Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 4 năm 2020 | 11:47

Tin NN Tây Bắc: Chiềng Pằn mở rộng vùng trồng rau an toàn

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Pằn (Yên Châu, Sơn La) đã tập trung phát triển rau an toàn, tạo sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, giúp bà con có nguồn thu nhập đáng kể.

Chiềng Phú là bản có diện tích trồng rau an toàn lớn nhất của xã Chiềng Pằn với 20 ha. Trước đây, hầu hết các hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo hướng tự phát, do đó, năng suất, sản lượng thấp, đầu ra của sản phẩm bấp bênh. Nhận thấy nhu cầu lớn rau sạch của thị trường, một số hộ đã liên kết thành lập HTX trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

rat.jpg

Mô hình trồng rau an toàn của người dân bản Chiềng Thi. Ảnh: Báo Sơn La

 

Ông Hà Văn Dự, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chiềng Phú, cho biết: HTX thành lập tháng 9/2015, với 9 thành viên, quy mô sản xuất 5 ha, các hộ đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng rau an toàn từ khâu làm đất đến thu hoạch, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, sử dụng chủ yếu là phân vi sinh để bón lót. Đối với phòng trừ sâu bệnh, hầu hết thuốc bảo vệ thực vật đều có nguồn gốc sinh học, sau khi phun thuốc 7-10 ngày mới tiến hành thu hoạch rau, đảm bảo thời gian cách ly.

Ngoài ra, nguồn nước tưới rau cũng được sử dụng bằng nước giếng khoan không ô nhiễm. HTX đã có 3,1 ha rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP, nên uy tín, thương hiệu càng được khẳng định trên thị trường, nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm rau của HTX được xuất bán cho các trường học bán trú trên địa bàn huyện, trong tỉnh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và cả thương lái bên Lào đến tận vườn thu mua. Năm 2019, HTX bán ra thị trường 200 tấn rau, củ thu trên 1,5 tỷ đồng. Thấy hiệu quả từ trồng rau an toàn, tất cả các hộ dân trong bản đã làm theo, một số hộ còn mua xe tải để thu mua rau cho bà con xuất bán đi các tỉnh, thành khác.

Đến thăm vườn rau an toàn của gia đình anh Nguyễn Văn Bảy, được biết, với hơn 5.000 m2, mùa nào thức nấy, gia đình anh Bảy trồng rau quanh năm; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng rau an toàn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Chính vì thế mà rau của gia đình anh luôn phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt, được nhiều thương lái đến thu mua hằng ngày. Năm 2019, gia đình anh Bảy thu về hơn 150 triệu đồng từ trồng rau. Hiện, gia đình anh đang thu hoạch mướp đắng với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg, có ngày thu được 4- 5 triệu đồng, ước tính riêng vụ mướp đắng này thu về hơn 70 triệu đồng.

Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, cho biết: Doanh thu từ trồng rau an toàn cao hơn nhiều lần trồng lúa nên vài năm trở lại đây bà con mở rộng diện tích. Hiện, toàn xã có trên 30 ha rau an toàn tập trung nhiều nhất ở bản Chiềng Phú và Chiềng Thi, từ trồng rau an toàn, nhiều hộ đã xây được nhà khang trang, mua được nhiều vật dụng sinh hoạt cho gia đình. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân ở các bản lân cận đã chủ động chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau.

Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình này, đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau an toàn cho nhân dân; hình thành vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...

Bảo Yên: 16 ha quế bị nhiễm bệnh phấn trắng

Hiện, trên địa bàn huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang xuất hiện bệnh phấn trắng gây hại trên cây quế.

 

que.jpg

16 ha quế trên địa bàn huyện Bảo Yên bị nhiễm bệnh phấn trắng. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Cụ thể, trên các đồi quế trồng từ 1 - 3 năm tuổi đã xuất hiện bệnh phấn trắng gây hại, tỷ lệ cây bị bệnh phổ biến 20%, nơi cao lên tới 40%; diện tích nhiễm khoảng 16 ha, tập trung tại các xã: Minh Tân (10 ha), Thượng Hà (5 ha), Vĩnh Yên (1 ha).

Được biết, phấn trắng là loại nấm chuyên ngoại ký sinh với các sợi nấm bám trên hai mặt lá, chúng tạo vòi đâm sâu vào tế bào hút hết chất dinh dưỡng của lá cây. Bệnh lây lan do tiếp xúc giữa cây bệnh với cây khỏe, do bắn mưa, gió và không khí.

Những lá bị bệnh sẽ bị mất dần màu xanh, chuyển sang màu vàng, khô cháy và dễ bị rụng. Bệnh xuất hiện cả trên thân, cành, lá, khiến cây chậm phát triển, còi cọc và bị giảm năng suất.

Hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên đang phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng trừ, xử lý kịp thời bệnh phấn trắng; trong đó, chú trọng việc phát quang cây cỏ dại, tỉa những cành quế bị bệnh mang đi tiêu hủy, phun diệt trừ mầm bệnh bằng thuốc đặc hiệu.

Pác Nặm: Khoảng 5 vạn cây giống bị chết

 

cay-giong.jpg

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm cùng đại diện vườn ươm thôn Nà Phẩn kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân giống cây xoan ta bị chết. Ảnh: Báo Bắc Kạn

 

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) mưa nhiều, nhiệt độ thay đổi thất thường đã phát sinh nấm bệnh làm khoảng 5 vạn cây giống xoan ta trong bầu phục vụ trồng rừng bị chết.

Niên vụ trồng rừng năm 2020, huyện Pác Nặm có kế hoạch trồng 320ha rừng. Đến nay người dân đã đăng ký trồng 335ha, đạt 105% kế hoạch. Ban quản lý Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện đã hợp ký kết hợp đồng với vườn ươm ở thôn Nà Phẩn, xã Bộc Bố để sản xuất và cung ứng cây giống với số lượng gần 15 vạn cây.

Tuy nhiên, qua kiểm tra khoảng 5 vạn cây xoan ta tại vườn đã bị chết. Để việc trồng rừng đảm bảo theo kế hoạch, Ban quản lý Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện cùng với các đơn vị liên quan phối hợp với vườn ươm ở huyện Chợ Mới để bổ sung cây giống. Đồng thời liên hệ với các cơ sở có uy tín đảm bảo nguồn cây giống trồng rừng đạt tiêu chuẩn theo quy định, cấp cho huyện trong năm 2020.

Long đong quả dứa Mường Chà

Cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân một số xã vùng cao huyện Mường Chà (Điện Biên Phủ). Số hộ dân trồng dứa ngày càng nhiều, diện tích tăng nhanh, song số phận quả dứa Mường Chà vẫn rất long đong.

Mường Chà có gần 300ha dứa, chủ yếu tập trung ở 3 xã: Mường Mươn, Na Sang và Sa Lông. Sau hơn 5 năm bén rễ ở Mường Chà, cây dứa hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất từ 18 - 20 tấn quả/ha; hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nương, ngô. Do đó, nhiều hộ dân đã lựa chọn cây dứa là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc.

 

dua.jpg
Xã viên Hợp tác xã Na Sang xuất bán dứa cho Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát.

 

Những năm đầu tiên, do sản lượng ít nên sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế người dân ồ ạt chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng dứa. Vài năm sau, thị trường trong tỉnh bão hòa, quả dứa bị “ế hàng” và thương lái ở Sơn La, Hòa Bình liên tục ép giá, giá dứa xuống thấp “chạm đáy”. Quen tay thì thạo việc, đến lúc này người trồng dứa cũng nhận thức được rằng không thể cứ chú trọng mở rộng diện tích mà còn phải tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thì mới phát triển bền vững. Năm 2016, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các hợp tác xã sản xuất dứa thành lập, làm đầu mối để giải quyết vấn đề thị trường cho cây dứa Mường Chà.

Hiện, huyện Mường Chà đã thành lập 2 hợp tác xã sản xuất dứa, gồm: Hợp tác xã Na Sang (xã Na Sang) và hợp tác xã Háng Lìa (xã Sa Lông).

Hợp tác xã Na Sang có 161ha dứa cho thu hoạch, trong đó có 36ha dứa đạt chuẩn VietGAP. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang cho biết: Trước đây, 100% sản lượng dứa Mường Chà tiêu thụ trong tỉnh và bán cho thương lái ở Sơn La và Hòa Bình nên thị trường không ổn định, tính cạnh tranh không cao, giá dứa rẻ.

Do đó, 2 năm gần đây, Hợp tác xã đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm những công ty xuất khẩu nông sản để phối hợp, ký kết hợp đồng vùng nguyên liệu nhằm ổn định đầu ra sản phẩm. Ðến đầu tháng 9/2019, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát (trụ sở ở tỉnh Nam Ðịnh) đã lên đặt vấn đề với Hợp tác xã về việc khảo sát, lấy mẫu dứa về đánh giá chất lượng.

Tháng 10/2019, Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dứa với Hợp tác xã Na Sang trong thời hạn 5 năm, sản lượng ký kết 1.000 tấn dứa/năm. Ðầu vụ thu hoạch năm 2020, Công ty thu mua dứa với giá 7.000 đồng/kg. Người dân trồng dứa ở Na Sang vui mừng vì dứa được mùa và được giá.

 “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau 2 - 3 chuyến hàng xuất đi với giá cao thì Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát thông báo Công ty phải cắt giảm nhân công, tạm nghỉ một số dây chuyền sản xuất và tạm ngừng thu mua dứa vì thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các nương dứa đang vào độ thu hoạch không có người mua, người dân lại đứng trước nguy cơ một vụ dứa thất bại.

Ông Lê Thanh Tâm cho biết: Thời điểm giá dứa 7.000 - 8.000 đồng/kg là đầu vụ, dứa chưa chín đều nên sản lượng ít (chiếm khoảng 15 - 20% tổng sản lượng). Từ ngày 1/4, thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, Công ty bao tiêu sản phẩm tạm dừng nhập dứa, phương tiện vận chuyển liên tỉnh cũng ngừng hoạt động nên việc tiêu thụ dứa bị ảnh hưởng rất lớn. Nhân cơ hội này, thương lái ở Sơn La, Hòa Bình liên tục ép giá, từ 8.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng rồi 3.000 đồng/kg. Ðến chiều ngày 9/4, giá dứa giảm “kịch sàn” xuống 1.000 đồng/kg. Hợp tác xã có 40 hộ trồng dứa bị thiệt hại, với diện tích khoảng 20ha. Vừa rồi dứa chín đồng loạt trên nương nhưng “bán giá rẻ như cho” nên một số hộ đã mặc cho dứa chín thối trên nương.

Trước nguy cơ vụ dứa thất bại, Hợp tác xã Na Sang đã liên tục liên lạc với Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát để tìm cách “giải cứu” dứa giúp người dân. Sau nhiều nỗ lực từ 2 phía, từ ngày 12/4, Công ty đã bố trí được phương tiện vận tải lên thu mua dứa của người dân.

Ông Lê Thanh Tâm cho biết: Thật may mắn khi trong điều kiện khó khăn, Công ty Tấn Phát vẫn cố gắng thu mua dứa, mặc dù giá thu mua hiện nay chỉ 3.000 đồng/kg  như thế là người trồng dứa đã không bị lỗ rồi! Chiều ngày 12/4, hàng trăm tấn dứa được người dân tập trung về Hợp tác xã Na Sang đợi cân và bốc xếp lên xe chở về nhà máy chế biến ở Nam Ðịnh. Niềm vui đã trở lại đối với người dân trồng dứa xã Na Sang. Có mặt tại điểm thu mua dứa, ông Lý A Chu cho biết: Công ty yêu cầu không chặt dứa quá chín nhưng vẫn tạo điều kiện mua giúp gia đình tôi 3 tấn quả đã chín quá quy định để giảm bớt thiệt hại. Từ ngày mai, tôi sẽ thu hoạch số dứa ở 1,5ha còn lại cho Công ty. Với giá 3.000 đồng/kg thì cũng đủ bù chi phí, vụ này coi như “lấy công làm lãi”.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top