Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 12 năm 2020 | 11:32

Tin NN Tây Bắc: Cam, bưởi sụt giá vẫn khó tiêu thụ

"Chưa năm nào giá rẻ mà lại khó bán như vậy". Đó là câu nói đầy ngao ngán của nhiều người trồng cam, bưởi Hòa Bình khi đang phải trải qua một vụ thu hoạch khó khăn.

cam.jpg

Nhiều bà con chào mời khách mua cam với giá bán bình quân 7 - 8 nghìn đồng/kg. Ảnh chụp tại chợ Bảm, xã Tây Phong (Cao Phong). Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Dọc quốc lộ 12B đoạn qua địa phận huyện Tân Lạc, đâu cũng thấy sạp bưởi đỏ. Những trái bưởi màu sắc vàng óng rất bắt mắt, hương bưởi tỏa ra thơm ngát. Chỉ có điều, gương mặt người bán lại khá đăm chiêu, khi giá bưởi đã rẻ lại vắng người mua. Suốt từ buổi sáng đến gần 15h, chị Bùi Thị Yến, xóm Cụ, xã Thanh Hối mới bán được hơn 20 quả bưởi đỏ loại từ 0,8 - 1,2 kg/quả, giá chỉ từ 8 - 10 nghìn đồng/quả, hiếm lắm mới bán được giá 12 nghìn đồng/quả.

Chị Yến cho biết: Hai năm nay, bà con trồng bưởi trong xóm đã làm sạp để bán bưởi cho khách đi qua đường. Nhưng vụ bưởi này nhiều sạp nhất, vì ít khách đến mua tận vườn. "Nhà tôi có 80 gốc bưởi hơn 10 năm tuổi, những năm được mùa, được giá, thu được trên 100 triệu đồng mỗi vụ. So với những vụ trước, vụ này nhiều vườn bưởi không đậu quả, nhưng lại rất khó bán mà giá rẻ lắm” - chị Yến thở dài. 

Cách sạp bưởi của chị Yến chừng 5 m là sạp bưởi của chị Bùi Thị Thứ, cùng xóm Cụ, xã Thanh Hối. "Loại này, năm ngoái rẻ nhất cũng phải từ 15 nghìn đồng trở lên. Năm nay thì… chán lắm! Em mua đi, chị bán 10 nghìn đồng 1 quả thôi” - chị Thứ mời chúng tôi mua bưởi loại 1 (trên 1 kg/quả). Còn đối với bưởi loại 2, loại 3 (dưới 0,8 kg/quả) thì chỉ vài nghìn đồng. "Do khó bán nên mới phải mang ra ngoài này. Thực trạng chung, ngay cả xóm Tân Hương, những năm trước bưởi bán được giá cao, nhưng năm nay cũng gặp nhiều khó khăn” - chị Thứ cho biết thêm. 

Giá rẻ, tính ra chỉ với 100 nghìn đồng đã mua được một tải bưởi đỏ, chất lượng thơm ngon để thưởng thức. Đến với "vựa” bưởi đỏ Đông Lai, người dân đang khẩn trương tiêu thụ bưởi khi các vườn đã chín rộ.

Đồng chí Bùi Văn Sư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Lai có hơn 220 ha bưởi, trong đó, 70% diện tích đã cho thu thoạch. Đầu vụ, tư thương thu mua với giá khoảng 10 nghìn đồng/quả loại 1, hiện giảm xuống chỉ 7 - 8 nghìn đồng/quả. Về các xã vùng sâu của huyện Tân Lạc như Gia Mô, Lỗ Sơn, giá bưởi thậm chí còn rẻ hơn. Với loại bưởi bi (dưới 0,5 kg/quả), nhiều tư thương mua theo tải, mỗi tải bưởi từ 80 - 100 nghìn đồng, tính ra chỉ 3 - 4 nghìn đồng/quả.

Nông dân Nậm Đét “vui như Tết” vì quế được giá

Những tưởng dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến giá thu mua quế nhưng ngược lại, giá quế tại vùng trồng Nậm Đét (Bắc Hà, Lào Cai) đang cao nhất từ trước đến nay. Nông dân Nậm Đét, nhất là những người trồng quế hữu cơ đang phấn khởi “như Tết”.

 

que.jpg
Nông dân thôn Nậm Đét cân vỏ quế bán cho tư thương. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Theo chia sẻ của nông dân, giá vỏ quế tươi tại xã Nậm Đét đang được thu mua ở mức 27.000 - 32.000 đồng/kg, riêng quế hữu cơ luôn có giá 31.000 - 32.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nơi thu mua đến đó. Việc tiêu thụ các sản phẩm từ quế rất thuận lợi. Người trồng có thể tận thu bán vỏ và lá quế, thậm chí những thân cây quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định.

Thời điểm cuối tháng 11, đường vào xã Nậm Đét nhộn nhịp như ngày hội. Những chiếc xe tải chờ sẵn, nối đuôi nhau bốc hàng. Khắp các cánh rừng tỏa ra mùi thơm đặc trưng của quế. Gương mặt những người trồng quế đều ánh lên niềm vui.

Chị Triệu Thị Hoa (thôn Tống Thượng) đang xếp những cuộn vỏ quế dày cho lên cân, cạnh đó là thương lái chuẩn bị trả tiền cho số vỏ quế đã mua của chị Hoa. Gia đình chị Hoa có 3 ha quế. Vỏ quế của gia đình chị được thương lái trả giá 28.000 đồng/kg. Chị Hoa cho biết, mỗi năm đồi quế của gia đình cho nguồn thu ổn định hơn 100 triệu đồng. Nhờ trồng quế, gia đình chị tích cóp được khoản kha khá để xây ngôi nhà khang trang và dự định mua xe bán tải phục vụ một số công việc của gia đình.

Giá quế tại Nậm Đét đang cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Thời điểm này của năm 2019, giá vỏ quế chỉ đạt 22.000 - 23.000 đồng/kg. Giá quế trồng ở Nậm Đét cao hơn các vùng trồng khác vì theo các chuyên gia phân tích, lượng tinh dầu trong quế trồng ở Nậm Đét cao hơn và chất lượng tốt hơn.

Ươm quế ở Báo Đáp thu nhập cao

Những năm gần đây, nghề ươm quế giống đã mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái).

 

que-yen-bai.jpg

Vườn ươm quế giống của gia đình anh Lê Văn Hiển cho thu nhập cao. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Nhờ có nguồn thu nhập cao từ ươm quế giống nên kinh tế của gia đình anh Lê Văn Hiển ở thôn Đình Xây ngày càng phát triển, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi. 

Anh Hiển cho hay: "Tôi làm nghề ươm quế giống được khoảng 7 năm, hiện nay, với hơn 1 mẫu đất, gia đình đã ươm được 1,5 triệu cây quế giống. Cây giống của gia đình luôn đảm bảo uy tín chất lượng nên được khách hàng nhiều nơi đến lấy, cứ khoảng 3 tháng tôi bán một đợt. Giá bình quân từ 800 - 1.200 đồng/cây tùy thuộc vào chiều cao của cây khi xuất bán. Dự kiến, khi xuất hết vườn quế giống, thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 500 triệu đồng”. 

Không những thế, vườn ươm quế giống của gia đình anh Hiển còn tạo việc làm cho từ 4 - 5 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.  

Xã Báo Đáp hiện có 245 hộ dân tham gia ươm cây quế giống, tập trung chủ yếu ở các thôn Đình Xây, Đồng Sâm và Đồng Gianh. Các hộ đã được xã tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây, con; trong đó, có kỹ thuật về trồng và chăm sóc quế giống.

Thêm vào đó, hạt ươm cây quế giống cũng được các hộ lựa chọn kỹ lưỡng, mua ở nơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên chất lượng cây quế giống luôn đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, xã Báo Đáp trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp cây quế giống cho nhiều mô hình, dự án và các địa phương trong, ngoài tỉnh như: Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Quảng Ninh, Nghệ An… 

Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp khẳng định: Nghề ươm quế giống phát triển không chỉ giúp đời sống của người dân xã Báo Đáp được nâng lên mà còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.  

Bắc Kạn có 131 sản phẩm OCOP

Thực hiện kế hoạch đánh giá sản phẩm OCOP năm 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tổ chức đánh giá 38 sản phẩm thuộc 4 nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thảo dược…

 

cha-ocop.jpg

Chè Như Cố (Chợ Mới) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Báo Bắc Kạn

 

Kết quả, năm 2020 có thêm 24 sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 131 sản phẩm. Trong đó có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao; 118 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao (02 sản phẩm 4 sao đang hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia, đó là Miến dong Tài Hoan và Nano Curcumin Bắc Hà).

Tính đến nay, thành phố Bắc Kạn dẫn đầu với 24 sản phẩm; huyện Na Rì 22 sản phẩm; huyện Chợ Đồn 20 sản phẩm; huyện Chợ Mới 19 sản phẩm;…ít nhất là huyện Ngân Sơn có 04 sản phẩm.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top