Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 3 năm 2020 | 11:48

Tin NN Tây Bắc: Giá gà giảm mạnh do tăng nóng đàn?

Hơn 1 tháng nay, người chăn nuôi gà Yên Bái như ngồi trên "đống lửa” vì giá gà liên tục giảm.

gia-ga.jpg

Với gần 5.000 con gà sắp đến kỳ xuất chuồng, gia đình ông Lê Văn Hùng ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình rất lo lắng nếu giá tiếp tục giảm. Ảnh: Báo Yên Bái.

 

Với gần 5.000 con gà thịt sắp đến kỳ xuất chuồng, những ngày này, gia đình ông Lê Văn Hùng ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình lo lắng bởi giá gà trên thị trường giảm, khó khăn trong tiêu thụ. 

Trước tết, gia đình ông bán 70.000 đồng/kg thì  nay giảm 20 giá, chỉ còn 50.000 đồng. Mặc dù vẫn còn gần tháng nữa mới đến kỳ xuất bán nhưng ông Hùng vẫn lo lắng vì với diễn biến của thị trường, nhất là tình hình dịch bệnh như hiện nay thì giá có thể xuống thấp nữa. 

Ông chia sẻ: "Trại gà của gia đình nuôi hoàn toàn khép kín, nhiều năm qua không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng giá cứ xuống thấp thế này thì cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, mỗi ngày gia đình đầu tư trên 5 triệu đồng tiền cám, nếu đến kỳ xuất mà giá vẫn chỉ ở mức trên dưới 50.000 đồng thì sẽ lỗ và không bán thì cũng lỗ dẫn đến nguồn vốn cạn kiệt”. 

Theo đánh giá, nguyên nhân khiến thị trường gà ảm đạm là do cung vượt cầu. Sau khi chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các địa phương chưa khuyến khích người chăn nuôi tái đàn lợn, nên trong lúc chờ dịch đi qua, nhiều hộ chuyển đổi sang chăn nuôi gà, khiến đàn gà tăng đột biến. 

Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N6 và do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp giảm mạnh, các trường học bán trú tạm nghỉ học khiến cung giảm sâu. Đáng nói là trong khi giá gà giảm, giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao. 

Hiện nay, loại thức ăn cho gà có giá thấp nhất cũng 250.000 đồng/bao 25 kg. Theo tính toán của người chăn nuôi, với giá gà và giá cám như hiện nay thì cứ 1.000 con gà đến khi xuất chuồng sẽ lỗ từ 7 - 10 triệu đồng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2019, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng mạnh với trên 5,2 triệu con, tăng 4,9%, tương đương trên 244.000 con so với năm 2018. Điều này khiến nguồn cung tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm. 

Hơn nữa, dù chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, nhưng phần lớn các chủ trang trại do bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi chuyển sang nuôi gia cầm, mà chủ yếu là nuôi gà, nên không có liên kết với các doanh nghiệp hình thành chuỗi khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ, đầu ra bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. 

Vì vậy, để tránh rơi vào cảnh "được mùa mất giá”, người chăn nuôi nên căn cứ vào tín hiệu thị trường để tái đàn, không nên làm theo phong trào. Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất gia cầm theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Theo đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. 

Sa Pa: Người nuôi cá hồi lao đao vì thiếu thị trường tiêu thụ

 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch lên Sa Pa (Lào Cai) sụt giảm mạnh, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn khó khăn khiến cho các trang trại nuôi cá hồi Sa Pa cũng lâm vào cảnh lao đao bởi không có nơi tiêu thụ.

Khu vực xã Bản Khoang và Tả Giàng Phìn cũ - nay là xã Ngũ Chỉ Sơn được coi là “thủ phủ” nuôi cá hồi của Sa Pa. Tại đây có hàng chục cơ sở nuôi cá hồi của các doanh nghiệp, HTX và người dân địa phương. Nuôi cá hồi phải đầu tư lớn nhưng bù lại nếu thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định, người dân sẽ thu được lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ cá hồi ảm đạm khiến nông dân lao đao.

 

ca-hoi3.jpg

Trang trại của gia đình anh Chảo Duần Vầy đang tồn gần 2 tấn cá hồi thương phẩm. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Cách đây nửa tháng, trang trại cá hồi của gia đình anh Chảo Duần Tá, thôn Cán Hồ B vừa xuất bán được 1 tấn cá với giá 180.000 đồng/kg, đây là mức giá khá thấp nếu so với mức trung bình từ 240.000 - 250.000 đồng/kg. Nhưng anh Tá không thể ngờ đến thời điểm này giá cá tiếp tục xuống và đáng lo hơn là không có thương lái đến hỏi mua. Hiện trang trại của anh đang tồn hơn 1 tấn cá thương phẩm.

Cũng tại thôn Cán Hồ B, anh Hạng A Phình như ngồi trên đống lửa với khoản vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng đã đến kỳ phải trả nợ. Anh dự tính sau khi bán lứa cá sẽ trả hết nợ, đồng thời có vốn để tái đầu tư, nhưng cũng như nhiều trang trại nuôi cá hồi khác, hiện đàn cá của gia đình anh Phình đã đủ trọng lượng xuất bán vẫn phải nằm chờ trong bể. Anh Phình cho biết, với giá hiện tại là 170.000 đồng/kg, nếu xuất bán thì chưa  đủ thu hồi được tiền thức ăn đã đổ vào đây, nhưng càng giữ lại thì càng lỗ. “Bây giờ có khách mua lẻ mình cũng phải bán, hy vọng thu được đồng nào hay đồng nấy” - anh Phình cho biết.

Tại thôn Kim Ngan nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi cá hồi của người dân nhất xã Bản Khoang cũ, các trang trại nuôi cá hồi cũng đang tồn trung bình 1- 2 tấn cá thương phẩm, cá biệt có trang tại tồn đến 5 tấn. Tháng 3 năm trước, anh Chảo Duần Vầy đầu tư hơn 200 triệu đồng chung vốn xây dựng bể nuôi cá hồi với hy vọng nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, đúng thời điểm chuẩn bị xuất bán thì giá cá giảm mạnh. Do thôn Kim Ngan nằm cách xa trung tâm xã, giao thông khó khăn nên thương lái chỉ mua với giá 150.000 đồng/kg. Anh Vầy cho biết hiện trang trại đang tồn gần 2 tấn cá thương phẩm, trung bình mỗi ngày vẫn phải tiêu tốn hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn, để giảm bớt chi phí, anh Vầy phải giảm khối lượng thức ăn cho cá cốt để cầm cự chờ có thương lái hỏi mua.

Theo thống kê của UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, hiện trên địa bàn xã có khoảng 70 cơ sở nuôi cá nước lạnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tập trung tại các thôn Cán Hồ B, Phìn Hồ, Kim Ngan... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn tại Sa Pa vắng khách nên lượng cá hồi tiêu thụ giảm mạnh. Theo chính quyền địa phương, các trang trại gặp khó khăn nhất chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ của người dân do thiếu đầu mối liên kết tiêu thụ và phải phụ thuộc vào thương lái.

Ông Hạng A Sang, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết, hiện chưa có thống kê các trang trại nuôi cá hồi trên địa bàn đang tồn bao nhiêu tấn cá thương phẩm, nhưng chắc chắn ảnh hưởng của đợt dịch này sẽ khiến kinh tế của nhiều nông dân nuôi cá hồi gặp khó khăn.

Điện Biên: Gạo, dứa tiêu thụ mạnh trong

Gạo là một trong số những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng cả về số lượng và giá trị trong mùa dịch Covid-19. Khoảng hơn 1 tháng qua, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp, hợp tác xã đều rơi vào tình trạng khan hiếm hàng vì nhu cầu của thị trường các tỉnh dưới xuôi tăng mạnh. Do đó, sản phẩm gạo Ðiện Biên có sự tăng trưởng đột biến về cả số lượng và giá trị, tăng khoảng 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

 

dua.jpg
Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

Cùng với gạo, dứa cũng là sản phẩm tiêu thụ mạnh thời dịch Covid-19 xuất hiện đúng thời điểm sản phẩm dứa Mường Chà bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Năm nay, Hợp tác xã Dứa Na Sang có 120ha dứa cho thu hoạch, năng suất ước đạt 12 - 15 tấn/ha.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Dứa Na Sang cho biết: Bước vào vụ thu hoạch năm nay, người dân rất lo lắng về thị trường đầu ra, bởi vì năm 2019 ít mưa, quả dứa có trọng lượng nhỏ hơn, khi thu hoạch lại đúng thời điểm xuất hiện Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân đã yên tâm về thị trường tiêu thụ; tuy mới đầu vụ thu hoạch nhưng giá dứa đã đạt 5.500 - 6.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với năm 2019.

Thương lái từ các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Hà Nội hầu như ngày nào cũng có mặt tại địa bàn để thu mua dứa. Thêm một tín hiệu vui cho người trồng dứa Mường Chà là vừa qua, Hợp tác xã đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm dứa Mường Chà với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát (TP. Nam Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh) với thời hạn 5 năm (2020 - 2024), sản lượng 1.000 tấn/năm; hợp đồng có điều khoản rất linh động và rất thuận lợi cho người trồng dứa. Như vậy, trong vòng 5 năm tới, người trồng dứa Mường Chà cơ bản không còn lo lắng về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 song các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cần tăng cường kết nối thu mua nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất cần đầu tư công nghệ chế biến, tăng cường liên kết với nông dân trong xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ, từng bước hạn chế xuất khẩu nông sản tươi, thô để không xảy ra tình trạng ứ đọng sản phẩm.

Trồng sả lấy tinh dầu ở Bắc Phong

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, xã Bắc Phong (Phù Yên, Sơn La) đã phối hợp với Hợp tác xã sả Java Bắc Phong, Công ty TNHH Bảo Lâm tuyên truyền, vận động bà con chuyển sang trồng cây sả, cung cấp nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

 

trong-xa.jpg

Người dân xã Bắc Phong (Phù Yên) trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây sả Java. Ảnh: Báo Sơn La

 

Trong gần 1 năm triển khai mô hình, hợp tác xã sả Java Bắc Phong, Công ty TNHH Bảo Lâm đã cung ứng cây giống theo hình thức trả chậm và  hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, ký hợp đồng thu mua sản phẩm theo giá thị trường với cam kết từ 1,6 triệu đồng/tấn trở lên. Cây sả có khả năng thích nghi trong điều kiện thời tiết khô hạn, dễ trồng và tốn ít công chăm sóc, trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5-7 lần/năm và lưu gốc liên tục từ 5-6 năm liền.

Ông Đinh Văn Ưng, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phong, cho biết: Cây sả thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phương thức canh tác của người dân xã Bắc Phong. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi gần 80 ha đất nương sang trồng cây sả lấy tinh dầu, với trên 100 hộ dân của bản Bưa Đa, Bó Vả và Bắc Băn tham gia. Từ tháng 11/2019 đến nay, tổng sản lượng thu hoạch lá sả đạt trên 50 tấn, trị giá hơn 90 triệu đồng.

Để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, năm 2019, Công ty TNHH Bảo Lâm và Hợp tác xã sả Java Bắc Phong đã đầu tư xây dựng 2 lò chưng cất tinh dầu, kho chứa nguyên liệu ở bản Bưa Đa và Bó Vả, với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu đồng, công suất chế biến từ 10-12 tấn lá sả/ngày/lò, tỷ lệ tinh dầu đạt từ 6,5 - 8 lít/tấn. Lá sả sau khi chưng cất tinh dầu được dùng làm nguyên liệu đốt lò, vừa tiết kiệm chi phí lại không gây ô nhiễm môi trường.

Tất cả sản phẩm tinh dầu sả đều được hợp tác xã, Công ty cung ứng cho các đơn vị thu mua tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương... sử dụng làm dược liệu và xuất khẩu, hoặc đóng chai phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top