Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Tạo xung lực mới cho nền kinh tế
RCEP được ví là một “siêu hiệp định”, bởi có sự tham gia của 15 nền kinh tế, khi được thực thi, sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam thiết lập và củng cố thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm qua, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, việc thực thi RCEP sẽ tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử (TMĐT)..., từ đó tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
“Hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có bởi đại dịch Covid-19. Do đó, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch”, ông Phòng nhìn nhận.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI, trong quá trình thực thi các FTA trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA nên không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Nay, Trung Quốc và Hàn Quốc - 2 quốc gia cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam - đều nằm trong RCEP nên các vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan trở nên dễ dàng hơn. Do đó, DN cần tìm hiểu tiến trình, cam kết cụ thể trong RCEP để tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ hiệp định, đặc biệt là cơ hội tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương), cho hay, trong bối cảnh đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn và dài hạn.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, các cam kết RCEP cộng hưởng với hàng loạt Hiệp định thương mại (AFTA) ký kết trước đây sẽ tăng thêm nhiều lợi thế cho Việt Nam, trong đó có ACFTA (ASEAN-China Free Trade Area), AKFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc), ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), AJCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN–Nhật Bản), AANZFTA (Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia và New Zealand)... đang là động lực để thu lợi ích thương mại nếu có sự chuẩn bị lượng hàng lớn và xây dựng chuỗi cung ứng cao, bền vững để chủ động, tích cực khai thác.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc ứng xử chung giữa 15 nước, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn, sự trao đổi giao thương của Việt Nam với các đối tác trong RCEP sẽ ngày càng được mở rộng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định Thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, nhất là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
DN cần chủ động tận dụng tối đa cơ hội
Theo Bộ Công Thương, đến ngày 2/11 vừa qua, có 6 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 4 nước đối tác nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn RCEP cho Tổng Thư ký ASEAN, nên RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra nhiều thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi RCEP thực thi. Đó là vấn đề chất lượng hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Liên Phương, Chủ tịch nhóm Công ty LPVN tại Việt Nam và UAE, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại một số sản phẩm thế mạnh như: Nông, thủy sản… Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng gia công cùng chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng với một số nước thành viên khác, xuất khẩu sang các nước đối tác ngày một khó khăn, khi các nước có những tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, như vậy sẽ là một thách thức.
“Việc thiếu công nghệ trong chế biến và bảo quản đã khiến nông sản Việt Nam ở vào thế bấp bênh, bị cạnh tranh khá gay gắt từ thị trường trong khu vực”, ông Phương nói.
Mặc dù những lợi thế từ các FTA đã được chỉ ra nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trên thực tế, không ít DN Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội do chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về cam kết. Do đó, các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường thông tin, huấn luyện cho DN về nội dung của các FTA, trong đó có RCEP, để DN nắm được việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan.
Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, cho hay, ngay khi RCEP chưa có hiệu lực, các DN xuất khẩu thủy sản trên địa bàn đã khai thác tốt thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, thị trường Australia và New Zealand còn khá xa lạ với DN bởi không thể cạnh tranh với các đối thủ về giá. Với cam kết ưu đãi thuế quan từ RCEP, DN hy vọng có thể tăng xuất khẩu sang các thị trường mới này.
“Sau gần 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, đa phần DN trên địa bàn đã khá mệt mỏi để bám trụ, duy trì sản xuất an toàn. Hiện tại, nhiều DN rơi vào tình trạng có đơn hàng nhưng thiếu nhân công, chi phí vận chuyển lớn… Hầu như ít DN có đủ sức và sự quan tâm dành cho việc nghiên cứu để tận dụng ưu đãi từ các FTA mới như RECP, chỉ chủ yếu bám giữ thị trường cũ. Hy vọng từ đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, DN sẽ có thời gian tính toán và cơ cấu lại thị trường, không bỏ lỡ cơ hội tốt để mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu”, bà Thanh nói.
Lãnh đạo một DN trong lĩnh vực thực phẩm cho rằng, Việt Nam sẽ không tận dụng được ưu đãi từ RCEP một cách nhanh chóng do DN còn đang phải xoay xở hồi phục sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, với RCEP, DN sẽ có thêm cơ hội tốt cho tiến trình hồi phục của mình. Tất nhiên, để khai thác hiệp định có hiệu quả, các bộ - ngành, hiệp hội… cần tăng cường tập huấn, khuyến khích DN chủ động tận dụng ưu đãi.
Chất lượng là yếu tố then chốt
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 trong 4 nền kinh tế lớn nhất châu Á từ lâu đã mong muốn có FTA song phương hoặc đa phương với nhau, nhưng họ không làm được. Chính vì vậy, RCEP đã tạo điều kiện để 3 nền kinh tế này tăng cường đầu tư, xuất - nhập khẩu lẫn nhau và các nước như Việt Nam cũng được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư, xuất - nhập khẩu này.
Như hầu hết FTA khác, RCEP cũng có quy chế tính gộp xuất xứ. Trước khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc không được hưởng ưu đãi thuế quan. Quy định này cũng được áp dụng tương tự như Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản về sản xuất hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng khi thực thi RCEP thì toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc từ các thành viên đều được hưởng ưu đãi thuế quan nên thương mại giữa Việt Nam với các thành viên truyền thống và 2 đối tác mới là Australia và New Zealand sẽ tăng mạnh, thu hút đầu tư từ các quốc gia này cũng gia tăng. Nhưng đây cũng là thách thức trong chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Kinh tế thế giới đang định hình lại chuỗi sản xuất, đại dịch Covid-19 khiến chuỗi sản xuất mới được hình thành nhanh hơn; vấn đề là Việt Nam có tham gia được vào chuỗi mới hay không, tham gia ở mức độ nào? Nếu thành công trong việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu mới đang hình thành với công thức “Trung Quốc +” thì cũng có thể thành công trong việc phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ”, TS. Trần Toàn Thắng cho hay.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, thời gian gần đây, Trung Quốc đã có nhiều quy định mới đòi hỏi cao đối với hàng Việt Nam, gây khó khăn tạm thời.
“Khai thác thị trường này là việc làm lâu dài, quy mô lớn, do đó, DN cần đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn”, ông Lạng nhấn mạnh.
Thông tin về những tiêu chuẩn kỹ thuật mà Lệnh 248, 249 của Trung Quốc sẽ áp dụng ngay từ ngày đầu tiên của năm 2022, Bộ Công Thương phân tích, theo Lệnh 248, toàn bộ DN nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.
Tại Lệnh 249, Hải quan Trung Quốc yêu cầu đánh giá sự phù hợp, đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu (NK) với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý NK với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…
Như vậy, giao dịch hàng hóa, nông sản vào thị trường đông dân nhất thế giới đang có rất nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, không còn “dễ tính” như trước. Đặc biệt, cánh cửa xuất tiểu ngạch qua đường biên mậu sẽ khép lại, các DN phải xây dựng tiêu chuẩn, thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu mới có thể tiếp tục xuất khẩu ổn định sang thị trường này.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: Ngay sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài NK” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất- nhập khẩu”, để đáp ứng với các nội dung quy định trong 2 lệnh này, trong thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực hỗ trợ để các DN kịp đăng ký .
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2022, nếu DN chưa hoàn thành đăng ký và chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã, lô hàng xuất khẩu sẽ không được thông quan. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đề nghị các bên hoàn thiện việc đăng ký DN đến trước ngày 31/12/2021 để hoạt động thương mại giữa hai nước không bị gián đoạn. Như vậy, thời gian không còn nhiều và các DN phải đẩy nhanh tiến độ mới kịp thời gian.
Khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này sẽ mở thêm cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các DN Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc.
Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Đặc biệt, kinh tế thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Điều này đòi hỏi DN Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP chính thức có hiệu lực, có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Khi RCEP có hiệu lực, sẽ mở thêm cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.