Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 4 năm 2020 | 13:56

Tin Ngư nghiệp: Nghề cá Quảng Nam cần tuân thủ luật để phát triển bền vững

Hiện, nghề cá Quảng Nam dù đã phát triển lớn về quy mô, song, cần chuyên nghiệp hơn để phát triển bền vững

Nghề cá Quảng Nam đã có bước phát triển về quy mô, nhưng nhìn chung, vẫn thiếu bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần nhận diện rõ thực trạng, để có giải pháp hữu hiệu, chuyên nghiệp hóa nghề cá, phát triển bền vững theo chiến lược biển của tỉnh.

 

ca-19.jpg

Đội tàu sản xuất xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

 

Hiện, toàn tỉnh có 3.041 tàu thuyền, nhưng mới chỉ có 781 phương tiện được cấp giấy phép khai thác hải sản. Cụ thể, ở tuyến bờ, mới có 21 giấy phép; vùng lộng: 207 và vùng khơi: 553.

Về tỷ lệ 1,2% tàu thuyền hoạt động ở tuyến bờ, được cấp phép, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đây là bất cập về quản lý, tồn tại lâu nay chưa dễ khắc phục.

Cụ thể, nhóm hoạt động ở tuyến bờ, do cấp huyện quản lý, nhưng buông lỏng, lơ là. Đầu năm nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu  Tỉnh giao về Chi cục Thủy sản quản lý.

Song, trong 4 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản mới chỉ cấp giấy phép cho 21 phương tiện.

“Chúng tôi đang gửi thông báo về các địa phương, để tuyên truyền, vận động chủ tàu, thực hiện đăng ký, được cấp giấy phép khai thác hải sản theo đúng Luật Thủy sản. Đồng thời, phối hợp với các trạm kiểm soát biên phòng để kiểm tra, giám sát” - bà Tâm nói.

Quảng Nam có 747 tàu cá, có chiều dài 15m trở lên, nhưng chỉ 572 tàu  đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua theo dõi, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 20 tàu cá hành nghề câu mực, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, rất đáng báo động khi các tàu câu mực ở ngoài khơi, rủ nhau tắt thiết bị GSHT, để sản xuất trái phép. Ở tuyến lộng, cũng đã có tình trạng, tàu cá tự ngắt tín hiệu kết nối với trạm bờ khi đang sản xuất. 

Theo thống kê từ Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành), năm 2019 có 21.489 lượt tàu cá với 142.287 lao động xuất bến, khai thác hải sản, và cập bờ sau mỗi chuyến biển.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng An Hòa, năm 2019 chỉ có 140 phương tiện, quá thấp so với tổng số tàu ra vào cửa biển An Hòa.

“Số lượng tàu cá xuất/nhập tại các cầu cảng tư nhân quá lớn, so với nơi chỉ định là cảng cá An Hòa, rất sai so quy định Luật Thủy sản. Toàn tỉnh mới chỉ có 781 phương tiện được cấp phép khai thác hải sản, nhưng lượt tàu cá xuất bến/cập bờ qua Trạm kiểm soát Kỳ Hà quá lớn.

 Phải chăng, nhiều phương tiện không giấy phép, vẫn qua được kiểm soát của biên phòng?” - ông Ngô Tấn lưu ý.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho rằng, thời gian đến, các trạm sẽ kiểm tra tất cả tàu cá xuất/nhập, kiên quyết không cho ra khơi, khi không có giấy phép khai thác.

Việc này rất quan trọng, với biện pháp mạnh, các chủ tàu sẽ thực hiện nghiêm, để ngành thủy sản có đủ dữ liệu quản lý theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ổn định.

“Lực lượng biên phòng sẵn sàng phối hợp với ngành thủy sản, cảnh sát giao thông đường thủy, để tăng cường kiểm tra tại 2 cửa biển An Hòa và Cửa Đại, để xử lý nghiêm các tàu cá, không thực hiện đúng quy định của Luật Thủy sản” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình cho rằng, rất cần quy chế phối hợp, giữa lực lượng biên phòng, thủy sản và các địa phương ven biển, để quản lý chặt chẽ nghề cá.

Với cơ chế phân công rõ ràng, trách nhiệm giữa các bên, để tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng quy định pháp luật; xử phạt mạnh trường hợp vi phạm, để đưa nghề cá vào nề nếp.

“Với cơ chế phối hợp, sẽ có cách thức xử lý nghiêm trường hợp ngư dân đánh bắt trái phép, hạn chế nạn tận diệt hải sản ven bờ, để phát triển bền vững nghề cá” - ông Hương nói.

Chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam đã có chiến lược biển rất rõ ràng, đã đến lúc cần chuyên nghiệp hóa nghề cá. Để truy xuất nguồn gốc hải sản.

Trước mắt, Sở NN&PTNT kiện toàn lại hạ tầng, nhân lực ở cảng cá An Hòa, để thu sổ nhật ký khai thác, kiểm soát hải sản, quá trình đưa hải sản theo đúng quy định.

Về lâu dài, khi cảng cá Tam Quang hoàn thành, sẽ chuyển Văn phòng ở cảng An Hòa sang, dự kiến đầu năm 2021.

“Sở NN&PTNT nghiên cứu, khảo sát cảng cá Thanh Hà, hoặc âu thuyền Hồng Triều, để tham mưu UBND tỉnh đầu tư, thêm 1 cảng cá ở phía bắc của tỉnh.

Đồng thời, cần phối hợp với các địa phương có nghề cá, vận động ngư dân ghi chép sổ nhật ký khai thác, cũng như kiểm tra, cấp giấy chứng nhận tàu cá đủ điều kiện, để được cập bờ, bốc dỡ hải sản chỉ định sau khai thác” - Chủ tịch Thanh nói.

Quảng Bình: Giá xăng dầu giảm mạnh, ngư dân tự tin ra khơi

Chi phí nhiên liệu 1 tàu đánh bắt hải sản, xăng dầu chiếm 70% tổng chi phí. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá xăng dầu giảm kỷ lục trong vòng 11 năm qua, nên ngư dân Quảng Bình rất phấn khởi, hăng hái vươn khơi, vượt qua khó khăn dịch Covid-19...

 

 

khoi-29.jpg

Thương lái thu mua hải sản tại biển Nhân Trạch

 

Dịch Covid-19 khiến ngành thủy sản gặp khó khăn, giá các mặt hàng  giảm, nhưng bù lại, nhờ xăng dầu giảm sâu, nên những chuyến tàu xa khơi của ngư dân vẫn có lãi.

Bên cạnh đó, từ tháng 3 - 8 Âm lịch, đang vào mùa đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm, có nhiều loại cá giá trị cao, như: cá thu, cá ngứa, cá bớp, cá ngừ…, nên  ngư dân rất phấn khởi, hăng hái vươn khơi, bám biển.

Tàu đánh bắt công suất 700CV chuyên nghề mành chụp, của ngư dân Lê Quang Nam, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch vừa cập bến sông Roòn, thu được hơn 400 triệu đồng.

“Do ảnh hưởng Covid-19, hải sản có hạ đôi chút, nhưng nhờ giá dầu giảm sâu, đánh bắt đạt sản lượng, nên chúng tôi vẫn có lãi. Sau khi trừ các chi phí, 7 lao động đều được trên 10 triệu đồng/lao động”, ông Nam chia sẻ.

 

Tại cảng Gianh, ngư dân Nguyễn Văn Chính, xã Thanh Trạch (Bố Trạch), chuyên nghề lưới vây, với 15 lao động, đang chuẩn bị ra khơi. Ông Chính cho biết, nếu trước Tết Nguyên đán, mỗi lần ra khơi, phải chi phí trên 100 triệu đồng, thì  hiện số tiền này, chỉ còn khoảng 60 triệu đồng.

Giá dầu giảm, kéo theo những chi phí liên quan như: nước đá, vận tải, nhu yếu phẩm… cũng giảm theo, đã giúp mỗi chuyến biển giảm 40% chi phí.

“Trong tình hình Covid-19 kéo dài, giá các loại hải sản đều xuống thấp, vì không xuất khẩu được,  nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa. Song, nhờ  xăng dầu giảm, chúng tôi hy vọng vẫn có lãi”, ông Chính nói.

Tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch), mặc dù là xã biển bãi ngang, các tàu cá có công suất nhỏ (trên dưới 30 CV) nhưng giá xăng dầu giảm, cá mực đánh bắt gần bờ tươi ngon, được giá, nên hầu hết ngư dân ra đều có lãi cao.

Ngư dân Lê Hồng Phong ở xã Nhân Trạch cho biết: “Trước đây, tốn hơn 1 triệu đồng/đêm đánh bắt, nay chỉ còn khoảng 660.000 đồng. Vì vậy, mặc dù biển bãi ngang mất mùa so mọi năm, nhưng nhờ đánh bắt gần bờ, cá mực tươi ngon, nên mỗi đêm kiếm được trên 1triệu đồng/người.

Mặt khác, sự có mặt của ngư dân ở Trường Sa, Hoàng Sa, đã góp phần bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Chi cục Thủy sản, Quảng Bình hiện có 5.732 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó, gần 1.500 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm, thu nhập cho trên 24.000 lao động biển.

Tổng kết vụ cá Bắc năm 2019-2020, sản lượng khai thác ước đạt 23.116 tấn, đạt 111,6% so sản lượng khai thác vụ Bắc năm 2018-2019.

Hoạt động đánh bắt tiến hành quanh năm, nhưng vụ cá Nam chiếm 70% tổng sản lượng cả năm. Vụ cá Nam năm 2020, mục tiêu đặt ra là 40.000 tấn.

Chi cục Thủy sản đã chủ động hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác vùng biển xa; trong đó có chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, thuyền viên và kinh phí mua nhiên liệu.

Đơn vị đã dẫn, tuyên truyền ngư dân ký cam kết không khai thác bất hợp pháp, tuân thủ mọi quy định của IUU.

Nha Trang: Nghề câu cá ngừ đại dương, "lênh đênh" vì Covid-19

Không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) thu mua, Covid-19 cũng khiến ngư dân câu cá ngừ đại dương gặp khó. Song, hiện chưa có hướng dẫn để xác định đối tượng này có được hỗ trợ không.

 

k-hoa-6991.jpg

 Chuẩn bị đá cây cho chuyến biển mới tại cảng Hòn Rớ

 

Trước và sau Tết là cao điểm khai thác cá ngừ đại dương, nhưng năm nay, giá thu mua, sản lượng đều  giảm. Tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang), tàu KH 93719 của ông Đặng Đình Đơn, chính thức nằm bờ chuyến biển tháng 4, sau 3 chuyến lỗ gần 100 triệu đồng.

Ông Đơn cho biết, giá cá từ 100.000 đồng/kg trước Tết giờ còn 87.000 đồng/kg. Chuyến vừa rồi bị lỗ, ông phải hỗ trợ 2 triệu đồng/bạn tàu. Giá dầu tuy giảm đáng kể, nhưng nếu cá tiếp tục giảm, khả năng tháng sau ông cũng không đi biển. Ông Võ Văn Mãi, chủ tàu KH 91934 cũng lỗ vài chục triệu đồng sau 2 chuyến biển. Chuyến tháng 3, câu được 12 con, lỗ tiếp 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thế Tùng, chủ 2 tàu KH 94338 và KH 96614 cho hay, nhiều bạn tàu không chịu chia lời lỗ sau chuyến biển, mà chuyển sang nhận thuê chuyến trả trước, trung bình 5 - 6 triệu đồng/người.

Như vậy, nếu chuyến biển lỗ, chỉ chủ tàu thiệt, chưa kể vẫn hỗ trợ thêm tiền cho bạn tàu về quê. Mặc dù vậy, có khi ứng lương xong, lúc chủ tàu gọi đi biển, thì điện thoại bạn tàu không gọi được, nên phải kiếm người thay và lại ứng trước! Chuyến tháng 3, tàu ông câu được hơn 20 con, lỗ 15 triệu đồng.

Ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng cho biết, cả nghiệp đoàn có 32/33 tàu chuyên khai thác cá ngừ đại dương. Chuyến tháng 3, đa số tàu đều lỗ. Sản lượng giảm, giá cá cũng giảm 30.000 đồng/kg so trước Tết.

Đã vậy, DN còn không mua; bạn tàu nhận tiền công ứng trước rồi bỏ. 2 tháng biển qua, ông có 4 bạn tàu bỏ ngang, phải gọi người mới, thiệt hại 45 triệu đồng.

Ngoài ra, các tàu còn phải chi khoảng 20 triệu đồng lắp thiết bị giám sát hành trình; khoảng 1/2 số tàu, hiện chưa được nhận hỗ trợ tiền dầu quý IV/2019.

Hiện, đã có 15 - 20 chủ tàu báo tạm nghỉ chuyến tới. Ông Phúc mong chính quyền hỗ trợ, để ngư dân tiếp tục ra khơi trong mùa dịch, góp phần bảo vệ biển đảo. 

Theo một số DN thu mua cá ngừ đại dương, giá cá giảm do xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đại diện Công ty TNHH Hoàng Hải cho hay, đơn vị này đã tạm ngừng toàn bộ hoạt động thu mua cá ngừ đại dương vì dịch.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ thông tin, chuyến biển tháng 3, đa số tàu câu cá ngừ đều giảm khoảng 40% so trước Tết.

Trung bình mỗi tàu câu được 10 - 12 con, có tàu chỉ được 5 con. Giá cá cũng giảm, từ 105.000 đồng/kg trước Tết, nay xuống 90.000 đồng/kg loại 1 xuất khẩu (30kg/con trở lên); loại thấp hơn còn 70.000 đồng/kg. 

Theo ông Võ Khắc Én - Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 44 DN chế biến, xuất khẩu thủy sản, trong đó có 6 DN xuất khẩu cá ngừ đại dương. Các DN này vừa vướng thẻ vàng, vừa chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến xuất khẩu khó khan, do thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương chủ yếu là Mỹ, các nước châu Âu.

Cá ngừ lại là mặt hàng xuất khẩu tươi sống, không thể thu mua rồi lưu kho lâu dài. Hiện, một số DN đã giảm thu mua đến 50%, có DN không thu mua.

Cầu giảm, cung không thể tăng, giá cũng bị hạ. Vì vậy, ngư dân khai thác cá ngừ đại dương - một mắt xích trong chuỗi chế biến, xuất khẩu cá ngừ cũng gặp khó.

Tuy chi phí chuyến biển tạm thời giảm do giá dầu hạ, nhưng công lao động tăng, chủ tàu thiếu lao động, chịu giá thu mua giảm... nên khó có lãi; chưa kể thời gian thanh toán còn kéo dài.

Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó do dịch Covid-19, có 7 nhóm được thụ hưởng.

Bên cạnh những đối tượng dễ xác định, cũng có đối tượng khó định lượng tiêu chí, chủ yếu là người lao động bị chấm dứt hợp đồng, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm.

Song, đến ngày 21/4, Chính phủ vẫn chưa ban hành quyết định về điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ để có căn cứ hướng dẫn. Riêng nhóm lao động tự do, sau khi có hướng dẫn, sở sẽ phối hợp với huyện, chỉ đạo xã, thôn, tổ dân phố niêm yết công khai. Trên cơ sở đó, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top