Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 2 năm 2019 | 21:39

Tin NN Tây Bắc: Cao Phong được mùa mía ngọt

Năm 2019, nông dân ở vùng mía tím Cao Phong (Hòa Bình) đang đón niềm vui được mùa mía ngọt.

mia.jpg

Những chiếc xe tải nối nhau chở những thùng mía đầy tiêu thụ khắp nẻo ngược, xuôi. Mía tím không những được giá mà gần như đã được đặt hết, dự báo thời tiết thuận lợi sẽ bán hết trước khi đón Tết.

Xã Nam Phong không chỉ là một trong những vùng mía trọng điểm của huyện mà tại đây còn xây dựng và nhân rộng mô hình trồng mía tím nuôi cấy mô. Theo thống kê, niên vụ này trên địa bàn trồng 170ha mía, có tới hơn 70% tổng số hộ toàn xã có thu nhập chính từ nghề trồng mía, gồm cả mía tím và mía ép nước.

Đồng chí Đinh Đức Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện tại mía tím chờ thu hoạch còn khá nhiều nhưng riêng hơn 5ha mía mô đã tiêu thụ hết. Đặc biệt, mía mô bán với giá 7.000 đồng, cao gấp rưỡi so với mía tím thông thường. Từ xây dựng mô hình năm 2015 đến nay đã có trên 20 hộ tham gia trồng mía mô, nhiều bà con thấy hiệu quả đã học hỏi và mua giống về nhân rộng. Hiện có không ít nông hộ thu hàng trăm triệu đồng/vụ với diện tích 5.000 - 7.000m2.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, tín hiệu thị trường năm nay khả quan, giá cả và tình hình tiêu thụ tốt nhờ thời tiết không có nhiều đợt rét mạnh, chất lượng mía tím trồng trên đất Cao Phong tiếp tục được người tiêu dùng đánh giá cao. Diện tích mía toàn huyện năm 2018 đạt 2.696,4 ha, trong đó mía tím 1.010 ha, mía trắng ép nước 1.686,4 ha. Diện tích mía tím nuôi cấy mô hiện nhân rộng tại các xã: Tây Phong, Nam Phong, Tân Phong, Thu Phong, Đông Phong, Xuân Phong với gần 20 ha. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch gần 500 ha mía tím, đạt gần 50% tổng diện tích. Giá tại thời điểm này bình quân từ 4.000 - 6.000 đồng/cây, giá trị bình quân ước đạt từ 160 - 240 triệu đồng/ha.

Mía tím Cao Phong năm nay được giá là do diện tích mía tím toàn tỉnh so với niên vụ trước giảm. Nông dân ở một số huyện phá bỏ một phần diện tích mía sang trồng cây ăn quả có múi. Bên cạnh chất lượng mía tím có được nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, mía tím Cao Phong năm nay có sự đầu tư thâm canh tốt hơn mọi năm, mẫu mã đẹp hơn (lóng dài, vỏ màu tím đậm đặc trưng, thịt mía ngọt, mềm, ít bị sâu bệnh). Một nguyên nhân khác là người trồng và kinh doanh mía đã đa dạng hình thức bán hàng trên các kênh thông tin giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng cả nước.

Trái dâu đỏ ở vùng mây trắng

Là một trong những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, cây dâu tây đã và đang trở thành một trong những cây trồng được nhiều người dân xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Từ một mảnh vườn nhỏ, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, có thể mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

dau-tay.JPG

Khu vườn trồng dâu tây của gia đình anh Nguyễn Chí Thành, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ (Vân Hồ).

 

Bén duyên với vùng mây trắng Vân Hồ được khoảng 5 năm nay, cây dâu tây khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Người đi đầu đưa cây dâu tây vào trồng là anh Nguyễn Chí Thành, trú tại tiểu khu Sao Đỏ, xã Vân Hồ. Hiện, gia đình anh trồng 3.500 m2 cây dâu tây, niên vụ 2017-2018 thu được 3,5 tạ, bán với giá từ 200-250 nghìn đồng/kg, thu ngót trăm triệu đồng. Vừa đóng gói quả dâu để giao cho khách, anh Thành vừa trò chuyện với chúng tôi. Anh bảo, năm 2013, trong một lần tham quan vườn dâu của một người họ hàng, thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này, anh về bàn với các thành viên trong gia đình quyết định chuyển 500 m2 đất vườn của nhà sang trồng dâu tây. Tuy vậy, niên vụ dâu đầu tiên chưa thu hái được nhiều bởi thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên quả bị hỏng nhiều. Vậy là anh bỏ công đi tìm hiểu cách trồng, cách chăm bón dâu tây ở các nhà vườn khác trên địa bàn, nhất là việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sau vài vụ, chứng kiến kết quả tích cực từ cách làm vườn của anh Thành, đã có nhiều hộ dân ở xã Vân Hồ chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang trồng dâu tây. Theo người dân, dâu tây là loại cây khó tính, đòi hỏi nhiều công chăm sóc, đặc biệt sự thay đổi bất thường của thời tiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của quả dâu. Vì vậy, muốn thu được quả ngọt, đảm bảo chất lượng tốt, người trồng dâu phải thay đổi cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm quy trình kỹ thuật mới, đầu tư công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp (phủ màng đất, tưới nhỏ giọt...).

Nói về những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp của người dân từ khi cây dâu tây được trồng ở xã, ông Ngô Văn Dự, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Hiện nay, những gia đình trồng dâu tây của xã đã có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi vụ. Song, sản phẩm dâu tây hiện nay vẫn chủ yếu là bán lẻ cho khách hoặc bán đổ cho thương lái. Đến nay, Vân Hồ có khoảng 2 ha cây dâu tây; tiềm năng, lợi thế để phát triển và nhân rộng cây trồng này là rất sáng sủa, nhưng xã vẫn chưa khuyến khích bà con mở rộng, vì thấy chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm.

Nâng cao chất lượng cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng

Lào Cai hiện có hơn 353.000 ha rừng, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt hơn 22 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt gần 1.600 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, các chủ vườn ươm trên địa bàn tỉnh luôn cố gắng tuân thủ quy trình kỹ thuật để có cây giống chất lượng phục vụ kế hoạch trồng rừng.

 

rung-1.jpg

Người dân nên chọn mua giống cây lâm nghiệp tại vườn ươm có uy tín. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Mùa trồng rừng ở Lào Cai diễn ra theo 2 khung thời vụ là xuân - hè và thu - đông. Chuẩn bị cho vụ trồng rừng xuân - hè năm 2019, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trong tỉnh đã mở màng che, không bón phân từ tháng 11/2018 để cây thích nghi với khí hậu, thời tiết tự nhiên, đảm bảo tỷ lệ sống cao khi đem trồng tại thực địa. Bên cạnh đó, các chủ vườn ươm tiếp tục làm bầu, gieo ươm để kịp xuất giống cho vụ thu - đông diễn ra vào cuối năm 2019, đồng thời thực hiện nghiêm những tiêu chuẩn kỹ thuật để có cây giống khỏe, chất lượng tốt cung cấp cho người trồng rừng.

Những năm gần đây, phong trào trồng rừng kinh tế phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn Lào Cai hiện có 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra, đánh giá và phân xếp loại đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Các vườn ươm này mỗi năm sản xuất gần 50 triệu cây giống. Với sản lượng này, các cơ sở không chỉ đáp ứng đủ nguồn giống chất lượng để thực hiện kế hoạch trồng rừng của tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh khác trong khu vực như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Do đó, nghề ươm cây giống lâm nghiệp đang tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Ông Trần Văn Đằng, Trưởng phòng Quản lý và Sử dụng rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Năm 2019, tỉnh có kế hoạch trồng 2.500 ha rừng. Với chủ trương xã hội hóa nghề rừng, năm nay, 100% diện tích rừng được trồng bằng kinh phí của các hộ gia đình. Chi cục khuyến cáo các doanh nghiệp, người trồng rừng cần tìm đến cơ sở được cấp phép sản xuất để mua cây giống, tuyệt đối không mua cây trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường. Bên cạnh đó, chi cục cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đến các cơ sở sản xuất để nắm tình hình cũng như yêu cầu các cơ sở chứng minh xuất xứ nguồn giống hợp quy chuẩn về sản xuất cây giống.

Đánh thức tiềm năng vùng dược liệu

Các xã vùng cao huyện Sìn Hồ (Lai Châu) nằm trên độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, nằm trong vùng núi cao khí hậu Á nhiệt đới, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Sìn Hồ được đánh giá là một trong 8 vùng được liệu trọng điểm của quốc gia. Nhưng dược liệu Sìn Hồ đang phát triển manh mún, chưa xứng với tiềm năng, thiếu đơn vị bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho dược liệu Sìn Hồ rộng đường tiếp cận thị trường.

 

duoc-lieu.jpg

Người dân bản Mao Sao Phìn (xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ) thu hoạch cây dược liệu đương quy. Ảhh Báo Lai Châu.

 

Kết quả khảo sát về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trồng khảo nghiệm của một số công ty dược liệu, công trình nghiên cứu khoa học tại Sìn Hồ cho thấy cao nguyên Sìn Hồ rất phù hợp để phát triển vùng dược liệu. Qua trồng khảo nghiệm dược liệu trên cao nguyên Sìn Hồ có dược tính cao hơn so với các địa phương trong toàn quốc.

Hiện nay, một số loại dược liệu: đương quy, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa vẫn được trồng rải rác tại các xã: Làng Mô, Tủa Sín Chải, Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Phìn... nhưng với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ hoặc được các tiểu thương thu mua vận chuyển tới nơi khác tiêu dùng. Dù là loại cây trồng có giá trị về y dược và kinh tế rất cao nhưng dược liệu Sìn Hồ vẫn loay hoay tìm hướng đi cho mình.

Không để lãng phí tiềm năng phát triển cây dược liệu, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, trong những năm gần đây, Sìn Hồ đầu tư trồng hơn 20ha cây đương quy, trong đó tập trung tại các xã: Phăng Sô Lin, Tả Phìn, Sà Dề Phìn và Tả Ngảo. Đương quy đã khẳng định hiệu quả kinh tế so với trồng lúa, ngô và các cây hoa màu khác trên cùng một diện tích canh tác.

Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ chia sẻ: Không chỉ khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng diện tích trồng dược liệu, Sìn Hồ đang có chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trồng, chiết xuất, chế biến các loại thảo dược. Cùng với Công ty dược Hải Dương (Hải Dương), Công ty Cổ phần Dược liệu Dương Thư (Hà Nội) đã có nhiều nhà thuốc tới thu mua, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhằm đánh thức tiềm năng dược liệu, Sìn Hồ đang trải thảm đỏ và đồng hành cùng các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top