Hiện nay, trên các cánh đồng, nông dân đang tích cực nạo vét kênh mương, chăm sóc mạ, làm đất để gieo cấy lúa xuân.
Đưa cơ giới vào khâu làm đất giảm sức lao động. Ảnh: Báo Lào Cai
Lào Cai: Gieo cấy hơn 10.100 ha lúa
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy hơn 10.100 ha lúa, trong đó, hơn 3.000 ha lúa lai, gần 7.100 ha lúa thuần. Để đảm bảo về diện tích và khung thời vụ lúa xuân, nông dân trong tỉnh đang tập trung chăm sóc, thu hoạch được 8.172,5 ha/10.618 ha cây vụ đông, đạt 80% diện tích gieo trồng. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã làm đất vụ lúa xuân được gần 4.000 ha, gieo cấy được khoảng 150 ha, chủ yếu tại huyện Bát Xát và Bảo Thắng.
Nông dân Bát Xát xuống đồng cấy lúa xuân. Ảnh: Báo Lào Cai
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Hiện nay, nông dân các địa phương đã chủ động đưa cơ giới vào khâu cày, bừa nên đã tiết kiệm được lao động và đẩy nhanh tiến độ làm đất. Khung thời vụ gieo cấy vụ lúa xuân năm nay xung quanh tiết lập xuân (ngày 4/2) và kết thúc trong khoảng trung tuần tháng 3/2020. Do vậy, đề nghị các địa phương hướng dẫn nhân dân chăm sóc mạ xuân bằng cách bón bổ sung phân lân, kali, phân hữu cơ vi sinh và che phủ cho mạ bằng nilon trắng để giữ ấm chân mạ và sau cấy người dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại để triển khai các biện pháp phòng, trừ phù hợp.
Lai Châu: Sôi nổi ra quân lao động, sản xuất đầu năm
Những ngày đầu xuân mới, trên khắp các cánh đồng từ vùng thấp đến vùng cao, nông dân toàn tỉnh tích cực xuống đồng lao động, sản xuất, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.
Ảnh: Báo Lai Châu
Cùng với các huyện khác, nông dân huyện Than Uyên tập trung xuống giống và chăm sóc các loại cây trồng vụ đông xuân. Đồng thời, các xã, thị trấn trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại cho các loại cây trồng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, sương muối như hiện nay.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi trên các cánh đồng: Mường Than, Mường Cang, Hua Nà, Mường Kim, Phúc Than, bà con đang tập trung lao động sản xuất. Tiếng cười, tiếng nói xen lẫn với lời thăm hỏi, chúc tết và cùng cầu cho mưa thuận gió hòa. Ông Tòng Quý Văn, bản Lướt, xã Mường Kim tâm sự: “Khi nhận được thông báo lịch gieo cấy vụ đông xuân, gia đình tôi lựa chọn giống lúa, dẫn nước, làm đất. Khi thời tiết nắng ráo, gia đình đưa mạ xuống cấy đảm bảo khung thời vụ để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, toàn bộ diện tích 6.000m2 trồng lúa séng cù, J02, nếp 97 của gia đình tôi đã hoàn thành được 80% và sẽ thực hiện xong trước ngày 5/2”.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các huyện, thành phố tập trung đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân làm đất, gieo cấy lúa đông xuân đảm bảo hoàn thành kế hoạch và đúng thời vụ gieo trồng. Tính đến ngày 30/1, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện làm đất 6.651/6.779ha, đạt 98% kế hoạch; gieo cấy 5.461/6.779ha, đạt 80% kế hoạch.
Ông Hà Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chia sẻ: “Cùng với việc tổ chức ra quân sản xuất đầu năm, Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, chú trọng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ để cây trồng phát triển tốt nhất. Đồng thời chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh khi cây trồng phát triển; làm tốt công tác dự báo dự tính sâu bệnh hại và tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”.
Điện Biên ra quân sản xuất nông nghiệp năm 2020
Những ngày này, trên cánh đồng thôn C2 Yên Trường, xã Thanh Yên, UBND huyện Điện Biên tổ chức lễ xuống đồng ra quân sản xuất nông nghiệp năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến điều khiển máy cấy trong buổi lễ xuống đồng. Ảnh: C.T.V
Lễ xuống đồng được tổ chức thường niên vào những ngày đầu xuân mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời cổ vũ, động viên bà con nông dân tích cực thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Năm 2020, huyện Điện Biên phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây nông nghiệp đạt 22.000ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 95.000 tấn; duy trì tăng trưởng chăn nuôi từ 3 – 5%/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%; phấn đấu có thêm 2 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngày sau lễ khai xuân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, huyện Điện Biên trực tiếp xuống đồng cấy lúa bằng máy cấy. Đây là một phương pháp đang được khuyến khích nông dân sử dụng trên cánh đồng lòng chảo Mường Thanh, nhằm giảm công cấy, dễ chăm bón và nâng cao năng suất cây trồng. Hiện nay, nhiều diện tích vụ đông xuân khu vực lòng chảo huyện Điện Biên đã hoàn thành gieo cấy, bà con tập trung chăm bón đảm bảo khung thời vụ.
Thuận Châu khẩn trương gieo cấy lúa vụ xuân
Ngay sau Tết Nguyên đán, trên khắp các cánh đồng huyện Thuận Châu (Sơn La), bà con nông dân đang khẩn trương làm đất, nạo vét, tu sửa hệ thống mương phai… đảm bảo gieo cấy lúa vụ xuân đúng kế hoạch.
Nông dân xã Chiềng Pấc làm đất gieo cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Báo Sơn La
Đến xã Tông Lạnh, ngay từ sáng sớm, bà con nông dân đã ra đồng chăm sóc ruộng mạ, tranh thủ thu hoạch rau màu vụ đông, đào đất đất đắp bờ giữ nước; trên các thửa ruộng, những chiếc máy cày khẩn trương làm đất. Đang kiểm tra ruộng mạ của gia đình, chị Lường Thị Nhom, bản Nà Lạn, cho biết: Năm nay, gia đình chọn giống lúa nếp 97 gieo được hơn 20 ngày; do mấy ngày trong tết trời rét, tôi phải thường xuyên ra kiểm tra, thực hiện che chắn chống rét, đảm bảo mạ phát triển để kịp cấy đúng thời vụ. Gia đình tôi có hơn 1.000 m² ruộng, đã cày ải, bừa đất chuẩn bị sẵn sàng khi cây mạ đủ ngày là cấy ngay.
Trao đổi với lãnh đạo xã Tông Lạnh được biết, vụ đông năm 2019-2020, toàn xã đã trồng được 8 ha ngô, hơn chục ha bắp cải, tỏi và cây màu khác. Ngay từ đầu năm, bà con đã tranh thủ thu hoạch các loại cây vụ đông, thu hoạch đến đâu thì tiến hành vệ sinh đồng ruộng và làm đất đến đó. Cùng với đó, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn các bản tập trung kiểm tra, nạo vét, sửa chữa hệ thống mương phai, đảm bảo cấp đủ nước phục vụ sản xuất.
Theo kế hoạch vụ xuân năm nay huyện Thuận Châu sẽ gieo cấy gần 1.900 ha. Với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa thuần chất lượng, gồm: Đông A1, ADI 28, ADI 168, BC15; giống lúa thuần N87, N97, N86; giống lúa lai nhị ưu 838, nhị ưu 63, nghi hương 2308... Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và trung bình, sản xuất đúng khung thời vụ sẽ đảm bảo thời gian luân canh tăng vụ trên đất ruộng, chủ động được nguồn nước tưới.
Để đảm bảo diện tích lúa cấy trong khung thời vụ tốt nhất, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành sửa chữa các công trình thủy lợi.
Hiện, toàn huyện có 237 công trình thủy lợi, 2 hồ chứa nước cơ bản đáp ứng việc tưới tiêu cho đồng ruộng. Chỉ đạo các xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn nhân dân chăm sóc và chống rét cho mạ.
Đồng thời, tích cực bón phân chuồng ủ mục, phân lân, tro bếp chống rét cho mạ và lúa. Tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình gieo cấy đầu năm, kịp thời hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo cấy từng giống lúa, cách chăm sóc lúa chiêm xuân, bảo đảm toàn bộ diện tích lúa xuân được gieo cấy trong khung thời vụ.
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất phấn đấu đạt được sản lượng 11.100 tấn lúa xuân theo kế hoạch. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ở những thời điểm quan trọng như công tác chuẩn bị giống, làm đất gieo mạ, thời vụ gieo mạ, cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; đánh giá đúng mức những thuận lợi và khó khăn đối với sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cày ải trên những diện tích cao, đồng thời thực hiện tốt công tác thủy lợi.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã tích cực vận động bà con đưa cơ giới hóa trong khâu làm đất để gieo cấy lúa đúng thời vụ. Mở rộng ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên cây lúa; bón phân cân đối, hợp lý; phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp IPM... Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, đảm bảo cung ứng giống tốt, chất lượng cao cho nông dân.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…