Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 7 năm 2020 | 11:21

Tin Ngư nghiệp: Giải quyết dứt điểm tàu cá neo đậu ở cảng Cửa Lò

Giải quyết dứt điểm tàu cá neo đậu tại cảng Cửa Lò; cảng cá An Hoà xuống cấp; kiểm soát tàu vi phạm IUU; giã cào làm cạn kiệt nguồn mưc, là tin nổi bật trong tuần.

Lâu nay có khoảng 100 tàu cá công suất lớn, nhỏ của các phường Nghi Tân, Nghi Thủy thường xuyên lấn chiếm neo đậu ở cầu cảng số 4, số 5, thuộc cảng Cửa Lò.

 

ca-ng-tam-991.jpg

Bến cá Nghi Tân chỉ đáp ứng neo đậu  tàu công suất nhỏ. Ảnh: Thu Huyền

 

Việc tàu thuyền neo đậu trái phép, lấn chiếm cầu cảng làm cho việc khai thác, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất an toàn cao cho các tàu biển chở hàng ra vào cảng. 

Ông Trần Văn Đạt - Giám đốc Cảng Cửa Lò cho biết: Cầu cảng số 4 nằm ngay rìa trái luồng vào cảng, nơi có nhiều tàu thuyền đánh cá thường xuyên neo đậu, ra vào khu vực này.

Không chỉ tàu thuyền của Nghi Tân, Nghi Thủy mà còn có tàu cá của ngư dân Diễn Châu cũng neo đậu tại cảng. Thực tế đã xảy ra sự cố đâm va giữa tàu biển và tàu cá tại cảng, gây hỏa hoạn ở các tàu, thuyền cá.

Để tháo gỡ khó khăn cho cảng Cửa Lò, Nghệ An đã xây dựng bến cá riêng về phía thượng lưu cảng Cửa Lò. Theo đó, bến cá Nghi Tân được đầu tư với mục tiêu di dời tàu cá ngư dân lấn chiếm cầu cảng Cửa Lò, đảm bảo cho 300 tàu thuyền đánh bắt hải sản, neo đậu tránh trú bão.

Tuy vậy, cầu tàu hiện chỉ rộng 3,5m là quá hẹp, không phù hợp việc vận chuyển, bốc dỡ cá, hàng hóa lên xuống tàu.

Để hoàn thiện bến cá, Nghệ An bổ sung giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng.

Hiện, giai đoạn 2 đã xong hạ tầng, nhưng cầu cảng không đáp ứng tàu thuyền công suất lớn vào neo đậu nên Thị xã Cửa Lò tiếp tục xin điều chỉnh, bổ sung 14 tỷ đồng để xây cầu tàu, dài 110m, rộng 7m.

Song, đến nay, vẫn chưa được cấp vốn, công trình chưa phát huy hiệu quả.

Ông Hoàng Thanh Sơn - Chủ tịch UBND phường Nghi Tân, cho hay: Bến cá được xây dựng từ năm 2005, đến 2012 nâng cấp để di dời tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Cửa Lò, nhưng kết cấu cầu cảng không phù hợp với tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn.

Đó là một trong những lý do khiến ngư dân không chịu rời bến tự phát ở cảng Cửa Lò, về neo đậu tại bến Nghi Tân.

Như vậy, mặc dù được đầu tư tiền tỷ, bến cá Nghi Tân vẫn dang dở nhiều năm nay. Để cảng phát triển xứng tầm, đón tàu trên 10.000 DWT đầy tải, thì việc di dời tàu cá ra khỏi khu vực cảng là yêu cầu cấp thiết.

Việc tàu cá đậu trong cảng tàu hàng, khiến chủ hàng có ấn tượng không tốt với cảng Cửa Lò, gây khó cho nhà đầu tư. 

Vì vậy, cần có biện pháp và chỉ đạo kịp thời, để hoàn thành nhanh chóng bến cá mới, đồng thời vận động người dân chấp hành việc di dời thuyền cá ra khỏi cầu cảng Cửa Lò, để đảm bảo an toàn hàng hải.

Quảng Nam: Cảng cá An Hoà xuống cấp    

Do đầu tư gần 20 năm nhưng không duy tu, sửa chữa nên hạ tầng cảng cá An Hòa bị hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu hậu cần dịch vụ nghề cá hiện đại.

 

cang-299.jpg

Tàu cá cập cảng cá An Hòa chủ yếu để tiêu thụ mực khô. Ảnh: H.P                              

 

Về cơ sở hạ tầng nghề cá, tỉnh chỉ có một cảng cá loại 2,  là cảng An Hòa xã Tam Giang (Núi Thành) và 2 bến cá ở xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) và Thanh Hà (TP.Hội An).

Cảng cá An Hòa cách xa cửa biển, hạ tầng chưa đảm bảo cho dịch vụ thu mua thủy sản tươi, nên lượng tàu thuyền cập cảng ít, chủ yếu tàu chứa mực khô.

Sở NN&PTNT cho rằng, do hạ tầng xuống cấp, không được đầu tư, trong khi đó cảng cá An Hòa được định hướng sang phát triển cảng du lịch.

Thiết kế cảng cá An Hòa năm 2002 cho tàu công suất 60 - 300CV, nhưng đến nay đội tàu khai thác có công suất 450CV trở lên, kích thước lớn hơn  (chiều dài ít nhất 20m trở lên).

Thêm vào đó, số lượng tàu tăng lên đáng kể, nên bến cảng, cầu cảng không đảm bảo cho tàu ra vào.

Cảng cá này còn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bởi hiện chỉ có bể chứa nước thải quy mô 50m3 mà không có hạng mục xử lý. Ngoài ra, cảng cá An Hòa chưa có mái che cầu cảng, bến cảng nên tàu hải sản tươi sống ít cập cảng.

Tàu cá sau khi khai thác bán cho các bến cá Thanh Hà (Hội An), An Lương (Duy Xuyên), Tân An – Bình Minh (Thăng Bình) và các bến đò Tam Quang (Núi Thành), cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Điều này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) tại cảng An Hòa rất khó khăn.

Theo đó, năm 2019 có 140 lượt tàu cá cập cảng An Hòa, với tổng sản lượng khai báo 1.790 tấn. Riêng 4 tháng đầu năm 2020 chỉ có 78 tàu cá được kiểm soát ra vào cảng.

Trong khi đó, năm 2019 có 21.489 lượt phương tiện (với 142.287 lượt lao động), trong đó xuất 9.763 lượt, nhập 11.726 lượt phương tiện.

Bình quân mỗi ngày khoảng 60 lượt phương  tiện ra vào nhưng việc khai báo tại cảng cá rất thấp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Ngô Tấn đánh giá: “Việc kiểm soát tàu cá cập/rời cảng An Hòa với số liệu rất thấp, so thực tế tàu ra vào cửa An Hòa”.

Muốn kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng An Hòa, phải sớm đưa vào sử dụng cảng cá Tam Quang; đầu tư cảng cá Hồng Triều, hoặc nâng cấp bến cá Thanh Hà thành cảng cá loại 2.

Hiện, việc kiểm tra thu/nộp sổ nhật ký khai thác/thu mua của các nghề khai thác hầu như chưa thực hiện được tại cảng cá An Hòa.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chống khai thác IUU đang phải sử dụng tạm cơ sở vật chất của cảng cá An Hòa, tuy nhiên việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá từ 15m trở lên lại khá chậm.

Để chấn chỉnh việc không khai báo ra vào cảng, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với các Đồn Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá An Hòa, kiểm tra trước khi tàu xuất bến, cập bến, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản đúng quy định.

Khánh Hoà: Kiểm soát tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU

Ban Chỉ đạo Chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Khánh Hoà, vừa có công văn gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị phối hợp kiểm soát tàu cá của tỉnh Khánh Hòa có nguy cơ vi phạm khai thác IUU.

 

ca-19.jpg

 

Theo đó, tuy cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền để các chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng đến nay vẫn còn 193 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt, thường xuyên hoạt động tại địa bàn của các tỉnh khác. Đây là những tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU.  

Ban Chỉ đạo IUU tỉnh đề nghị các đơn vị nêu trên thông báo cho Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo IUU tỉnh) để kịp thời phối hợp xử lý, giải quyết tốt các tàu cá có vi phạm liên quan đến IUU.

Nghề bẫy mực lá ở Quảng Ngãi

Cách bờ chừng 2 hải lý đến những gò cạn, san hô nơi mực trú ngụ, ngư dân thả chiếc bóng bao phủ bằng lá đủng đỉnh, hoặc sợi ni lông màu đen xuống dưới đáy biển.

 

muc-331.jpgNgư dân Lê Văn Tám hì hục đẩy chiếc thúng chai bang qua bãi cát xuống mép biển.

 

Chiếc bóng tạo vùng tối, chùm trứng mực treo lủng lẳng bên trong, dụ mực vào bóng đẻ trứng và bị dính bẫy.

Dụng cụ bẫy mực lá là chiếc bóng mực. Bóng mực là lồng bằng tre, phủ quanh là lớp lưới có mắt nhỏ. Để dụ mực, ngư dân dùng lá cây đủng đỉnh hoặc sợi ni lông màu đen phủ lên để tạo vùng tối.

Bóng được thả xuống nơi có gò cạn, rạn san hô cách mặt biển chừng 4-5m. Thấy trứng mực ở trong bóng, con mực đến kỳ đẻ trứng tìm cách chui vào đẻ trứng và dính bẫy. Thường mỗi ngư dân đặt khoảng 100 chiếc bóng.

2 giờ chiều, chúng tôi theo chân đoàn ngư dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) ra biển săn mực lá. Ngư dân Lê Văn Tám hì hục đẩy chiếc thúng chai băng qua bãi cát xuống mép biển.

Sau một hồi quay cuồng đánh vật với sóng gió, vớ dây neo, ông Tám kéo 3 chiếc bóng mực lên thuyền, tăng tốc ra khơi. Ra cách bờ chừng 2 hải lý,  thuyền giảm tốc dừng lại, buông neo.

Mỗi người tự đánh dấu phao của mình, ông Tám lấy cây sào có gắn móc ở, nhịp nhàng kéo sợi dây cột chiếc bóng lên khỏi mặt nước.

Mỉm cười khi thấy những con mực lá mắt xanh trong, thân óng ánh dính bẫy, nhưng cũng có nhiều chiếc bóng kéo lên trống rỗng, lại thả xuống. Mỗi ngày, ngư dân ra khơi hai lần, 5 giờ sáng và 2 giờ chiều.

Xóm Bóng có khoảng 100 hộ làm nghề bẫy mực. Ngày biển còn dồi dào, ngư dân sống bằng nghề này cũng có nguồn thu ổn định, nhiều hộ các thế hệ đều gắn bó với nghề. Nay chỉ còn khoảng 20 hộ, vì biển thất thu.

“Xưa, ngày bẫy được 5 - 6kg, có bữa trúng mánh cả chục ký, kiếm tiền triệu. Nay giỏi chỉ hơn 1kg, bữa về tay không. Biển đã cạn kiệt. ” - ông Tám thở dài.

Vợ ông Tám nhẩm tính, năm ngoái, mùa này ông đã kiếm được gần 70 triệu,  nay mới ngót nghét chục triệu. Đến bây giờ, bà còn thót tim khi  ông Tám ẩu đả, đánh nhau với ngư dân trên tàu giã cào vì quá bức xúc và uất ức.

Ngư dân Trương Ngọc Sanh gắn bó với nghề bẫy mực từ năm 11 tuổi. Nay đi cả ngày được 1-2 con, nhiều bữa về tay không

“Nghề mình là nghề “dưỡng” còn tàu giã cào tàn phá biển. Tàu giã cào kéo vào tận trong bờ, quét sạch. Bữa ít mất vài chiếc nhiều thì vài chục chiếc bóng. Mong sao nhà nước bắt buộc gắn hết định vị trên tàu giã cào, xử lý vi phạm cho dân nhờ” - ông Sanh ngán ngẩm nói.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top