Việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Thanh Hóa: Phát triển kinh tế trang trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Những năm gần đây, kinh tế trang trại ở xã Hà Tiến (Hà Trung) đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 46 triệu đồng/năm.
Xác định phát triển sản xuất là yếu tố quyết định đến kinh tế và đời sống Nhân dân, xã Hà Tiến đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi 149,68 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng trũng thấp để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. Chuyển đổi 31,1 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tạo điều kiện giúp đỡ các hộ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh... Hỗ trợ người dân trong ứng dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đưa các con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia chuỗi liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, đã giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều trang trại đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đa dạng con nuôi thủy sản,... mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Điển hình là trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Ngọc Nghiệm, thôn Bái Sơn. Trên diện tích hơn 1 ha, ông Nghiệm xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, với tổng đàn gần 30 con và cải tạo, san lấp mặt bằng để trồng cây ăn quả.
Ông Nghiệm cho biết: “Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng, tham quan học hỏi nhiều mô hình trang trại tổng hợp, gia đình bắt tay vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi; khu vực chuồng trại được thiết kế khoa học và hợp lý, sử dụng đệm lót sinh học, ấm vào mùa đông, thoáng vào mùa hè; toàn bộ nước thải được dẫn thẳng xuống hầm biogas, không gây ô nhiễm môi trường. Con giống được nhập từ các trang trại uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, có kiểm dịch của thú y địa phương và khi nhập về trang trại tôi cũng thực hiện trình báo với chính quyền địa phương”. Được biết, doanh thu trung bình hàng năm từ mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông đạt gần 1 tỷ đồng. Không chỉ vươn lên làm giàu, ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân ở địa phương về chăn nuôi, trồng trọt.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 72 mô hình trang trại, thu nhập mỗi trang trại đạt từ 150 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như: Trang trại cá lúa kết hợp chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả, nuôi dê, ba ba, trồng cây dược liệu cà gai leo... Đại diện lãnh đạo UBND xã Hà Tiến cho biết: Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương cũng đã có chính sách khuyến khích riêng, tạo thuận lợi và thúc đẩy việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn.
Có thể nói, việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư. Để kinh tế trang trại phát triển bền vững, xã Hà Tiến sẽ tập trung rà soát đất nông nghiệp và chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Bắc Ninh: Nâng cao ý thức vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường, phòng bệnh cho đàn vật nuôi
Cùng với tiêm phòng vacine, công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc có vai trò quan trọng tiêu diệt tận gốc nguồn vi rút gây bệnh trong môi trường, chủ động phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ở đàn vật nuôi trong vụ xuân - hè. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp đang tích cực chỉ đạo các địa phương triển khai vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường trên phạm vi toàn tỉnh.
Tại chợ gia cầm đầu mối phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn), mỗi ngày lượng gia cầm tiêu thụ lên đến 25.000- 30.000 con dẫn đến nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh rất lớn. Để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây nhiễm, Ban Quản lý chợ thường xuyên tiến hành vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường bằng hóa chất, vôi bột. Ông Vũ Công Tiến, Cán bộ Thú y phường Trang Hạ cho biết: “Việc phun hóa chất tại khu vực chợ được tiến hành theo định kỳ 3 lần/tuần, rắc vôi bột tiến hành định kỳ 2 lần/tuần, vì vậy từ khoảng 15 năm trở lại đây, dịch bệnh luôn được kiểm soát, không xuất hiện, lây lan".
Tại thị xã Từ Sơn, để góp phần thực hiện tốt tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, ngoài lượng hóa chất, vôi bột do tỉnh cấp, UBND thị xã chỉ đạo các phường trích kinh phí dự phòng, đồng thời chỉ đạo các hộ chăn nuôi tự mua vôi bột, hóa chất thực hiện tiêu độc, khử trùng bảo vệ đàn vật nuôi. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã tập trung chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, hộ gia đình, cơ sở ấp nở gia cầm thu gom chất thải, tiêu độc phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, lò ấp, khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm thức ăn trước khi ra vào cơ sở. Tiêu độc khử trùng tại cơ sở giết mổ tập trung, chợ buôn bán gia súc, gia cầm; quét dọn, vệ sinh khơi thông cống rãnh và phun thuốc sát trùng đường làng, ngõ xóm nhằm chủ động tiêu diệt các chủng vi rút, vi khuẩn gây bệnh lưu hành ngoài môi trường.
Trao đổi với ông Dương Xuân Tới, Chủ tịch UBND phường Tân Hồng được ông cho biết: “Toàn phường hiện có hơn 2.000 con lợn, hơn 110.000 con gia cầm, 30.000- 40.000 con chim cút. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ngoài việc thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin, phường còn thường xuyên chỉ đạo người chăn nuôi tiến hành phun hóa chất, rắc vôi bột vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho đàn vật nuôi nhất là trong tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường vụ xuân- hè đang diễn ra bởi đây là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nên từ nhiều năm trở lại đây, các trang trại chăn nuôi gia cầm của địa phương được bảo vệ an toàn”.
Cùng với phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn) từ đầu tháng 4 đến nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai phun hóa chất, rắc vôi bột vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Thời gian qua do triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống nên các dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm như: Bệnh lở mồm long móng, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm (H5N1) ở gà, vịt không xuất hiện. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết, nguy cơ xuất hiện một số dịch bệnh nguy hiểm ở đàn vật nuôi rất cao.
Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, Chi cục tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường trên phạm vi toàn tỉnh. Các Trạm Chăn nuôi và Thú y tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai tháng hành động vệ sinh khử trùng tiêu độc theo tinh thần của tỉnh, tập trung vào những khu dân cư, nơi có ổ dịch cũ, các trang trại chăn nuôi tập trung, nơi trung chuyển buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường trong phòng, chống dịch bệnh ở đàn vật nuôi.
Ngoài việc hỗ trợ, cung ứng kịp thời hoá chất, vôi bột… theo chính sách, quy định của tỉnh, Chi cục Thú y thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các địa phương; tăng cường máy bơm động cơ cỡ lớn để phun hoá chất ở các ổ dịch cũ, chợ, điểm giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật tập trung. Nhờ có sự chỉ đạo tích cực của chính quyền, ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu phố, khu vực chăn nuôi hộ gia đình.
Các chợ chính buôn bán, các cơ sở giết mổ tập trung đều được quét dọn, phun thuốc theo định kỳ. Mặc dù không được hỗ trợ hoá chất nhưng hầu hết cơ sở chăn nuôi tập trung đều tiến hành phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại, quét dọn thu gom phân rác, độn chuồng để ủ, đốt hoặc chôn, phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận.
Thống kê của các địa phương đến nay, toàn tỉnh đã sử dụng gần 9.000 lít hóa chất, gần 550 tấn vôi bột vệ sinh, khử trùng diện tích hơn 21 triệu m2 đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng, chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…
Sau thời gian triển khai tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường có thể khẳng định các cấp, ngành và người dân nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường và tự giác, tích cực tham gia thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn ảnh hưởng đến kết quả thực hiện tháng hành động như: Kinh phí chi trả cho lực lượng cán bộ Thú y cơ sở tham gia hoạt động phun thuốc khử trùng còn thiếu, thanh toán không kịp thời...
Để tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đạt hiệu quả thiết thực, ngoài hoá chất, vôi bột do tỉnh hỗ trợ, các địa phương cần đầu tư kinh phí mua thêm các loại vật tư, thiết bị phục vụ khử trùng như vôi bột, máy bơm… Các trang trại, cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn cần coi vệ sinh khử trùng tiêu độc là nhiệm vụ thường xuyên, xuất phát từ lợi ích của chính mình để tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Hà Nội: Kiểm soát sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các lò giết mổ cung cấp ra thị trường
Hiện nay, nhằm kiểm soát sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các lò giết mổ cung cấp ra thị trường, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã, đang tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở khu dân cư.
Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạch Thất Nguyễn Duy Đáng, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 10 cơ sở giết mổ được cấp phép và hơn 60 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Thực tế, việc giết mổ ở những cơ sở nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Tương tự huyện Thạch Thất, ở nhiều huyện vẫn tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Bởi hầu hết cơ sở nhỏ lẻ đều thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm dưới sàn, nguồn chất thải từ các cơ sở giết mổ đổ trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Đáng nói, nguồn gốc xuất xứ của gia súc, gia cầm ở các lò mổ này cũng rất khó xác định...
Nói về tình trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong số 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố thì có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Đa số những điểm giết mổ này không có địa điểm cố định, thường nằm rải rác ở các chợ, khu dân cư thuộc các huyện, thị xã, chưa bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các cơ sở này không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, cơ quan thú y khó kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) cho rằng, các địa phương cần mạnh tay xử lý những điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không được cấp phép theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần kiểm soát chất lượng thịt gia súc, gia cầm bán tại chợ dân sinh nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các chợ, điểm kinh doanh nhỏ lẻ trong thôn xóm. Qua đó theo dõi tình hình kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm và việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn huyện.
Để kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm bán ra thị trường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai hình thành khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội” gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương. Cùng với đó, mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thịt an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông để các cơ sở giết mổ công nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm hoạt động hiệu quả.
“Các địa phương cần tăng cường trách nhiệm, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu thực hiện giết mổ ở những cơ sở tập trung đã được chính quyền địa phương quy hoạch”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.