Suốt 2 tháng mùa thu hoạch, ngày nào cũng phải dầm mình dưới bùn để tìm hái gương sen, ở vựa sen lớn nhất miền Bắc (tỉnh Hà Nam), giúp nông dân nơi đây thu tiền tỷ.
Không giống như các đầm sen khác trồng để lấy hoa, những ngày này về vựa sen lớn nhất miền Bắc - diện tích tới 28ha tại xã Chuyên Ngoại, Mộc Nam và Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) - sẽ thấy cảnh người dân dầm mình cả ngày dưới bùn nước, thu hái gương sen.
Vì sen ưa sống ở vùng chiêm trũng nên người dân phải dầm mình cả ngày dưới bùn để thu hoạch gương.
Bất kể trời nắng như đổ lửa, hay mưa như trút, vào mùa hè, đây là cây trồng đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Nhìn ruộng sen dọc hai bên đường đi cành lá cao tới hơn 3m, thi thoảng lại có những chiếc thuyền chở đầy gương sen... ít ai biết rằng, vựa sen lớn nhất miền Bắc này, trước kia từng là cánh đồng trũng bỏ hoang do ngập lụt không thể cây lúa.
Vừa lội bùn nước, hái được một chậu gương sen đem lên bờ đóng vào bao tải, ông Nguyễn Văn Ngọc cười nói, gia đình ông có 10 mẫu trồng sen lấy hạt. Độ trung tuần tháng 2 âm lịch ông bắt đầu cấy sen, đến giữa tháng 5 âm lịch sen bắt đầu cho thu hoạch gương.
“Trồng sen cũng giống như trồng lúa. Nhưng khi cấy sen thì thưa hơn, khoảng 1 mét vuông mới có 1 khóm. Phân bón sen hết khoảng 15 kg/sào”, ông chia sẻ.
Ông Ngọc kể, vào thời điểm thu hoạch, bất kể ngày nắng hay mưa ông đều phải ra ruộng hái gương sen. Thời gian sen cho thu hoạch kéo dài khoảng 60 ngày.
Đặc biệt, để không bị lạc giữa đầm sen rộng hàng chục ha cùng những cành sen cao quá đầu người, mỗi khi dầm mình xuống bùn hái gương sen, đi đến đâu ông phải bẻ cành lá đến đó để đánh dấu. Làm như vậy có thể đi lần lượt hết đầm, không để sót gương sen.
“Có đầm sen chỉ để bán hoa, còn sen ở đây thì để lấy hạt. Năm nay mưa ít nên sản lượng giảm hơn năm ngoái”, ông Ngọc nói.
Song, ông tiết lộ, trồng sen cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Ở đây có nhiều hộ trồng sen, thu nhập tuỳ vào diện tích nhiều hay ít. Mỗi sào sen thường cho thu trên 2 triệu đồng.
Gia đình ông có diện tích sen khá lớn, dự kiến thu khoảng 200 triệu, trừ đi chi phí lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.
Theo người dân nơi đây, vào mùa thu hoạch, nhà trồng ít thì thu được vài chục triệu, nhà trồng nhiều thu được hàng trăm triệu đồng. Tổng sản lượng hạt sen thu được ở vựa sen này lên tới tiền tỷ.
Ông Nguyễn Quốc Dân, một đầu mối thu mua hạt sen, cho biết, mỗi ngày ông thu mua vài tạ hạt sen, tuy nhiên, giá cả phụ thuộc vào từng loại. Ví như sen chưa bóc hạt giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, hạt càng to, mẩy tròn giá càng cao. Riêng hạt sen đã tách vỏ giá thu mua từ 140.000-150.000 đồng/kg.
Nghệ An: Muôn kiểu chống hạn cho cam trong nắng gắt
Cam là cây trồng cần đầu tư lớn, cho thu nhập hàng triệu đồng/cây, do vậy, vào những ngày nắng nóng kéo dài, các chủ vườn ở Nghệ An phải bằng mọi cách, chống hạn cho cam hiệu quả nhất.
Chống hạn cho cam hiệu quả nhất, chính là công nghệ tưới nhỏ giọt. Ảnh: Xuân Hoàng
Từ đầu tháng 6 đến nay, suốt hơn 1 tháng, thời tiết Nghệ An có nắng nóng liên tục, đồng nghĩa với cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có cây cam.
Nếu chăm sóc tốt, cam là cây cho thu nhập tiền triệu, do vậy người trồng cam lo chống hạn bằng mọi cách.
Ông Bùi Văn Thân, chủ hộ trồng cam ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho biết, gia đình có 2ha cam đã 4 năm tuổi. Để chống hạn cho cam, ông đầu tư 1 chiếc máy nổ Đông Phong, đặt bên bờ suối Lin, cách vườn cam chừng 30m.
Chiều nào cũng vậy, suốt cả tháng nay, khi hết ánh nắng là ông ra vườn tưới từng gốc cam.
Song, ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Minh Hợp lại có cách chống hạn cho cam mang lại hiệu quả kép. Đó là trên diện tích 1 ha cam, ông trồng xen dưa lê vào giữa 2 hàng cam.
Trong luống dưa, ông Hậu lót bạt, đục lỗ, hàng ngày bơm nước vào đầy đủ, nước ngấm dần xuống đất, độ ẩm cao, nên vườn cam không bị héo, sau 3 tháng dưa lê cho thu hoạch.
Gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xã Minh Hợp có 2,7ha cam, đã được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt.
Bà Liên cho biết, bằng cách tưới cuốn chiếu, cứ sau 4 ngày được tưới một lần trong khoảng thời gian 24 tiếng, nên nước thấm sâu vào lòng đất, cam phát triển tốt trong những ngày nắng nóng.
Theo ông Quán Vi Giang - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp, cho biết: Địa phương có hơn 2.000 ha cam. Vào những ngày nắng nóng liên tục của tháng 6 và đầu tháng 7, người trồng cam Quỳ Hợp đã bằng mọi cách để chống hạn cho vườn cam.
Phổ biến nhất là bơm nước từ khe, suối lên và khoan giếng tại vườn cam. Tuy nhiên, do nguồn nước khe, suối, ao, hồ cạn kiệt, nên nhiều vườn cam không được tưới đầy đủ.
Trong số hơn 2.000 ha cam thì có khoảng 1.500 ha bị héo quắt, còn khoảng 500 ha do những hộ có điều kiện đầu tư tưới nhỏ giọt và khoan giếng lấy nước tưới tại chỗ, nên mức độ héo ít hơn.
Ở huyện Tân Kỳ, các chủ vườn đang quay quắt để chống hạn cho cam. Thời tiết nắng nóng như những ngày qua, khiến toàn bộ diện tích 200ha cam của địa phương bị ảnh hưởng, héo lá.
Tuy nhiên, để cứu cây cam không bị chết khô, người dân đã vận dụng mọi cách để bơm nước tưới cho cam.
Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết, ngoài 70 ha cam được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, đảm bảo cây cam không bị ảnh hưởng, 130 ha còn lại, bà con phải bơm nước khe, suối, giếng lên tưới cho cam.
Cam là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nên người trồng cam chấp nhận đầu tư tưới nước, cứu sống cây cam trong nắng nóng.
Quảng Ngãi: Vì sao nông dân chưa mặn mà với thuốc BVTV sinh học
Mặc dù có nhiều ưu việt, nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, nhưng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học hiện vẫn chưa được nông dân sử dụng rộng rãi.
Dự án trồng rau củ quả công nghệ cao xã Đức Minh (Mộ Đức), “chết yểu” vì sử dụng thuốc BVTV.
“Thuốc BVTV hóa học không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn gây ô nhiễm môi trường, tàn phá đất đai.
Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, do không đảm bảo chất lượng, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phạm Bá cho biết.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta chi từ 500 - 700 triệu USD, để nhập khoảng 35 nghìn tấn thuốc BVTV hóa học.
Trong đó, thuốc diệt cỏ chiếm 48% (tương đương 19 nghìn tấn), còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh...
Chính vì vậy, khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên 1ha cây trồng lên đến 2kg, trong khi một số nước khác trong khu vực chỉ 0,2 - 1kg/ha.
Bên cạnh đó, có hơn 30% người dân sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, chủ yếu là không đảm bảo liều lượng và nồng độ, người dân không có bảo hộ lao động...
Khắc phục tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời công bố rộng rãi thông tin danh mục 231 hoạt chất, với 721 tên thương phẩm thuốc BVTV sinh học, để nông dân biết và sử dụng.
Tuy nhiên, phần vì thói quen, phần do thuốc BVTV sinh học thường tạo ra hiệu quả tương đối chậm, và điều kiện bảo quản khắt khe hơn, nên nông dân vẫn chuộng các loại thuốc BVTV hóa học.
“Sâu cắn lá nhiều lắm, nếu dùng thuốc BVTV sinh học, không biết đến khi nào mới diệt hết sâu. Vậy nên, tôi đành phải phun thuốc BVTV hóa học, mới mong có rau để bán”, bà N.T.S, người trồng rau ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), lý giải.
Ngoài vấn đề diệt trừ sâu bệnh nhanh, theo bà S, phun thuốc trừ sâu cũng là việc “chẳng đặng đừng”, vì vừa gây hại bản thân, vừa ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng thuốc trừ sâu, rau không đẹp, người tiêu dùng chê không mua.
Cùng với việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất về vai trò, lợi ích của các chế phẩm sinh học và thuốc BVTV sinh học, để nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học, rất cần sự chung tay đồng hành của chính quyền các cấp, cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp (DN) và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV sinh học.
Bởi thực tế, việc tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV sinh học hiện vẫn chỉ là “khẩu hiệu”, phụ thuộc vào ý thức người sản xuất, chưa được “hiện thực hóa” bằng các hành động, giải pháp cụ thể.
Chính vì vậy, cần nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trong việc hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn, để đáp ứng yêu cầu của thị trường; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm...
Đồng thời, khuyến khích nông dân và DN sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn; tuyên truyền người tiêu dùng, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm, được sản suất theo chuẩn VietGAP, GAP, an toàn... nhằm tạo động lực để người sản xuất tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, tiến tới hạn chế và không sử dụng thuốc hóa học.
“Nhà nước cần ban hành cơ chế chính sách thu hút DN đầu tư nghiên cứu, phát triển thuốc BVTV sinh học, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý các loại thuốc BVTV sinh học trên thị trường.
Đồng thời, phát hiện kịp thời và xử lý những trường hợp lợi dụng bán ra thị trường các loại thuốc kém chất lượng, làm mất lòng tin của người sử dụng đối với thuốc BVTV sinh học”, ông Bá đề nghị.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…