăn,  biết được thị trường tiêu thụ cá giống tại Trung Quốc thời điểm đó rất tiềm năng, Nhiêu trở về quê hương thu mua cá giống mang sang Trung Quốc tiêu thụ. Tại đây, anh nhận thấy không chỉ cá giống mang lại hiệu quả kinh tế cao mà mô hình nuôi tôm càng xanh và cá chim trắng cũng phát triển không kém. Nhờ sự nhanh trí, anh đã mày mò học hỏi kinh nghiệm từ tiểu thương của nước láng giềng, mang kiến thức ấy về phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Sau khi tiếp cận thị trường và điều kiện tự nhiên tại các tỉnh Nam Bộ như: Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long…, năm 2005, anh nhận thấy tôm càng xanh và cá chim trắng phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Nhiêu lại tiếp tục vay mượn để xây dựng trại nhân giống tôm càng xanh, cá cảnh với quy mô trên 3.000 m2/trại tại các tỉnh này, cung cấp con giống cho thị trường các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc.

Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, lựa chọn hướng đi đúng, cuộc sống của gia đình Nhiêu dần khá lên. Chính những tháng ngày vất vả đã khiến anh nung nấu ước mơ làm giàu, trước là vì bản thân và gia đình, sau là để có điều kiện kinh tế giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Sáng tạo và quyết đoán

Sau khi phát triển hiệu quả mô hình nhân giống tôm càng xanh, cá chim trắng… tại các tỉnh phía Nam, nhờ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi mà mô hình kinh tế của gia đình anh Nhiêu phát triển ổn định, các sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Khi đã có kinh nghiệm và vốn, năm 2008, Nhiêu bàn bạc cùng gia đình đầu tư xây dựng hệ thống bờ vùng, bờ thửa nuôi cá tra rộng 3ha. Quy trình ương giống cá tra được anh tiến hành rất cẩn thận. Ao được xây dựng như ao nuôi cá nước ngọt thông thường, nguồn nước cấp vào luôn đảm bảo sạch, không có mùi khoáng chất gây hại cho cá, độ PH duy trì ở mức 7- 8,5, độ mặn 1-2 phần ngàn. Để đảm bảo cho cá phát triển tốt, anh  tiến hành xử lý đáy ao bằng các phương pháp diệt tạp, rắc vôi bột, bón cho ao đảm bảo mặt ao thông thoáng, không ô nhiễm.

Theo anh Nhiêu: “Nuôi cá tra tại miền Bắc có lợi thế hơn miền Nam ở chỗ nguồn nước có nhiều ôxy, nên cá ít bị nhiễm bệnh. Mỗi năm gia đình anh thả 2 lứa cá tra với trọng lượng thu hoạch 1,7- 1,8kg/con. Tỷ lệ cá sống đạt 90%, hàm lượng dinh dưỡng, đạm trong cá đảm bảo tương đối tốt. Trừ chi phí, thu lãi 100 triệu đồng/ha ao nuôi”.

Không dừng lại ở đó, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, anh và gia đình tiếp tục nhận đấu thầu 13ha ngoài bãi nuôi cá giống và tôm thẻ chân trắng. Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng, gia đình anh khá mạo hiểm khi đầu tư phát triển kinh tế trên khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm.

Đi đầu trong áp dụng công nghệ mới

 

2.jpg
Ao cá của anh Phạm Văn Nhiêu

 

Nhưng với quyết tâm và sự ủng hộ của người thân, năm 2018, Nhiêu mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi cá “sông trong ao”  theo công nghệ của Israel. Anh bắt tay vào cải tạo khu ruộng trũng thành các ao nuôi thả cá, tiến hành ngăn và xây 2 bể xi măng giữa lòng ao dùng để nuôi cá lăng và cá điêu hồng. Để mô hình phát huy hiệu quả, Nhiêu tiến hành lắp đặt hệ thống sục khí và máy tự động hút phân thải của cá dẫn ra ngoài, bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Thường xuyên đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch. Sau khi cho cá ăn, toàn bộ chất thải của cá sẽ theo dòng nước chảy trong bể và đọng lại ở bể tĩnh phía sau. Như vậy, môi trường nước ao nuôi luôn giữ được trong, sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định. Chỉ sau 5 tháng nuôi thử nghiệm, mô hình đã thành công ngoài mong đợi. Với 2 “sông” đầu tiên, anh thu hơn 80 tấn cá, lãi gần 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tận dụng phân và thức ăn dư thừa của cá, Nhiêu xây dựng đường ống hút thải cơ học thu gom và thải sang đầm nuôi rươi rộng 10ha của gia đình. Chỉ tính riêng năm 2018, từ đầm rươi này, anh thu hoạch được 6 tấn, bán với giá  350.000 – 400.000 đồng/kg.

Từ các mô hình trên, mỗi năm gia đình anh Nhiêu thu nhập hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6 – 10 triệu đồng/tháng.

Hướng tới sản xuất thực phẩm an toàn

Định hướng về chiến lược phát triển trong thời gian tới, Nhiêu bộc bạch: “Tôi đang tiếp tục đấu thầu thêm 3ha ở vùng bãi xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng và 100ha thuộc huyện An Lão (TP. Hải Phòng) để mở rộng quy mô nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” và nuôi cá tra. Song song với đó, bản thân sẽ phải chạy đua theo khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đó là hướng nuôi cá tra theo chuẩn VietGAP. Đồng thời, sẽ xây dựng nhà máy chế biến cá tra đầu tiên tại huyện Tiên Lãng, từ đó tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm giúp nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn sạch và an toàn”.

Ông Vũ Anh Chuẩn, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Minh,  cho biết: “Gia đình anh Nhiêu là hộ làm ăn kinh tế theo hướng bền vững của xã. Nhiều năm gần đây, gia đình tập trung cải tạo vùng bãi ven sông Thái Bình để nuôi cá, tôm, rươi… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là gia đình đầu tiên của huyện Tiên Lãng áp dụng mô hình nuôi cá theo phương pháp “sông trong ao”. Anh Nhiêu vừa làm ăn kinh tế giỏi lại có tinh thần đóng góp xây dựng quê hương, ủng hộ địa phương làm đường giao thông, tham gia hoạt động từ thiện, giúp đỡ người dân khó khăn trong xã”.

Với bản lĩnh và kinh nghiệm gần 30 năm lăn lộn với nghề nuôi cá, gia đình anh Nhiêu từ hộ khó khăn nay  trở thành hộ khá giả ở địa phương. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con ở các địa phương về kinh nghiệm nuôi thủy sản và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top