Hơn nửa tháng trở lại đây, giá kén tằm trên địa bàn huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang từ 120 nghìn đồng/kg, giảm xuống chỉ còn 80 - 85 nghìn đồng/kg khiến nhiều người dân địa phương lo lắng.
Người dân Bảo Yên chăm sóc tằm. Ảnh: Báo Lào Cai
Lý giải về việc giá kén tằm giảm mạnh trong những ngày qua, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt (đơn vị bao tiêu sản phẩm kén tằm tại Bảo Yên) cho biết: hiện, toàn bộ sản phẩm kén tằm mà đơn vị thu mua đều cung ứng cho các nhà máy ươm tơ tại Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh… Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà máy đều tạm ngừng sản xuất (do thiếu thị trường) nên sản phẩm không tiêu thụ được.
Được biết đây là mức giá bảo hiểm mà Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt đã cam kết thu mua với người dân, nên trước mắt người dân vẫn có thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, nếu giá kén tằm xuống thấp và kéo dài thì cả hợp tác xã và người trồng dâu, nuôi tằm sẽ không có lợi nhuận, đối mặt với thua lỗ.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên, hiện toàn huyện có khoảng 240 ha dâu tằm, trong đó, gần 200 ha đang cho thu hoạch. Với năng suất kén tằm đạt 18 - 20 kg/vòng, ước tính mỗi năm huyện Bảo Yên sẽ cung cấp ra thị trường trên 300 tấn kén. Nhờ đó, trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao cho nhân dân trên địa bàn.
Hiện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, vận động nhân dân duy trì trồng dâu nuôi tằm để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lợn giống khan hiếm, khó tái đàn
Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông (Điện Biên) đến thời điểm này đã được khống chế. Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến nguồn cung lợn giống; cùng với đó, giá lợn giống tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp khó khăn trong việc tái đàn.
Giá lợn giống cao, nhiều hộ dân trên địa bàn Ðiện Biên Ðông không đủ tiền mua con giống để tái đàn. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Theo thống kê, huyện Ðiện Biên Ðông có 155 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, với hơn 700 con lợn bị tiêu hủy. Ngay sau khi công bố hết dịch, ngành Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền người dân về việc thận trọng, không nên vội vàng tái đàn; trước khi tái đàn cần phải phun phòng, vệ sinh chuồng trại để tránh dịch bệnh tái phát. Thời điểm này, nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện muốn khôi phục sản xuất nhưng giá lợn giống đang ở mức cao nên chưa đầu tư tái đàn.
Phì Nhừ là một trong những xã bị thiệt hại lớn trong đợt dịch tả lợn châu Phi. Nhiều tháng nay tuy không xuất hiện ổ dịch mới nhưng đa số hộ dân chưa dám tái đàn, một phần do tâm lý lo sợ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại, cùng với đó, giá lợn giống tăng cao nên người dân khó mua con giống. Gia đình bà Ly Thị Dí, bản Phì Nhừ B bị tiêu hủy 7 con lợn vì dịch tả lợn châu Phi. Sau tiêu hủy, gia đình bà đã rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng chuồng trại. Tuy nhiên đến nay bà Dí chưa tái đàn do giá lợn giống địa phương quá cao, không đủ kinh phí tái đàn. Giống lợn nhập từ vùng khác về thì không thích hợp với tập quán chăn nuôi của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn được khống chế, người chăn nuôi ngày càng quan tâm đến việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp khó khăn do nhiều hộ dân chưa đảm bảo an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, giá lợn giống bị đẩy lên quá cao, nếu lứa lợn này xuất chuồng mà giá lợn hơi xuống thấp, người dân tiếp tục thiệt hại. Hiện nay, lợn giống địa phương có giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều hộ không đủ điều kiện để mua con giống tái đàn. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi đã làm hàng trăm con lợn nái bị chết, buộc phải tiêu hủy khiến nguồn giống hiện tại khan hiếm.
Mùa gieo hạt ở bản Đèo Chẹn
Theo người dân bản Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên (Sơn La), tháng 4 bắt đầu chuyển sang thời tiết mùa hè, phù hợp với một số loại cây trồng trên nương, trong đó có cây ngô. Vì vậy, đến thời điểm này, mọi công đoạn gieo trồng ngô đã được bà con chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để có một vụ mùa bội thu.
Người dân bản Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn (Bắc Yên) làm đất chuẩn bị gieo ngô vụ xuân hè.
Ông Sồng A Hù, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Đèo Chẹn chia sẻ: Bản Đèo Chẹn có khoảng 200 ha đất trồng ngô, nằm ở phía trên đồi và lưng của đèo, chất đất và độ ẩm ở từng khu đất khác nhau. Ngay sau Tết Nguyên đán, bà con đã tiến hành chuẩn bị hạt giống và làm đất, trong đó, chú trọng khâu chọn giống, phù hợp với từng khu đất trồng, để đảm bảo đạt năng suất cao. Hiện đang là mùa khô hanh, nên trong quá trình sản xuất, Ban Quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống cháy rừng, như: Các quy định về thời gian đốt nương; làm đường băng cản lửa khi đốt nương tại các khu vực gieo trồng gần rừng; không xâm lấn đất rừng để gieo trồng cây ngô...
Sáng sớm, sương mù vẫn còn dày đặc trên lưng đèo Chẹn, đã nghe lao xao tiếng người dân bản Đèo Chẹn gọi nhau đi làm nương. Phần lớn đất sản xuất của bản Đèo Chẹn đều là đất đỏ, độ dốc lớn, nên người dân bản Đèo Chẹn chỉ cày ải ở mức độ vừa phải, đảm bảo đất có độ tơi và không bị rửa trôi. Đồng thời, sử dụng phân chuồng để bón lót trước khi gieo trồng. Được biết, khu vực bản Đèo Chẹn là đầu nguồn nước của nhiều con suối cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt của các xã: Mường Khoa, Tạ Khoa; do đó, Ban Quản lý bản đã tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ và hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phải thu gom vỏ bao bì sau sử dụng, nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Theo chân ông Sồng A Hù đi thăm một số nương ngô cạnh quốc lộ 37, bà con đang tập trung làm đất, bón lót, chuẩn bị cho khâu gieo hạt. Gia đình ông Sồng A Sềnh có 5 ha đất nương, mỗi năm trồng 2 vụ ngô, năm ngoái năng suất đạt 5 tấn/ha, thu nhập gần 70 triệu đồng. Ông Sồng A Sềnh cho biết: Kinh nghiệm sau nhiều năm sản xuất, gia đình chủ yếu lựa chọn giống ngô NK66, NK56, 9901, là các loại giống thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, đặc biệt là khi thu hoạch ngọn vẫn còn xanh, có thể tận dụng để ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò; lõi ngô sử dụng để đun nấu. Hiện nay, gia đình đã làm được khoảng 80% diện tích, sang tháng 4, khi có mưa sẽ bắt đầu gieo hạt.
Hòa Bình: Phòng trừ các đối tượng gây hại trên cây có múi
Tại một số địa phương ghi nhận các đối tượng đã phát sinh, đang bắt đầu gây hại trên cây ăn quả có múi như: rệp, bọ trĩ, nhện nhỏ, bệnh loét, sẹo, sâu vẽ bùa… Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã ban hành các văn bản khuyến cáo, chỉ đạo Trạm TT&BVTV các huyện, thành phố kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ đối tượng gây hại cho cây trồng.
Nông dân xã Thu Phong (Cao Phong) cắt cỏ quanh gốc cây, hạn chế khả năng phát sinh dịch bệnh trên cây trồng. Ảnh: Báo Hòa Bình
Anh Đỗ Anh Tuấn, hộ thành viên HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong) cho biết: Vài tuần gần đây, trên diện tích cây cam đang ra hoa, đậu quả nhỏ của gia đình bắt đầu xuất hiện nhện đỏ gây hại. Chúng sinh sống,gây hại ở mặt dưới lá, ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây. Nếu không xử lý kịp thời để đến khi nhện hại nặng, mật độ cao, cả cành non cũng dần bị khô và chết.
Vì vậy, ngay khi phát hiện đối tượng gây hại, tôi đã chủ động phòng trừ bằng cách tưới phun sương thường xuyên, để cây có dư nhựa cung cấp phần nào nhựa bị mất do nhện đỏ hút. Đồng thời, sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ như gừng, ớt, tỏi, thuốc lào ngâm với rượu, sau đó pha với nước theo nồng độ phù hợp với mức độ phát triển của quả để phun diệt nhện.
Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV: Tại khu vực các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, nhện nhỏ xuất hiện với tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá,có nơi tỷ lệ cao 5 - 7% số lá. Bệnh sẹo (ghẻ nhám) tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá; cao 5 - 7% số lá(tập trung ở các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy); Sâu vẽ bùa tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá, cao 8 - 12% số lá,xuất hiện chủ yếu ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn.
Bệnh greening gây hại cục bộ ở các huyện Lạc Thủy, Cao Phong, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 2% số cây, cao 9 - 11% số cây. Rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ tiếp tục xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương. Rầy chổng cánh, sâu đục cành, sâu nhớt, bệnh thán thư, bệnh muội đen...gây hại rải rác. Dự báo thời gian tới, các đối tượng, dịch bệnh này tiếp tục gây hại mạnh trên cây có múi giai đoạn phát triển thân lá,ra hoa,đậu quả, phát triển quả.
Để kịp thời xử lý các đối tượng gây hại trên cây có múi, đảm bảo chất lượng quả cũng như sự sinh trưởng của cây trồng, Chi cục TT&BVTV đã ban hành các văn bản khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp phòng trừ đối với các đối tượng dịch hại. Theo đó, đối với cây ăn quả có múi, các địa phương cần tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giai đoạn ra hoa, đậu quả, tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non.
Đối với bệnh greening gây hại với tỷ lệ cao 9-11% số lá, để phòng dịch bệnh, các địa phương khuyến cáo nông dân không sử dụng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cây giống trồng phải là cây sạch bệnh. Thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện sự gây hại của bệnh, đốn bỏ cây bệnh để loại bỏ mầm bệnh trong vườn, khử trùng các dụng cụ cắt tỉa trước khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh sự lây nhiễm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.