Một tàu cá bị mắc cạn tại cửa Lạch Vạn (Nghệ An) đã được ngư dân đưa về bờ để sửa chữa.
Sáng 24/2, con tàu mắc cạn tại cửa Lạch Vạn đã được địa phương kéo về xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) để sửa chữa.
Thông tin từ người dân và chính quyền xã Diễn Bích cho biết, sáng 24/2, con tàu được trục vớt thành công, khi nước thủy triều lên cao. Hệ thống phao gắn dưới tàu phát huy tác dụng, con tàu nổi lên mặt nước.
Trục vớt tàu mắc cạn. Ảnh: Quang An
Sau khi tàu được trục vớt thành công, chính quyền xã Diễn Bích đã điều động 3 tàu công suất lớn, để ra hiện trường kéo về xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc để theo dõi và tu sửa.
Sau đó, người dân đã lắp phao xung quanh tàu, và thuê thợ thuyền để chắp vá những điểm nứt vỡ, tránh việc nước tràn trở lại.
Ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, cho biết: Dù con tàu đã được cứu lên thành công, nhưng thiệt hại cũng khá nặng nề, vì đây là tàu công suất lớn, nên chi phí đóng tàu, sửa chữa cũng không hề rẻ.
Ông Trần Văn Duyên, chủ xưởng sửa chữa tàu tại xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc, nơi con tàu đang được tu sửa, cho biết: Các bộ phận của tàu như trục, phi, độn, cánh... đều hư hỏng, nhất là phần dưới thân tàu bị hỏng rất nặng.
Nếu huy động anh em làm việc cật lực thì phải 1 tháng nữa, con tàu mới có thể ra khơi trở lại.
Trước đó, lúc 2h sáng 22/2, tàu cá của anh Vũ Văn Tiến và Phạm Văn Tùng, xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu bị chìm tại cảng Lạch Vạn. Lúc đó trên tàu có 5 ngư dân, đều được tàu bạn cứu kịp thời.
Con tàu có công suất 400 CV, tổng kinh phí lắp đặt là 1,8 tỷ đồng. Theo chủ tàu, tiền sữa chữa có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, tổn thất rất lớn, nhất là trong điều kiện đi biển đang gặp khó như hiện nay.
Bình Định: Nâng cao chất lượng thủy sản sau khai thác
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng thủy sản sau khai thác, bên cạnh việc trang bị nhiều thiết bị đánh bắt hiện đại, ngư dân Bình Định đã từng bước đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm, giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Toàn tỉnh hiện có hơn 6.115 tàu cá đăng ký khai thác thủy sản, trong đó có 3.300 tàu, có chiều dài từ 15 m trở lên, hoạt động tại vùng khơi.
Tàu cá ngư dân Hoài Nhơn cập cảng Quy Nhơn bán sản phẩm
Những năm qua, ngành Thủy sản phối hợp với các cơ quan, các ngành liên quan, đã hỗ trợ ngư dân, từng bước tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến, để bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, chủ 1 tàu cá vỏ thép, và 2 tàu cá vỏ gỗ, làm nghề lưới vây ánh sáng, chia sẻ: “Riêng tàu vỏ thép, đã được trang bị công nghệ hầm bảo quản, có hệ thống làm lạnh rất hiện đại.
Tôi đã đầu tư nâng cấp, các hầm bảo quản thủy sản, trên 2 tàu cá vỏ gỗ (bọc ngoài bằng inox), không còn lo chuyện đá nhanh tan như trước đây”.
Ngoài việc trang bị lớp cách nhiệt bằng xốp, inox trên tàu cá vỏ gỗ, nhiều chủ tàu còn phun PU (polyurethane), làm nhẵn bề mặt gỗ của hầm tàu, để đảm bảo giữ độ lạnh.
Ngư dân Nguyễn Hữu Lập, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, chủ tàu cá vỏ gỗ, làm nghề lưới vây ánh sáng, cho hay: “Các hầm bảo quản trên tàu của tôi được phun PU, bọc lớp inox để giữ đá lâu tan.
Trước khi đưa vào hầm bảo quản, thủy sản được đựng trong từng khay, xếp theo lớp, để giữ được độ tươi, đồng thời, giúp giảm bớt sức lao động cho anh em bạn thuyền, khi tàu cập cảng bán sản phẩm”.
Cùng với việc chú trọng nâng cấp hầm bảo quản, hơn 1.300 tàu câu cá ngừ đại dương, của ngư dân trong tỉnh, đều áp dụng quy trình Nhật Bản, hoặc một phần quy trình này trong khai thác - xử lý - bảo quản. để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ngư dân Nguyễn Văn Trạng, xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Tôi vẫn khai thác cá ngừ đại dương theo phương pháp câu tay, kết hợp ánh sáng.
Nhưng về khâu xử lý, bảo quản cá, thì tôi áp dụng theo quy trình Nhật Bản là: dùng máy tạo xung Tuna Shocker giết cá, sau đó chọc xả tiết, chọc tủy, loại bỏ nội tạng, và rửa sạch cá, rồi ngâm lạnh và đưa vào hầm đá lạnh để bảo quản.
Ngoài ra, tôi cũng đầu tư 200 triệu đồng, để phun PU, bọc inox các hầm bảo quản, và lắp hệ thống sử dụng công nghệ bảo quản Nano UFB (Ultra Fine Bubble), để giữ độ lạnh của hầm ngâm cá; bảo quản cá theo kiểu móc thẳng đứng chứ không để nằm ngang như trước.
Hiện, mỗi chuyến biển, từ 20 - 25 ngày, tôi chỉ mua khoảng 400 cây đá lạnh, nhưng chất lượng cá ngừ đại dương, bảo quản đạt tỷ lệ loại A, chiếm 80%, hiệu quả kinh tế tăng rõ”.
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), công nghệ bảo quản thủy sản trên tàu cá gồm: Thiết bị lạnh, hầm bảo quản, phương pháp bảo quản.
“Cũng cần mở thêm nhiều lớp đào tạo, để ngư dân nắm bắt cách bảo quản sản phẩm, bởi các loài thủy sản khác nhau, có các giai đoạn biến đổi thịt khác nhau.
Muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khai thác bền vững, thì phải giảm sản lượng khai thác, và nâng cao chất lượng bảo quản, tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Có như thế mới đảm bảo sinh kế cho ngư dân, phát triển nghề cá có trách nhiệm”, TS. Vinh nhìn nhận.
Quảng Ngãi: Bài toán khó về nước ngọt cho tàu cá
Để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt khi đi biển, hầu hết các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ, trên địa bàn Quảng Ngãi, đều phải mang theo nước ngọt từ đất liền.
Một chủ tàu tại xã Nghĩa An (T.p Quảng Ngãi) kiểm tra bồn chứa nước ngọt trước lúc ra khơi
Tuy nhiên, do lượng nước mang theo còn hạn chế, nên ngư dân luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Mỗi chuyến vươn khơi, ngoài nước ngọt sinh hoạt, mỗi tàu đều phải “kham” thêm rất nhiều vật tư, lương thực, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác. Do vậy, để tiết kiệm diện tích chứa và giảm tải trọng tàu, hầu hết các chủ tàu đều phải hạn chế lượng nước ngọt mang theo.
Theo chủ tàu Nguyễn Trọng Kim, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), mỗi chuyến biển kéo dài 10 - 15 ngày, tàu của ông chở theo khoảng 1.500 - 2.000 lít nước ngọt. Tính bình quân mỗi ngày, mỗi ngư dân chỉ sử dụng khoảng hơn 10 lít nước, cho mọi hoạt động ăn uống, nấu nướng, tắm giặt...
Do lượng nước ngọt mang theo còn hạn chế, nên theo chia sẻ chung của nhiều ngư dân, khi đi biển, mỗi người đều tự giác sử dụng nước tiết kiệm.
“Hầu hết anh em đều tắm bằng nước biển, rồi dội qua vài gáo nước ngọt. Các hoạt động khác mọi người đều cố gắng tiết kiệm nước hết sức có thể”, anh Nguyễn Phương Anh, ngư dân làm việc trên tàu lưới vây, tại Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) chia sẻ.
Không chủ động được nguồn nước ngọt khi đi biển, không chỉ khiến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của ngư dân gặp khó khăn, mà còn làm hạn chế hiệu quả đánh bắt thủy sản trên biển.
“Vì lượng nước ngọt mang theo có hạn, nên khi gặp luồng cá, muốn ở lại đánh bắt thêm vài ngày; chúng tôi phải tìm cách liên lạc với các tàu cá khác để xin “viện trợ” nước uống.
Nếu không có tàu nào đủ nước ngọt để chia sẻ, thì dù trúng luồng cá lớn đến mấy cũng đành bỏ cá mà chạy về bờ”, anh Huỳnh Ngọc, chủ một tàu ở Phổ Quang cho biết.
Anh Nguyễn Tấn Sơn, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn chia sẻ: “Trước khi mua máy lọc nước, mỗi chuyến biển, tàu câu mực của tôi phải đem theo hơn 1.000 thùng nước loại 20 lít, nhưng vẫn không đủ dùng.
Từ năm 2017 đến nay, sau khi bỏ ra 140 triệu đồng đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt, với công suất lọc mỗi ngày lên đến hơn 500 lít nước, thì tàu không cần phải mang nước từ đất liền ra như trước đây. Diện tích chứa trên tàu cũng nhờ đó mà có thêm không gian cho anh em nghỉ ngơi, sinh hoạt, năng suất đánh bắt cũng tăng lên đáng kể”.
Để giải quyết “bài toán” nước ngọt khi vươn khơi, những năm gần đây, trên thị trường đã xuất hiện các loại máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá.
Từ năm 2015 đến nay, có khoảng 60 chủ tàu làm nghề câu mực xa bờ ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt.
Theo chia sẻ của ngư dân, việc đầu tư máy móc giúp họ chủ động hơn về nguồn nước ngọt và nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản.
Tuy nhiên, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh, vẫn chưa mặn mà trang bị cho tàu. “Có nhiều nhà cung cấp đến giới thiệu về thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá.
Tuy nhiên, phần vì loại máy này giá thành cao (70 - 150 triệu đồng), phần vì chúng tôi không biết loại máy nào thực sự đảm bảo chất lượng, nên các thành viên của HTX đều lựa chọn giải pháp mua nước đóng chai mang lên tàu, chứ chưa có tàu nào lắp đặt thiết bị lọc nước”- Giám đốc HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang, Thái Văn Thi cho biết.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.