Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 3 năm 2022 | 10:42

Thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP: Doanh nghiệp vẫn “rối như canh hẹ”

Thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, nhiều DN hiện gặp vướng mắc khi áp dụng, người tiêu dùng khó được thụ hưởng, dẫn đến chính sách phục hồi chưa như kỳ vọng.

Gần đây, thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí về Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều lấn cấn trong quá trình thực thi. Nhiều doanh nghiệp (DN) gặp vướng mắc khi áp dụng, người tiêu dùng khó được thụ hưởng, dẫn đến chính sách phục hồi chưa như kỳ vọng.

Lúng túng

Tại nhiều điểm kinh doanh như: Siêu thị Co.op Mart, Lotte, BigC… đã áp dụng nghiêm túc giảm thuế VAT trên sản phẩm và ghi rõ sản phẩm nào giảm 8%.

Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết: Ngay sau khi Nghị định 15 được áp dụng, Central Retail đã triển khai ngay giá bán mới theo hướng giảm 2% thuế VAT. Do đã chuẩn bị nhằm bình ổn thị trường từ trước Tết nên Central Retail cam kết đảm bảo giá cả các mặt hàng ổn định, không xảy ra trường hợp đội giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng chấp hành nghiêm việc giảm thuế thì còn nhiều cửa hàng mập mờ trong cách thức triển khai. Tình trạng diễn ra phổ biến nhất hiện nay là các cửa hàng khi thanh toán cho người tiêu dùng không ghi rõ giá sản phẩm có tính thuế GTGT và người dùng có được giảm không. Nhiều nhà hàng, quán cà phê, siêu thị, cửa hàng tiện ích… niêm yết chung chung “đã bao gồm thuế GTGT” chứ không ghi cụ thể mức tăng giảm thuế ra sao. Trong khi không ít người dân không thể xác định sản phẩm mua tại của hàng đã được giảm thuế hay chưa.

 

img_20211016_103053.jpg
Tại siêu thị, có hàng nghìn mặt hàng, khi tra cứu phụ lục của Nghị định 15 không khác gì “ma trận”.

 

Ngày 16/3, sau khi mua hàng tại siêu thị T-mart+ có địa chỉ tại chung cư tòa K- The Spark Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thủy thắc mắc: “Trên hóa đơn của tôi chỉ ghi giá từng loại hàng hóa đã mua, tổng số tiền phải thanh toán và phần giảm trừ bằng 0. Nên tôi cũng không rõ, mình có được khấu trừ 2% giảm VAT theo quy định mới không?”.

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, nhiều DN vẫn không rõ hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp có thuộc phạm vi các đối tượng không được áp dụng, như liệt  kê tại các phụ lục kèm theo Nghị định 15 về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; chưa nắm rõ cách tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ, thời điểm áp dụng thuế suất giảm; việc tách hóa đơn khi bán nhóm hàng hóa, dịch vụ có cấu phần được giảm và không được giảm VAT; hàng hóa mua vào chịu thuế 10%, khi bán ra có được áp dụng 8%...

Trước thực tế trên, đại diện Deloitte Việt Nam cho biết, Công ty đã có những hướng dẫn sơ bộ cho các DN quan tâm tự xác định xem mã hàng hóa, dịch vụ mà DN cung cấp có thuộc đối tượng giảm VAT, sơ bộ theo các bước: Xác định lĩnh vực và sản phẩm đang kinh doanh có thuộc danh mục 12 nhóm ngành, nghề loại trừ không; đối chiếu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh với “Tên sản phẩm” trong các phụ lục của Nghị định 15/2022/NĐ-CP. 

Thậm chí, nhiều DN không dám kinh doanh (do không thể quyết toán được thuế bởi sự chênh lệch VAT đầu vào và đầu ra), đành nằm im nhìn cơ hội đi qua.

“Chúng tôi chỉ mong có hướng dẫn thống nhất để thực hiện cho đúng. Kể cả không được giảm thuế, nhưng các địa phương áp dụng cùng mức thuế giúp DN có thể ghi hóa đơn và thanh toán hợp đồng. Tránh rủi ro pháp lý cho DN, tới kỳ có thể quyết toán được thuế. Việc mỗi nơi áp một mức thuế khác nhau dẫn tới cuối năm làm thủ tục quyết toán thuế rất rủi ro khi thuế đầu vào và đầu ra khác nhau”, lãnh đạo một DN cho biết.

“Ma trận” xác định thuế theo từng mã sản phẩm

Mặc dù Nghị định 15 thực thi được gần 2 tháng, tuy nhiên, nhiều kế toán vẫn “rối như canh hẹ” vừa dò danh mục, vừa hoang mang không biết chính xác hàng hoá của DN thuộc diện được giảm thuế suất còn 8% hay vẫn áp dụng mức 10% như cũ. Đặc biệt, với những DN có hàng nghìn mặt hàng, khi tra cứu phụ lục của Nghị định 15 không khác gì “ma trận”. Cụ thể, DN gặp vướng mắc và khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu.

Không chỉ vậy, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các DN sản xuất. Hay có một số mặt hàng ở tình trạng “lưỡng tính”. Ví dụ, đối với kim loại, sản phẩm làm ra từ kim loại có mã được giảm thuế GTGT xuống 8% nhưng có mã không được giảm. DN phải tự xác định, điều này, gây khó khăn cho các DN.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, kế toán một công ty chuyên sản xuất và thi công cửa nhôm kính, cho biết: “Trước đây thủ tục chứng từ rất nhanh gọn vì đều có thuế GTGT 10%. Nhưng bây giờ phải tìm hiểu sản phẩm đó thuộc nhóm hàng gì, mã ngành đó có được giảm thuế hay không. Như sản phẩm của công ty tôi, khi ở vai trò cung cấp vật tư thì xuất 10%, còn khi thi công lắp đặt lại xuất 8%”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thuý Hồng, Uỷ viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, đánh giá, về mặt chính sách thì đây là chủ trương tốt, nhưng trong quá trình thực tế áp dụng lại đang có nhiều khó khăn, lúng túng. Việc ban hành Nghị định kèm theo phụ lục không khác gì đánh đố DN, một số DN không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế GTGT hay không?

Để xem DN mình có được hưởng thuế GTGT 8% theo Nghị định 15 hay không thì DN phải tự tra mã hàng hóa, dịch vụ để xác định, chứ không phải chỉ tra mã kinh tế. Đối với những DN kinh doanh nhiều sản phẩm cần liệt kê các sản phẩm mà DN mình thực tế đang sản xuất, mua bán, sau đó tra mã sản phẩm ở Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 ứng với tên hàng hóa, dịch vụ của mình sẽ có mã sản phẩm tương ứng. Sau đó, lấy mã sản phẩm đã tra được so sánh với phụ lục I, II, III của Nghị định 15. Nếu rơi vào các ngành hàng đã quy định trong 3 phụ lục đó thì sẽ được miễn giảm.

Theo bà Hồng, trước mắt, Bộ Tài Chính cần lập kênh hỗ trợ trực tuyến để khi có DN phản ánh có thể hỗ trợ ngay. Song,  việc đưa chính sách vào thực tế để thực thi hiệu quả hơn, thiết nghĩ, cơ quan thuế nên ban hành Thông tư hướng dẫn rõ ràng hơn về Nghị định 15.

Tránh trục lợi chính sách

Để triển khai hiệu quả chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm 2022, cần có thêm một số động thái để tránh tình trạng khó áp dụng vì không rõ ràng hoặc việc trục lợi chính sách từ phía đơn vị cung ứng hàng hóa.

“Việc giảm thuế VAT 2% khiến nhiều người thấy vui, vì ai cũng đều phải mua sắm cho sinh hoạt hàng ngày. Việc giảm thuế VAT phù hợp vì sức mua hiện nay suy giảm, giá các mặt hàng đều tăng trong khi thu nhập giảm, thậm chí nhiều người không có thu nhập nên buộc phải cắt giảm tiêu dùng, giờ giá giảm giúp nhiều người vẫn có thể mua sắm được”, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.

Đã có nhiều DN kinh doanh các mặt hàng trong danh mục được giảm thuế GTGT thực hiện giảm thuế cho khách hàng theo đúng quy định. Theo bà Ngô Thị Hồng An, Giám đốc Công ty CP Điện hoa toàn cầu Việt Pháp, việc giảm thuế VAT thời điểm này sẽ giúp DN bán được nhiều hàng hơn, bởi khách hàng được mua sắm những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá không tăng, thậm chí giảm so với trước. Đây cũng là tín hiệu vui để DN mạnh dạn hơn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

“Xét về tổng thể, đây chính là giải pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, tất cả các đơn vị, tập đoàn đang lấy hóa đơn từ DN đều đã nắm được thông tin và triển khai thực hiện ngay. Ngoài việc giảm thuế VAT, các DN cũng rất mong muốn được hưởng thuế thu nhập DN trong gói hỗ trợ của Nhà nước”, bá Hồng An bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, chính sách giảm thuế được thực hiện trong thời điểm này là rất kịp thời. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp sức mua của thị trường tăng lên, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp DN tăng sức cạnh tranh, còn người dân cải thiện được cuộc sống tốt hơn vì giảm được chi phí mua sắm hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chính sách này, cần có thêm một số động thái để tránh tình trạng khó áp dụng vì không rõ ràng hoặc việc trục lợi chính sách từ phía đơn vị cung ứng hàng hóa.

 

Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nội dung nổi bật là giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2022, đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15 quy định về mức giảm thuế này. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02 đến hết năm 2022.

 

“Đây là đòi hỏi cấp bách và việc hướng dẫn là vấn đề không phức tạp. Trong Nghị định 15, sự chuẩn bị của cơ quan chức năng hơi gấp nên không tuân theo các trình tự thông thường. Vì vậy, cơ quan thuế, đặc biệt là Tổng cục Thuế nên xây dựng sớm một danh mục phân loại, áp mã các hàng hóa dịch vụ được giảm thuế để cung cấp miễn phí cho các DN có nhu cầu, từ đó lập danh mục hàng của mình vào sẽ ra kết quả rất nhanh và rất minh bạch”, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Còn theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, việc giảm thuế VAT 2% là quyết tâm lớn của Nhà nước để giảm bớt chi phí về dòng tiền, tạo thuận lợi hơn cho DN trong những lúc khó khăn. Nếu các DN, các cơ sở kinh doanh không rõ hoặc chưa thực hiện việc giảm thuế VAT cho khách hàng do thiếu thông tin là lỗi do cán bộ thuế ở cơ sở. Vì vậy, sự chủ động, phối hợp, hướng dẫn của cán bộ thuế trong quá trình thực thi chính sách này là rất quan trọng.

“Cán bộ thuế trực tiếp ở cơ sở và các cơ quan thuế nên có một kênh tuyên truyền hướng dẫn, hoặc đường dây nóng để DN, hộ kinh doanh còn lúng túng, chưa rõ mặt hàng nào đó được giảm thuế có thể liên hệ để có được sự hướng dẫn, từ đó sẽ phát huy được hiệu quả từ chính sách thuế của Nhà nước”, ông Tô Hoài Nam nêu rõ.

Cần khẩn trương hướng dẫn

Dù Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn, giải thích vướng mắc về giảm thuế VAT cho DN và người dân, nhưng đến nay hướng dẫn vẫn chưa được ban hành. 

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tú (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), vướng mắc lớn nhất đối với DN là việc xác định thuế suất hàng hóa. Ví dụ, đối với dịch vụ ăn uống, có cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn với thuế VAT là 8%. Nhưng cũng có nhà hàng cho biết, vì khách có dùng cả rượu và bia - mặt hàng không được giảm thuế VAT. Do vậy, kế toán đã phải tách hóa đơn riêng cho rượu, bia với thuế VAT là 10%, còn đồ ăn là thuế 8%. Vậy xuất hóa đơn thế nào và thuế suất bao nhiêu là đúng?

Do đó, ông Tú đề nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể và thống nhất việc giảm thuế theo nhóm ngành hay mặt hàng để DN thực hiện. 

DN kinh doanh bia, rượu thì thuế suất mặt hàng này 10%. Nhưng đối với nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thuế suất của dịch vụ này là 8% hay 10% hay phải tách hóa đơn những mặt hàng được giảm thuế riêng?.

“Giảm thuế VAT chỉ gần 10 tháng nữa nên Bộ Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn ngay trong tháng 3 này. Nguyên tắc hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể, thống nhất và tạo thuận lợi cho người thực thi. Đừng chi ly quá như việc phải tách chai bia ra khỏi bàn ăn để tính thuế 10% khiến chính sách rối rắm, gây khó cho người thực hiện. Vì mục tiêu giảm thuế VAT là kích cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh”, ông Tú khuyến cáo.

Cục trưởng Cục Thuế ở một tỉnh miền Bắc cho rằng, phải có phần mềm để DN chỉ cần gõ mặt hàng, dịch vụ vào sẽ biết ngay có được giảm thuế hay không? Phần mềm này do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xây dựng và đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính, ngành thuế và hướng dẫn DN, hộ kinh doanh tra cứu, áp dụng.

 

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn kịp thời về chính sách giảm thuế GTGT 2% một số mặt hàng, dịch vụ.

Theo đó, Bộ Tài chính được yêu cầu sớm xem xét những kiến nghị, phản ánh của DN và người dân để có hướng dẫn, giải thích kịp thời. Việc này nhằm đảm bảo chính sách giảm thuế GTGT phát huy hiệu quả trong phục hồi kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng.

 

Nhiều siêu thị, đơn vị kinh doanh hàng trăm mặt hàng cho biết, họ gặp nhiều khó khăn trong việc xuất hóa đơn. Theo quy định của Nghị định 15, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ có thuế VAT 8%. Trường hợp không lập hóa đơn riêng sẽ không được giảm thuế VAT. Như vậy, cơ sở kinh doanh phải tách hóa đơn cho những mặt hàng, dịch vụ được giảm thuế. Tuy nhiên, để làm được điều này, các siêu thị phải cần thời gian ít nhất nửa tháng xây dựng, thiết kế lại phần mềm chứ không thể nhanh được. 

Do đó, theo các chuyên gia, không nên xử phạt DN do lỗi khách quan, không cố ý vi phạm. Do thời gian bắt đầu áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ mùng 1 Tết Nguyên đán, chưa kể việc giảm thuế cũng chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng khiến DN bối rối trong khâu thực thi.

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top