Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 8 năm 2020 | 7:30

Tin NN: Kỳ vọng mở đường xuất khẩu nhãn thuận lợi trong bối cảnh Covid 19

Vụ nhãn năm nay được mùa lớn, nhưng hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ do dịch Covid-19, các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

vov_nhan_son_la_vmtz.png
Ảnh minh họa.

 

Sơn La và Hưng Yên là hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc với khoảng 30% diện tích toàn quốc. Niên vụ này, hai tỉnh được mùa nhãn nhưng tình hình thực tế đang khiến cho các nhà vườn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, vụ nhãn năm 2020, tỉnh Hưng Yên có diện tích khoảng 4.600ha, với sản lượng trên 50.000 tấn. Ngay từ đầu vụ, tỉnh xây dựng Kế hoạch xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc. Tuy nhiên, do diễn biến của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương, các nhà phân phối, chế biến và chung tay của người tiêu dùng.

Thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở các tỉnh, thành phố khác đang trồng nhãn, đặc biệt là tỉnh Sơn La với diện tích gần 19.500ha, thu hoạch 75.000 tấn, khiến cho các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng một số cơ quan, doanh nghiệp xúc tiến thương mại quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chất lượng quả nhãn Việt Nam và các sản phẩm giá trị gia tăng từ nhãn đang ngày càng được nâng cao. Ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, các sản phẩm nhãn Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Đông...

“Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ..., đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi của nước nhập khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Đã có hơn 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam, bao gồm: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc được giao dịch trực tuyến với hơn 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhãn lớn nhất của Việt Nam, với sự tham gia của hơn 40 thương nhân, nhà nhập khẩu đến từ các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Thượng Hải, Chiết Giang và Trùng Khánh – Trung Quốc.

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm – Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Việt Nam có nhiều loại hàng nông sản, thủy sản được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích, đặc biệt là nhãn Việt Nam vỏ mỏng, cùi dày. Mỗi năm đều là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc.

Năm nay nhãn Việt Nam được mùa, Đại sứ quán Trung Quốc vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam để tạo điều kiện cho mặt hàng nhãn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, từ khâu xúc tiến thương mại, thông quan hàng hóa và tiêu thụ.

 “Tôi cũng đề nghị các thương gia Trung Quốc tích cực tìm hiểu và thu mua nhãn Việt Nam, vừa hỗ trợ nông dân Việt Nam, vừa thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai bên”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Thực tế, ngay từ khi chưa vào vụ, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại lồng ghép nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng nhãn trong các chương trình giao thương trực tuyến chuyên đề nông sản, thực phẩm với một số thị trường nước ngoài. Việc này được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà nhập khẩu nước ngoài hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho sản phẩm nảy.

80.000 tấn gạo miễn thuế sẽ “bước chân” vào thị trường EU mỗi năm

Mỗi năm Việt Nam sẽ có 80.000 tấn gạo được xuất sang EU, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Theo Ủy ban Châu Âu (EC), khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 80.000 tấn gạo được xuất sang EU, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, gạo xay xát và gạo thơm là 30.000 tấn.

 

photo-1-15977213222701952287881.jpg
EVFTA cam kết, mỗi năm sẽ có 80.000 tấn gạo được xuất sang EU.

 

Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được các cơ quan chức năng trong nước phân bổ lượng hạn ngạch này để xuất khẩu, hưởng thuế ưu đãi vào thị trường EU, nhưng với 80.000 tấn gạo theo EVFTA, quy trình để cấp phát hạn ngạch sẽ theo một cách khác.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), về thực thi hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo này, Việt Nam không phân bổ hạn ngạch gạo mà EU sẽ phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía họ. Những doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang EU cần liên hệ với doanh nghiệp EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán, nhằm tận dụng hết số hạn ngạch gạo trên.

Bộ Công Thương lưu ý, EC quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Quy định xác nhận chủng loại gạo chỉ áp dụng với hạn ngạch miễn thuế, chứ không phải tất cả gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU không có nhu cầu tham gia trong hạn ngạch miễn giảm thuế quan thì không cần có chứng nhận này và sẽ phải chịu mức thuế theo quy định.

Để đáp ứng yêu cầu của EC đối với xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về các thủ tục hành chính cho xuất khẩu gạo sang EU được hưởng hạn ngạch thuế quan.

Hiện, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp. Năm 2019, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm. Nguyên nhân là do trước đó Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan hoặc được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.

Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam dành được lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.

Xuất khẩu cá tra sang Singapore tăng hơn 38%

Quý 2/2020, trong khi hầu hết giá trị xuất khẩu sang các thị trường ASEAN và EU giảm sút thì riêng giá trị xuất khẩu sang Singapore tăng 38,5% đạt gần 13 triệu USD.

 

photo1597924254051-15979242541931897454496.jpg
Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu.

 

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, tính đến giữa tháng 7/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN đạt 73,1 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất là Thái Lan giảm 33,2%; Singapore tăng 3,3%, Malaysia giảm 31,3% so với năm trước.

Nếu trong quý 1/2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang ASEAN vẫn còn giảm nhẹ thì bước sang quý 2 giá trị xuất khẩu giảm càng mạnh hơn do đại dịch COVID-19. Mức giảm không chỉ dừng lại ở một số quốc gia Malaysia, Indonesia hay Philippines mà Singapore cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do số ca mắc gia tăng.

Đầu năm nay, Thái Lan là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất trong khối, chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu sang cả khối, nhưng sang quý 2/2020, giá trị xuất khẩu sang Thái Lan giảm mạnh. Thị trường này chỉ chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN. Trong khi đó, Singapore vươn lên thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của khu vực trong quý II/2020, chiếm 44,8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang ASEAN trong 3 tháng này.

Quý 2/2020, trong khi hầu hết giá trị xuất khẩu sang các thị trường ASEAN và EU giảm sút thì riêng giá trị xuất khẩu sang Singapore tăng 38,5% đạt gần 13 triệu USD. Tính tới giữa tháng 7/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Singapore đạt gần 21 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, có gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tham gia xuất khẩu sang ASEAN trong quý 2/2020, trong đó, gần 40 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Singapore.

Trong thời gian này, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm cá tra nổi bật như: cá tra phile đông lạnh, bong bóng cá tra khô; cá tra phile cắt cube đông lạnh; phile cá tra cắt miếng đông lạnh, cá tra fillet tẩm bột tempura, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên chín đông lạnh … sang thị trường Singapore.

 

 

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top