Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 8 năm 2018 | 22:5

Tin NN Tây Bắc: Nở rộ nhiều mô hình kinh tế kiên kết

Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững trong những năm tới, nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc đang thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế liên kết hiệu quả.

 Tam Đường phát triển mô hình kinh tế liên kết

Ngày 10/8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện 3 mô hình liên kết tại các xã: Bản Bo, Nà Tăm, Bình Lư (Tam Đường, Lai Châu).

 

tam-duong.jpg

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường kiểm tra mô hình chanh leo tại xã Bản Bo.

 

Qua kiểm tra cho thấy, sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, hiện nay mô hình trồng 3ha cây chanh leo tại xã Bản Bo liên kết với Công ty Na Food Tây Bắc phát triển, sinh trưởng tốt và đang cho quả. Tuy nhiên, trên quả xuất hiện tình trạng bọ xít gây hại, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân dùng các biện pháp bẫy để giảm thiểu bọ xít.

Từ thành công của mô hình trồng thử nghiệm 2ha dứa năm 2017 tại bản Nà Kiềng, xã Nà Tăm có sự liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Thắng Ngân (Mường Khương, Lào Cai), năm nay xã Nà Tăm tiếp tục trồng thêm 6ha. Cây dứa đang trong giai đoạn phát triển hom để nhân rộng diện tích. Để hom dứa phát triển đạt tiêu chuẩn, cán bộ chuyên môn của Phòng hướng dẫn, tư vấn thêm bà con quy trình chăm sóc, làm cỏ trên nương dứa.

Mô hình lúa LY 2009 do Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Tây Bắc liên kết với người dân xã Bình Lư thực hiện trên diện tích 20ha. Hiện, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, chưa phát hiện sâu, bệnh gây hại… Tuy nhiên, các hộ dân cần tiếp tục bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến của thời tiết, kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại trên lúa, báo cáo cơ quan chuyên môn có giải pháp xử lý kịp thời.

Văn Bàn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế

Sáng 10/8, huyện Văn Bàn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) tổ chức hội thảo thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế theo chuỗi giá trị.

que-lai-cai.jpg

Hội thảo nhằm mục đích đánh giá việc thực hiện quy hoạch vùng trồng và hệ thống các cơ sở chế biến quế trên địa bàn huyện Văn Bàn giai đoạn 2015 – 2025; chia sẻ kinh nghiệm thành công của Dự án tại xã Nậm Đét (Bắc Hà) đến các địa phương trồng quế trong tỉnh; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương và phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững; tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn trong chuỗi giá trị ngành quế tại Văn Bàn...

Huyện Văn Bàn hiện có trên 4.000 ha quế, được trồng tập trung tại các xã Nậm Tha, Liêm Phú, Tân An, Tân Thượng, Nậm Dạng, Võ Lao... Trong đó diện tích trồng mới từ năm 2015 đến năm 2018 là trên 2.300 ha. Trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến, nông dân chưa được tập huấn về sơ chế sản phẩm quế. Chưa có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế, dẫn đến thị trường và giá bán sản phẩm chưa ổn định...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 vấn đề chính liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh quế trên địa bàn huyện Văn Bàn, đó là: Công tác quản lý, quy hoạch, những giải pháp nâng cao chất lượng vùng quế; khó khăn thách thức trong chế biến, tiêu thụ quế, các giải pháp tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng quế; xác định những cơ hội trong việc nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị ngành hàng quế.

Các đại biểu cũng được đề xuất chiến lược, giải pháp, kế hoạch hành động về trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm quế tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ; chú trọng nguồn cây giống chất lượng; các giải pháp bảo vệ diện tích quế khỏi sâu bệnh hại;  đa dạng hóa sản phẩm, các phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và xây dựng thương hiệu quế huyện Văn Bàn và của tỉnh Lào Cai.

Nông dân xã Bạch Đằng được mùa dứa

Với 55 ha dứa đang trong thời gian thu hoạch, bà con nông dân xã Bạch Đằng (Hòa An-Cao Bằng) rất phấn khởi vì dứa năm nay được mùa, được giá.

dua.JPG

Đến thăm đồi dứa của gia đình chị Mã Thị Lạnh, xóm Khuổi Kép, xã Bạch Đằng, trải dài trên cả sườn đồi thoải rộng, xanh ngút mắt với những vạt dứa, những quả dứa vàng mắt căng tròn đang đợi thu hái. Gia đình chị có truyền thống trồng dứa hơn 20 năm nay trên diện tích hơn 2 ha đất đồi. Mỗi năm thu hoạch 3 vụ, cây dứa đem lại thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng. Theo chị Lạnh, cây dứa chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, thích hợp với vùng đất dốc, chỉ vất vả công đoạn làm cỏ và vun gốc. Những năm gần đây, gia đình chị tập trung trồng và chăm sóc cây dứa trái vụ, giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ. Nhờ cây dứa, gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định. Chị Lạnh cho biết thêm: Dứa năm nay được giá hơn so với mọi năm, dao động từ 5  - 6 nghìn đồng/quả to; 3 - 4 nghìn đồng/quả bé.

Khuổi Kép là một trong những xóm trồng nhiều dứa nhất của xã Bạch Đằng với diện tích 30 ha; 36/36 hộ dân trồng dứa, hộ trồng ít vài trăm mét vuông, nhiều từ 2 - 3 ha. Theo người dân địa phương, ban đầu cây dứa được trồng với mục đích “tự cung, tự cấp”, sau đó nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp nên các hộ đã tập trung trồng cây dứa phát triển thành hàng hóa. Quả dứa trồng ở đây có vị ngọt, thơm, giòn nên được người tiêu dùng ưa thích. Dứa chính vụ cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. 


Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng Nguyễn Thị Yến cho biết: Vùng đất Bạch Đằng trước đây là đất đồi cằn cỗi, sỏi đá, người dân chủ yếu trồng ngô, khoai, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Những năm qua, nông dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa các loại cây trồng, trong đó dứa là cây trồng chủ lực với 55 ha, tập trung ở các xóm: Khuổi Kép, Pác Nà, Bản Sẳng, Phiêng Lừa... Tuy giá cả nhiều khi bấp bênh, nhưng lợi nhuận từ trồng dứa vẫn cao hơn so với trồng ngô, khoai. Trung bình 1 ha dứa, người nông dân thu lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. Thu nhập từ trồng dứa ổn định nên người dân đang mở rộng diện tích, quy mô, đặc biệt là chuyển sang trồng dứa trái vụ. Nhiều hộ thu nhập cao từ trồng dứa như: Anh Nông Văn Nghị, xóm Khuổi Kép, hơn 120 triệu đồng/năm; các anh Trần Văn Tuấn, Nông Văn Tuấn, xóm Pác Nà, 100 triệu đồng/năm. 


Cây dứa tại xã Bạch Đằng đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, giao thông đi lại vào các đồi dứa xuống cấp, thương lái không vào thu mua được, người dân tự lo đầu ra nên giá cả không ổn định. Người dân trồng dứa nơi đây mong muốn các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm đầu tư, nâng cấp đường giao thông, hướng dẫn về kỹ thuật trồng thâm canh cây dứa theo hướng VietGAP, xây dựng thương hiệu cho dứa Bạch Đằng. Từ đó, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản, có đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Vĩnh Kiên khai thác tiềm năng nuôi thủy sản

Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) nằm ở ven hồ Thác, là nơi sinh sống của hơn 200 hộ. Là thôn có ít ruộng nước nên người dân sống chủ yếu vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà. Cả thôn hiện có trên 50 lồng cá, chủ yếu là cá trắm, rô phi đơn tính, lăng, ngạnh...

thuy-san-yen-bai.jpg

Không chỉ nuôi lồng, người dân còn áp dụng biện pháp quây lưới để nuôi các loại cá. Nhờ nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ trong thôn Mạ có thu nhập vài chục triệu đến cả trăm triệu như gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh, Hoàng Văn Toàn, bà Nguyễn Thị Thơ, La Thị Dư...

Hiện nay, thôn có gần 100 hộ khá, giàu. Là một trong số những hộ đầu tiên trong thôn mạnh dạn quây lưới eo ngách trên hồ để nuôi cá, ông Trần Văn Thịnh cho biết: "Được Nhà nước hỗ trợ tiền, tôi đầu tư mua lưới tốt về quây ngách hồ nuôi các loại cá: trắm cỏ, cá rô phi đơn tính, cá ngạnh. Nuôi cá theo hình thức này rất hiệu quả, cá phát triển nhanh, ít dịch bệnh do nước lưu thông tạo môi trường nuôi sạch sẽ. Chi phí cho đầu tư ban đầu và chăn nuôi ít hơn nuôi cá lồng, do tận dụng được thức ăn tự nhiên”.

 Nhận thấy hiệu quả của phương thức nuôi cá eo ngách, nhiều hộ trong xã đầu tư quây lưới nuôi cá. Hiện, toàn xã có 12 hộ đầu tư nuôi cá eo ngách với diện tích 13 ha.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: "Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh kinh tế của xã. Do đó, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đầu tư chăn nuôi thủy sản, đặc biệt là các giống cá đặc sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương”.

Bắc Kạn: Đẩy mạnh canh tác lúa cải tiến SRI

Nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân thông qua Mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến – SRI và định hướng xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tổng kinh phí đã hỗ trợ trong giai đoạn 2015-2017 là hơn 6,6 tỷ đồng, diện tích thực hiện canh tác lúa cải tiến SRI toàn tỉnh là hơn 1.060ha với 5.737 hộ dân tham gia.

sri.jpg

Tại xã Sỹ Bình (Bạch Thông), Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Bắc Kạn phối hợp với địa phương triển khai thành công mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa cải tiến – SRI trong vụ mùa 2017, với 117 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại 6 khu đồng thuộc 8 thôn của xã Sỹ Bình với tổng diện tích 20ha, năng suất lúa tăng khoảng 13 tạ/ha- tương đương thu nhập tăng 8,4 triệu đồng/ha. Mô hình này đã và đang được khuyến khích nhân rộng trên toàn tỉnh.

Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI đã được triển khai thực hiện tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm và Chợ Đồn. Các hộ nông dân khi tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống (30kg/ha), 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được cấp phát thực tế khi có sâu bệnh đến ngưỡng phải phun trừ; người dân đối ứng 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 100% phân chuồng và công lao động (riêng đối với người dân thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; người dân tham gia thực hiện đầu tư công lao động, phân chuồng để sản xuất).

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, với các diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cho năng suất trung bình đạt 54-55 tạ/ha, cá biệt có những cánh đồng năng suất đạt tới 65-67 tạ/ha, trong khi năng suất trung bình của lúa canh tác theo phương pháp truyền thống vụ mùa chỉ đạt 45-48 tạ/ha.

Vụ mùa 2018, phương pháp canh tác giống lúa cải tiến SRI tiếp tục được các địa phương áp dụng và nhân rộng bởi những ưu điểm vượt trội so với cấy lúa truyền thống. Trong đó: huyện Chợ Đồn đăng ký thực hiện 100ha tại các xã Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng, Bình Trung; huyện Na Rì thực hiện 60ha tại xã Văn Học; huyện Ba Bể, Bạch Thông tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật SRI kết hợp với thực hiện mô hình cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước...

Bát Đại Sơn: Đẩy mạnh Chương trình Quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm"

Ngay từ đầu năm 2017, huyện Quản Bạ (Hà Giang) chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức rà soát, báo cáo hiện trạng, đề xuất các sản phẩm địa phương, phục vụ xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, qua khảo sát về địa hình cũng như khí hậu, xã Bát Đại Sơn tiến hành đăng ký triển khai thực hiện thí điểm trồng cây Hồng không hạt và mô hình nuôi trâu, bò cho 25 hộ tại thôn Na Quang.

ha-gian.JPG

Ban đầu xã triển khai trồng 300 gốc hồng trên diện tích 2 ha; để mô hình đạt hiệu quả, UBND xã cử các cán bộ khuyến nông thường xuyên bám thôn, hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật; hiện mỗi gốc hồng được huyện hỗ trợ 42.000 đồng tiền phân bón. Để người dân nắm vững kiến thức chăm sóc cây, xã mở các khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân tại thôn Na Quang. Sau 2 năm đưa giống Hồng không hạt vào trồng thí điểm, đến nay tổng diện tích tại thôn Na Quang đã có 6 ha, tương đương 1.500 gốc; hiện nay cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Bên cạnh đó, nhằm phát huy hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Bát Đại Sơn đã tuyên truyền tới người dân về hiệu quả của mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm. Thực hiện chuyển đổi một phần diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ chăn nuôi. Hiện tại, toàn xã có 53 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 5 con trở lên, các mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top