Vụ bí xanh năm 2018, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) trồng được 60ha, gấp đôi năm 2017. Do diện tích tăng, sản lượng tăng cao dẫn tới việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Bí xanh Ba Bể có 02 loại, loại vỏ xanh giá rẻ hơn loại vỏ phấn trắng vài nghìn đồng/kg. Thời điểm này năm ngoái, bí xanh Ba Bể đã được tiêu thụ hết nhưng năm nay, toàn huyện còn tồn đọng hàng trăm tấn quả. Câu chuyện được mùa, mất giá tiếp tục là nỗi lo của rất nhiều hộ dân trồng bí xanh thơm ở địa phương này.
Gia đình chị Hoàng Thị Lành, ở thôn Nà Lình, xã Địa Linh năm nay trồng 4.000m2 bí xanh, năng suất đạt 40 tấn/ha, gia đình chị lành thu về hơn 16 tấn quả. Là một trong những hộ có khả năng tiêu thụ bí xanh tốt nhất ở Địa Linh vì đã có nhiều mối thu mua từ những năm trước, thế nhưng đến thời điểm này nhà chị Lành vẫn còn tồn đọng hơn 3 tấn quả. Nếu như mọi năm, giá bán buôn lên đến 10.000 đồng/kg và được bán hết từ trước rằm tháng 7, nhưng hiện nay dù hạ giá xuống 5.000 đồng/kg bí xanh thơm phấn trắng và 3.000 đồng/kg bí vỏ xanh nhưng vẫn không có người đến mua.
Chủ tịch UBND xã Địa Linh Liêu Nông Kinh cho biết: Nguyên nhân giá bí xanh thấp là do diện tích trồng tăng cao so với năm trước, trong khi đó bà con chỉ trông vào tư thương đến mua mà chưa có hợp đồng bao tiêu nào cụ thể cả. Do vậy, năm tới chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân giảm diện tích trồng bí để chuyển sang chuyển đổi sang trồng cây mướp đắng. Đây là loại cây xã đã trồng thử nghiệm rồi, hiệu quả rất tốt, thấp nhất cũng được 20.000 đồng/kg.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Ba Bể thì nguyên nhân giá bí xanh thấp, khó tiêu thụ do tăng diện tích chỉ là một phần, mà cốt lõi là do các hộ dân đã bán cây giống cho các tỉnh ngoài như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Mọi năm họ đến mua nhưng thì năm nay họ đã trồng được bí, dẫn tới bí xanh Ba Bể khó tiêu thụ.
Có thể nói, bí xanh là cây trồng thoát nghèo ở Ba Bể, góp phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhưng để phát triển ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá, chính quyền các cấp cần có sự định hướng kịp thời, sâu sát trong phát triển diện tích, chủ động xây dựng mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đối với nông sản đặc sản này.
Cảnh giác với bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, hiện lúa mùa vùng thấp trà chính đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, trà muộn đang đẻ nhánh rộ. Trên lúa mùa xuất hiện bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại rải rác tại nhiều địa phương.
Dù mới chỉ gây hại nhẹ, nhưng đây là loại bệnh nguy hiểm với cây lúa, có thể lây lan nhanh trên diện rộng và ảnh hưởng lớn đến năng suất, người dân các địa phương cần cảnh giác và có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Khi phát hiện bệnh lùn sọc đen gây hại trên lúa, ngành bảo vệ thực vật đã khẩn trương tiến hành kiểm tra đồng ruộng và lấy mẫu phân tích.
Người dân thôn Phú Hải 1, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) phun thuốc trừ rầy.
Theo kết quả phân tích 10/12 mẫu lúa và 7/28 mẫu rầy dương tính với vi rút lùn sọc đen, phân bố tại các địa phương như Sơn Hải, Phong Hải (Bảo Thắng); Quang Kim (Bát Xát); Tân Dương, Vĩnh Yên (Bảo Yên); Bản Lầu, Lùng Vai (Mường Khương); Tả Phời (thành phố Lào Cai); Liêm Phú (Văn Bàn); Bảo Nhai (Bắc Hà)… Ở những nơi này, mật độ rầy lưng trắng phổ biến từ 300 đến 500 con/m2, cá biệt tại Sơn Hải (Bảo Thắng), Vĩnh Yên (Bảo Yên) là trên 3.000 con/m2. Đây là môi giới lan truyền vi rút gây bệnh lùn sọc đen phương Nam từ cây lúa khỏe, gây nguy cơ mất năng suất lúa.
Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Bệnh lùn sọc đen phương Nam là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất đối với cây lúa, bởi đây là bệnh gây ra bởi vi rút, chưa có thuốc đặc trị. Bệnh có thể lây lan nhanh trên diện rộng, bởi chỉ cần 1 con rầy mang mầm bệnh, mỗi ngày có thể đốt và lây bệnh cho 60 đến 80 cây lúa khỏe mạnh. Vi rút gây bệnh lùn sọc đen được lây truyền bởi rầy lưng trắng nên biện pháp phòng, trừ duy nhất là phun thuốc trừ rầy, nhổ bỏ và tiêu hủy những cây lúa bị bệnh (vùi lấp hoàn toàn cây lúa xuống ruộng). Đầu tháng 9 là thời điểm rầy gây hại mạnh, người dân các địa phương cần sử dụng các loại thuốc đặc trị phun trừ rầy để đạt hiệu quả tốt nhất. Đây cũng là thời điểm sâu cuốn lá đang nở và gây hại, phun trừ rầy đồng thời sẽ tiêu diệt được sâu cuốn lá, bà con cần khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng, trừ để bảo vệ cây lúa, không để ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ mùa.
Trấn Yên mở hướng phát triển bền vững nghề dâu tằm
Nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) từ năm 2000, nhưng chủ yếu được bà con nuôi thủ công và theo kinh nghiệm. Việc đầu tư, ứng dụng kỹ thuật vào thâm canh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây dâu còn hạn chế, chưa đồng bộ, nên sản lượng và chất lượng lá dâu chưa cao.
Trong nuôi tằm, đa số các hộ chưa thực hiện tốt yêu cầu kỹ thuật về vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt đối với các hộ nuôi tằm con còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, không cách ly giữa các lứa nuôi nên có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi tằm lớn chưa tính toán kỹ sản lượng lá dâu của gia đình, mua số lượng tằm lớn về nuôi, dẫn tới nuôi tằm lớn kéo dài chu kỳ kinh doanh. Cùng với đó, các hộ nuôi tằm sử dụng né tre cho tằm làm kén nên chất lượng kén tằm thấp.
Để đưa nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển thành làng nghề bền vững, trên cơ sở của Đề án phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, huyện Trấn Yên đã tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc liên kết với các hộ nuôi tằm từ khâu trồng dâu, nuôi tằm, thu mua sản phẩm kén tằm và xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa tạo sản phẩm đặc trưng cho huyện trong những năm tới.
Với gần 400ha dâu được trồng tập trung ở 3 xã Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng, nếu được trồng, chăm sóc và thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, thì việc cung cấp tằm giống cũng như nuôi tằm con và tằm thương phẩm cho đến thu mua kén cho người dân huyện Trấn Yên sẽ được Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc bao tiêu hết.
Xã Lạc Thịnh phát triển mô hình chăn nuôi gà
So với các giống cây nông nghiệp truyền thống, mô hình chăn nuôi gà cho lợi nhuận cao hơn và thu nhập quanh năm. Quá trình sản xuất không phụ thuộc vào thiên nhiên nên tránh được rủi ro nhất định. Chính vì vậy, 5 năm trở lại đây, nhiều hộ tại xã Lạc Thịnh (Yên Thủy-Hòa Bình) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển và mở rộng mô hình chăn nuôi gà.
Mô hình chăn nuôi gà của ông Dương Văn Kỳ ở xóm Đình A, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm chưa trừ chi phí.
Chia sẻ về những thuận lợi để phát triển mô hình chăn nuôi gà, đồng chí Dương Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh cho biết: "Địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng để phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi gà. Địa hình tự nhiên rộng rãi, bằng phẳng, đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố và chăn thả tự do. Phát huy lợi thé có trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn xã, hộ dân sinh sống ven đường đã phát triển 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó giải quyết được nguồn cung cho các hộ chăn nuôi gà. Ngoài ra, vị trí địa lý của xã nằm ở khu vực trung tâm, tiếp giáp với các tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình… nên có thị trường tiêu thụ rộng lớn”.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, theo thống kê, toàn xã hiện có trên 30 hộ phát triển mô hình chăn nuôi gà với tổng đàn trên 40.000 con. Trong đó có khoảng 10 hộ phát triển quy mô, dao động từ 2.000- 4.000 con/năm, tập trung tại các xóm: Đình A, Nhòn, Cọ, Phố Sấu, Thịnh Phú… Hiện nay, các hộ chăn nuôi lựa chọn phát triển đa dạng giống gà đã xây dựng được thương hiệu như gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, gà Hòa Phát (Đông Anh- Hà Nội)… Thời gian chăn nuôi cho đến khi thu hoạch từ 75- 180 ngày tùy theo từng loại giống. Do đó, một số hộ có nguồn vốn và thị trường tiêu thụ ổn định có thể suất từ 3- 4 lứa/năm.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh cho biết thêm: "Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình chăn nuôi gà, theo thống kê năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%. Trong thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích các hộ dân tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi gà. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ giống, nguồn vốn và kỹ thuật. Liên kết với các công ty để tiêu thụ sản phẩm với giá thành ổn định, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Lai Châu: Diện tích trồng ngô giảm
Vụ xuân hè năm nay, xã Hoang Thèn (Phong Thổ) trồng 95ha ngô, giảm 85ha so với chỉ tiêu giao. Cơ cấu giống ngô chủ yếu LVN10. Hiện, bà con đã thu hoạch xong, năng suất ước tính đạt 40 tạ/ha.
Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân bản Huổi Luông, xã Hoang Thèn không còn mặn mà với việc trồng ngô. Hiện, cả bản chỉ còn 2 hộ trồng ngô để lấy thức ăn chăn nuôi. Anh Chang A Minh - Trưởng bản cho biết: “Từ bao đời nay, cây ngô gắn bó với cuộc sống của chúng tôi tưởng như không có cây lương thực nào thay thế được. Song ngô mang lại giá trị kinh tế thấp, sản phẩm ngô không bán được, giá rẻ nên bà con không trồng ngô nữa. Từ đó, diện tích trồng ngô trong bản giảm mạnh. Năm 2017, có gia đình thu hoạch mấy tấn ngô mà bán được rất ít, chăn nuôi thì không xuể. Trong khi đó, trồng ngô vất vả, lại hay bị thiên tai, nạn chuột cắn phá. Nếu thu hoạch, phơi ngô vào lúc thời tiết mưa nắng thất thường thì bảo quản rất khó, ngô rất dễ mốc, mủn, mọc mầm. Vì vậy, người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng chuối”.
Tương tự ở bản Huổi Luông, nông dân ở bản Séo Lẻn cũng không phát triển cây ngô như trước. Bởi, bà con nhận thấy rằng, cây ngô không mang lại thu nhập cao. Do đó, thay vì trồng ngô người dân chuyển sang trồng chuối. Nếu trước đây, đến xã Hoang Thèn vào thời điểm thu hoạch ngô, ai cũng thấy bà con bận rộn, tất bật lên nương, hết mùa thu hoạch thì những bắp ngô vàng ươm phơi phủ kín mảnh sân nhà. Nhưng nay rất khó thấy không khí đó.
Theo người dân xã Hoang Thèn, so với trồng ngô thì trồng chuối nhàn, ít công chăm sóc, đặc biệt nhiều gia đình trồng chuối được 3 năm nhưng chưa phải bón phân lần nào. Mỗi năm phun thuốc cỏ 2 lần, thường xuyên cắt tỉa lá già. Khi chuối phát triển cao, đẻ nhánh thì chặt bớt cây con để chuối dồn dinh dưỡng nuôi quả. Sản phẩm chuối được thương lái đến vườn thu mua. Gia đình nào muốn giá cao hơn thì chở ra cửa khẩu Ma Lù Thàng bán, mỗi lần như thế cũng thu được từ 1 - 2,5 triệu đồng. Thậm chí, thời điểm từ tháng 2 - 5 thu nhập cao hơn. Tuy giá chuối có lúc bấp bênh nhưng tiền bán chuối có khả năng giúp bà con cải thiện cuộc sống.
Ông Chang Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn khẳng định: “Hiện xã có 347ha chuối. Năm 2018, diện tích trồng chuối vượt chỉ tiêu huyện giao 25ha. Việc người nông dân trong xã trồng chuối thay thế cây ngô không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống Nhân dân. Đối với chăn nuôi thì hiện nay đàn lợn của xã có 1.765 con, tổng đàn gia cầm có 6.186 con. Với diện tích ngô hiện tại vẫn đáp ứng thức ăn cho gia súc, gia cầm. Trước đây bà con trồng xen ngô với chuối, bây giờ chuối phát triển lan rộng thì bà con không trồng ngô nữa”.
Sông Mã sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững
Để sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững, huyện Sông Mã (Sơn La) đã lồng ghép và sử dựng hiệu quả các nguồn vốn, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng nhãn theo quy trình sản xuất hàng hóa; thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quả an toàn, quy trình sản xuất VietGAP làm tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
Theo thống kê, Sông Mã hiện có 6.098ha nhãn, trồng tại 19 xã, thị trấn, gồm các giống nhãn chín muộn Hưng Yên (PH-M99-1; PH-M99-2); giống chín muộn T6 (Đại Thành, Hà Nội). Trong đó, 4.500 ha nhãn ghép (4.223 ha đã cho thu hoạch), tổng sản lượng hơn 40.000 tấn quả. 9 HTX trồng nhãn của huyện bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, với 166 ha, sản lượng 930 tấn, gồm: Bảo Minh, Hoàng Tuấn, Đoàn Kết (Chiềng Khoong); An Thịnh, Duy Tuấn, Toàn Thắng, Phúc Vinh (Nà Nghịu); Hưng Lộc (Chiềng Khương); Tiên Cang (Chiềng Cang).
Theo ông Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện: Hiện nay, nhãn Sông Mã đã được cấp Giấy chứng nhận và chỉ dẫn địa lý nên có nhiều thuận lợi trong quá trình tiêu thụ. Do vậy, huyện tập trung mở rộng diện tích, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền cho người trồng nhãn cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, lấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản. Cùng với đó, tăng cường kết nối giao thương với các địa bàn có nhu cầu tiêu thụ nhãn ở các thành phố lớn; chú trọng phân phối qua hệ thống siêu thị chuyên kinh doanh hoa quả trong cả nước; cung cấp thông tin về sản phẩm nhãn tới người tiêu dùng; tích cực, chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu các thị trường xuất khẩu có tiềm năng để thúc đẩy hoạt động quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nhãn. Đặc biệt, chú trọng việc kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu hoa quả với các hợp tác xã, hộ trồng nhãn trên địa bàn, hỗ trợ xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Tập trung sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững đang là hướng đi hiệu quả, Sông Mã phấn đấu đến năm 2020 có trên 7.000ha nhãn, trong đó tập trung trồng nhãn ghép, mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP... để quả nhãn và sản phẩm nhãn Sông Mã chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…