Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 3 năm 2020 | 11:39

Tin NN Tây Bắc: Chuối Lào Cai rộng đường xuất khẩu

Chuối là một trong những cây trồng chủ lực, cho thu nhập khá, giúp nhiều hộ trên địa bàn tỉnh làm giàu. Điều đáng mừng là từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá quả chuối có chiều hướng ổn định và cao hơn.

chuoi-lao-cai.jpg

Người dân Bát Xát thu hoạch chuối. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Lào Cai hiện có hơn 3.100 ha chuối, sản lượng hằng năm khoảng 80.000 - 90.000 tấn quả. Trước đây, 90% sản lượng quả chuối của Lào Cai được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và khách hàng phía Trung Quốc chủ yếu là các đơn vị thu gom nhỏ lẻ, chưa có các doanh nghiệp hoặc nhà máy chế biến ký hợp đồng bao tiêu nên giá cả thường bấp bênh.

Từ tháng 6/2019, quả chuối của Lào Cai chính thức được thị trường chính ngạch Trung Quốc mở cửa chào đón, đây là điều đáng mừng và tạo động lực cho người trồng chuối trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để có “tấm vé thông hành” xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đòi hỏi quả chuối không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn cần có lai lịch rõ ràng - đó là mã số vùng trồng.

 

chuoi-lao-cai-1.jpg

Vận chuyển chuối đi xuất khẩu. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng (theo Điều 64, Luật Trồng trọt) nhằm tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Tại cửa khẩu, hải quan các nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc các lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc, nếu lô hàng không nằm trong các vùng trồng đã được cấp mã số sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Nhận thức rõ mã số vùng trồng có vai trò then chốt để nông sản đủ điều kiện xuất ngoại bằng con đường chính ngạch, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi kỹ thuật sản xuất, đáp ứng những tiêu chí để được cấp mã số vùng trồng. Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Chúng tôi đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nhiều hộ sản xuất nông nghiệp nói chung và các hộ trồng chuối nói riêng về kiến thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có ghi chép nhật ký, đáp ứng các tiêu chuẩn để xin cấp mã số vùng trồng. Qua đó, tạo được nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao và sản phẩm làm ra đủ tiêu chuẩn đưa vào các hệ thống siêu thị lớn, nhà hàng, khách sạn quốc tế, thậm chí xuất khẩu ra thị trường nước khác, tiêu biểu như quả chuối.

Đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp 9 mã số vùng trồng chuối với 2.195 ha và 3 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu được phía Trung Quốc chấp thuận. Cụ thể, vùng trồng chuối Thái Niên (Bảo Thắng) 420 ha; vùng trồng chuối Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy (Mường Khương) 1.078 ha; Nậm Chạc, A Mú Sung, Cốc Mỳ, Trịnh Tường (Bát Xát) 667 ha; Bắc Cường (thành phố Lào Cai) 30 ha. Các doanh nghiệp được cấp mã cơ sở đóng gói quả tươi gồm: Công ty TNHH MTV Hoàng Lan (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thúy Hà (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai), Công ty TNHH MTV Hoàng Bằng (xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát). Đây là những doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu quả chuối tiêu của tỉnh theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Phát triển vùng nguyên liệu chè Mường Khương

Chè là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Mường Khương (Lào Cai). Cây chè không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, lại phù hợp với trình độ canh tác của người dân các xã vùng cao, đồng thời ít chịu rủi ro bởi thiên tai.

 

che-mk.jpg
Ảnh: Báo Lào Cai

 

Thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Mường Khương đã ban hành Đề án số 01 ngày 12/5/2016 về phát triển ổn định vùng nguyên liệu, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè Mường Khương giai đoạn 2016 - 2020. Huyện đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nguyên liệu chè đến năm 2020 với 3.100 ha tại 67 thôn, bản của 8 xã, trong đó diện tích quy hoạch tại các xã khu vực vùng thấp là 2.100 ha và các xã vùng cao 1.000 ha. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, huyện Mường Khương tiếp tục mở rộng, bổ sung quy hoạch thêm 765 ha (mở rộng 557 ha tại các xã vùng thấp, bổ sung 190 ha tại xã Nấm Lư), đưa tổng diện tích chè của huyện đến năm 2020 lên 3.865 ha.

Chè Mường Khương cho năng suất cao và ổn định nếu đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật. Mặt khác, chè Mường Khương được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội so với các vùng chè khác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Nếu thâm canh tốt, mỗi héc-ta chè cho thu nhập trung bình 60 - 80 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng.

Nhận thức được hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại, cùng với sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị ở địa phương, người dân đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè. Năng suất chè Shan trung bình đạt 11 tấn/ha, sản lượng đạt 23.947 tấn; chè chất lượng cao sản xuất theo công nghệ chè Ô long đạt 4 tấn/ha, sản lượng ước đạt 482,6 tấn. Việc phát triển, mở rộng diện tích chè giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, bền vững, đặc biệt là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hạn chế tình trạng đi lao động trái phép bên kia biên giới.

Theo ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình, phần lớn sản lượng của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và Đài Loan với hàng rào về an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nên từ đầu mỗi vụ sản xuất, doanh nghiệp đều ký hợp đồng với người dân. Theo đó, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng và người dân sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến. Việc liên kết này đảm bảo tính bền vững trong sản xuất và kinh doanh ngành hàng chè.

Điện Biên Phủ: 561ha lúa đông xuân nhiễm sâu bệnh hại

Tính đến ngày 24/2, toàn tỉnh đã gieo cấy 9.494,1/9.750ha lúa đông xuân (đạt 97% kế hoạch), so với cùng kỳ năm trước tiến độ nhanh hơn 34,6ha.

 

sau-benh.jpg

Người dân phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết bất thuận thời gian qua, một số loài sâu bệnh hại, như: Bệnh đạo ôn lá gây hại tăng nhẹ trên trà sớm - chính vụ, tỷ lệ phổ biến 1 - 3%, cao 10 - 13% lá; ốc bươu vàng gây hại chủ yếu trên trà muộn, mật độ phổ biến 1 - 2 con/m2, cao 5 con/m2; bệnh tuyến trùng rễ diện tích nhiễm tăng nhẹ trên một số khu vực thiếu nước, khô hạn, tỷ lệ phổ biến 2 - 3%, cao 20% dảnh…

Ngoài ra, bệnh đốm nâu, bọ xít đen, rệp xanh, rầy, sâu keo mùa thu gây hại rải rác. Tổng diện tích nhiễm bệnh là 561ha lúa đông xuân ở các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông.

Ðể hạn chế thấp nhất mức độ gây hại trên cây lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi UBND các huyện đề nghị tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân theo dõi diễn biến thời tiết, thực hiện các biện pháp bảo vệ phòng chống bệnh cho lúa; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại để chủ động ứng phó.

Nậm Lầu phát triển nghề nuôi ong rừng

Nuôi ong lấy mật ở Nậm Lầu (Thuận Châu, Sơn La) đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, nuôi ong lấy mật ở Nậm Lầu chủ yếu là ong rừng được bà con thuần hóa mang về nuôi và nhân đàn.

Nhận thấy nuôi ong rừng lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, nên hàng chục năm nay, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô, tăng số lượng đàn, nghề nuôi ong rừng lấy mật trở thành một hướng phát triển kinh tế tiềm năng ở Nậm Lầu.

 

nuoi-ong-rung.jpg

Người dân bản Biên phát triển nghề nuôi ong rừng. Ảnh: Báo Sơn La

 

Ông Quàng Văn Pâng ở bản Biên đã có gần 30 năm nuôi ong tự nhiên lấy mật. Hiện, gia đình ông Pâng có 150 đàn ong, nhiều nhất ở xã. Ông Pâng chia sẻ: Ban đầu, khi mới đầu tư mở rộng quy mô nuôi ong theo hướng hàng hóa, do ít kinh nghiệm, nên đàn ong hay bị bệnh, ong non không phát triển, dẫn đến số lượng ong trong đàn giảm nhanh. Không nản chí, tôi quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua đài, báo cũng như tham quan nhiều hộ nuôi ong trong tỉnh, nhờ đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong.

Nuôi ong rừng không phải đầu tư nhiều, thùng ong chủ yếu được làm từ những thân cây gỗ có đường kính khoảng 40 cm, dài 60-70 cm, khoét rỗng và bịt chặt hai đầu, thùng nuôi ong có thể đặt bất cứ chỗ nào, dưới gầm sàn, ngoài vườn và để cả trên rừng, quan trọng là thùng nuôi ong phải để nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, che nắng, mưa. Khi thu hoạch thì mở một đầu, lấy cả mật và sáp rồi vệ sinh sạch sẽ thùng, đàn ong tiếp tục làm lại sáp mới. Hiện, 150 đàn ong của gia đình mỗi năm được thu hoạch 5 lần mật ong, mỗi lần thu được 80 lít mật. Với giá bán 200.000 đồng/lít, mỗi năm trừ chi phí thu được trên 100 triệu đồng.

Hiện tại, xã Nậm Lầu có hơn 400 hộ nuôi ong rừng lấy mật với tổng số hơn 4.300 đàn. Ông Lò Văn Cương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nậm Lầu có khí hậu mát mẻ, diện tích lớn, những năm gần đây, nhằm giúp người dân duy trì và phát triển nghề nuôi ong theo hướng bền vững, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tách đàn, cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; kỹ thuật thu hoạch, bảo quản mật và sáp ong.

Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích bà con đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi ong tiêu biểu ở trong và ngoài huyện. Nếu như trước đây, người dân nuôi ong chỉ nuôi nhỏ lẻ, các thùng ong chủ yếu đặt ở nhà, thì bây giờ người dân đã phát triển nuôi ong theo hướng hàng hóa, biết cách tách đàn để nhân rộng và đặt thùng ong ở trong rừng, vách đá, trên nương cà phê. Nhờ đó, số lượng đàn ong ngày càng tăng lên, tập trung ở các bản: Nà Kẹ, Huổi Kép, Xa Hòn, Biên, Lọng Lầu.

Hiệu quả kinh tế cao từ các loại rau, màu

Xã Sào Báy (Kim Bôi, Hòa Bình) đã vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là diện tích trồng màu, đem lại thu nhập cao, cung ứng ra thị trường các loại nông sản sạch, đảm bảo chất lượng.

 

rau-mau.jpg

Với diện tích 5.000 m2 rau, màu các loại đem lại cho gia đình bà Bùi Thị Diễn, xóm Sào Bắc, xã Sào Báy (Kim Bôi) nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Nhờ đẩy mạnh áp dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng dần qua các năm. Đến nay, toàn xã gieo trồng 217,5 ha rau màu các loại, năng suất, sản lượng đều đạt kế hoạch và vượt so với cùng kỳ. Dưa lê đạt năng suất 25-30 tạ/ha, giá bán dao động 20.000-25.000 đồng/kg, bí đỏ đạt năng suất 2-2,5 tấn/ha, bí xanh đạt năng suất 2,5 tấn/ha... Các loại rau, màu được bà con đưa vào canh tác gồm: dưa lê, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, lặc lày..., tập trung chủ yếu ở xóm Báy, Sào Bắc, Đầm Giàn...

Bà Bùi Thị Diễn, xóm Sào Bắc cho biết: "Trước đây, gia đình tôi canh tác chủ yếu các loại cây trồng truyền thống nhưng hiệu quả thấp, thu nhập không cao. Mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang trồng các loại rau như: lặc lày, dưa lê, đậu đũa... tổng diện tích 5.000 m2, giúp đời sống kinh tế của gia đình ngày càng được nâng lên. Thu nhập riêng từ rau, màu bình quân đạt từ 50 - 60 triệu đồng/năm".

Đồng chí Bùi Văn Tường, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thời gian qua, xã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng KH-KT, nâng cao hiệu quả canh tác và chất lượng các loại rau, màu. Qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,3%".

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top