Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 6 năm 2020 | 14:21

Tin NN Tây Bắc: Chè Tuyết Shan Bản Liền đạt OCOP 5 sao

Sản phẩm chè hữu cơ Bắc Hà của Hợp tác xã chè Bản Liền được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 5 sao.

che-shan-tuyet.jpg

Người trồng chè ở xã Bản Liền (Bắc Hà) bước vào vụ thu hoạch chè chính trong năm. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Những đồi chè Tuyết Shan hữu cơ xanh mơn mởn của người dân xã Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang bước vào lứa thu hoạch. Với gần 500 ha, trong đó gần 400 ha đang thu hoạch, mỗi năm người dân trồng chè ở Bản Liền thu trên 1.900 tấn chè búp tươi.

Việc liên kết giữa các hộ dân với Hợp tác xã chè Bản Liền trong sản xuất và tiêu thụ đã giúp sản phẩm chè Tuyết Shan Bản Liền vươn ra thế giới và nâng cao giá trị.

Chè hữu cơ dù năng suất không cao, nhưng giá mỗi kg chè búp tươi đạt từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg theo thị trường. Toàn bộ sản lượng chè búp tươi được Hợp tác xã chè Bản Liền đứng ra tiêu thụ.

Cây chè Tuyết Shan sản xuất hữu cơ chi phí đầu tư thấp, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây chè đã giúp nhiều hộ dân ở xã Bản Liền xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Trung bình mỗi năm người dân xã Bản Liền thu trên 1.900 tấn chè búp tươi. Nhờ liên kết sản xuất với Hợp tác xã chè Bản Liền, sản lượng chè búp tươi có đầu ra ổn định, không lo mất giá.

Sản phẩm chè hữu cơ Bắc Hà của Hợp tác xã chè Bản Liền được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 5 sao.

Hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm ở Văn Chấn

 

trong-dau.jpg

Lãnh đạo xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn kiểm tra sinh trưởng của cây dâu. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tại xã Sơn Lương, khi bắt đầu thực hiện đề án, xã đã trồng thử nghiệm 1 ha và đến nay mở rộng diện tích lên trên 12 ha. Vụ đầu nuôi tằm, đã mang về cho nông dân 72 triệu đồng; trung bình mỗi héc - ta dâu cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô. 

Là hộ đầu tiên tham gia đề án, anh Đàm Minh Xuân, thôn Tành Hanh chuyển đổi 1.000m vuông đất soi bãi sang trồng dâu. Năm 2019, anh nuôi được 3 lứa tằm, thu được gần 10 triệu đồng. Thấy trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao, gia đình anh tiếp tục chuyển đổi thêm 1.000m vuông đất sang trồng dâu. 

Anh Xuân chia sẻ: "Trồng dâu nuôi tằm, chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật hướng dẫn và chủ động phòng dịch bệnh kịp thời là tằm phát triển tốt, thu nhập cao. Do đó, tôi quyết định mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm”. 

Hiện, xã Sơn Lương triển khai trồng mới 50 ha dâu đến tất cả các thôn và chủ yếu là trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả. Hiện, 12 ha dâu trồng từ đầu năm 2019 đã mang lại hiệu quả kinh tế nên xã xác định đây là cây trồng mũi nhọn. 

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Năm 2019 và 2020, huyện chỉ đạo nông dân trồng 100 ha dâu; liên kết với một số đơn vị để bao tiêu sản phẩm cho nông dân; phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Tằm tơ thực hiện dự án của Hàn Quốc về trồng dâu nuôi tằm với chính sách hỗ trợ các hộ dân phát triển vùng dâu, nuôi tằm của huyện như các xã: Chấn Thịnh, Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh… 

Từ hiệu quả bước đầu của đề án, huyện phấn đấu thời gian tới, mỗi năm trồng mới 100 ha để nghề dâu tằm thực sự trở thành nghề xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.

Nậm Pồ: Chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô

Vụ xuân - hè năm nay, huyện Nậm Pồ (Điện Biên Phủ) gieo trồng hơn 1.711,5ha ngô. Hiện nay, trên địa bàn xảy ra tình trạng sâu keo mùa thu gây hại trên diện tích ngô gieo trồng sớm.

 

sau-keo-mua-thu.jpg

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ kiểm tra tình hình gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô tại bản Tân Lập (xã Si Pa Phìn). Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

 

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, sâu keo mùa thu xuất hiện từ trung tuần tháng 4 vừa qua trên địa bàn 6 xã với diện tích điều tra phát hiện 24,5ha (trong đó, xã Vàng Ðán 9ha; Si Pa Phìn 2ha; Chà Tở 6ha; Pa Tần 2,5ha; Nậm Khăn 2ha và xã Chà Nưa 3ha). Mật độ trung bình 2 con/m2, cao 5 con/m2, tuổi 1 - 5, phổ biến ở tuổi  4 - 5.

Anh Lò Văn Hiệp, người dân xã Si Pa Phìn cho biết: Phát hiện trên cây ngô có loài sâu gây hại, tôi báo lên UBND xã. Xã đã cử cán bộ khuyến nông phối hợp với trưởng các bản rà soát, kiểm tra cánh đồng trồng ngô; đồng thời, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ. Thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện cũng như trên bao bì thuốc, gia đình tôi tiến hành phun 3 lần thuốc nên sâu bệnh đã giảm. Chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu, chụm vòi phun vào ngọn ngô mới có tác dụng hoặc xử lý theo hình thức tách ngọn bắt sâu mới hiệu quả.

Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Nhận được phản ánh của người dân và UBND các xã về tình trạng xuất hiện sâu keo mùa thu, Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn xuống bãi để kiểm tra; triển khai hướng dẫn phun trừ 23,5ha. Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả nên đã ngăn chặn làm giảm sâu hại lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, Trung tâm đã chủ động tham mưu cho UBND huyện điều tra phát hiện ngăn chặn chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô. Từ đó đến nay đã thực hiện 8 đợt điều tra phát hiện sâu keo, 2 đợt hướng dẫn chỉ đạo phun trừ trên các diện tích ngô xuất hiện sâu keo mùa thu.

Bản Lùa: Trồng chè cho thu nhập cao

 

che.jpg

 

Người dân bản Lùa, xã Phổng Lập (Thuận Châu) thu hái chè.

 

Khai thác tiềm năng lợi thế về khí hậu, đất đai, những năm gần đây, người dân bản Lùa, xã Phổng Lập (Thuận Châu, Sơn La) đã lựa chọn đưa cây chè trồng thay thế các loại cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả, bước đầu mang lại thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con.

Đến thăm gia đình anh Lường Văn Trưng, là một trong những hộ đầu tiên của bản tiên phong mang cây chè về trồng, hiện gia đình anh có 2 ha cây chè, chủ yếu là chè Shan tuyết và chè lai LDP1. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, năm 2011, anh Trưng tìm đến các hộ dân trồng chè lâu năm ở xã Phổng Lái để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè và mang 300 kg hạt giống chè Shan tuyết về gieo trồng trên diện tích 1 ha của gia đình. Sau 5 năm, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây chè phát triển tốt, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu được 7 tấn chè búp tươi, thu gần 50 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, năm 2016, anh trồng thêm 1 ha chè lai LDP1, từ đầu năm đến nay, gia đình anh thu được hơn 2 tấn chè búp tươi, thu gần 15 triệu đồng, dự kiến vụ năm nay, gia đình anh sẽ thu được hơn 10 tấn chè búp tươi. Anh Trưng chia sẻ: Nhờ trồng chè, gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn, làm được ngôi nhà mới khang trang và có điều kiện lo cho các con ăn học.

Những năm trước đây, người dân ở bản Lùa chủ yếu quen với tập quán canh tác lâu đời là trồng ngô, sắn, nên hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, trồng chè phải mất vài năm mới cho thu hoạch, bà con lo lắng về đầu ra, giá cả thị trường nên không muốn chuyển sang trồng chè. Để thay đổi tư duy, cách nghĩ, phương thức canh tác cũ của người dân, cán bộ huyện, xã đã trực tiếp xuống họp bản tuyên truyền; cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân...

Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX cam kết bao tiêu sản phẩm, tạo được niềm tin cho người dân yên tâm chuyển sang trồng chè. Năm 2016, Chương trình 135 hỗ trợ bản Lùa xây dựng mô hình trồng 9 ha giống chè LDP1, với 29 hộ tham gia. Sau 4 năm, mô hình phát triển tốt, người dân nhận thấy hiệu quả đã chủ động mạnh dạn tự mua giống về trồng. Đến nay, 90% các hộ dân trong bản đã trồng được gần 32 ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 100 tấn/năm.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top