Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thông qua, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tới nhiều hy vọng về sự khởi sắc, đi lên của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ không chỉ trong năm 2022 mà còn cho các năm tiếp theo.
Đây là gói chính sách được doanh nghiệp (DN) và người dân rất kỳ vọng, mong mỏi. Quốc hội đã thể hiện rõ sự vào cuộc kịp thời và đồng hành cùng Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và DN. Tuy nhiên, vấn đề cần đặc biệt lưu ý là khả năng hấp thụ chính sách của nền kinh tế, của DN.
Bắt tay vào việc ngay
Năm 2022, kinh tế nước ta sẽ có triển vọng hơn rất nhiều so với năm 2021 bởi về cơ bản, chúng ta đã trở lại nhịp sống “bình thường mới”, người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở tốp đầu thế giới nên có thể triển khai biện pháp sống chung an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đã quyết định thực hiện gói hỗ trợ mới lớn nhất từ trước tới nay cho cộng đồng DN, người dân nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Gói hỗ trợ lớn là rất thiết thực ngay trong lúc này nhưng cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ vừa mới ban hành không thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và triển khai càng sớm càng tốt trên các lĩnh vực, từ phục hồi lao động cho đến kích thích bằng hỗ trợ lãi suất cho DN. Chính phủ cũng cần tính toán bảo lãnh và xây dựng gói vay riêng cho các DN nhỏ và vừa…
Các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, để các chính sách tài khóa, tiền tệ phát huy hiệu quả cao nhất, phải thúc đẩy thực hiện các giải pháp toàn diện, các giải pháp phi tài chính, mở cửa thị trường kiên định theo lộ trình chủ động, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư...
Ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định 167/QĐTTg phê duyệt “chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, khoảng 10.000 DN tư nhân được hỗ trợ. Mục tiêu là, phát triển bền vững DN khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ TN và MT, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. |
Đối với DN, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Ngô Thanh Bình cho hay, trải qua năm 2021 với nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, may mắn là tới nay công ty vẫn tồn tại, có cơ hội để tiếp tục phát triển. Chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN đã có, điều mà nhiều DN mong muốn là việc triển khai các giải pháp hỗ trợ cần phải nhanh chóng, vì hơn lúc nào hết, đây mới là thời gian DN cần nhất. Bên cạnh đó, là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công ty cũng mong chính quyền địa phương có sự quan tâm hơn nữa, bởi đây là một trong những lĩnh vực sản xuất của tương lai. Được quan tâm và có định hướng rõ hơn để vực dậy sau đại dịch Covid-19, đây là cơ hội để DN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực và thương hiệu của mình, cũng như góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, Nghị quyết 11/NQ-CP ra đời trong thời điểm này là rất kịp thời. Với việc ra đời rất nhanh, có thể thấy, Nghị quyết sẽ nhanh chóng đi vào đời sống xã hội. Từ đó tác động tích cực đến sản xuất, tiêu dùng; thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ trong năm 2022.
Thực tế tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và đầu tháng 2/2022 có nhiều chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 6,3%, trong đó xuất khẩu tăng 1,6%; nhập khẩu tăng 11,5%; cả nước có 13.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng, tăng 28,9% về số DN, tăng 24% về số vốn đăng ký; vốn đăng ký FDI tăng 4,2%... Đây tiếp tục là động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng, tạo niềm tin cho người lao động, nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam đã mở đường bay thương mại thường lệ đến 10 nước và vùng lãnh thổ. Rất nhiều phương án đã được đưa ra nhằm khôi phục hoạt động hàng không với thế giới… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tỷ lệ phủ vaccine cao vào cuối năm ngoái, cùng với việc đẩy mạnh tăng cường tiêm thêm mũi thứ 3, kinh tế Việt Nam dự báo có sự hồi phục với những tín hiệu tươi sáng, lạc quan trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong 2 năm 2022 - 2023. Nhiệm vụ đưa ra cho các bộ, ngành là phải triển khai ngay, chậm nhất trong quý I/2022.
Hiện nay, một số nhiệm vụ các bộ, ngành đã chủ động thực hiện như chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời, có các cơ chế giám sát để đảm bảo chương trình triển khai minh bạch.
Trong khi đó, Bộ GTVT đã kiến nghị phương án mở lại tất cả chuyến bay quốc tế từ 1/5. Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc tiến trình tiêm phủ vaccine sắp tới. “Nếu độ bao phủ tốt, dịch bệnh được kiểm soát thì việc mở lại đường bay quốc tế có thể sớm hơn. Bộ GTVT sẽ rà soát lại, nếu đủ điều kiện mở lại toàn bộ các đường bay, chúng tôi sẽ kiến nghị mở sớm hơn với những phương án cụ thể trên cơ sở thống nhất với các quốc gia chúng ta khôi phục đường bay”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Tăng tính chủ động cho DN
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc mở cửa sẽ chắc chắn, an toàn, có lộ trình và phù hợp với chiến lược chống dịch và khả năng tiêm vaccine cũng như nguồn cung thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho DN. Đồng thời, hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ phục hồi cho DN, gồm hỗ trợ sức chống chịu đặc biệt ở một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Cùng đó, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; có chính sách quản trị rủi ro, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thống nhất và ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Với tinh thần làm việc quyết liệt, tận tâm, không ngừng nghỉ, ngày 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Với quy mô 350 ngàn tỉ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Trong gói hỗ trợ 350 ngàn tỉ đồng, sẽ tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước 176 ngàn tỉ đồng, trong đó bổ sung gần 114 ngàn tỉ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng. |
Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế phải đảm bảo sự phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn với dịch bệnh, phải đảm bảo sự chủ động sản xuất kinh doanh cho DN trong mọi điều kiện của dịch bệnh.
Ngoài ra, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 từ 6,5-7%/năm, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh xã hội của người dân, người nghèo, các đối tượng yếu thế.
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam cho rằng, gói kích thích này rất cần thiết cho nền kinh tế bởi nó bao hàm nhiều chức năng quan trọng, vừa khôi phục, tạo thị trường, qua đó tác động vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam vẫn rất khó khăn. Chẳng hạn như thị trường, rất cần kích cầu mua sắm nội địa nên gói kích thích này là giải pháp hết sức cần thiết và có ý nghĩa đối với DN.
Hơn nữa, điều quan trọng nhất của Việt Nam là giữ được bình ổn kinh tế vĩ mô. Muốn thế, chúng ta phải có giải pháp kích cầu thị trường như thế nào để không xảy ra lạm phát hay lặp lại câu chuyện lạm phát trong quá khứ. Do đó, gói kích thích cần được tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng về định mức gói hỗ trợ, từ đó tạo nguồn lực đầu tư chính xác hơn đối với đối tượng được thụ hưởng.
“Mong muốn của DN nhỏ và vừa là Chính phủ và Quốc hội cần nghiên cứu định lượng đầu tư mạnh vào các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, nông nghiệp – nông thôn… Qua nghiên cứu về định lượng hỗ trợ và hiệu quả đầu tư, tôi cho rằng khi đầu tư vào các lĩnh vực này sẽ tạo sự lan tỏa rất mạnh. Đặc biệt là hỗ trợ vào hạ tầng cơ bản của các lĩnh vực nêu trên, những DN nội địa, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa, thậm chí DN siêu nhỏ sẽ được thuận lợi hơn, hấp thụ nhiều hơn và có lợi cho nền kinh tế. Gói kích thích phải làm sao hỗ trợ nhiều nhất cho các DN trong nước là DN nhỏ và vừa để tạo đà phát triển. Ngoài định lượng hỗ trợ, gói kích thích cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn để các DN nhỏ và vừa có thể hấp thụ được. Mặt khác, khối DN nhỏ và vừa đang sử dụng, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nên khi gói hỗ trợ kích cầu sản xuất, kinh doanh được các DN này hấp thụ còn góp phần quan trọng vào thị trường lao động việc làm và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Tôi cũng kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ tác động giải phóng sức lao động trong khu vực kinh tế tư nhân”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Cần thêm những giải pháp phi tài chính
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho hay: “Tâm thế vượt qua dịch bệnh” phải là tâm thế của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Toàn bộ các chính sách phát triển của chúng ta theo hướng này. Kết cấu của các giải pháp trong Nghị quyết là phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế và phù hợp với sức chịu đựng của hệ thống tài chính, tiền tệ của đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, dù chúng ta hướng tới mục tiêu phục hồi hay phát triển thì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống vẫn là yếu tố nền tảng, là thành trì bất khả xâm phạm.
Trong bối cảnh này, tôi nhất trí với quan điểm của Chính phủ là đưa ra những chính sách linh hoạt nhưng thận trọng. Tôi cũng nhất trí với việc tích hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ để đưa ra một gói giải pháp hỗ trợ về lãi suất cho DN với lãi suất 2%, mức này tôi cho là phù hợp. Nếu chúng ta thực hiện được gói này, sẽ có thể thúc đẩy được một dòng tín dụng đến hàng triệu tỷ đồng Việt Nam cho nền kinh tế và điều đó sẽ có tác động rất lớn đối với DN. Quan trọng là, dòng tiền này phải được chảy vào DN, các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời và có khả năng phục hồi nhanh. Việc đó sẽ quyết định thành bại của chính sách tín dụng.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, gói giải pháp này chỉ mang ý nghĩa là hỗ trợ, đúng theo tên gọi của nó. Muốn gói hỗ trợ này đảm bảo thực hiện thành công phải thúc đẩy những biện pháp toàn diện, những giải pháp phi tài chính như biện pháp về mở cửa thị trường một cách kiên định theo lộ trình chủ động. Đồng thời, đẩy mạnh những cắt giảm thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Cùng với đó, nhiều chương trình xúc tiến của các bộ, ngành, địa phương đang có nguồn cần đẩy mạnh trong giai đoạn này, để có thể hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi năng lực hấp thụ của DN tùy thuộc rất lớn vào năng lực của DN và phụ thuộc vào các biện pháp hỗ trợ đó của Nhà nước.
Kiểm soát rủi ro, giám sát chặt chẽ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung về phía cung, DN rất khó khăn về đầu ra, chúng ta hỗ trợ cho DN có thể tiếp cận được đầu ra. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất thiếu đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách tài khóa khác nên đã làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách.
Ví dụ như vay vốn rồi gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch. Tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, bất động sản do chúng ta kiểm soát không chặt chẽ. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao trong thời kỳ này. Năm 2010, lạm phát của chúng ta là 9,2%, còn năm 2011 là 18,6%.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hai yếu tố giúp Việt Nam bật mạnh trong năm 2022 là kinh tế số và triển khai hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế. Ông Cường lưu ý: phải kiểm soát lạm phát, tín dụng, nhất là nguy cơ bất ổn vĩ mô có thể xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng, bong bóng tài sản. Còn ông Jacques Morisset, chuyên gia trưởng và quản lý chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng: Để đẩy nhanh tiến trình phục hồi và đẩy mạnh tăng trưởng phải kiểm soát tốt dịch bệnh. Đó là yếu tố tiên quyết. Tiếp đó là chi ngân sách nhiều hơn, giảm các khoản đóng góp và hào phóng hơn với người dân. Thêm nữa là, Chính phủ kiểm soát tốt chính sách tài khóa và nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì Covid-19. |
Việc đầu tư dẫn đến dàn trải, nợ đọng, lãng phí, đình hoãn và nhiều dự án đến năm 2011 chúng ta dừng lại và cho đến nay không giải quyết được hậu quả. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được và để lại các hệ lụy rất lớn.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của chúng ta thiếu sự chặt chẽ. Chính sách thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước. Tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao; các chính sách hỗ trợ thì chưa sát thực tiễn. Những rào cản, điều kiện cho vay vốn của doanh nghiệp cũng chưa được công khai, minh bạch.
“Chính vì vậy, gói kích thích kinh tế giai đoạn tới phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, bảo đảm ổn định. Tôi cho rằng, hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi; hỗ trợ cho dòng tiền, ổn định tài chính và huy động các nguồn lực quốc tế khác. Đặc biệt, phải có kiểm soát rủi ro, có giám sát chặt chẽ trong thực hiện. Chúng ta phải có chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế với quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay-trả và khả năng hấp thụ của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…