Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2019 | 15:0

Tin NN Tây Bắc: Bát Xát mất mùa tỏi

Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Bát Xát (Lào Cai) rất tích cực đưa cây tỏi - cây trồng trọng tâm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định vụ tỏi năm 2019 đã thất bại.

toi.jpg

Nông dân Bát Xát phơi tỏi sau thu hoạch. Ảnh Báo Lào Cai

 

Vụ tỏi năm 2017 - 2018 cho thu hoạch đúng thời điểm, năng suất, chất lượng tốt, giá bán cao nên mang lại lợi nhuận cao. Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết, cây tỏi trồng thử nghiệm ở Bát Xát cho năng suất, chất lượng rất tốt, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Mỗi ha tỏi có năng suất khoảng 18 - 20 tấn củ, với giá bán trung bình 11 - 13 nghìn đồng/kg thì trừ chi phí, người dân thu lãi 50 - 80 triệu đồng/ha. Việc trồng thử nghiệm thành công giúp ngành nông nghiệp và người dân tự tin hơn trong việc mở rộng diện tích trong những vụ tiếp theo.

Nhận thấy cây tỏi mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với các cây trồng truyền thống như ngô, khoai, sắn nên vụ tỏi năm 2018 - 2019, ngành nông nghiệp và người dân huyện Bát Xát đã mở rộng diện tích trồng tỏi lên 50 ha. Sàng Ma Sáo là xã trồng nhiều tỏi nhất của huyện Bát Xát với 20 ha, tiếp theo là xã Mường Hum 11 ha, Nậm Pung 9 ha, Trịnh Tường 7 ha, Quang Kim 3 ha. Đơn vị liên kết sản xuất với người dân là Công ty TNHH Một thành viên Thiên Hưng hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm.

Theo đó, doanh nghiệp này ứng trước các loại phân bón chuyên dụng để trồng tỏi, hỗ trợ cước vận chuyển giống và phân bón đến khu vực trồng tỏi; tiền mua phân bón sẽ khấu trừ vào giá trị sản phẩm sau khi thu hoạch… Nhưng không hiểu sao, vẫn đồng đất ấy, năm nay cây tỏi lại không phát triển và đạt năng suất, chất lượng như mong đợi. Diện tích phát triển tốt nhất như ở xã Trịnh Tường năng suất cũng chỉ đạt 11 - 12 tấn củ/ha, còn lại hầu hết chỉ đạt 7 - 8 tấn củ/ha, thậm chí có nơi không được thu hoạch. Ước tính bình quân mỗi ha tỏi năm nay, người dân lỗ khoảng 20 triệu đồng.

Ông Tẩn Kin Chỉn (thôn Ky Quan San, xã Mường Hum) cho hay: Năm nay mất mùa tỏi rồi, người dân chúng tôi rất lo lắng, không biết những năm sau có nên trồng cây tỏi nữa hay không. Nhà tôi trồng 0,3 ha tỏi, chi phí thuê nhân công, mua phân bón… là 18 triệu đồng nhưng thu hoạch bán chưa được 5 triệu đồng. Nông dân chúng tôi đang mất niềm tin vào cây tỏi, nếu tiếp tục trồng có thể sẽ thêm một vụ tỏi thất bại, nguy cơ tái nghèo là rất lớn.

Được biết, theo hợp đồng ký kết thì Công ty TNHH MTV Thiên Hưng thu mua tỏi của người dân với giá 11 nghìn đồng/kg, nhưng hiện nay đang mua với giá 15 nghìn đồng/kg nhằm giúp người dân bớt thua lỗ.

“Thời gian đầu mới trồng, cây tỏi vẫn sinh trưởng, phát triển rất tốt, thậm chí cây còn đẹp hơn lần trồng thử nghiệm trước đó khiến ngành nông nghiệp huyện và người dân hy vọng vào một vụ tỏi thắng lợi. Tuy nhiên, sau khi trồng khoảng 30 ngày, cây tỏi trồng ở khu vực 2 xã Sàng Ma Sáo, Mường Hum xuất hiện cùng lúc 3 loại bệnh (tuyến trùng, sương mai và khô đầu lá) và vào thời điểm Tết Nguyên đán năm 2019, ở Bát Xát xuất hiện gió Lào nóng và khô khiến cây tỏi héo lá, không thể phân hóa mầm hoa và hình thành củ nên năng suất giảm nhiều so với vụ trước. Chúng tôi đang đàm phán với đơn vị thu mua nâng giá bán củ tỏi hơn nữa nhằm giảm bớt thiệt hại cho nông dân” - ông Sí Xuân Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết thêm.

Trong sản xuất nông nghiệp, việc trồng thử nghiệm thành công nhưng khi đưa vào trồng đại trà lại thất bại là chuyện thường thấy. Tình trạng cây tỏi giảm năng suất, chất lượng do tác động của thiên tai, thời tiết bất thường là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trước khi đưa một cây trồng, vật nuôi vào trồng đại trà, người dân và nhất là ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn nữa những tác động từ bên ngoài để có giải pháp khắc phục, xử lý sau đó mới nhân ra diện rộng. Có như thế, việc đưa cây trồng mới nhằm tăng năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập cho người dân mới thực sự hiệu quả, bền vững.

Triển vọng phát triển cây ăn quả ôn đới ở Si Ma Cai

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng cây ăn quả ôn đới.

 

caq.jpg

Cán bộ khuyến nông xã Lùng Sui hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả ôn đới. Ảnh Báo Lào Cai

 

Anh Hảng Seo Nếnh, ở thôn Seng Sui, xã Lùng Sui mang dụng cụ lên khu vườn trồng cây ăn quả của gia đình để chuẩn bị lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho khoảng 200 gốc cây ăn quả như mận, mơ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Ngoài diện tích này, gia đình anh còn khoảng 300 gốc cây lê Tai nung, mận Tả Van trồng rải rác ở vườn nhà và trên nương đồi.

Anh Nếnh cho hay: Cây ăn quả gia đình trồng thích hợp với thổ nhưỡng ở địa phương nên phát triển khá tốt. Hơn nữa, khi đã nắm được quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc thì việc trồng lê và mận không quá vất vả. Hiện gia đình anh có khoảng 300 gốc lê Tai nung và mận Tả Van đã cho thu hoạch. Năm nào được mùa, gia đình thu hái khoảng 1,5 tấn quả, lãi 40 triệu đồng. Nhờ cây trồng này, gia đình anh đã thoát nghèo. Năm 2019, anh trồng thêm 50 gốc và hy vọng đây sẽ là nguồn thu ổn định, giúp kinh tế gia đình khấm khá hơn trong tương lai.

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Sui cho biết: Xã hiện có 145 ha cây ăn quả, trong đó 87 ha mận Tả Van và 58 ha lê Tai nung, tập trung trồng ở 4/6 thôn có lợi thế về đất đai, khí hậu. Năm 2018, sản lượng cây ăn quả trên địa bàn xã đạt khoảng 30 tấn,với giá bán tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg mận và 30.000 - 50.000 đồng/kg lê đã đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho người dân. Từ nguồn thu trên, các hộ ngày càng tin tưởng, quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả ôn đới trên địa bàn.

Ở Si Ma Cai, do đá núi nhiều lại thêm những vùng đất cạn nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hôm nay đến với rẻo cao này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những vườn cây trái xanh tốt. Từ sự cố gắng của các cấp chính quyền cùng nỗ lực của người dân, những “mùa quả ngọt” đang giúp đồng bào vùng cao nơi đây thêm gắn bó với đồng đất quê hương, nuôi giấc mơ vượt khó, làm giàu.

Theo thống kê, vài năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện không ngừng được mở rộng, riêng năm 2018, toàn huyện trồng mới 230 ha cây ăn quả ôn đới. Năm 2019, con số này là 100 ha. Chủ trương của huyện là tập trung chăm sóc diện tích cây ăn quả đang có, bởi nếu mở rộng vùng trồng quá nhanh dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng việc chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, việc phát triển cây ăn quả ôn đới đã mở ra hướng mới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, người dân cần quan tâm đến nhiều vấn đề như áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, công tác thu hoạch, bảo quản và quảng bá sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường…

Nghĩa Lộ: Năng suất lúa xuân ước đạt 62 tạ/ha

Vụ đông xuân năm 2019, nông dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) gieo cấy trên 708 ha, trong đó lúa hàng hóa gần 537 ha. Đến nay, thị xã đã thu hoạch được 440 ha, bằng 63% diện tích, năng suất ước đạt 62 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt 4.395 tấn.

Vụ mùa năm 2019, thị xã phấn đấu gieo cấy trên 708 ha, trong đó diện tích triển khai thực hiện Dự án "Sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lúa LY2099” là 110 ha (xã Nghĩa An 25 ha, Nghĩa Lợi 85 ha). 

 

lua.jpg

Thời vụ gieo cấy lúa mùa sớm từ ngày 1 - 10/6, trà chính vụ xong trước ngày 20/6. 

Để đạt kế hoạch đề ra, thị xã đang chỉ đạo người dân khi lúa chín 85% là thu hoạch, thu hoạch đến đâu lấy nước vào đồng ruộng ngay đến đó, tránh lấy nước ồ ạt cùng lúc. Đồng thời, giải phóng một phần diện tích làm mạ, gieo cấy lúa đúng khung lịch để đảm bảo lúa trỗ vào thời điểm an toàn, tránh mưa ngâu. 

Sốp Cộp nhân rộng diện tích cây ăn quả

Vận dụng các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và điều kiện thực tiễn địa phương, huyện Sốp Cộp (Sơn La) chú trọng nhân rộng diện tích cây ăn quả, tham gia vào chuỗi sản phẩm, tháo gỡ những khó khăn trong vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm...

 

sop-cop.jpg

Nhân dân bản Cống, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) chăm sóc quýt niên vụ 2019. Ảnh: Báo Sơn La

 

Theo thông tin từ anh Lò Văn Việt, Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả của Sốp Cộp là 528 ha (333 ha cho sản phẩm), gồm xoài, chuối, cây có múi, mận, mơ, nhãn, sơn tra... trồng tập trung tại các xã: Mường Và, Nậm Lạnh, Sốp Cộp, Mường Lạn, Dồm Cang, sản lượng quả trên 1.000 tấn... Đến thời điểm này, diện tích cây ăn của huyện tăng lên 1.221 ha (428 ha đã cho thu hoạch), sản lượng bình quân 1.638 tấn quả, sản phẩm quả tươi của huyện chủ yếu tiêu thụ tại chỗ và cung ứng ra thị trường huyện Sông Mã, Thành phố...

Hiện nay, Sốp Cộp đã và đang triển khai đưa giống cây trồng mới vào canh tác, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại các vườn cây ăn quả; rà soát quy hoạch địa bàn trồng cây ăn quả gắn với lựa chọn đầu tư vào những địa điểm thuận lợi, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, nước tưới. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật để nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, hạn chế trồng cây ăn quả theo lối tự phát, không theo quy hoạch, đầu tư thấp, tiêu thụ chủ yếu là sản phẩm quả tươi chưa qua chế biến, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, thiếu sự liên kết giữa HTX với nông dân...

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top