Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 9 năm 2018 | 17:14

Tin NN Tây Bắc: Lào Cai, năng suất lúa mùa ước đạt 48,65 tạ/ha

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, năng suất vụ lúa mùa năm nay ước đạt 48,65tạ/ha, tăng 2,79tạ/ha.

lua-mua.jpg

Bước vào sản xuất vụ mùa, các địa phương trong tỉnh gặp nhiều bất lợi do thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, giá vật tư phân bón ngày càng tăng cao, một số công trình thủy lợi bị lũ phá hỏng chưa kịp sửa chữa. Khắc phục khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tập trung gieo cấy 22.985 ha. Để hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân tuân thủ khung thời vụ và cơ cấu giống được công bố. Cụ thể, đối với trà sớm sử dụng các giống LC212, LC270, LC25, Việt Lai 20, TH3-3, TH3-4; đối với trà chính vụ sử dụng các giống Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, Tám thơm, Thơm RVT. Cùng với đó, tăng cường các mô hình liên kết sản xuất, cánh đồng một giống.

Đến nay, nông dân các địa phương vùng cao đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa mùa sớm, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, năng suất vụ lúa mùa năm nay ước đạt 48,65tạ/ha, tăng 2,79tạ/ha (tương đương 106,08%) so với vụ mùa 2017. Lúa được mùa, năng suất cao nên nông dân phấn khởi, tạo khí thế bước vào vụ sản xuất tiếp theo.

Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích lúa mùa, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo nhân dân tích cực làm đất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai gieo trồng các cây vụ đông đảm bảo khung thời vụ.

Sử Pán triển khai Dự án sản xuất hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi

Từ tháng 9/2018, xã Sử Pán (Sa Pa – Lào Cai) triển khai Dự án sản xuất hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi với 17 hộ dân tham gia (tổng cộng 100 chậu).

 

hoa-lan.JPG

Kinh phí để thực hiện dự án là 200 triệu đồng; trong đó, 100 triệu đồng thuộc nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 293/QĐ-TTg, ngày 5/2/2013 về hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; 100 triệu đồng còn lại do nhân dân đối ứng.

Tham gia dự án, các hộ dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tách và chăm sóc cây địa lan.

Việc sản xuất hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi có nhiều ưu điểm như: Tránh tình trạng thoái hóa giống; rút ngắn thời gian chăm sóc (sau 2 - 3 năm có thể được thu hoa, phương pháp cấy mô truyền thống là sau 5 năm mới được thu); tăng khả năng thích nghi, sinh trưởng cho cây con do được tách từ cây mẹ đã thuần.

Đại Minh trồng bưởi theo hướng an toàn, bền vững

 Là cây chủ lực trong phát triển kinh tế và làm giàu cho người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái). Tháng 12/2016, bưởi Đại Minh được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền "Bưởi Đại Minh”.

 

buoi.jpg

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: "Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đại Minh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa nội dung mở rộng diện tích cây ăn quả mà trọng tâm là cây bưởi lên 205 ha; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân phát triển cây bưởi theo hướng an toàn, bền vững”.

Cùng với tập trung tuyên truyền các nội dung về nông nghiệp sạch, an toàn tới nhân dân, xã đã tích cực triển khai các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ cho các hộ trồng bưởi; do đó, ngày càng có nhiều mô hình trồng, chăm sóc cây bưởi theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch được nhân rộng.

Để cây bưởi phát triển theo hướng an toàn, bền vững, với phương châm "cầm tay chỉ việc”, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở của xã đã tới tận từng hộ và nhóm hộ tổ chức các buổi hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, kéo dài chu kỳ kinh doanh; hướng dẫn bà con các biện pháp thu hái đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, thời vụ, nhằm giảm tỷ lệ dập nát, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và sản lượng của năm sau.

Đặc biệt, quá trình áp dụng công nghệ thụ phấn chéo cho cây bưởi được Viện Nghiên cứu rau quả, của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chuyển giao từ năm 2010 đã tạo ra một bước đột phá lớn về năng suất, mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.

Nhằm nâng cao năng suất bưởi Đại Minh đạt từ 18 - 20 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm, cho hiệu quả cao gấp 1,5 - 2 lần so với một số loại cây ăn quả khác, từ năm 2011 đến nay, xã Đại Minh đã mở rộng thêm 80 ha bưởi, nâng tổng diện tích bưởi lên hơn 201 ha. Về giá trị kinh tế, năm 2016, toàn xã đã thu về trên 35 tỷ đồng tiền bưởi, năm 2017 tăng lên 42 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 là trên 45 tỷ đồng.

Do đó, cùng với quảng bá, giới thiệu, xúc tiến, tìm kiếm các thị trường lớn, ổn định, thời gian tới, chính quyền địa phương và Hợp tác xã Đặc sản bưởi Đại Minh sẽ tích cực phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đổi mới phương thức thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm bưởi Đại Minh, khẳng định uy tín chất lượng bưởi Đại Minh trên thị trường nông sản Việt Nam.

Sơn tra - cây trồng ấm no

Mùa quả sơn tra (hay còn gọi là táo mèo) vào độ chín rộ, bà con xã Làng Mô (Sìn Hồ - Lai Châu) đang háo hức, dồn sức thu hoạch. Với giá bán trung bình từ 8 - 10 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân thoát đói nghèo, có tiền để nuôi con ăn học, mua sắm xe máy và nhiều vật dụng trong gia đình, trang trải cuộc sống. 

 

son-tra.jpg

Năm nay, do mưa nên nhiều diện tích sơn tra bị vùi lấp không được thu hoạch (khoảng 0,5ha), giá bán sơn tra cũng thấp hơn năm ngoái, nhưng so với các loại cây trồng khác cây sơn tra vẫn mang lại nguồn thu cao hơn.

Được biết, trước đây nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn phụ thuộc chủ yếu vào trồng ngô, lúa, còn sơn tra chỉ là loại cây ăn quả mọc hoang dại, không ai nghĩ đến giá trị kinh tế mà nó mang lại. Sau khi tỉnh, huyện triển khai trồng với quy mô lớn, xã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ rừng có sơn tra và đăng ký trồng với xã để hỗ trợ cây giống, mở rộng diện tích. Vì sơn tra là loại cây thân gỗ, có tuổi thọ lên tới 40 năm. Người dân không tốn nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư, đất trồng chủ yếu là nguồn đất nương trồng lúa, ngô kém hiệu quả kinh tế. Thấy được lợi ích mà cây sơn tra mang lại nhiều người đăng ký trồng nên diện tích trồng cây sơn tra của xã tăng lên từng năm.

Hiện, xã Làng Mô có hơn 130ha trồng cây sơn tra (trong đó 100ha trồng mới và 30ha cây trồng lâu năm và gần 1ha cây mọc tự nhiên). Ông Giàng A Mềnh - Chủ tịch UBND xã Làng Mô cho biết: giá sơn tra năm nay thấp, dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg (năm 2017 giá 10.000 - 20.000 đồng/kg, cuối hoặc đầu vụ cao nhất từ 35.000 - 40.000 đồng/kg). Do ảnh hưởng của mưa nên nhiều diện tích sơn tra được thu hoạch giảm do bị sạt lở, đất đá vùi lấp. Trung bình năng suất đạt gần 2 tấn quả/ha, với giá bán hiện nay thì có thể thấy sơn tra đang đem lại thu nhập cao hơn so với lúa, ngô và khá ổn định. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 45%.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, sơn tra còn có khả năng phòng hộ, hạn chế cháy rừng và có thể trồng mới trên đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất hoặc kết hợp trồng trên đất dốc để làm xói mòn, rửa trôi… Đó cũng là thế mạnh để những xã vùng cao như Làng Mô nói riêng, các xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ nói chung lựa chọn sơn tra là cây trồng lâu dài để giữ đất và mở hướng mới trong việc giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên mảnh đất vùng cao.

Thả 6 vạn cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình

Sáng 28/9, tại xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT, Giáo hội phật giáo tỉnh tổ chức lễ thả cá phóng sinh, tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình. Cùng tham gia có đại diện các cơ quan, đơn vị, chính quyền và đông đảo người dân địa phương cùng tăng ni phật tử trong tỉnh. 

 

tha-ca.jpg
 

Hồ sông Đà địa phận tỉnh có diện tích mặt nước 8.892 ha, được coi là khó tàng quý báu về các loại thủy sinh của vùng Tây Bắc, còn nhiều loài cá quý hiếm như cá chiên, cá bỗng, cá lăng, cá rầm xanh, anh vũ và nhiều loại thủy sản quý khác. Nghề nuôi trồng, khái thác thủy sản đã mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ dân vùng hồ. Tuy nhiên việc quản lý khai thác và tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hồ chưa được quan tâm đúng mức. Các hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản quá mức, kể cả dùng các loại ngư cụ, phương tiện bị cấm của con người đã dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, một số loại đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.

Những năm gần đây, hoạt động thả cá phóng sinh các loài thủy sản được các tổ chức, cá nhân thực hiện thường xuyên với quy mô và số lượng ngày càng lớn. Việc thả cá phóng sinh nằm trong chương trình ký kết giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam được thực hiện từ năm 2017. Đến nay đã có 30 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện thả cá phóng sinh nằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của tăng ni phật tử, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tỉnh ta đã duy trì hoạt động thả cá, bổ sung nguồn lợi thủy sản từ nhiều năm nay nhằm tuyên truyền tới tổ chức, cá nhân, người dân hiểu tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; tích cực bổ sung nguồn lợi thủy sản, quản lý các giống loài thủy sinh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân cùng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sau lễ phát động, đã có 6 vạn con cá giống gồm: trắm, mè, trôi, cá diêu hồng…đã được thả xuống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ Hòa Bình. 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top