Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 1 năm 2020 | 20:55

Tin miền Trung: Các địa phương tập trung sảm xuất vụ Đông Xuân

Hiện nay, đang là thời điểm thích hợp để gieo cấy cho vụ Đông Xuân, các tỉnh Miền Trung đang tích cực gieo mạ xuống giống để bảo đảm đúng thời vụ.

Hà Tĩnh: Gần 100 ha mạ gieo trước lịch thời vụ
 
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo khoảng 300 ha mạ xuân 2020. Tuy nhiên, theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, có gần 100 ha mạ vụ xuân gieo trước lịch thời vụ.
 
Số diện tích mạ xuống giống trước lịch thời vụ tập trung ở một số xã thuộc huyện Đức Thọ, Nghi Xuân và Lộc Hà. Phần lớn, các vùng gieo cấy sớm hơn kế hoạch từ 7 - 10 ngày.
 
hà-tĩnh.jpgCó khoảng 100 ha mạ gieo cấy trước lịch thời vụ (ảnh báo Hà Tĩnh)
 
Theo cơ quan chuyên môn, dù đã có nhiều khuyến cáo, nhưng thực trạng này đã xảy ra nhiều năm nay. Một phần do những vùng gieo cấy đặc thù (ruộng sâu trũng), nhưng phần lớn là do tập quán canh tác của bà con nông dân. Thêm vào đó là sự thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo sản xuất của nhiều địa phương.
 
Trong khi đó, năm 2020, với đặc điểm nhuần 2 tháng 4 âm lịch, nhiều nguy cơ vụ xuân bị ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc cuối vụ. Việc không tuân thủ lịch thời vụ xuống giống của tỉnh sẽ dẫn đến số diện tích này trổ không đúng khung lịch, gặp mưa rét thì dễ thiệt hại về năng suất.
 
Theo cơ quan chuyên môn, khung lịch “chuẩn” của vụ lúa xuân năm nay sẽ kéo dài từ 15/12/2019 đến 31/1/2020. Bà con nông dân cần căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống để ngâm ủ và xuống giống theo kế hoạch. Đồng thời, bắc mạ phải được phủ nilon đúng kỹ thuật để chống rét; vùng chủ động thủy lợi, thời vụ gieo thẳng chậm hơn so với thời vụ bắc mạ 5 – 7 ngày.
 
Lệ Thủy (Quảng Bình): Tập trung sản xuất vụ đông-xuân
 
Cũng như mọi năm, vụ đông-xuân năm nay, huyện Lệ Thủy vẫn tập trung vào cây lúa với diện tích trên 10.200 ha. Diện tích lúa gieo trồng nhiều ở các xã Hoa Thủy, An Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy… Những giống trung ngày và ngắn ngày được lựa chọn nhiều, như: P6, Thái Xuyên 11, Nhị ưu 838, Hà Phát 3... và dự kiến sẽ được gieo trồng khoảng 70% diện tích. Một số giống lúa dài ngày cũng được đưa vào gieo, như: VN20, Xi23, X21… Đa số các loại giống lúa đều có chất lượng cao. Đến thời điểm này, toàn huyện đã hoàn thành gieo sạ trên 3.000ha.
 
lệ-thủy.jpg Nông dân huyện Lệ Thủy tích cực làm đất chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông-xuân.
 
Rau màu vụ đông-xuân cũng được nông dân huyện Lệ Thủy tập trung sản xuất để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hiện toàn huyện có khoảng 1.000 ha đất trồng rau tại các xã Cam Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy. Một số diện tích đã được bà con thu hoạch và trồng gối vụ.
 
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy, vụ đông-xuân 2019-2020, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai gieo trồng đúng kế hoạch. Các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai cách thức sản xuất cho bà con.
 
Huyện cũng đang khuyến khích các đơn vị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; mở rộng các mô hình lúa-cá trên cơ sở quy hoạch các vùng đất trũng, giáp khu dân cư, có điều kiện tưới tiêu thuận tiện.
 
Vụ đông-xuân 2019-2020, Lệ Thủy đã tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây rau màu và đất trồng rừng sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Huyện đã chỉ đạo nông dân các xã Cam Thủy, Dương Thủy, Lộc Thủy mạnh dạn chuyển đổi 15 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, khoai lang, dưa hấu và rau màu các loại. Phòng Nông nghiệp-PTNT, các cơ quan chuyên môn cũng đã về tận đồng ruộng để hướng dẫn sản xuất đúng quy trình, nhất là những nơi có giống lúa mới hay những vùng chuyên canh rau sạch.
 
UBND huyện Lệ Thủy cũng đã hỗ trợ 50% kinh phí mua thuốc sinh học diệt chuột với số lượng 11 tấn cho bà con diệt chuột trước khi gieo. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ 10 tấn giống lúa HT1, 4 tạ ngô lai từ nguồn của Trung ương với số tiền gần 300 triệu đồng. Huyện cũng đã tập trung khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng để bảo đảm tưới tiêu trong vụ mùa.
 
Quảng Trị: Tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất vụ đông xuân
 
Vụ đông xuân 2019-2020 đang cận kề. Đây là vụ sản xuất được xác định gặp nhiều khó khăn như hạn hán, thiếu nước sản xuất và các đối tượng dịch hại như chuột, ốc bươu vàng, bệnh lùn sọc đen… có nguy cơ phát sinh gây hại nặng ngay từ đầu vụ. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Quảng Trị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
quảng-trị.jpg
Làm đất cho vụ đông xuân.
 
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sở đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu các đơn vị trong ngành có liên quan khẩn trương chỉ đạo, thực hiện để chủ động tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Tập trung nguồn lực triển khai tổ chức sản xuất, trong đó chú trọng các giải pháp để khống chế dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống và cây trồng. Áp dụng khoa học và công nghệ, xây dựng cánh đồng lớn, các vùng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Phối hợp với các địa phương để rà soát, quy hoạch các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, vùng sản xuất lúa kém hiệu quả và hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước và hiệu quả hơn.
 
Chỉ đạo sát đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, đặc biệt tập trung sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn, giống chất lượng cao vào sản xuất nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất. Bộ giống lúa chủ lực để sản xuất gồm: HN6, Thiên Ưu 8, LDA1, NA2, RVT, Bắc Thơm 7, Lộc Trời 1, Bắc Hương 9, Khang Dân 18, TBR 279, TBR1, TBR225, Đài Thơm 8, Bắc Thịnh...; mở rộng diện tích các giống đã khảo nghiệm có triển vọng trên địa bàn tỉnh như: ADI168, BG1 (gạo đỏ), DQ11, ST24, N26, DT100, Sơn Lâm 1, DT45, Đông A1...; chỉ đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa có nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn về phẩm cấp, không sử dụng thóc thịt làm giống.
 
Tăng cường tuyên truyền phát động các tổ chức, đoàn thể và toàn dân ra quân đồng loạt để vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mai dương, làm đất sớm để diệt trừ nguồn bệnh lùn sọc đen; áp dụng cơ giới để giảm bớt chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch để đảm bảo được thời vụ, giảm tổn thất do thiên tai gây ra, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế.
 
Tăng cường áp dụng các biện pháp kĩ thuật canh tác tiên tiến, các biện pháp quản lí cây giống tổng hợp (1 phải, giảm 5), đặc biệt tăng diện tích áp dụng sạ hàng để giảm lượng giống gieo, hạn chế sâu bệnh, tăng hiệu quả kinh tế.
 
Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để tiến hành gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT. Tuyệt đối không cơ cấu giống lúa dài ngày, giống không rõ nguồn gốc, giống không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh vào sản xuất.
 
Tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung và sản xuất nông sản mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Sản xuất có liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm.
 
Tăng cường công tác điều tra để dự tính, dự báo sâu bệnh hằng tuần, hằng tháng và hằng vụ chính xác, kịp thời. Hướng dẫn về phòng trừ các đối tượng dịch hại đang phát sinh mạnh trên địa bàn có khả năng ảnh hưởng lớn đến năng suất như: Lùn sọc đen, chuột, ốc bươu vàng, bệnh bạc lá, đạo ôn, rầy, khô vằn… hại lúa, bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, rệp sáp bột hồng hại sắn…
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top