Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 10 năm 2019 | 10:41

Tin NN Tây Bắc: Bắc Hà thu gần 300 tỷ đồng từ sản phẩm quế

Nông dân các xã khu vực hạ huyện Bắc Hà (Lào Cai) vừa kết thúc đợt thu hoạch quế thứ 3, cũng là vụ cuối trong năm 2019, trong đó, ghi nhận kỷ lục tại xã Nậm Đét khi tổng thu từ các sản phẩm quế đạt 45 tỷ 390 triệu đồng.

que-bh.jpg

Nông dân xã Nậm Đét thắng lớn từ thu hoạch quế vụ 3 năm 2019. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Cụ thể, thu hoạch hạt quế giống bán cho bà con nông dân trong khu vực đạt 10.000 kg, với giá bán bình quân là 200.000đ/kg, nông dân xã thu về 2 tỷ đồng; thu hoạch vỏ quế tươi vụ 3 bán được 1.650 tấn, với giá trung bình 24 ngàn đồng/kg, đem về nguồn thu  37 tỷ 590 triệu đồng; sản phẩm lá quế thu được trên 1.100 tấn, thu gần  2,2 tỷ đồng; sản phẩm gỗ quế bán được 1.500m3 đem về nguồn thu 3,6 tỷ đồng. 

Toàn huyện Bắc Hà hiện có 8.200 ha quế (năm 2019 trồng mới được 400 ha), trong đó, diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 3.850 ha. Diện tích quế tập trung ở các xã khu vực hạ huyện, chủ yêu là: xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly.

Từ đầu năm đến nay, giá trị thu được từ quế, gồm vỏ, lá, hạt, gỗ quế....ước đạt 294 tỷ đồng (tăng 74 tỷ đồng so với năm 2018). 2019 là năm nguồn thu từ sản phẩm quế tăng cao nhất trong lịch sử 47 năm trồng và phát triển vùng chuyên canh quế Bắc Hà . Năm 2018, với nguồn thu 220 tỷ đồng từ sản phẩm quế đã góp phần giúp 1.335 hộ nông dân Bắc Hà thoát nghèo. Năm nay, với nguồn thu tăng cao, dự đoán Bắc Hà sẽ có thêm nhiều hộ nông dân thoát nghèo từ trồng quế.

Lai Châu: Chú trọng xây vùng nguyên liệu chè sạch cho xuất khẩu

Chè Lai Châu đang được các doanh nghiệp xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Trung Đông - các thị trường đòi hỏi rất khắt khe yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

che.jpg

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu Hà Văn Um cho biết toàn tỉnh có diện tích chè trên 7.000ha, trong đó có trên 3.500ha chè kinh doanh; trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến chè đang hoạt động.

Sở đang giao cơ quan chức năng phối hợp các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc trừ cỏ; kinh doanh thuốc không có tên trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện sẽ cương quyết xử lý cơ sở vi phạm tránh trường hợp làm ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu chè.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện theo phương châm phun 4 đúng: “Liều lượng, loại thuốc, thời điểm phun, đúng bệnh;” luôn chủ động kiểm tra vùng nguyên liệu, dự báo sâu bệnh, kiểm tra phòng bệnh, phát hiện và cấp phát thuốc phun kịp thời.

Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trà Than Uyên chia sẻ, hiện nay, vùng nguyên liệu của công ty có 430ha chè và ký hợp đồng với hơn 300ha của các hộ; thị trường xuất khẩu chủ yếu sang các nước Trung Đông.

Cây chè ở Lai Châu đã và đang khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực, do vậy doanh nghiệp và người dân phải liên kết cùng xây dựng, giữ cho vùng nguyên liệu sạch đảm bảo các tiêu chuẩn.

Điện Biên: Phát triển cây ăn quả cần đảm bảo hiệu quả

Hiện, Điện Biên có 2.671ha cây ăn quả; trong đó 1.979,1ha đã cho thu hoạch; sản lượng năm 2018 ước đạt 19.573,8 tấn.

 

caq.jpg
Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

Diện tích cây ăn quả tập trung tại các huyện: Ðiện Biên (1.228,8ha); Tuần Giáo (289ha); Mường Chà (255,9ha); Ðiện Biên Ðông (232,3ha); Mường Ảng (189,9ha); Mường Nhé (151,6ha) và TP. Ðiện Biên Phủ (169ha) với các loại cây chủ yếu: Cam, bưởi, xoài, nhãn, chuối, dứa, vải. Thời gian gần đây, cây chanh leo đang được người dân tích cực mở rộng diện tích; hiện nay toàn tỉnh đã có 66,2ha cây chanh leo trồng tập trung tại 2 huyện: Tuần Giáo và Mường Ảng.

Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2982/KH-UBND, trong đó định hướng tập trung phát triển một số cây ăn quả có diện tích lớn, có thể trở thành hàng hóa theo hướng liên kết tiêu thụ gắn với chuỗi thực phẩm an toàn. Ðến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ đạt 500ha; phát triển diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 - 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam ở huyện Ðiện Biên (100ha), Mường Ảng (300ha), Tuần Giáo (100ha) và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, tỉnh lựa chọn, phát triển một số loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu theo mô hình trang trại, sử dụng giống có năng suất cao như: Bơ, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long; xây dựng phương án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và Ðiện Biên.

Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi đất nương, đất ruộng 1 vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao. Năm 2019, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi 332ha sang trồng cây ăn quả tại các huyện: Mường Ảng, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông.

Năm 2020, dự kiến chuyển đổi thêm 321ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Làm giàu từ nghề vỗ béo trâu bò

Vỗ béo trâu, bò - nghề có vẻ như đơn giản nhưng với vợ chồng anh Bùi Văn Hiệu ở xóm Gò Chè, xã Hợp Kim (Kim Bôi, Hòa Bình) lại hết sức kỹ lưỡng và hao sức, tốn của. Đó là bởi vợ chồng anh đã dành tất cả tâm huyết để xây dựng một mô hình trang trại đáp ứng chuẩn các yêu cầu kỹ thuật để duy trì chăn nuôi bền vững, và quan trọng là "hái ra tiền”.

 

vo-beo-trau.jpgChị Hồ Thị Kiều, xóm Gò Chè, xã Hợp Kim (Kim Bôi) chăm sóc đàn bò nuôi vỗ béo tại trang trại của gia đình. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Sinh ra từ làng, làm bạn với con trâu, con bò từ thuở bé, khi trưởng thành đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cũng lại làm công cho một trang trại chăn nuôi bò, anh Hiệu nghĩ hẳn mình có duyên với những… con bò. Hết hợp đồng lao động trở về nước với lưng vốn vài trăm triệu đồng, anh bàn với vợ: khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi trâu, bò! Ý tưởng ấy được vợ anh, chị Hồ Thị Kiều - một phụ nữ chịu khó và khá nhạy bén với thương trường đồng tình, hưởng ứng. Ban đầu, vợ chồng anh Hiệu nuôi trâu, bò theo kiểu truyền thống.

Theo tính toán của chị Kiều, nuôi theo cách này đơn giản, nhàn hạ, nhưng mỗi năm chỉ thu lãi khoảng 1 triệu đồng/1 con trâu hoặc bò. Quá trình tiêu thụ sản phẩm, anh chị kết nối được với các trang trại bò lớn ở các huyện thuộc ngoại thành Hà Nội. Sau vài chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại khép kín chuyển sang nuôi trâu, bò vỗ béo. Năm 2018, vợ chồng anh Hiệu bắt đầu làm thủ tục mượn (đấu thầu) 9.000 m2 đất dự trữ của xã để trồng cỏ, vay thêm vốn của ngân hàng để xây chuồng trại và mua trâu, bò giống.

Để có nguồn giống ổn định, anh chị lặn lội khắp các huyện trong tỉnh để kết nối nguồn cung (hiện mỗi huyện có 2-3 người tìm mua bò giúp vợ chồng anh Hiệu). Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị như máy thái cỏ, hệ thống đường điện, đường nước, hầm ủ phân… và sự hỗ trợ về kiến thức KH-KT, giới thiệu thị trường tiêu thụ từ Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, đầu năm 2018, vợ chồng anh Hiệu đã nuôi thí điểm 100 con trâu, bò.

Chị Hồ Thị Kiều chia sẻ: Trong năm đầu (năm 2018), gia đình đã đầu tư khoảng gần 1,2 tỷ đồng gồm: hệ thống chuồng trại, con giống, cám ăn tổng hợp, thuốc thú y và tiền lương công nhân (ngoài hai vợ chồng, anh chị thuê 4 - 6 lao động trợ giúp). Nuôi trâu, bò vỗ béo nên 3 tháng gia đình xuất 1 một lứa, trâu chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, còn bò xuất lẻ cho các tư thương, các lò mổ ở địa phương và các tỉnh lân cận. Năm đầu thí điểm, gia đình anh Hiệu thu lãi khoảng 380 triệu đồng. Hiện, trang trại của gia đình anh nuôi 120 con trâu, bò. Chỉ tính nửa đầu năm 2019, vợ chồng anh đã thu lợi nhuận  khoảng 650 triệu đồng.

Xác định đây là mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ nâng cao nguồn thu nhập cho riêng gia đình anh Hiệu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, UBND xã Hợp Kim đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ về đất đai, thủ tục đầu tư, hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ và giới thiệu cho hàng chục hộ đến học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, trên địa bàn xã Hợp Kim đã có thêm 2 mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

Có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn, vợ chồng anh Hiệu sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ cho các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi trâu, bò. Gia đình anh hiện đang hỗ trợ hộ chăn nuôi bò sinh sản theo hướng liên kết cùng phát triển, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế hộ ở địa phương.

Mùa thảo quả ở Chiềng Công

Trong những năm qua, xã Chiềng Công (Mường La, Sơn La) đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương. Tại các bản vùng cao, bà con đã tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây thảo quả, loại cây trồng đã và đang mang lại nguồn thu khá ổn định cho bà con.

 

thao-qua.jpg

Nông dân bản Tảo Ván, xã Chiềng Công (Mường La) chuẩn bị thu hoạch thảo quả trồng dưới tán rừng. Ảnh: Báo Sơn La

 

Thời điểm này, thảo quả ở Chiềng Công đang chín rộ, các hộ dân trồng thảo quả đã sửa sang lại lán nương, lò sấy để thu hoạch và sơ chế thảo quả tại chỗ. Ông Mùa A Lụ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Công thông tin: Với 7.500 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ, cùng với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, từ năm 2012, người dân trong xã đã tiến hành trồng cây thảo quả dưới tán rừng, bởi đây là loại dược liệu mang lợi ích kép, vừa chống xói mòn, chống rửa trôi đất, vừa mang lại thu nhập khá so với trồng các loại cây khác. Để mở rộng diện tích, xã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng thảo quả dưới tán rừng, gắn với quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng; đồng thời, cử cán bộ khuyến nông về tận các bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, lựa chọn những quả đạt tiêu chuẩn để ươm giống...

Theo thống kê, toàn xã hiện có 160 hộ dân trồng cây thảo quả, tới gần 70 ha dưới tán rừng (hơn 30 ha đã cho thu hoạch quả), tập trung ở các bản: Tảo Ván, Pá Chè, Chống Dụ Tẩu, Tốc Tát trên, Kéo Hỏm, Lọng Bó, Hán Cá Thệnh, Mới... năng suất trung bình trên 5 tấn quả tươi/ha. Theo người dân, loại cây này thường cao từ 2 - 3 m, thân rễ to, mọc thành cụm, ưa ẩm, nên tốt nhất là trồng dưới tán rừng; thời gian trồng từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Quả cây này mọc thành chùm, hình quả trứng, khi chín có màu đỏ tía, hạt màu vàng nâu, mùi thơm, vị cay; thu hoạch quả từ tháng 10 đến tháng 11 hằng năm. Vụ năm 2018, sản lượng thảo quả tươi toàn xã đạt gần 160 tấn, giá bán từ 18.000 - 22.000 đồng/kg.

Tảo Ván là bản đầu tiên trồng cây thảo quả ở xã Chiềng Công. Bản có 53 hộ đồng bào Mông. Ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nên khí hậu quanh năm mát mẻ; ngoài trồng cây lúa nương, ngô, sơn tra thì cây thảo quả trồng dưới tán rừng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo; không ít hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình các ông: Mùa A Lâu, Mùa A Cu, Mùa A Nanh...; cả bản đều trồng cây thảo quả dưới tán rừng, diện tích tới gần 30 ha (13 ha đã cho thu hoạch), sản lượng hơn 60 tấn quả tươi/năm.

Thấy rõ lợi ích của trồng cây thảo quả dưới tán rừng, xã Chiềng Công sẽ tiếp tục vận động nhân dân các dân tộc mở rộng diện tích, gắn với công tác bảo vệ rừng, phấn đấu hằng năm trồng mới từ 15 - 20 ha, giúp người dân trong xã xóa nghèo bền vững.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top