Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 4 năm 2020 | 16:59

Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu nông sản

Một số sản phẩm nông sản như tôm, cá tra. lúa gạo... hiện đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu. Nếu dịch Covid-19 sớm kết thúc, các thị trường rộng mở sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các lĩnh vực trọng điểm này.

bap.jpg
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu.

 

Xuất khẩu tôm có nhiều chuyển biến

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh xuất khẩu bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

 Chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam, Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm nay. Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.

Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu tôm của Việt Nam. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tháng 3 năm nay vẫn giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so với tháng 3 năm ngoái do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đại diện một số doanh nghiệp tôm cũng cho biết, dịch Covid-19 có tác động cơ bản đến giá tôm trong thời gian tới. Ngoài ra, do yếu tố thời tiết, kết hợp với dịch bệnh nên việc thả giống tôm nuôi chậm lại so với mọi năm. Điều này khiến giá tôm trong nước sẽ biến động hình sin do thiếu hụt cục bộ, nhất là giai đoạn từ tháng 5 tới sẽ thiếu nguồn cung do hiện nay thả giống nuôi chậm.

Nếu dịch Covid-19 sớm kết thúc, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước, do trình độ chế biến của Việt Nam cao, dẫn tới nhiều sản phẩm Việt Nam vào được các hệ thống phân phối cấp cao, giá cả tốt. Trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, người nuôi sẽ giảm việc thả giống nuôi, mức cung trong nước sẽ giảm, dẫn đến giá cả nếu có giảm cũng chỉ giảm nhẹ vì mức cung chung đã giảm.

Trung Quốc trở lại là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam

Tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 34,7 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020. Thị trường này trở lại là thị trường lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý I/2020.

 

16562910-chot-1502979226538-1557801160951758297632-crop-1557801167976226426600-1587561127823503835056-crop-15875611363721759229049.jpg
dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường.

 

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh xuất khẩu này đang sáng hơn khi chứng kiến giá trị xuất khẩu cá tra sang hai thị trường lớn là Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ tăng trưởng khá tốt. Trong đó, tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã tăng 109% so với tháng 1/2020.

Tính đến hết tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 63,2 triệu USD, chiếm 18,9% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 34,7 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020. Trung Quốc - Hồng Kông trở lại là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong quý I năm nay. VASEP dự báo trong quý II/2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.

Với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra tháng 3/2020 đạt 23 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tính hết tháng 3/2020, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 61,7 triệu USD, chiếm 18,5%, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. VASEP hi vọng trong quý II, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019.

Kể từ tháng 2-3/2020, khi virus corona làm đảo lộn hoạt động vận tải, phân phối cũng như hoạt động kinh doanh của các nước EU, xuất khẩu cá tra sang thị trường này bị ảnh hưởng ngày càng rõ. Tính đến hết tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 36,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 4 thị trường đơn lẻ lớn nhất trong khối là: Hà Lan giảm 31,4%; Đức giảm 30%; Bỉ giảm 45,3% và Tây Ban Nha giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ít nhất cho tới khi tình hình dịch bệnh được ngăn chặn và hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường, xuất khẩu cá tra sang thị trường này mới có khả năng ổn định lại.

Xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn khác trong 3 tháng đầu năm nay như ASEAN, Brazil, Mexico, Colombia, Australia vẫn giảm mạnh. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm 29%; Brazil giảm 19%, Mexico giảm 57,8%, Colombia giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ tạm ứng hạn ngạch 100.000 tấn gạo để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

Để hỗ trợ doanh nghiệp Chính phủ cho phép tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo là 100.000 tấn để xử lý cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan.

 

gao.jpg
Vận chuyển gạo phục vụ xuất khẩu.

 

Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo 163/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020; giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Thông báo nêu rõ, bảo đảm an ninh lương thực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng liên quan đến ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; bên cạnh đó, thời tiết, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, cũng đang diễn ra tại một số quốc gia và ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đã ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất cung ứng lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Để việc xuất khẩu gạo trong thời gian tới không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của người sản xuất và các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

Cho phép tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo là 100.000 tấn để xử lý cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai thực hiện cụ thể; bảo đảm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về việc triển khai nhiệm vụ này, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực trục lợi chính sách.

Đối với các doanh nghiệp đã được mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo (trong phạm vi 400.000 tấn), Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện rà soát, kiểm tra để phát hiện doanh nghiệp khai khống không có hàng (đăng ký hạn ngạch nhưng chưa có gạo); trên cơ sở đó xử lý cho phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top