Xuất khẩu cá tra đang có nhiều khởi sắc, tuy nhiên các chính sách bảo hộ mậu dịch, truyền thông bôi nhọ cũng khiến ngành này phát triển thiếu ổn định.
Giữ ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu cho con cá tra là hướng đi bền vững và dài hơi cho ngành hàng này.
Nhiều rào cản xuất khẩu
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tính đến hết tháng 7/2018, xuất khẩu (XK) cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng hơn 19% so cùng kỳ năm trước, và dự báo hết năm 2018 có thể đạt con số 2 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Dương Nghĩa Quốc– Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay, XK cá tra phát triển nhưng thị trường không ổn định nên giá bình quân không cao; những thị trường nhập khẩu giá cao là Mỹ và EU thì lại đều đưa ra nhiều rào cản với cá tra Việt.
Đơn cử, tại thị trường Mỹ, việc Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng đạo luật Farm Bill, tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn nhập khẩu được cho là nguyên nhân khiến kim ngạch XK ngành hàng này sụt giảm. Hiện, ở thị trường này chỉ có hai doanh nghiệp (DN) là Vĩnh Hoàn và Biển Đông không chịu thuế chống bán phá giá nên có thể XK với giá 3-4 USD/kg.
Với thị trường EU, XK cá tra giảm vì các nước này lo ngại cá tra Việt Nam sẽ cạnh tranh với cá thịt trắng của họ nên thường xuyên đưa ra những chương trình truyền thông nhằm bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường phát triển mạnh nhất là Trung Quốc, ASEAN, lượng XK nhiều nhưng giá không cao.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, song XK cá tra sang thị trường này hiện cũng gặp nhiều rào cản. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, DN XK đang vướng vì nhiều quy định của Nhà nước Trung Quốc.
Thí dụ, quy định hàm lượng phosphate trong sản phẩm cá tra của EU là không vượt quá 4%, nhưng Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại chỉ đưa ra nhận định “sản phẩm có dư lượng và không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc”.
Đặc biệt, từ khi lượng cá tra XK vào Trung Quốc tăng mạnh, phía Trung Quốc liền đặt ra hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu chính ngạch, nhưng lại thả nổi chất lượng đối với các mặt hàng nhập khẩu đường biên mậu, trong khi hàng biên mậu lại không phải chịu 17% thuế giá trị gia tăng như hàng chính ngạch. Điều này khiến nhiều DN XK cá tra đã đầu tư công nghệ, nỗ lực để được XK chính ngạch gặp thiệt thòi.
Ngoài ra, một trong những thách thức của ngành cá tra Việt Nam hiện nay là các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc cũng đang quan tâm đến phát triển nuôi cá tra, để cạnh tranh với cá tra Việt Nam.
Ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản bày tỏ, mặc dù ngành hàng cá tra sau thời gian dài thực hiện tái cơ cấu và đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn với các rào cản của thị trường truyền thống như Mỹ và EU, đồng thời một số thị trường như Ả rập Xê Út, Nam Mỹ… cũng đơn phương đưa ra những hạn chế việc nhập khẩu.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Trước nhiều nghi ngại về việc các nước tăng sản lượng nuôi cá tra sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam, ông Trần Đình Luân cho rằng, ngành cá tra của Việt Nam đã có chặng đường 20 năm phát triển, trong khi đó, các nước mới bắt đầu bắt tay nuôi cá tra. Mặt khác, ngành cá tra của ta trong thời gian qua đã đầu tư chế biến sâu nên các cơ quan quản lý, cộng đồng DN Việt Nam sẽ tiếp tục tìm ra những hướng đi mới để phát triển ổn định. Trong đó, việc tạo ra con giống tốt sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của ngành cá tra Việt Nam.
Ông Trần Đình Luân cho biết, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tính đến hết tháng 7, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi đạt 4.033 ha, sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn. Hiện giá cá nguyên liệu trong nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng từ 4.500 - 7.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu hiện đang ở mức từ 25 nghìn đồng - 27 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng và hình thức thanh toán.
Theo các chuyên gia, để XK bền vững, cá tra thành phẩm cần phải bảo đảm chất lượng, thay vì chạy theo số lượng. Cạnh đó, Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu cho ngành cá tra. Ông Dương Nghĩa Quốc khẳng định: “Cá tra Việt đang XK tới 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tuy nhiên, ít ai biết tới một thương hiệu cụ thể của Việt Nam. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng chiến lược mới cho ngành này. Bộ NN&PTNT cần có chương trình đẩy mạnh nâng cao chất lượng như khuyến khích DN đầu tư công nghệ, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cùng với việc xúc tiến thương mại mở rộng các thị trường mới cho ngành cá tra”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…