Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 8 năm 2020 | 13:35

Tin 24/7: Giá gạo XK Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

xk-gao.jpg

Bảng giá gạo xuất khẩu của VFA ngày 14/8 cập nhật: Gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 - 497 USD/tấn, trong khi giá giao dịch gạo cùng loại của Thái Lan chỉ đạt 473 - 477 USD/tấn; gạo Pakistan bán từ 423 - 427 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ có giá 378 - 382 USD/tấn...

Như vậy, giá giao dịch gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới đang cao nhất, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tốt hơn một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

“Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường là loại chưa qua chà xát, không có thương hiệu và chịu thuế nhập khẩu rất cao. Khi EVFTA có hiệu lực thì gạo thơm Việt Nam được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm.

Đây thật sự là cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. Một khi đã xuất được vào EU với thương hiệu riêng thì tên tuổi gạo Việt Nam sẽ được thế giới chú ý. Hơn nữa, phải khẳng định là Việt Nam có rất nhiều chủng loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới như ST24, ST25... đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ.”, ông Phạm Thái Bình phân tích.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với chất lượng và giá trị thật. Trong khi các loại gạo thơm Thái Lan được bán 1.200 - 1.300 USD/tấn từ rất lâu thì giá xuất khẩu các loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới của Việt Nam vẫn chưa tới 1.000 USD/tấn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiện Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% thị phần.

Xuất khẩu phục hồi và tăng nhẹ, đạt hơn 147 tỷ USD

Tính đến hết tháng 7, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 147,61 tỷ USD, tăng 1,5% tương ứng tăng 2,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

 

xk.jpg

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 (từ ngày 16-31/7) đạt 25,51 tỷ USD, tăng 19,3% (tương ứng tăng 4,12 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng này.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 7/2020 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước 7 tháng đầu năm 2020 đạt 286,82 tỷ USD, nhưng vẫn giảm 0,8%, tương ứng giảm 2,19 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 172,86 tỷ USD, giảm 5,1% (tương ứng giảm 9,28 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 113,96 tỷ USD, tăng 6,6% (tương ứng tăng 7,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kỳ 2 tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,34 tỷ USD đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của của Việt Nam trong năm 7 tháng đầu năm đạt 8,39 tỷ USD.

Nửa cuối tháng 7, xuất khẩu đạt 13,92 tỷ USD, tăng 27,6% (tương ứng tăng 3,01 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 7/2020.

Các mặt hàng có mức tăng biến động như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 757 triệu USD, tương ứng tăng 42,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 645 triệu USD, tương ứng tăng 37,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 370 triệu USD, tương ứng tăng 38,7%; hàng dệt may tăng 198 triệu USD, tương ứng tăng 14%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 101 triệu USD, tương ứng tăng 19,7%; hàng thủy sản tăng 90 triệu USD, tương ứng tăng 25,2%...

Tính đến hết tháng 7, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 147,61 tỷ USD, tăng 1,5% tương ứng tăng 2,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Về nhập khẩu trong nửa cuối tháng 7, tổng trị giá đạt 11,58 tỷ USD, tăng 10,6% (tương ứng tăng 1,11 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7/2020.

Các nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 391 triệu USD, tương ứng tăng 15%; máy móc thiế​t bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 201 triệu USD, tương ứng tăng 13,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 126 triệu USD, tương ứng tăng 24%...

Hết tháng 7/2020, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 139,21 tỷ USD, giảm 3% (tương ứng giảm 4,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Miến dong Bắc Kạn lần đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu

Ngày 13/8, hơn 5 tấn miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì) đã rời Bắc Kạn để khởi đầu hành trình sang Cộng hòa Séc. Đây là lô hàng nông sản đầu tiên của Bắc Kạn vươn tới thị trường được xem là khắt khe với những yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng.

 

mien.jpg

Miến dong của HTX Tài Hoan trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Bắc Kạn vươn tới thị trường châu Âu. Ảnh: VOV

 

Nghề miến dong đã có truyền thống 60 năm trên mảnh đất Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, miến dong của hợp tác xã Tài Hoan đã được công nhận sản phẩm OCOP với tiêu chuẩn 4 sao.

Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn cho rằng, việc miến dong được xuất sang nước ngoài sẽ là động lực cho các đơn vị, doanh nghiệp khác cố gắng để có thêm những sản phẩm tiếp theo sang thị trường này.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nhất là các sản phẩm đã đạt 4 sao, trên cơ sở sản phẩm đó sẽ phát triển lên sao cho đủ lớn, đủ số lượng, chất lượng để cung ứng. Khi thực hiện được các bước theo phía bạn yêu cầu sẽ ký kết hợp đồng. Phải nói là làm việc với châu Âu thì khá khó, nhưng khi đã có lộ trình nhất định rồi sẽ tạo thành tiền đề, thực hiện thuận lợi hơn" - ông Sáng cho biết.

Hơn 70 nhà nhập khẩu giao thương tiêu thụ sản phẩm nhãn Việt Nam

 

nhan_long.jpg

Người dân mua nhãn lồng Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

 

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Sơn La và tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020”.

Hội nghị thu hút hơn 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam, gồm: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc giao dịch trực tuyến với trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.

Theo đại diện Bộ Công Thương, tiềm năng xuất khẩu quả nhãn tươi và các sản phẩm từ nhãn như nhãn sấy khô, long nhãn, nước nhãn đóng lon… của Việt Nam là khá lớn.

Hiện Sơn La và Hưng Yên là 2 tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc Việt Nam chiếm khoảng 30% diện tích nhãn toàn quốc.

Bên cạnh đó, những địa phương có diện tích trồng nhãn quy mô tập trung đang ngày càng hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, tập trung phát triển các vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, nhãn Sơn La, Hưng Yên có chất lượng cao và hình thức đẹp, hương vị thơm ngon được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng và đánh giá cao.

Trong đó, sản phẩm nhãn Sơn La đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã,” trong khi nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua.”

Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cho thấy, năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 4.600ha trồng nhãn, với sản lượng trên 50.000 tấn.

Với số lượng này, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên thông tin, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trong nước và xuất khẩu sang các nước, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc.

Tuy nhiên, do diễn biến của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, các nhà phân phối, chế biến và chung tay của người tiêu dùng.

“Tỉnh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước kết nối với hợp tác xã, nhà vườn đưa sản phẩm nhãn lồng và long nhãn Hưng Yên đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới,” ông Cử nói đồng thời khẳng định tỉnh Hưng Yên sẽ phối hợp với doanh nghiệp vận tải, logictics để hỗ trợ việc vận chuyển sản phẩm cũng như thực hiện các thủ tục thông quan tại các cửa khẩu phục vụ xuất khẩu với thời gian nhanh và chi phí thấp nhất.

Đắk Lắk: Thanh long ứ đọng, rớt giá khiến nông dân lao đao

 

thanh-long.jpg

Gia đình chị Trần Thị Thu Thảo (xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột) thu hoạch thanh long. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện thanh long bị rớt giá mạnh, đầu ra "bí" khiến người nông dân lao đao.

Các năm trước, giá thanh long dao động từ 7.000 đồng (vào mùa mưa) đến 15.000 đồng (vào mùa nắng), với năng suất trung bình 25 tấn/ha/năm thì người nông dân có thu nhập khá từ cây trồng này.

Hiện nay, xã Cư Êbur vào vụ thu hoạch chính nhưng giá thanh long chỉ được thu mua ở mức 2.000-3.000 đồng/kg đối với hàng loại 1. Giá thấp, thương lái không mua khiến người nông dân "dở khóc dở cười" vì hái cũng lỗ, không hái thì xót.

Gia đình anh Phan Quốc Thiết (thôn 2, xã Cư Êbur) có 800 trụ thanh long, thu nhập mỗi năm từ 100-150 triệu đồng.

Theo ước tính, trong năm nay, vườn thanh long nhà anh đạt 20 tấn, với giá bán 10.000 đồng/kg sẽ mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng, tiền chi phí đầu tư khoảng 30% còn lại là lãi của gia đình.

Anh Thiết cho biết đợt đầu năm 2020, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thanh long giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg nhưng vẫn có người mua. Thế nhưng, khoảng 1 tuần nay, giá thanh long giảm mạnh mà vẫn không có người mua.

Xã Cư Êbur hiện có khoảng 200ha thanh long. Theo người dân, việc trồng và thu hoạch thanh long nhẹ công và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với tiêu, càphê. Một người có thể thu hoạch được 1 tấn thanh long/buổi và không tốn nhiều chi phí về tiền thuê nhân công, về công chăm sóc và phơi, xay xát như trồng tiêu, càphê.

Bên cạnh đó, thanh long cho thu hoạch khoảng 6 vụ/năm (4 vụ chính và 2 vụ phụ), người nông dân có nguồn thu rải rác trong năm, do đó, đây là loại cây trồng được nông dân xã chọn để chuyển đổi cơ cấy cây trồng, phát triển kinh tế gia đình.

Tổ hợp tác thanh long Cư Êbur được thành lập từ tháng 6/2019 với 14 hộ tham gia và 13 ha, đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (đã có giấy chứng nhận VietGAP vào tháng 12/2019) mở ra hướng sản xuất thanh long hữu cơ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Ông Trần Trọng Khánh, Thôn trưởng thôn 2 kiêm Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Cư Êbur cho biết tham gia VietGAP, nông dân được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình và có doanh nghiệp ký kết bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Tuy nhiên, người dân trên địa bàn chưa mặn mà với VietGAP vì cho rằng năng suất, mẫu mã theo hướng trồng hữu cơ không đẹp và bằng hướng trồng đại trà, truyền thống như trước nay.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Về thăm làng miến gạo Quy Chính

    Về thăm làng miến gạo Quy Chính

    Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu đông, chúng tôi tìm về khối Quy Chính, thị trấn Nam Đàn (Nam Đàn, Nghệ An) để thấu hiểu sự vất vả, sáng tạo của người dân nơi đây trong việc làm ra những sợi miến thơm ngon, sạch sẽ.

  • Tôm Cà Mau rộng đường xuất khẩu

    Tôm Cà Mau rộng đường xuất khẩu

    Nhiều năm trở lại đây, con tôm Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế tại nơi sản xuất. Điều này mở ra cánh cửa mới cho người nuôi vì giá cả và chất lượng đảm bảo khi sản phẩm đi vào những thị trường khó tính.

  • Kon Tum phát triển bền vững từ nông nghiệp công nghệ cao

    Kon Tum phát triển bền vững từ nông nghiệp công nghệ cao

    Tỉnh hiện có 17.000 ha cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Cùng với tăng hiệu quả kinh tế, các mô hình nông nghiệp này còn là đòn bẩy đối với toàn tỉnh, mở ra tiềm năng du lịch canh nông hiện đại và bền vững.

Top