Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2019 | 16:43

Tin NN Tây Bắc: Hơn 330ha ngô xuân hè Lào Cai bị sâu keo gây hại

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều diện tích ngô xuân hè đang trong giai đoạn phát triển (từ 6 - 9 lá) của một số địa phương trên địa bàn tỉnh bị loài sâu keo gây hại với diện tích trên 330 ha.

 

Trong những ngày qua nông dân các địa phương đã tăng cường công tác phun thuốc trừ sâu keo trên cây ngô, nên diện tích bị nhiễm đã không tăng và nếu được triển khai khẩn trương, thiệt hại sẽ được hạn chế rất nhiều. Đó là khẳng định của ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT).

 

sau-keo-1.jpg

Sâu keo mới xuất hiện ở Lào Cai nên việc phòng trừ gặp nhiều khó khăn.

 

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, sâu keo (hay sâu keo mùa thu) là loài sâu hại ngoại lai có nguồn gốc ở Châu Mỹ sau đó lây lan qua châu Phi, rồi đến châu Á (các nước Ấn Độ, Trung Quốc) và mới xuất hiện ở một số tỉnh thành của Việt Nam từ đầu năm 2019. Tại Lào Cai, sâu keo mới xuất hiện từ đầu tháng 4; đến nay, toàn tỉnh đã có 330ha/21.000 ha ngô của các địa phương bị sâu keo gây hại. Thống kê ban đầu cho thấy, diện tích bị sâu gây hại tập trung nhiều nhất ở 4 huyện là Văn Bàn (96 ha), Bát Xát (22,5 ha), Bảo Thắng (23 ha) và huyện Bảo Yên (10 ha).

Để chủ động, ngăn ngừa sâu keo hại ngô bùng phát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp các huyện tăng cường công tác phòng trừ hiệu quả; đồng thời phân công cán bộ nông nghiệp, khuyến nông kiểm tra tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng, trừ.

Cây mắc ca trên đồng đất Ka Lăng

Thực hiện Đề án phát triển cây mắc ca của tỉnh, Nhân dân xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, Lai Châu) tích cực trồng, chăm sóc đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt.

 

mac-ca.jpg

Nhân dân bản Nhù Te chăm sóc cây mắc ca trồng xen sả. Ảnh: Báo Lai Châu.

 

Ông Sỳ Lé Xó – Trưởng bản Nhù Te cho biết: “Vào mùa trồng rừng năm 2018, gia đình tôi được cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và cán bộ xã động viên trồng xen cây mắc ca vào 1ha nương sả. Dù là cây trồng mới nhưng biết được mắc ca có giá trị kinh tế rất cao nên tôi mạnh dạn trồng thử nghiệm".

Theo đó, anh Xó được cấp phát 300 cây giống. Sau hơn 8 tháng trồng, cây mắc ca có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt. Hiện, gia đình anh tiếp tục đăng ký với xã mở rộng diện tích trồng xen mắc trên diện tích 5.000m2 nương sả còn lại của gia đình. Anh hy vọng, thời gian tới, mắc ca sẽ là cây trồng chủ lực giúp gia đình vươn lên làm giàu.

Nhiều hộ dân xã Ka Lăng chủ động đăng ký triển khai trồng cây mắc ca. Chỉ tính riêng vụ trồng rừng năm 2018, Nhân dân đã trồng trên 30ha cây mắc ca và đăng ký trồng bổ sung trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Việc này được cấp ủy, chính quyền xã tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch và các quy định theo Đề án phát triển cây mắc ca của tỉnh.

Ông Khoàng Sỳ Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: Qua nghiên cứu Đề án phát triển cây mắc ca của tỉnh và các chuyến đi thực tế tại cơ sở trồng, sản xuất, chế biến mắc ca cũng như thực tế bà con trồng trên địa bàn xã cho thấy cây mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã. Chúng tôi cũng đã xác định mắc ca sẽ là một trong những cây trồng chủ lực để Nhân dân phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Theo đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn xã sẽ triển khai trồng tổng diện tích trên 130ha cây mắc ca.

Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát những vị trí đất có độ cao từ 600 - 1.200m so với mặt nước biển để quy hoạch và vận động Nhân dân triển khai trồng thuần và trồng xen cây mắc ca. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung trong Đề án, kỹ thuật trồng và các mức hỗ trợ khi tham gia trồng và phát triển mắc ca. Cụ thể, các gia đình, cá nhân trồng xen mắc ca vào đồi chè, sả với mật độ 100 cây/ha được hỗ trợ 100% giống và một phần tiền làm đất (mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha); trồng thuần và trồng thay thế được hỗ trợ 100% giống và một phần tiền làm đất (mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha)…

Đề án phát triển cây mắc ca của tỉnh được cấp ủy, chính quyền xã Ka Lăng chủ động triển khai thực hiện với quyết tâm cao; sự đồng tình của Nhân dân, hy vọng cây mắc ca sẽ thực sự góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và trở thành cây trồng chủ lực tạo đà phát triển kinh tế bền vững của xã.

Trồng chanh leo ở bản Dọi I cho thu nhập cao

Với lợi thế khí hậu mát mẻ, đất đai thuận lợi, những năm gần đây, nhân dân bản Dọi I, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) đã tích cực trồng các loại cây ăn quả trên đất dốc. Đặc biệt, cây chanh leo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con trong bản nâng thu nhập bình quân lên gần 21 triệu đồng/người/năm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

chanh-leo.JPG

Nhân dân bản Dọi I, xã Tân Lập (Mộc Châu) chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Báo Sơn La.

 

Bản Dọi I có hơn 25 ha chanh leo, trong đó năm 2018, nhân dân trồng hơn 15 ha, hiện đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 17 tấn/ha, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, nhiều hộ dân trong bản có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ trồng chanh leo. Điển hình là hộ các ông: Hà Văn Đăng, Vì Văn An, Lò Văn Kinh... Thấy cây chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2019, nhân dân trong bản tiếp tục đầu tư làm giàn, trồng gần 25 ha chanh leo, nhờ áp dụng kỹ thuật nên nhiều vườn chanh leo sai quả đang chuẩn bị thu hoạch.

Ông Lò Văn Thiện, Trưởng bản Dọi I cho biết: Từ khi trồng cây chanh leo trên đất dốc thay thế các cây lương thực kém hiệu quả năng suất thấp, đời sống người dân đã có sự thay đổi tích cực, thu nhập ổn định hơn so với trước đây. Qua khảo sát năm 2018, bản có 15 hộ thoát nghèo, hiện bản chỉ còn 3 hộ nghèo.

Thăm vườn cây chanh leo của anh Lò Văn Luân, bản Dọi I. Hai bên đường là những vườn chanh leo đang được người dân chăm sóc, vườn nào cũng xanh tốt. Anh Luân cho biết: Vườn chanh leo của gia đình trồng được 2 năm nay, cây chanh leo sinh trưởng tốt và sai quả. Trước đây, trên diện tích đất này, gia đình tôi trồng ngô thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Sau khi cùng một số hộ dân trong bản đi tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế trong xã, huyện, trong đó có mô hình trồng chanh leo, tôi quyết định vay gần 50 triệu đồng của Qũy Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu để đầu tư trồng chanh leo. Năm đầu tiên, gia đình tôi trồng hơn 100 gốc cây chanh leo, thu hoạch được gần 6 tấn quả, bán với giá trung bình 20.000 đồng/kg, thu hơn 100 triệu đồng. Số tiền này gia đình tôi đã đầu tư mở rộng diện tích trồng chanh leo.

Rau bò khai – Từ rau rừng thành hàng hóa

Trong số 37 sản phẩm OCOP Bắc Kạn năm 2018, có một sản phẩm hết sức đặc biệt của huyện Ba Bể đó là Rau bồ khai. Từ một loại rau rừng mọc hoang dại, cây rau bồ khai được “thuần hóa”, trở thành nông sản hàng hóa nổi bật của địa phương.

 

rau-bo-khai.JPG

Thành viên HTX Sang Hà (xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể) thu hái rau bò khai. Ảnh Báo Bắc Kạn

 

Rau bò khai, ngay từ cái tên gọi đã khiến người chưa từng biết đến háo hức muốn tìm hiểu, muốn thưởng thức hương vị lạ lùng của nó. Đó là một loại rau rừng thoạt nhìn giống ngọn su su nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Mùi vị của rau bò khai rất lạ lùng, riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất kể thứ mùi vị nào khác. Đó là mùi vị hơi nồng đặc trưng, có sự hòa quyện của hương núi, hương rừng, của dòng nước mát chảy từ khe núi và tiết trời trong lành của miền sơn cước. Vốn dĩ là một loại cây dại mọc trong rừng, trước đây thường được người dân nông thôn Bắc Kạn đi hái đem về bán tại các phiên chợ vùng cao. Rau bò khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, thân cây bám vào những cây gỗ lớn, những vách đá để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời.

Rau bò khai còn có những tên gọi là khau hương, dã hiến, phắc hiển (tiếng dân tộc Tày), có tác dụng rất tốt giống như một vị thuốc lành tính chữa một số chứng bệnh “nóng trong” và có tác dụng thải độc tố cho cơ thể. Theo Y học cổ truyền, rau bò khai có tác dụng chữa một số bệnh về gan, thận và đường tiết niệu… Do vậy, bò khai là một loại rau đặc sản được rất nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, rau bò khai không chỉ trở thành đặc sản được nhiều du khách tìm kiếm, ăn thử khi ghé thăm vùng núi Bắc Kạn, mà món rau đặc sản này còn được bán ở các cửa hàng nông sản trên cả nước.

Cây rau bò khai sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và mọc chồi quanh năm, chu kỳ thu hoạch nhanh và thời gian thu hoạch liên tục trong năm. Trên cơ sở những đặc tính đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể và một số nơi khác trong tỉnh đã đưa về trồng trong vườn nhà và phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa.

HTX Sang Hà (xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể) đến nay có khoảng 12ha trồng rau bồ khai, sản xuất theo quy trình nông sản hàng hóa. Chị Trương Thị Tuế, Giám đốc HTX Sang Hà cho biết: “Năm 2018 sản lượng rau bồ khai của HTX xuất bán được 25 tấn. Để đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng, chúng tôi tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói đúng quy cách, đăng ký thương hiệu, có đầy đủ tem truy suất nguồn gốc. Hiện nay HTX có 27 thành viên trồng rau bồ khai, ngoài ra còn có 60 hộ liên kết trồng ở một số xã trên địa bàn huyện. Sản phẩm rau bò khai của HTX khi mang đi giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ đều tiêu thụ nhanh chóng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của HTX hiện nay là bán cho các công ty nông sản tại Hà Nội. Năm 2018 sản phẩm Rau bò khai tham gia chương trình OCOP cấp tình và đạt tiêu chuẩn 3 sao”.

Từ một loại rau rừng được “thuần hóa”, cây rau bồ khai ở Ba Bể được nâng cao giá trị khi được gắn sao OCOP, trở thành nông sản đặc trưng của địa phương. Lợi ích kinh tế từ cây rau bò khai đã được khẳng định trong thực tế, thời gian tới, địa phương tiếp tục định hướng phát triển cây rau bò khai trở thành nông sản hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top