Những năm qua, có không ít nông dân ở các địa phương trong tỉnh Thái Bình đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí, có hộ đã thu về hàng tỷ đồng/năm.
Xin giới thiệu một điển hình trong số những điển hình của tỉnh Thái Bình.
Chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Trang trại Surfam là một trong những điển hình tích tụ ruộng đất, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích 5,5ha, trang trại Surfam của gia đình anh Trần Văn Thưởng, xã Hồng An (Hưng Hà) trồng hàng nghìn cây ăn quả theo quy trình VietGAP như táo lê, ổi lê, cam Vinh, cam đường Canh,… Ngoài trồng cây ăn quả, anh còn nuôi gà thịt, tận dụng nguồn phân ủ mục bón cho cây trồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về của trang trại Surfam vào khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, ổi lê đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho gia đình anh Thưởng bởi ổi lê cho thu hoạch quanh năm. Trên diện tích 2,5ha trồng ổi, mỗi năm anh thu hoạch 100 - 120 tấn quả.
Ngoài ra, dù chỉ cho thu hoạch 1 vụ trong năm nhưng cam cũng đang là một trong những cây trồng chủ lực tại trang trại Surfam bởi một gốc cam cho thu hoạch khoảng 1 tạ quả. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, việc bán cam chậu cũng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Để cam có chất lượng tốt và lưu quả trên cây được lâu, anh Thưởng chia sẻ: Phải “luyện” cây từ rất sớm, cho cây cam làm quen với môi trường sống trong chậu cảnh có khi tới 1 năm. Bên cạnh đó, để cây có dáng đẹp, phù hợp với việc trưng bày trong dịp Tết, những người thợ của trang trại Surfam cũng đã dày công cắt tỉa, uốn ép,…
Ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An, chia sẻ: Trang trại Surfam của gia đình anh Thưởng nằm trong vùng chuyên màu, cây ăn quả thuộc đất bãi ven sông với diện tích 140ha. Trước đây, toàn bộ diện tích rộng lớn này của 1.000 hộ dân, chủ yếu chỉ trồng ngô, khoai, những cây trồng cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau chuyển đổi, 36 hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả mang hiệu quả cao như bưởi, cam, nhãn, táo, ổi, chuối tây, chuối tiêu,... Với những kết quả đã đạt được, chúng tôi tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Có được thành công như ngày hôm nay ở trang trại Surfam, anh Thưởng chia sẻ, đó không chỉ là những tháng ngày mòn mỏi “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà còn là hiệu quả của cả quyết tâm, mày mò nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp cho công việc của nhà nông bớt cực nhọc.
Để các loại cây trồng đạt năng suất cao, thời gian đầu, anh cùng cộng sự dày công tìm tòi, đến nhiều địa phương trên cả nước có những mô hình trồng cây ăn quả thành công để học hỏi kinh nghiệm, cách thức sản xuất và nghiên cứu thị trường. Tiếp đến, trên diện tích đất đã quy hoạch, an tiến hành đo độ pH ở từng góc đất, trên cơ sở đó có phương án cải tạo đất cho phù hợp với sự phát triển của các loại cây, qua đó có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng. Hiện, các loại cây trồng như táo, ổi lê,… đã phát triển ổn định, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Ba năm nay, trang trại Surfam đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt - một công nghệ nổi tiếng trong lĩnh vực trồng trọt của Israel, là giải pháp tưới cho những khu vực ít nguồn nước tưới tự nhiên.
Mang băn khoăn: Tại sao giữa vùng có nguồn nước dồi dào mà trang trại Surfam vẫn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt? Tôi được giải thích: tưới nước, bón phân là khâu quan trọng đối với cây trồng nhưng không phải cứ tưới nước nhiều là tốt. Áp dụng công nghệ này giúp điều tiết được lượng nước tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, khi bón phân bằng công nghệ tưới nhỏ giọt rất thuận tiện, cây sẽ được thấm đều, lại tiết kiệm được phân bón cũng như công sức lao động.
Anh Thưởng cho biết: Để tưới được một sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) vườn, nếu theo cách thông thường thì cần tới một ngày công lao động nhưng khi sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thì cần chưa tới hai giờ đồng hồ. Như vậy, tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, ngoài ra, cách làm này cũng giúp phân bón thấm đều và có khả năng giữ được độ ẩm đồng đều trong tầng đất canh tác, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…