Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 8 năm 2018 | 16:40

Thực hư chuyện nhãn ngâm lưu huỳnh làm đẹp vỏ?

Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên khẳng định, không có chuyện nông dân trồng nhãn nhúng trái nhãn vào lưu huỳnh để bảo quản, làm đẹp vỏ.

Hưng Yên: Thực hư chuyện nhãn ngâm lưu huỳnh làm đẹp vỏ?

Cứ đến mùa thu hoạch nhãn là rộ lên thông tin nông dân trồng nhãn ở tỉnh Hưng Yên, tỉnh Sơn La… sử dụng lưu huỳnh (S02) để xông nhãn, chống mốc, làm đẹp vỏ…

Mới đây, một trang tin điện tử cũng tiếp tục đăng thông tin như vậy, sau đó được các trang khác dẫn lại. Tuy nhiên, thông tin này ngay sau đó bị dư luận, báo chí cũng như chính người dân ở vùng trồng nhãn phản ứng gay gắt.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, nơi được coi là vựa nhãn ở miền Bắc khẳng định, không có chuyện nông dân trồng nhãn nhúng trái nhãn vào lưu huỳnh để bảo quản, làm đẹp vỏ và ngay sau khi đăng tải thông tin, 1 trang web đã phải liên hệ với ông đính chính, sửa lỗi.
 
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, tỉnh Hưng Yên có4.340ha nhãn, sản lượng thu hoạch năm nay đạt khoảng 42.000 tấn. Từ khi nhãn mới ra hoa đến thời điểm hiện tại, nhãn bắt đầu chín trái, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cử cán bộ hướng dẫn cho bà con trồng nhãn tại các xã, huyện trên địa bàn kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, phòng trừ dịch hại, thu hái, sơ chế, trong đó có quy định “trong vòng 15 ngày trước khi thu hoạch bà con không được phun bất cứ thứ gì lên nhãn”. Vài năm gần đây, nông dân tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động… còn chuyển sang mô hình trồng nhãn VietGAP (ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng nhãn chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) nên có giá bán cao, tăng thu nhập.

Hiện ở Hưng Yên có 2 vùng sản xuất nhãn xuất khẩu theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 30ha, gồm 175 hộ tham gia tại các xã Hàm Tử (Khoái Châu), Hồng Nam (TP Hưng Yên), trong đó có hơn 20ha đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã số giám sát vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ.

Nhiều chủ vườn nhãn ở Hưng Yên cũng chia sẻ, tới mùa nhãn chín, trái ngả đầy vườn, tiêu thụ không kịp, giá bán cũng không cao hơn giá thành bao nhiêu nên sức đâu mà mua thêm hóa chất, lưu huỳnh để phun sấy, tẩm ướp.

Về thông tin trái nhãn được xông lưu huỳnh như mạng xã hội đưa, theo ông Doanh, có thể có sự nhẫm lẫn với loại nhãn IDO của Thái Lan xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ có sử dụng lưu huỳnh để xông nấm mốc và cơ quan kiểm dịch của châu Âu, Mỹ vẫn có thể chấp nhận nếu nằm dưới ngưỡng cho phép là 0,2%. Tuy nhiên, ở Hưng Yên thì hoàn toàn không có việc này.

8.jpg
Ảnh minh họa.
 

Thanh Hóa: Kiểm tra, kiểm soát 11.120 tấn hải sản

Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Từ tháng 4/2018 đến nay, các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Bạng (Tĩnh Gia), Lạch Hới (TP Sầm Sơn) đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát 11.120 tấn hải sản thông qua cảng cá. Ngoài ra, văn phòng còn tổ chức kiểm soát 468 tàu cá, trong đó, 266 tàu xuất cảng, 202 tàu cá vào cảng. Đồng thời, nhắc nhở các tàu cá trang bị đầy đủ các thiết bị giám sát, ghi nộp sổ nhật ký khai thác...

Hiện các văn phòng đang tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của cảng cá và phát tờ rơi đến các ngư dân, chủ tàu cá, thuyền trưởng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; niêm yết công khai quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi cập cảng và rời cảng...

10.jpg
Ảnh minh họa.

 

Hải Phòng: Giá thịt lợn tăng mạnh, cần có giải pháp kịp thời

Những ngày qua, giá thịt lợn tại Hải Phòng liên tục tăng nhanh. Giá lợn hơi từ mức 40.000- 45.000 đồng đầu năm tăng vọt lên tới hơn 50.000 đồng dịp tháng 5 và hiện ở mức 55.000- 56.000 đồng/kg. Vì thế, giá thịt lợn tăng theo. Cụ thể, giá thịt nạc thăn lên tới 130.000- 140.000 đồng/kg; thịt nạc vai, sườn 120.000 đồng/kg. Ngay cả thịt ba chỉ vốn có mức giá thấp trước đây nay cũng tăng lên 110.000- 120.000 đồng/kg. Với mức giá này, chi phí bữa ăn của người dân tăng lên đáng kể do thịt lợn gần như là loại thực phẩm chủ yếu. Cùng với đó, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò, chả, xúc xích… cũng tăng giá theo, bình quân tăng 20.000- 30.000 đồng/kg…


Ngày 3/8/2018, UBND thành phố có Văn bản số 4835 yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT có giải pháp ổn định nguồn cung thịt lợn. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu ngành tổ chức triển khai các biện pháp để sớm ổn định giá và sản xuất thịt lợn theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thống kê nhanh quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay tới tháng 2- 2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT; UBND thành phố kết quả thực hiện.

Được biết, ngành Công Thương cũng đang triển khai các giải pháp để quản lý thị trường thịt lợn. Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nếu có biểu hiện đầu cơ găm giá, đồng thời phối hợp các ngành chức năng kiểm soát thịt lợn nhập khẩu, ngăn chặn không để thịt lợn kém phẩm chất lọt vào thị trường nội địa. Sở Công Thương cũng chỉ đạo nắm sát diễn biến thị trường, yêu cầu các siêu thị, các doanh nghiệp cung cấp thịt lợn bảo đảm nguồn hàng, giữ ổn định giá cả nhằm góp phần kéo giá thịt lợn trên thị trường giảm xuống.

11.jpg
Thịt lợn tăng giá mạnh. (Ảnh: Internet)

Ninh Bình: Bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát, gây hại trên diện rộng

Lúa bị lùn sọc đen (LSĐ) là do virus. Đây là bệnh rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc trừ. Tại Ninh Bình, trong các năm 2009, 2010, 2017, hàng nghìn ha lúa đã bị nhiễm loại bệnh này, nhiều diện tích bị giảm năng suất, thậm chí không cho thu hoạch. ở vụ mùa 2018 này, mặc dù ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình xử lý đất, hạt giống, trừ rầy môi giới, bảo vệ mạ… với quyết tâm không để bệnh LSĐ xuất hiện trở lại nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện tại loại bệnh này đã phát sinh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết: Từ ngày 17/7 bệnh bắt đầu xuất hiện ở HTX Liên Huy, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn và HTX Đông Yên, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô trên giống LT2… ở giai đoạn đẻ nhánh, cuối đẻ nhánh. 

Đến ngày 3/8, bệnh tiếp tục lây lan và gây hại rải rác ở HTX Mùa Thu, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp; xã Văn Phương, huyện Nho Quan trên giống LT2, Khang dân 18 ở giai đoạn cuối đẻ nhánh.

Tổng hợp kết quả các đợt lấy mẫu lúa, rầy gửi đi giám định từ ngày 17/7 đến  3/8 cho thấy: Với tổng số 20 mẫu lúa, 1.020 mẫu rầy thì có 7 mẫu lúa và 97 mẫu rầy dương tính với virus LSĐ. Các địa phương có mẫu lúa, rầy mang virus LSĐ bao gồm: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Tam Điệp. 7/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phát hiện các mẫu lúa, rầy mang virus gây bệnh LSĐ, chỉ riêng thành phố Ninh Bình là chưa thấy, như vậy có thể nói virus LSĐ đang tồn tại ở khắp mọi nơi.

Theo nhận định của ngành chuyên môn thì nguồn bệnh đã xuất hiện và sẽ tăng trong thời gian tới, đặc biệt trên diện tích lúa mùa trung, diện tích lúa gieo sạ. Đặc biệt, năm nay bệnh xuất hiện ngay từ giai đoạn lúa đẻ nhánh, là giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh nên khả năng lây lan lớn. 

12.jpg
Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa mùa tại xã Gia Thịnh (Gia Viễn). (Ảnh: Minh Đường)

 Hải Dương: Bệnh vàng lá di động xuất hiện ở nhiều nơi

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương, bệnh vàng lá di động đã xuất hiện trên các trà lúa mùa ở nhiều nơi trong tỉnh.

Ngoài xã Thanh Hải (Thanh Hà) là nơi đầu tiên phát hiện, bệnh này đã xuất hiện tại các xã Bạch Đằng, Quang Trung (Kinh Môn), Cộng Hòa (Kim Thành), Cộng Hòa (Nam Sách) và thị trấn Thanh Miện. Ngoài ra, các mẫu rầy thu được tại các xã Kim Anh, Cộng Hòa (Kim Thành), Quốc Tuấn (Nam Sách), Hiệp Sơn (Kinh Môn), Thanh An, Cẩm Chế (Thanh Hà) dương tính với virus gây ra bệnh lùn sọc đen phương Nam. 

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân khẩn trương nhổ bỏ các dảnh lúa, khóm lúa nhiễm bệnh đem tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan. Với những diện tích đã nhiễm bệnh trong vụ mùa trước, phải theo dõi, giám sát chặt chẽ rầy phát sinh. Khi mật độ rầy cao, kể cả loại rầy không gây bệnh cũng phải tiến hành phun trừ ngay.
 
9.jpgBệnh vàng lá ở lúa. (Ảnh: Internet)
 
Bắc Ninh: Nhân rộng mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
 
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân thị xã Từ Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỉ lệ hộ khá, giàu, giảm tỉ lệ hộ nghèo.
 
Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong 5 năm qua, bằng sự hỗ trợ thiết thực của tổ chức Hội và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, hội viên nông dân, toàn thị xã (TX) có 80.200 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, trong đó có 1.528 hộ đạt cấp Trung ương, 6331 hộ đạt cấp tỉnh, 15.486 hộ đạt cấp TX, và gần 57.000 lượt hộ đạt cấp cơ sở. Các cấp Hội Nông dân TX đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai tốt công tác khuyến nông với nhiều hình thức phong phú như: Hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, có chính sách hỗ trợ cây, con, giống mới để phục vụ sản xuất… Nhờ vậy, đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình.
 
Đến nay toàn thị xã có 24 trang trại lớn nhỏ và 148 gia trại chủ yếu là chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và VAC tổng hợp… Điển hình như hộ ông Nguyễn Quang Đẩu, xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu (Đồng Nguyên) với mô hình trang trại chăn nuôi lợn tại 2 cơ sở tại phường Đồng Nguyên(TX Từ Sơn) và xã Nghĩa Đạo (Thuận Thành), thường xuyên nuôi 500-600 lợn nái sinh sản, hơn 1.000 lợn siêu nạc xuất khẩu, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 1300 tấn lợn hơi và 4000 con lợn giống bố mẹ; doanh thu mỗi năm từ 45-50 tỷ đồng; Mô hình chăn nuôi gà bố mẹ của hộ ông Trần Văn Tường (Trang Hạ) với diện tích 500 m2 nuôi trên 10.000 con gà đẻ hàng năm xuất ra 750.000 trứng và gà con giống thu nhập trên 7 tỷ đồng/năm.
 
Những kết quả trên khẳng định phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức chỉ đạo phong trào phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm hội viên nông dân và thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từng bước đáp ứng yều cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TX.
13.jpg
Mô hình trồng rau trong nhà kính của ông Nguyễn Khắc Mạnh (phường Đình Bảng)./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top