Với kỳ vọng mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ giảm dần và sự hỗ trợ của các Hiệp định thương mại tự do, giới phân tích cho rằng, các kênh tiêu thụ chính của một số sản phẩm nông sản sẽ dần phục hồi và có khả năng tăng trưởng mạnh.
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ
Theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), năm 2021, nhu cầu tiêu thụ phục hồi tại các thị trường xuất khẩu sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng các sản phẩm thủy sản. Với kỳ vọng các quốc gia kiểm soát dịch tốt hơn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ hồi phục mạnh mẽ khi nhà hàng, trường học chiếm tỷ trọng lớn trong kênh phân phối tiêu thụ. Đồng thời, các doanh nghiệp buôn bán thủy sản sẽ tăng cường nhập khẩu trở lại nhờ hoạt động hồi phục trong nửa cuối năm 2020 và 2021; tăng hàng tồn kho vốn đang ở mức thấp.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng tôm trong năm 2021, đạt khoảng 730.000 tấn, tăng 4%. Do vậy, nguồn tôm cung cấp ổn định sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu.
Các chuyên gia FPTS cũng dự báo, năm 2021, giá bán tôm xuất khẩu khả năng cao sẽ không tăng mạnh, khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khó dự báo và phụ thuộc rất lớn vào mức độ hồi phục của các kênh tiêu thụ chính. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng, khi sản lượng tôm toàn cầu được dự báo tăng trở lại và cùng với đó là sự phát triển của xu hướng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhằm giảm bớt rủi ro của các cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới.
"Với giả định tình hình dịch bệnh trên thế giới dai dẳng, nhưng mức độ sẽ giảm dần nhờ sự phân phối rộng rãi hơn của vaccine trong năm 2021, các kênh tiêu thụ food services như nhà hàng, khách sạn, casino, khu du lịch,… sẽ dần phục hồi. Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sẽ tăng nhẹ khoảng 5%, trung bình đạt 9,6 USD/kg", báo cáo của FPTS nhận định.
Các chuyên gia BSC cũng cho rằng, năm 2021 sản phầm từ tôm khó có tốc độ tăng trưởng cao khi các quốc gia cạnh tranh quay trở lại hoạt động bình thường. Trong năm 2020, Ấn Độ và Ecuador (hai quốc gia cạnh tranh chính) đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến quy trình sản xuất bị gián đoạn. Trong khi đó, Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch tốt và chuỗi sản xuất tôm không bị đứt gãy đã tạo đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, năm 2021 tác động này khả năng khó có thể xảy ra khi các quốc gia quay lại sản xuất và giá bán tôm của Ấn Độ và Ecuador thấp hơn từ 10 – 15% so với tôm Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường EU (chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam) kỳ vọng được hỗ trợ tích cực bởi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Khi đó, tôm nguyên liệu đông lạnh ngay lập tức giảm về 0% khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi mặt hàng tôm chế biến sẽ được giảm dần về 0% sau 7 năm Hiệp định có hiệu lực, cụ thể là kể từ ngày 1/1/2027.
Thuế suất hỗ trợ 0% cho mặt hàng tôm nguyên liệu sẽ thúc đẩy đáng kể lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này tại thị trường EU. Trong khi đó, năm 2021, mức thuế cho mặt hàng tôm chế biến vẫn là 7% - bằng với mức thuế ưu đãi GSP đang được hưởng. Do vậy, mặt hàng tôm chế biến của Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều lợi thế từ EVFTA.
Bên cạnh các triển vọng tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro khi thuế suất chống bán phá giá sang thị trường Mỹ có thể tăng trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14). Dù vậy, giới phân tích vẫn kỳ vọng sản phẩm tôm Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được mức thuế chống bán phá giá 0% sang thị trường Mỹ như đã thể hiện tốt trong lần xem xét vừa qua – POR 13.
Theo dự báo của Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 đạt 9,4 tỷ USD . Bên cạnh các yếu tố hỗ trợ tích cực, ngành thủy sản Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro khi tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài cũng như tốc độ phục hồi các kênh tiêu thụ sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường phục hồi chậm hơn dự báo.
Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc ngay từ đầu năm
Hiện giá tiêu trên thị trường đã tăng lên khoảng 1.000 đồng/kg và được dự báo sẽ không giảm trong thời gian tới.
Trước Tết, giá hạt tiêu đen trong nước ổn định ở mức 51.000 – 53.000 đồng/kg, nhưng đến ngày 22/2 giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam giao dịch ở mức 52.000 – 54.500 đồng/kg.
Giá đã tăng mạnh 1.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh. Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cao nhất 54.500 đồng/kg, giá thấp thất tại Gia Lai, các tỉnh còn lại quanh mức 52.500 – 53.500 đồng/kg. Trong tuần qua, giá tiêu tăng 500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Đồng Nai; giữ nguyên ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước Tết giá tiêu ở mức thấp do đầu tháng 2/2021 rơi vào thời gian nghỉ tết Nguyên đán nên thị trường hạt tiêu trong nước khá trầm lắng, gần như không có hoạt động mua bán, chỉ có tỉnh Đắk Nông thu hoạch khoảng 20%, trong khi người dân bán cầm chừng. Lực mua yếu do các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thỏa thuận với các nhà nhập khẩu về việc hoãn giao hàng do giá cước tàu tăng quá nhanh trong thời gian qua.
Giới kinh doanh hồ tiêu dự báo, giá tiêu tuần này vẫn có triển vọng tăng lên 55.000 đồng/kg, do các nhà đầu cơ tăng mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh. Với đà tăng này, nhiều người dự đoán mốc 60 triệu đồng/tấn sẽ không còn xa.
"Đang đà tăng giá, thị trường nội địa được dự đoán có triển vọng tăng lên 55.000 đồng/kg, do các nhà đầu cơ tăng mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh. Với đà này, mốc 60 triệu đồng/tấn sẽ không còn xa", một chuyên gia nhận định.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trong 15 ngày đầu tháng 2/2021 đạt 6.533 tấn, trị giá 19,288 triệu USD, cộng dồn từ ngày 1/1 - 15/2/2021 đạt 23.417 tấn, trị giá 67,923 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 7,6% về khối lượng, nhưng tăng 13,06% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 1/2021 ước đạt 2.833 USD/tấn, tăng 2,4% so với tháng 12/2020 và tăng 16,2% so với tháng 1/2020.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đầu năm 2021, xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố là những thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam dần ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên tiêu thụ tăng lên, cho dù đến hiện tại tình trạng thiếu container vẫn còn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định lớn đối với xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.
"Với tình hình như hiện nay giá tiêu sẽ không tăng mạnh nhưng xuống giá như trước đây cũng khó. Việt Nam đang thu hoạch tiêu nhưng giá tiêu tăng cho thấy nhu cầu thị trường đang có. Theo khảo sát của VFA, năm 2021 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm trên dưới khoảng 25%.
Bước sang năm 2021, theo VPA, sản lượng tiêu có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn.
Theo các chuyên gia, mặc dù diện tích sụt giảm nhưng giá tiêu trong năm 2021 khó tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến các nhà hàng phải đóng cửa kéo theo nhu cầu giảm mạnh. Thêm vào đó, doanh nghiệp hiện vẫn đang thiếu container rỗng để xuất hàng đi, giá cước tăng cao nên tình hình càng khó khăn hơn. Ngoài ra, các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá. Chủ tịch VPA đưa ra là giá tiêu trong năm 2021 có thể chỉ đạt khoảng 54.000 - 55.000 đồng/kg, cao nhất đạt khoảng 60.000 đồng/kg.
Thị trường lúa gạo ổn định mức cao
Giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL hiện duy trì ở mức cao.
Giá gạo nguyên liệu IR 504 ổn định ở 10.250 đồng/kg; giá gạo thành phẩm IR 504 ở 11.450 đồng/kg; giá gạo tấm 1 IR 504 ổn định ở mức 9.900 đồng/kg; giá cám vàng ở 7.350 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa OM 9577, OM 9582 ở mức 6.900-7.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 6900-7.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.000 đồng/kg. Lúa OM 6976 giảm 100 đồng/kg 6.900-7.000 đồng/kg.
Giá gạo ổn định: gạo nàng Nhen ổn định 16.000 đồng/kg; gạo Hương lài 19.500 đồng/kg; gạo nàng hoa 16.200 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay gạo nguyên liệu về nhiều hơn. Khách Trung Quốc tiếp tục hỏi mua lúa nếp, giá lúa nếp tươi giữ vững ở mức cao. Trong nửa cuối tháng 2/2021 nhiều kho đặt mua tấm thơm vụ Đông Xuân 2021 để giao cho các thương nhân xuất đi châu Phi. Nguồn cung tấm thơm ít, hàng chưa có nhiều, nhà máy chào giá bán cao.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 505 - 510 USD/tấn.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo ước đạt 347.774 tấn, tương đương 191,88 triệu USD (giảm 36,4% về khối lượng và giảm 34,2% về kim ngạch so với tháng 12/2020).
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.