Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2019 | 11:21

Tin NN Tây Bắc: Nuôi cá giống hiệu quả cao ở Chiềng Đông

Thời gian qua, nghề nuôi cá giống trên địa bàn xã Chiềng Đông (Yên Châu, Sơn La) phát triển mạnh, hàng năm cung ứng cho thị trường trong tỉnh hàng triệu con cá giống và hàng chục tấn cá thương phẩm đủ các chủng loại.

 

Nhờ đó, nhiều nông dân đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Điển hình trong số đó có hộ gia đình ông Lò Văn Sum ở bản Nặm Ún.

 

ca-giong.jpg

Gia đình ông Lò Văn Sum thu hoạch cá giống. Ảnh: Báo Sơn La

 

Từ quan niệm “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn”, năm 1996, ông Sum bắt đầu nuôi cá giống. Nhận thấy nhu cầu cá giống tại địa phương khan hiếm, phải nhập từ các địa phương khác nên ông quyết tâm cải tạo một số diện tích ruộng của gia đình không thuận lợi trong canh tác chuyển thành ao chuyên ương nuôi và cung cấp cá giống cho bà con nông dân trong tỉnh.

Những năm đầu bắt tay vào làm, do thiếu vốn và bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên cá bột nhập về chưa được bao lâu thì chết, không đạt sản lượng như dự kiến. Tuy nhiên, ông Sum vẫn kiên nhẫn mày mò, bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn thông qua sách báo, tivi và tới trực tiếp các trại ương cá giống ở các tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, mô hình nuôi cá giống của gia đình ông có trên 3.000 m2 mặt nước với 6 ao ương nuôi cá giống theo từng giai đoạn, chủ yếu các loại cá trôi, trắm, chép, mè...

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, ông Sum cho biết: Cá giống rất kén môi trường sống, các công đoạn nuôi cá từ chuẩn bị ao thả, xử lý môi trường đến chăm sóc đều phải rất cẩn thận. Ao nuôi phải có hệ thống cấp thoát nước chủ động, gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Vì cá giống nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, đánh bắt, vận chuyển mang đi tiêu thụ phải có kỹ thuật. Trước khi thả cá, ao phải được bơm cạn, vét bùn đáy, dùng vôi bột khử trùng nhằm hạn chế các loại bệnh gây hại cá.

Trước đây, ông thường nhập cá từ 3-5 ngày tuổi ở Công ty cổ phần thủy sản Sơn La về thả xuống ao, ương nuôi khoảng 1-1,5 tháng, khi cá đạt đủ kích cỡ để nuôi thương phẩm thì bán cho thương lái và các hộ nuôi cá. Về sau, ông tự ương và gây giống phục vụ cho việc nuôi và bán. Ông Sum chia sẻ thêm: Ương nuôi cá giống, thức ăn chỉ cần bột cám gạo, ngô tự chế biến tại nhà; nắm vững kỹ thuật, chăm sóc cá tỷ mỷ để cá khoẻ, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao là thu được lãi.

Việc bán cá giống diễn ra quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 6; trung bình ông bán 60-70 đồng/con cá ương; 200 đồng/con cá giống trên 1 tháng tuổi; 80.000-100.000 đồng/kg cá thương phẩm. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Sum cung ứng ra thị trường trong tỉnh hơn 60-70 vạn con cá giống các loại, trừ chi phí thu về gần 200 triệu đồng. Đồng thời, du nhập các giống mới như cá trắm đen, cá trôi của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... để phục vụ nhu cầu thị trường, giúp người dân không mua phải giống cá trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Giảm nỗi lo quanh cây sắn

Tân An là xã có diện tích trồng sắn lớn nhất huyện Văn Bàn (Lào Cai). Cây sắn có lợi thế là kỹ thuật canh tác đơn giản, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của loại cây trồng này rất hạn chế nên xã đang vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

 

san.jpg

Tân An đang chuyển dần từ trồng sắn sang trồng rừng. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Cây sắn ở Tân An phát triển mạnh tại địa phương khoảng 10 năm gần đây. Đặc biệt, từ năm 2011, khi Nhà máy sắn Tân An đi vào hoạt động, diện tích sắn trên địa bàn tăng nhanh và hiện 13/13 thôn trên địa bàn xã đều trồng sắn. Trong đó, diện tích sắn nhiều nhất là tại các thôn: Khe Bàn 1, 2; Xuân Sang 1, Mai Hồng 1, 2, 3; Khe Quạt... Tại các thôn này, cây sắn gần như phủ kín các triền đồi, nương ruộng. Cây sắn có lợi thế là kỹ thuật canh tác đơn giản, đầu ra ổn định nên được nhiều hộ trồng.

Tuy nhiên, về môi trường, sắn là cây khóm, không có tán, gốc được làm cỏ sạch nên khi mưa xuống đất dễ bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu. Thêm vào đó, canh tác với diện tích lớn khiến người dân không đủ sức làm cỏ theo cách truyền thống, mà thường sử dụng hóa chất diệt cỏ nên gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe của con người. Xét về hiệu quả kinh tế, sắn đứng gần cuối bảng so với các cây trồng trên địa bàn tỉnh. Nếu tính trên một đơn vị diện tích canh tác, thu nhập từ cây sắn chỉ khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha, thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, xã Tân An đang có chủ trương giảm diện tích cây sắn, chuyển đổi sinh kế cho người dân bằng những loại cây trồng khác phù hợp.

Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Xã không khuyến khích người dân trồng sắn do loại cây này gây bạc màu đất nhanh, cùng với đó là giá cả bấp bênh khiến thu nhập của người dân không ổn định. Những năm gần đây, xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm diện tích sắn và đã có nhiều hộ chuyển đổi diện tích đất trồng sắn sang trồng rừng. Giai đoạn 2014 - 2016, xã thực hiện dự án trồng rừng thay thế nương sắn ven đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do tỉnh hỗ trợ được gần 100 ha rừng. Giai đoạn tới, xã phấn đấu mỗi năm vận động người dân thu hẹp 50 ha đất trồng sắn chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.

Xã Tân An hiện có hơn 1.000ha rừng, tăng 400ha so với năm 2013. Riêng năm 2019, người dân trên địa bàn xã đã chuyển hơn 60 ha đất trồng sắn sang trồng rừng. Trên địa bàn hiện có 1 cơ sở chế biến tinh dầu quế và 2 cơ sở chế biến gỗ ván bóc, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ gỗ của người dân.

Nhiều gia đình có khoảng 5 - 10 ha rừng và có thu nhập cao từ trồng rừng như gia đình ông Tạ Đình Hải (thôn Xuân Sang) trồng 11,4 ha cây sưa đỏ, hiện tiền bán cây giống thu về hàng trăm triệu đồng/năm; gia đình ông Lý Văn Đăng (thôn Khe Bàn) trồng 5,2 ha cây bồ đề; hộ ông Triệu Tiến Vạn (thôn Khe Bàn 1) trồng 8,5 ha quế...

Nậm Hàng phát triển đàn đại gia súc

Chuyển hướng phát triển kinh tế, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, tập trung có chuồng trại nhằm từng bước nâng cao đời sống của người dân.

 

gia-suc.jpg

Mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình ông Lò Văn Bóng ở bản Phiêng Luông I. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Theo chân cán bộ xã Nậm Hàng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Lò Văn Bóng ở bản Phiêng Luông I. Trước đây, gia đình ông Bóng cũng chăn nuôi trâu, bò nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu là thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao. Tăng thu nhập và làm giàu, gia đình ông xác định cần phát triển chăn nuôi gia súc với quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Từ năm 2017, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 10 con bò  sinh sản. Ngoài tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho vật nuôi, ông còn dành hơn 1.000m2 đất vườn trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp dự trữ thức ăn. Nhờ đó, đàn bò luôn khỏe mạnh, sinh sản đều.

Ông Bóng chia sẻ: Chăn nuôi bò không tốn nhiều công sức hơn nữa nuôi nhốt trong chuồng có rất nhiều lợi ích từ khâu chăm sóc đến chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là quá trình chăm sóc bò mẹ trong khi sinh nở thuận lợi hơn rất nhiều so với chăn nuôi thả rông trước đây. Tỷ lệ tăng đàn luôn ổn định, mỗi năm gia đình tôi có thêm từ 3 đến 4 con bê con, đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn”.

Hiện, trên địa bàn xã có 15 mô hình điển hình chăn nuôi theo hộ gia đình tập trung tại các bản: Phiêng Luông I, II, Nậm Cày, Nậm Ty. Đó là mô hình của gia đình bà Lò Thị Nguyện ở bản Phiêng Luông I; ông Lưu Văn Lẩu ở bản Phiêng Luông II; ông Lò Văn Báu ở bản Nậm Cày; gia đình ông Lò Văn Kiếm ở bản Nậm Ty...  Hầu hết đều chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, trồng cỏ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Nâng tổng đàn gia súc toàn xã 7.610 con, trong đó đàn trâu 1.702 con, đàn bò 870 con...; tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm. Có từ 50 - 70 hộ chăn nuôi có từ 15 - 30 con trâu, bò; 100 - 120 hộ chăn nuôi từ 5 con trâu, bò trở lên.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng khẳng định: Trong những năm tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng có chuồng trại tập trung, chủ động công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chú trọng lựa chọn con giống, sử dụng giống lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương; tìm kiếm thị trường; quy hoạch bãi chăn thả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi... Đó sẽ là điều kiện và giải pháp thiết thực phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Yên Sơn bưởi được mùa, được giá

Bắt đầu từ tháng 9, người dân vùng thượng huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vào vụ thu hoạch bưởi. Năm nay, niềm vui của người trồng bưởi được nhân đôi vì bưởi vừa được mùa lại được giá.

 

buoi.jpg

Vườn bưởi Diễn của gia đình chị Trịnh Thị Hải, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn). Ảnh: Báo Tuyên Quang

 

So với năm 2018, bưởi năm nay được mùa, đặc biệt là 2 giống bưởi mới đưa vào trồng gồm Phúc Trạch, da xanh. Trung bình mỗi cây bưởi có 30-40 quả, với giá bán hiện nay 40.000-45.000 đồng tại vườn, mỗi cây bưởi cũng đem lại cho gia đình từ 1,6 - 2 triệu đồng.

Theo chị Trịnh Thị Hải, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn), bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch cho thu hoạch từ tháng 9 đến hết tháng 10; từ tháng 11 đến tháng 12 là thời điểm thu hoạch bưởi đường và bưởi Diễn. Chị Hải ước tính, với 600 cây bưởi đang cho thu hoạch, năm nay trừ chi phí đầu tư, nhân công lao động, gia đình chị lãi từ 500-600 triệu đồng.

Cũng như ở xã Xuân Vân, người trồng bưởi ở xã Phúc Ninh đón nhận niềm vui bội thu từ bưởi. Ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Khuôn Thống cho biết, nhiều năm gắn bó với cây bưởi đã giúp ông có kinh nghiệm để bưởi được mùa, được giá. Nhận thấy xu hướng sử dụng sản phẩm an toàn, từ năm 2016 ông đã chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Vinh cho rằng, sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng bưởi ngon hơn hẳn, ngọt đậm, bảo quản được lâu hơn, giá bán cũng cao hơn bưởi trồng đại trà từ 5.000-7.000 đồng/quả. Được biết, nhiều trang trại, nhà vườn trồng bưởi tại xã Phúc Ninh đang mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ước tính năm nay người dân trong huyện thu khoảng 600 tỷ đồng từ trồng bưởi. Vậy nên, việc nông dân ở khắp các xã vùng thượng huyện chuyển đổi đất vườn tạp, soi bãi sang trồng cây bưởi cũng là điều dễ hiểu. Trong đó, một số địa phương trồng nhiều như xã Phúc Ninh 920 ha, Xuân Vân 873,5 ha, Thắng Quân 700 ha… hình thành nên vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top