Năm 2020 là năm “thất bát” đối với người nuôi cá nước lạnh nói chung và cá hồi nói riêng, nhiều chủ ao nuôi đang tính chuyện tạm ngừng nuôi cá hồi.
Ông Vàng Sin Phà lo lắng vì giá cá hồi năm nay giảm sâu. Ảnh: Báo Lào Cai
Hơn 1 tháng nữa là sang năm Tân Sửu 2021 nhưng gần 1 tấn cá hồi thịt đến kỳ xuất bán của gia đình ông Vàng Sin Phà, ở thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng (huyện Bát Xát) chưa tìm được người mua. Lứa cá hồi của gia đình ông đã đến kỳ thu hoạch, không còn khả năng phát triển, trọng lượng hơn 1 kg/con.
Ông Phà cho biết: Mọi năm tôi đều nuôi giống cá hồi vân loại nhỏ này nhưng giá bán tối thiểu cũng được 130 - 140 nghìn đồng/kg. Năm nay giá cá hồi giảm sâu nhất từ trước đến nay, loại nhỏ chỉ còn khoảng 90 nghìn đồng/kg nhưng cũng rất khó tìm được người mua. Gia đình tôi phải bắt dần để bán lẻ cho người dân nhằm thu hồi ít vốn. Tính ra lứa cá này gia đình tôi lỗ khoảng 50 triệu đồng.
Dền Sáng là xã có số lượng ao nuôi cá hồi lớn nhất huyện Bát Xát (khoảng 100 ao). Nuôi cá hồi từng là hướng đi mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ tại đây. Ông Vàng Láo San, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết: Để có tiền đào ao, xây bể, dẫn nước về nuôi cá hồi, nhiều hộ trong xã đã vay hàng trăm triệu đồng từ các tổ chức tín dụng. Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cá hồi giảm sâu và đến giữa năm nhích lên một chút, nhưng cuối năm lại tiếp tục giảm khiến nhiều người nuôi cá hồi ở xã lâm vào cảnh khó khăn, nợ chồng nợ.
Gia đình ông Lý Láo Pà là hộ có số lượng ao nuôi cá hồi lớn của xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Những năm trước, khi giá cá hồi ở mức 240 - 250 nghìn đồng/kg, ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi lứa cá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ông không thu được đồng lãi nào từ nuôi cá hồi. Ông Pà cho biết: Hiện giá cá hồi loại 1 được tôi bán với giá chỉ 140 - 156 nghìn đồng/kg, trừ các chi phí thì không có lãi. Gia đình tôi vẫn được coi là may mắn vì nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ khác chưa có kinh nghiệm còn có cá bị chết hoặc chậm lớn dẫn đến lỗ nặng. Nhiều hộ ở xã Ngũ Chỉ Sơn, trong đó có gia đình tôi đang tính không nuôi cá hồi nữa.
Trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn có khoảng 70 cơ sở nuôi cá nước lạnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân, tập trung tại các thôn Cán Hồ B, Phìn Hồ, Kim Ngan... với sản lượng mỗi năm lên tới gần trăm tấn. Theo chính quyền địa phương, những cơ sở nuôi cá nhỏ lẻ của người dân chịu thiệt hại nặng nhất do thiếu vốn, thiếu đầu ra và phải phụ thuộc vào thương lái.
Lào Cai hiện có hơn 150 cơ sở nuôi cá nước lạnh, chủ yếu nuôi tại các huyện: Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Tổng sản lượng cá hồi thương phẩm ước đạt 375 tấn/năm. Dịp cuối năm, giá cá giảm sốc khiến người nuôi cá hồi gặp khó và rất cần giải pháp kịp thời, hiệu quả từ các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Tuyên Quang: Lo ngại mùa bưởi "đắng"
Đang vào chính vụ bưởi Diễn, tuy nhiên, giá bưởi năm nay chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với những năm trước khiến người trồng bưởi lo ngại về một mùa bưởi “đắng”.
Vườn bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn)
vẫn chưa có thương lái đến thu mua. Ảnh: Báo Tuyên Quang.
Nếu như những năm trước vào thời điểm chính vụ bưởi Diễn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) tấp nập các xe tải lớn, nhỏ ở các tỉnh về thu mua bưởi thì năm nay gần như vắng bóng hoàn toàn, có chăng chỉ 1 số xe của một số đại lý nhỏ của người dân địa phương. Anh Trần Văn Huy, thôn Thái Ninh rầu rĩ cho biết, gia đình anh có 2.000 gốc bưởi, như mọi năm vào tháng 11, đầu mối đã đến đặt tiền giữ hàng, nhưng năm nay đến thời điểm này bưởi đã chín vàng mà không có khách nào vào hỏi.
Lo lắng bưởi chín quá sẽ giảm chất lượng, hại cây và ảnh hưởng đến vụ sau, anh Huy thuê người hái và bán buôn cho các đại lý, tuy nhiên giá bưởi quá rẻ. Bưởi Diễn loại A giá hái đóng bao sẵn chở đến đại lý mới chỉ được từ 5 - 6 nghìn đồng/quả; loại B chỉ còn 2,7 - 3 nghìn đồng/quả, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước. Theo anh Huy, với giá như hiện nay, trừ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người trồng bưởi như anh chỉ biết lấy công làm lãi.
Người trồng bưởi xã Xuân Vân, Thắng Quân, Tứ Quận (Yên Sơn); Thái Sơn, Đức Ninh, Thái Hòa (Hàm Yên)... cũng đang đứng ngồi không yên khi bưởi đã đến thời điểm thu hoạch mà thị trường tiêu thụ chậm như hiện nay sẽ khó có thể giữ được chất lượng. Ông Đặng Tiến Dũng, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho rằng, bưởi rẻ đã đành, sức tiêu thụ chậm, rất khó để bảo quản.
Theo các đại lý thu mua bưởi, những năm trước bưởi đào đường, bưởi cát quế, bưởi Diễn được tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa... thì năm nay rất chậm, thậm chí một số thị trường gần như đóng băng hoàn toàn. Ông Tống Duy Hưng, đại lý thu mua bưởi tại xã Xuân Vân (Yên Sơn) chuyên cung ứng bưởi về chợ đầu mối các tỉnh cho biết, 2 ngày ông mới đánh được 1 chuyến hàng về Hà Nội và Hải Dương, trong khi thời điểm này năm ngoái mỗi ngày từ 3 - 5 chuyến, mỗi chuyến khoảng 3.000 - 5.000 quả bưởi.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn Tạ Văn Tình lo ngại, vụ bưởi 2019 - 2020 người dân huyện thu về trên 830 tỷ đồng, vụ bưởi này với giá như hiện nay ước tính sẽ thâm hụt khoảng khoảng 1/3 giá trị.
Nông dân Văn Bàn trồng bồ đề lấy nhựa
Sau hơn 1 năm tham gia xây dựng dự án vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất cánh kiến trắng, nhiều hộ ở huyện Văn Bàn đã có thêm nguồn thu, có thêm sinh kế từ nghề rừng.
Nông dân Văn Bàn được hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, khai thác nhựa bồ đề. Ảnh: Báo Lào Cai
Đã từ lâu, nghề rừng trở thành nghề chính, mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Nậm Tha. Bên cạnh các loại cây như quế, xoan, mỡ thì cây bồ đề cũng được người dân đưa vào trồng lấy gỗ. Trước đây, khi cây bồ đề đến thời gian thu hoạch, người dân Nậm Tha chủ yếu khai thác gỗ, xuất bán cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã, huyện. Những năm gần đây, nhờ được hướng dẫn, tập huấn mà người dân Nậm Tha đã biết cách khai thác nhựa từ cây bồ đề để sản xuất cánh kiến trắng.
Gia đình ông Triệu Tài Lâm (thôn Khe Cóc, xã Nậm Tha) gắn bó với nghề rừng hơn chục năm nay. Cách đây 3 năm, ông được biết cây bồ đề ngoài cho khai thác gỗ còn có thể cho thu hoạch nhựa. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật khai thác, với 2 ha cây bồ đề, ông chỉ thu hoạch được khoảng 70 kg nhựa.
Ông Triệu Tài Lâm cho biết: Trước đây chưa biết cách khai thác, khai thác không đúng mùa, gặp thời tiết ẩm nên sản lượng nhựa đạt rất thấp. Năm 2019, khi dự án sản xuất cánh kiến trắng được đưa vào triển khai tại huyện, qua các buổi tập huấn, tôi mới xác định được nguyên nhân và được hướng dẫn cách khai thác theo mùa, đúng kỹ thuật để năng suất đạt cao hơn.
Theo tính toán của các ngành chuyên môn, nếu khai thác đúng kỹ thuật, 1 ha cây bồ đề có thể cho thu hoạch khoảng 300 kg nhựa. Cây bồ đề cho thu hoạch nhựa có độ tuổi từ 6 năm trở lên, mật độ trồng cũng phải đảm bảo không quá cao (khoảng 1.000 cây/ha). Chất lượng nhựa bồ đề tại Văn Bàn được doanh nghiệp thu mua đánh giá cao, giá thu mua hiện nay là 350.000 đồng/kg. Như vậy, với 1 ha cây bồ đề, ngoài thu hoạch gỗ thì mỗi năm người dân có thể thu nhập thêm 100 triệu đồng từ khai thác nhựa. Tuy nhiên, vì thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác nên hiệu quả thu hoạch nhựa từ rừng bồ đề đạt chưa cao.
Huyện Văn Bàn hiện có gần 480 ha cây bồ đề, có 364 hộ và 4 doanh nghiệp trồng và khai thác. Tuy nhiên trên thực tế, cây bồ đề được trồng làm nguyên liệu giấy, ván bóc, sản xuất đũa... Mục tiêu lấy gỗ nhỏ và dài nên người dân trồng rất dày, khoảng 3.000 - 5.000 cây/ha. Mặt khác, người dân chưa từng nghĩ cây bồ đề có nhựa và nhựa bồ đề có thể bán được. Vì vậy, việc tuyên truyền để người dân tỉa thưa, trồng mới với mật độ 800 - 1.200 cây/ha để sản xuất nhựa cánh kiến trắng gặp nhiều khó khăn. Diện tích bồ đề đang được thu hoạch nhựa tại Văn Bàn hiện chỉ đạt khoảng 50 ha.
Tín hiệu vui từ cây sa nhân tím ở Bản Lang
Hiện, xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) có 45ha cây sa nhân tím, trong đó 31ha thực hiện theo Nghị quyết số 51/2016/NQ/HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016 - 2020, còn lại Nhân dân tự mua giống. Thời điểm này, bà con đang tích cực chăm sóc để cây sa nhân phát triển tốt, sớm mang lại thu nhập.
Người dân bản Thèn Thầu chăm sóc sa nhân tím. Ảnh: Báo Lai Châu
Nương trồng sa nhân tím của người dân bản Thèn Thầu xa chừng 4km. Cùng đi với chúng tôi có cán bộ xã và người dân trong bản. Đang là mùa khô nhưng do đường mòn dốc cao, cua gấp nên nhiều lúc xe phải chậm lại. Càng đến gần nương sa nhân trời càng lạnh, nhất là khi sương mù ùa về mang theo rét buốt vùng cao. Trưởng bản Lý Kin Lùng chia sẻ: Trước đây, chúng tôi nghĩ nơi đây có tán rừng che phủ khó trồng được loại cây có giá trị. Do đó, nhiều khu đất màu mỡ không sử dụng để lãng phí. Khi biết có thể tận dụng bóng râm dưới tán rừng sản xuất để canh tác cây sa nhân tím, một số hộ tự tìm mua về trồng. Năm 2018, xã triển khai dự án trồng sa nhân, số gia đình tham gia tăng lên.
Gia đình ông Lùng cũng trồng 2ha sa nhân tím. Thời điểm này, gia đình ông đang tích cực chăm sóc nhằm kích thích cây phát triển chuẩn bị ra hoa, bói quả vào tháng 3, 4 sang năm. Cũng theo ông Lùng, so với các loại cây khác, trồng sa nhân tím không cần nhiều chi phí đầu tư, lại có khả năng chịu hạn cao, nhất là ưu điểm sinh trưởng nhanh, rễ cây lan đến đâu diện tích tự mở rộng tới đó, góp phần giảm công sức lao động. Đây là loại cây dễ trồng, có khả năng sinh trưởng nhanh và không mất công sơ chế như thảo quả.
Khi mới trồng sa nhân tím, nhiều người dân cũng thấp thỏm vì không biết địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây liệu có phù hợp. Do đó, chủ động, tích cực chăm sóc, vun xới đất cho từng mầm cây. Niềm vui của bà con nhân lên từng ngày khi màu xanh của sa nhân dần phủ kín dưới tán rừng. Đang trong giai đoạn phát triển tốt, ngỡ đã thành công nhưng mưa đá liên tiếp xảy ra khiến toàn bộ diện tích sa nhân tím dập nát, gãy đổ. Khi ấy, nhiều gia đình tưởng mất trắng, buồn phiền, chán nản. Song được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời vận động bà con chăm sóc, cắt tỉa những cây dập nát, trồng dặm, bón phân, nhờ đó cây sa nhân tím phục hồi nhanh chóng.
Ông Phàn A Tỏn - Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: Hiện nay, cây sa nhân tím đang phát triển tốt, nhiều diện tích đẻ nhánh rộ. Chính quyền cũng tuyên truyền bà con thường xuyên lên nương kiểm tra, bởi hoa sa nhân tím có mùi thơm ngọt, dễ thu hút các loại côn trùng, sinh vật, gia súc. Nhất là tích cực gom nhặt cỏ dại, dây leo hạn chế chuột trú ngụ, sinh sản, ăn mầm cây. Điều chỉnh tán cây để cân bằng ánh sáng, bóng râm phù hợp yêu cầu kỹ thuật đã được hướng dẫn. Cắt những cây sa nhân bị sâu bệnh, héo rũ để diện tích còn lại sinh trưởng tốt hơn.
Trên địa bàn xã Bản Lang, cây sa nhân tím được trồng tập trung ở các bản: Nà Vàng, Nà Giang, Sàng Giang, Thèn Thầu, bản Pho... Một số hộ trồng sa nhân tím sớm ở bản Pho đã cho thu hoạch; giá thành dao động từ 110 - 135 nghìn đồng/kg.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…