Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 8 năm 2020 | 15:55

Tin NN Tây Bắc: Mùa nhãn ở Sông Mã

Về huyện biên giới Sông Mã những ngày này, trải dài trên các triền đồi, dọc hai bên bờ sông Mã là những vườn nhãn trĩu quả đang vào mùa thu hoạch, những chiếc xe máy chở đầy nhãn, hối hả về các điểm tập kết thu mua.

nhan.jpg

Sản phẩm nhãn quả tươi ở Sông Mã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Báo Sơn La

 

Huyện Sông Mã (Sơn La) hiện có trên 7.000 ha nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 4.400 ha, sản lượng năm nay ước đạt trên 50.000 tấn, dự kiến sẽ xuất khẩu 6.000 tấn nhãn quả tươi và sản phẩm long nhãn sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; còn sẽ tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Ngay từ đầu năm, trên cơ sở định hướng của tỉnh, huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch về tiêu thụ nông sản, xúc tiến nông sản; kế hoạch chi tiết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhãn; tập trung phối hợp các sở ngành, tổ chức họp báo, kêu gọi các doanh nghiệp, tư nhân trong và ngoài tỉnh khảo sát vùng nguyên liệu, thu mua, bao tiêu sản phẩm; chỉ đạo các cơ quan đơn vị hỗ trợ các HTX trồng nhãn quy trình quản lý vùng trồng, sản phẩm đảm bảo quy chuẩn về bao bì, mẫu mã, quy cách để xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài tỉnh; chuẩn bị tốt khu vực sơ chế, đóng gói quả tươi và sản phẩm long nhãn.

Về thăm bản Tân Lập, xã Chiềng Khương, các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc đang khẩn trương đóng gói sản phẩm để tiêu thụ trong nội địa và vận chuyển đến các doanh nghiệp đóng gói, xuất khẩu. HTX hiện có 51 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt trên 500 tấn.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX, cho biết: Để đảm bảo năng suất, chất lượng, HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV sinh học, kỹ thuật thu hoạch và đóng gói. Năm nay, HTX dự kiến cung ứng 200 tấn nhãn quả tươi cho doanh nghiệp để xuất khẩu, cung ứng 150 tấn nhãn cho các tư thương, doanh nghiệp tiêu thụ trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản, còn lại sẽ chế biến thành sản phẩm long nhãn sạch. Ngoài ra, HTX còn là cầu nối giữa doanh nghiệp thu mua nhãn xuất khẩu với các HTX trên địa bàn huyện.

Đến xã Chiềng Cang, một trong những điểm thu mua nhãn của Công ty TNHH MTV Phúc Lợi (Bắc Giang) để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nơi tập kết nhãn tấp nập người bán, phân loại, đóng gói, mỗi ngày đơn vị vận chuyển được 1 contener gần 30 tấn nhãn. Bà Đặng Thị Kim Tuyết, đại diện Công ty thông tin: Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm nhãn ở Sông Mã, nhưng chúng tôi nhận thấy nhãn ở đây ngon, cùi dầy, quả to, sản lượng nhiều, những chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã nhận được những tín hiệu tốt từ đối tác.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã được biết, để đảm bảo tiêu thụ, xuất khẩu nhãn, chúng tôi đã rà soát vùng nguyên liệu, dự kiến sản lượng quả xuất khẩu, giúp khâu nối với các công ty, siêu thị bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân và các HTX. Đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ được gần 40.000 tấn tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 3.000 tấn nhãn quả tươi.

Vụ nhãn năm nay, ngoài được mùa, được giá, huyện Sông Mã còn tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân.

Còn nhiều dư địa để phát triển thủy sản ở Bảo Thắng

Những năm qua, tỷ trọng ngành thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) không ngừng tăng trưởng, trong khi dư địa phát triển của ngành này vẫn còn rất lớn.

 

thuy-san.jpg

Người dân chăm sóc cá. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Anh Bàn Trọng Nghĩa (thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải) chuyển từ chăn nuôi cá quảng canh sang thâm canh gần chục năm nay. Anh đầu tư gần 200 triệu đồng xây bờ ao, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước vào - ra, mua 6 máy sục khí, 3 máy bắn cám tự động hẹn giờ cho cá ăn. Với 3 ao nuôi (diện tích mặt nước 6.000 m2), anh nuôi 3 loại cá (trắm, chép, rô phi đơn tính), trung bình thu 7 - 8 tấn cá/năm.

Anh Nghĩa khẳng định, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi cá đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ví dụ như xây dựng bờ ao kiên cố bằng bê tông sẽ giúp tiết kiệm nước, chống xói mòn, giảm công quản lý nguồn nước ra - vào ao. Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường ao nuôi giúp giảm và kiểm soát được dịch bệnh. Nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp với đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá lớn nhanh, hạn chế dịch bệnh. Sử dụng máy móc vào một số công đoạn chăn nuôi giúp giảm công lao động trực tiếp... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần so với nuôi thông thường.

Thị trấn Nông trường Phong Hải là địa bàn trọng điểm về phát triển thủy sản của huyện Bảo Thắng. Nuôi thủy sản đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, vừa tận dụng được diện tích mặt nước, vừa tạo việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là trong thời gian nông nhàn. Hiện bình quân mỗi năm, thị trấn xuất bán ra thị trường hơn 1.000 tấn cá thương phẩm, mang lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng. Nhiều hộ đã thoát nghèo và có thu nhập bền vững từ nuôi cá.

Tuy đã phát triển khá mạnh nhưng dư địa tăng trưởng của ngành thủy sản tại Phong Hải còn rất lớn. Hiện diện tích mặt nước nuôi cá thâm canh của thị trấn đạt gần 150 ha, với hơn 700 hộ nuôi (chiếm 50% số hộ nuôi cá trên địa bàn). Ông Lê Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: Chỉ tính riêng 50% hộ còn nuôi quảng canh, nếu mạnh dạn đầu tư theo hình thức bán công nghiệp, công nghiệp, kiên cố bờ ao, mua sắm máy móc, ứng dụng quy trình chăn nuôi sinh học thì năng suất, chất lượng cá nuôi tại địa phương có thể tăng trưởng hơn nữa. Đó là chưa tính đến việc mở rộng diện tích ao nuôi.

Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 754 ha mặt nước nuôi thủy sản, sản lượng đạt 3.000 tấn/năm; giá trị thủy sản năm 2020 ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 56,3 tỷ đồng so với năm 2015. Những năm gần đây, người dân trong huyện đã chuyển dần từ nuôi thủy sản quảng canh sang thâm canh, nhờ vậy năng suất và sản lượng thủy sản tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, tiềm năng thủy sản của huyện vẫn chưa được khai thác hết (hiện tại diện tích thâm canh thủy sản chỉ chiếm khoảng 40%). Giai đoạn 2020 - 2025, hướng đi của Bảo Thắng là tập trung thâm canh, tăng năng suất bằng cách ứng dụng máy móc, khoa học công nghệ trong sản xuất. Huyện phấn đấu sản lượng thủy sản đạt hơn 4.000 tấn/năm, năng suất đạt hơn 50 tấn/ha.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Thủy sản là sản phẩm chủ lực, thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Để hỗ trợ nông dân sản xuất, ngoài việc tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn, tham quan và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, huyện chú trọng đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật nuôi cá theo hướng an toàn sinh học.

Yên Bái: Nghiên cứu phát triển cây mắc ca

 

mac-ca.jpg

Nông dân tỉnh Đắk Lắk trồng mắc ca. (Ảnh: T.L)

 

Với giá trị kinh tế và dinh dưỡng, mắc ca (Macadamia) đang là loại cây trồng thu hút nhiều sự quan tâm và được kỳ vọng là cây thoát nghèo ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Yên Bái. Hiện, có khoảng 80ha mắc ca trồng rải rác tại các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên.

Mắc ca là cây thân gỗ, khi trưởng thành có chiều cao trên 15 m, có quả hạch với hạt vỏ cứng, ăn có vị thơm, bùi, béo, ngậy, hấp dẫn, có thời gian khai thác kinh tế từ 40 - 60 năm. Đây là loại cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển thích hợp trong điều kiện khí hậu á nhiệt đới.

Với giá trị kinh tế và dinh dưỡng, mắc ca đang là loại cây trồng thu hút nhiều sự quan tâm và được kỳ vọng là cây thoát nghèo cho nông dân ở nhiều địa phương; trong đó, có tỉnh Yên Bái. Thời gian qua, một số hộ dân đã đưa cây mắc ca vào trồng; trong đó, một số diện tích đã cho thu hoạch, theo đánh giá hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn một số cây trồng khác. 

Anh Phùng Thừa Lý ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên cho biết: "Năm 2013, qua theo dõi trên ti vi, thấy kỹ thuật trồng mắc ca đơn giản nên gia đình đã đưa vào trồng thử 200 cây trên diện tích gần 1 ha. Đến năm thứ 4, cây cho ra quả thu được hơn 1 tạ, năm thứ 5 năng suất gấp đôi, năm thứ 6 thu được gần 1 tấn quả tươi, đập được gần 6 tạ hạt với giá bán 90.000 đồng/kg. Qua trồng mắc ca cho thấy, cây mắc ca phù hợp với đất, khí hậu của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt”. 

Qua khảo sát, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho thấy, Yên Bái là tỉnh có nhiều tiềm năng và khí hậu thích hợp để trồng cây mắc ca, diện tích có thể trồng mắc ca trên 1.400 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải. 

Hiện tại, Hiệp hội đang nghiên cứu và đề xuất triển khai việc trồng xen cây mắc ca với cây chè tại tỉnh Yên Bái; trong đó, dự kiến trồng thử nghiệm 5 ha cây mắc ca xen với cây chè tại huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản xuất, bởi mắc ca dù được mệnh danh là "nữ hoàng” của các loại cây nông nghiệp, nhưng loại cây này đang trong giai đoạn thử nghiệm trên phạm vi cả nước. 

Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Qua nghiên cứu đặc tính sinh thái của cây mắc ca, huyện Mù Cang Chải có điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng thích hợp để phát triển. Qua khảo sát, Mù Cang Chải có khoảng 2.000 ha có thể trồng mắc ca tập trung ở các xã: Nậm Có, Lao Chải, Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mới, đề nghị Hiệp hội Mắc ca xây dựng mô hình từ 5 -10 ha ở mỗi một điểm để có sự đánh giá về sự phù hợp sau đó chọn lựa đưa vào.

Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp ngay từ đầu trong việc trồng chăm sóc tiêu thụ của người dân. Sau khi có chủ trương, đề nghị tỉnh quy hoạch vùng trồng và đưa cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, vì đây xác định là cây đa mục đích phòng hộ, môi trường giá trị kinh tế...”. 

Thời gian tới, Yên Bái sẽ tiến hành trồng thử nghiệm với quy mô từ 10 - 15 ha, theo hướng trồng thuần, trồng xen và nhiều loại giống khác nhau. Đặc biệt, dù là thử nghiệm thì việc trồng và phát triển cây mắc ca phải gắn với chuỗi giá trị, theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Sáng tạo trong mô hình nuôi gà Lạc Thủy

Với mong muốn giữ gìn và phát triển thương hiệu "Gà Lạc Thủy”, 7 thành viên của Hợp tác xã (HTX) Minh Đức thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy, Hòa Bình) không ngừng sáng tạo, trau dồi kiến thức, áp dụng KH-KT vào chăn nuôi gà. Các thành viên HTX liên kết với một số hộ nuôi gà trong huyện cùng hỗ trợ vốn, con giống, kỹ thuật cho tới tiêu thụ để hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

 

ga.jpg
HTX Minh Đức, xã Phú Thành (Lạc Thủy) đầu tư thiết kế chuồng nuôi khoa học để hạn chế dịch bệnh cho đàn gà. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Hợp tác xã Minh Đức được thành lập tháng 7/2019, vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Sản phẩm chủ lực của HTX là gà thương phẩm và gà giống. Từ lâu, Lạc Thủy nổi tiếng bởi giống gà bản địa. Thịt gà ngọt, thơm ngon, có khả năng chịu bệnh tốt, nhất là vào mùa lạnh. Gà Lạc Thủy dễ nuôi, lớn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Gà Lạc Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Anh Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chia sẻ: Nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho gà phát triển, trước tiên, HTX quan tâm tới việc thiết kế chuồng. HTX có tổng diện tích chăn nuôi gà hơn 4.000 m2. Chuồng được thiết kế theo hình chữ nhật, dài 70 m, rộng 12 m. Chuồng phải cách xa đường giao thông, khu dân cư, khu công nghiệp, công sở, trường học, khu chế biến sản phẩm chăn nuôi, bệnh viện, khu chăn nuôi khác và xa hệ thống kênh mương thoát nước thải của khu vực theo quy định; cách xa nguồn nước sinh hoạt, có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho chăn nuôi.

Ngoài ra, khi thiết kế chuồng nuôi, HTX Minh Đức chuẩn bị kho để chứa thức ăn và dụng cụ chăn nuôi. Thiết kế hố sát trùng trước cửa chuồng. Có khu vực hố chứa chất thải, nước thải, khu vực xử lý gà bị bệnh, khu vực tiêu hủy... Xung quanh chuồng nuôi, cách chuồng tối thiểu 5 m phải bằng phẳng, quang đãng, sạch sẽ, không bị đọng nước. Khu vực chăn nuôi được xây tường bao hoặc rào kín, không cho người và gia súc, gia cầm khác qua lại. HTX đã có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP. 

Sau hơn 1 năm thành lập, HTX luôn đảm bảo được quy mô phát triển, gà giống và gà thương phẩm phát triển tốt, không mắc dịch bệnh. Trung bình 1 năm, HTX duy trì nuôi 3 vạn gà bố mẹ, cung cấp ra thị trường khoảng 1 vạn gà thương phẩm, vài  chục vạn gà giống. Gà thương phẩm được bán với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg; gà giống giá 11.000 đồng/con. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức thu nhập đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Chất lượng con giống khỏe, khả năng chống dịch tốt đã làm nên uy tín của HTX với nhiều đối tác lớn.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top