Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 10 năm 2019 | 11:7

Tin NN Tây Bắc: Phìn Ngan thu gần 20 tỷ đồng từ cây sa nhân tím

Năm 2019, người dân xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai) dự kiến thu về gần 20 tỷ đồng từ bán quả và cây giống sa nhân tím.

sa-nhan-tim.jpg

Phìn Ngan là xã trồng nhiều sa nhân nhất của huyện Bát Xát. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Phìn Ngan là xã trồng nhiều sa nhân tím nhất của huyện Bát Xát, với diện tích khoảng 200 ha, trong số này 150 ha đã cho thu hoạch. Cây sa nhân phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Phìn Ngan, sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất trung bình khoảng 0,7 tấn/ha. Hiện, giá bán quả sa nhân tươi dao động từ 150 nghìn đồng/kg.

Ngoài tiền bán quả tươi, hằng năm người dân xã Phìn Ngan còn cung cấp hàng triệu cây giống cho các đia phương trong và ngoài tỉnh, thu về khoảng 4 tỷ đồng.

Được biết, người dân xã Phìn Ngan trồng cây sa nhân tím từ năm 1997, ban đầu diện tích chỉ vài ha. Sau đó, người dân nơi đây nhận thấy cây sa nhân tím dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại giá trị kinh tế cao nên đã mở rộng diện tích. Cây sa nhân tím sinh trưởng dưới tán rừng trồng, ở độ cao trung bình (khoảng 1.000 mét so với mực nước biển), nên không bị ảnh hưởng của băng tuyết như cây thảo quả.

Bảo tồn giống sâm Lai Châu

Sau khi một số người dân ở bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há, huyện Tam Đường) tìm được nhiều củ sâm tự nhiên quý, hiếm với hàng chục năm tuổi có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, các hộ đã tự trồng hơn 2 nghìn cây sâm ở khu rừng già của bản.

 

sam.jpg
Khách hàng xem củ sâm Lai Châu của anh Lù A Giao ở bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há). Ảnh: Báo Lai Châu
 

Anh Cứ A Châu - Bí thư Chi bộ bản kể: Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân trong bản tìm được củ sâm tự nhiên ở rừng già có giá vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí chuyện hộ dân tìm được củ sâm nặng từ 400 đến 600 gram có giá từ 10 - 30 triệu đồng không còn lạ lẫm với dân bản. Đây là giống sâm tự nhiên, có tuổi đời cao nên dễ bán, khách hàng thường đến tận bản thu mua khi có hộ gọi điện thông báo. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 4/5 vừa qua, anh Lù A Giao may mắn tìm được 1 củ sâm tự nhiên to và đẹp nhất từ trước đến nay ở khu rừng già của bản. Bởi dựa vào các mắt trên củ sâm, bà con trong bản nhận định cây sâm có thể đạt hơn 70 năm tuổi. Anh Giao nhờ đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng, Phó bản định giá và bán củ sâm cho 3 khách hàng ở thị trấn huyện Tam Đường với giá 450 triệu đồng.

Sau đó không lâu (trong tháng 7), anh Cứ A Đề tìm được 1 củ sâm tự nhiên nặng 1,1kg có 2 nhánh củ nhỏ, 1 nhánh củ to, nhìn rất độc và lạ. Do vậy, khách hàng lên tận nhà thu mua với giá 160 triệu đồng. Theo anh Đề, khách mua sâm chủ yếu làm nguyên liệu thuốc bắc và sử dụng bồi bổ cơ thể.

Có những cánh rừng già rộng lớn, được bảo vệ tốt nên xuất hiện nhiều loại dược liệu quý. Nhờ đó, Nhân dân bản Ngài Thầu Cao đã có thu nhập từ khai thác sâm từ tự nhiên. Khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ đầu năm đến nay, nhiều người dân trong bản nhân giống và trồng giống sâm này tại rừng già. Theo đó, bà con tìm những cây sâm tự nhiên có trọng lượng từ 200 gram trở xuống trồng tập trung vào một khu. Khi sâm ra hoa, kết quả, bà con phơi khô hạt, làm đất và gieo trồng. Đến nay, bản trồng được hơn 2 nghìn cây sâm.

Nậm Tăm phát triển vùng cây ăn quả

Từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Nông dân xã Nậm Tăm (Sìn Hồ, Lai Châu) đã đầu tư, mở rộng vùng trồng cây ăn quả mở hướng phát triển kinh tế mới.

Năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ triển khai thực hiện mô hình trồng cam với diện tích 5ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch 2 năm, giá bán sản phẩm từ 25 – 30 nghìn đồng/kg giúp nhiều hộ có nguồn thu từ 10 – 15 triệu đồng/vụ. Năm 2018, bản tiếp tục được huyện hỗ trợ mở rộng thêm 4ha, chủ yếu là giống cam V2 và cam canh.

 

caq.jpg

Anh Lý A Làn (trái) chăm sóc vườn cam của gia đình. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Anh Lý A Làn (người dân bản Nậm Lò) chia sẻ: Gia đình mình có gần 2ha đất nương, trước đây chủ yếu trồng ngô, sắn, lạc… Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao nên canh tác thất thường. Năm 2018, gia đình mình đăng ký và được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 500 gốc cam canh trồng trên diện tích 1,2ha. Quá trình trồng, cán bộ khuyến nông xã và huyện xuống hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh nên cam phát triển rất tốt. Thời gian tới mình sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu để thuận lợi hơn khi chăm sóc. 

Bản Nậm Lò có tổng số 75 hộ dân tộc Dao. Thời gian qua, 20 hộ dân của bản đã được hỗ trợ trồng cam, quýt với diện tích 10ha. Nhận thấy phát triển cây ăn quả là hướng đi mới mang lại thu nhập cao, bà con đầu tư trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như: xoài, mít. 

Anh Lý A Sài – Trưởng bản Nậm Lò khẳng định: Bản có địa hình khá thuận lợi để trồng cây ăn quả. Khi triển khai, chúng tôi vận động các hộ rào chắn cẩn thận tránh trâu, bò phá hoại; chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật. Rất mong các cấp, các ngành hỗ trợ bản xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu.

Ông Lò Văn Nghiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho biết: Có thể khẳng định vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn đã và đang mang lại thu nhập cao cho người trồng. Mặc dù vậy, chất lượng sản phẩm chưa như mong muốn. Nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả, chúng tôi sẽ tăng cường cử cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho nông dân. Hy vọng sẽ nhận thêm sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện về các nguồn lực giúp bà con mở rộng diện tích và chăm sóc tốt hơn cây ăn quả.

Hòa Bình gặt gần 11.000 ha lúa mùa

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình, sản xuất vụ mùa năm nay, toàn tỉnh cấy được 22.425 ha lúa, đạt 99,6% kế hoạch. Hiện tại, các địa phương tập trung thu hoạch nhanh lúa vụ mùa, giải phóng đất để triển khai sản xuất vụ đông.

 

lua.jpg
 Nông dân xóm 1, xã Sủ Ngòi (TP. Hòa Bình) tập trung thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất trồng rau vụ đông. Ảnh: Báo Hòa Bình.

 

Các huyện, thành phố hiện đã gặt gần 11.000 ha lúa mùa, năng suất ước đạt 53 tạ/ha.Một số địa phương có tiến độ thu hoạch nhanh như: huyện Lương Sơn đã gặt khoảng 2.500 ha, Yên Thủy trên 2.000 ha, Lạc Sơn trên 1.800 ha, Lạc Thủy gần 1.600 ha, Kim Bôi trên 1.500 ha.

Cũng đến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng gần 19.400 ha cây màu vụ hè thu. Trong đó, cây ngô gần 11.900 ha, đạt 88,3% kế hoạch; lạc 1.415 ha, đạt 95,6% kế hoạch; khoai lang gần 1.800 ha, đạt 101,2% kế hoạch và rau, đậu các loại hơn 4.300 ha, đạt 100,9% kế hoạch. Hiện, diện tích trồng màu trà sớm đã bắt đầu cho thu hoạch.

Chiềng Yên phát triển cây quýt bản địa

 

quyt.jpg

Người dân xã Chiềng Yên (Vân Hồ) chế bẫy diệt ruồi vàng hại cây quýt.

 

Quýt Chiềng Yên (Vân Hồ) từ lâu đã nổi tiếng bởi quả có vỏ mỏng, múi dày, mọng nước và ngọt; quá trình trồng và chăm sóc không sử dụng hóa chất, rất được thị trường ưa chuộng. Những mô hình phát triển giống quýt bản địa đã được nghiên cứu thành công và nhân rộng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều hộ gia đình của xã thoát nghèo.

Năm 2012, dự án cải tạo và phát triển cây quýt do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai thực hiện tại xã Chiềng Yên đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm (Hà Nội) đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ xây dựng mô hình “Thâm canh, trồng mới và bình tuyển quýt” tại bản Pà Puộc, xã Chiềng Yên, với quy mô 1 ha. Đánh giá hiệu quả mô hình cho thấy, các chỉ tiêu trên quả của mô hình đều cao hơn so với quả của các cây quýt ngoài mô hình; quýt có vỏ vàng xanh, sáng bóng, không có các vết sẹo, quả ngọt, múi quả mọng nước, không xảy ra hiện tượng múi và tép bị khô. Đây là tiền đề để nhân rộng mô hình tại các bản có điều kiện phù hợp.

Nếu ai đã từng đến Chiềng Yên sẽ cảm nhận sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây, nhất là vào mùa đông, tiết trời lạnh giá, nhiều loại cây trồng không thích hợp đều chết khô vì rét và sương muối. Thế nhưng riêng loại quýt bản địa vẫn chống chịu và sinh trưởng bình thường. Đặc biệt, khi cây quýt được đưa vào trồng trên đất đồi, đất dốc vùng này lại thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mang đến cho người trồng liên tiếp những mùa quả ngọt, trở thành cây trồng cho thu nhập ổn định. Hiện nay, cả xã có trên 20 ha quýt, tập trung ở các bản: Piềng Chà, Pà Puộc và bản Bướt, sản lượng hằng năm trên 100 tấn, với giá bán ổn định từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhiều hộ dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng quýt, như hộ ông Hà Văn Bảy, bản Bướt; ông Lý Văn Xuân, bản Pà Puộc; ông Bàn Văn Trác, bản Piềng Chà...

Đến thăm vườn quýt của ông Hà Văn Bảy, bản Bướt, khi được hỏi làm cách nào mà vườn quýt của gia đình phát triển xanh tốt, sai quả không bị sâu bệnh, ông Bảy “bật mí”: Cây quýt đòi hỏi sự chăm sóc tỷ mỷ, đúng quy trình kỹ thuật, nhất là chế độ phân bón cực kỳ quan trọng để đem lại hiệu quả cao cho cây trồng. Thời điểm bón phân cho cây tốt nhất là đầu tháng giêng sau khi đã thu hoạch xong. Mỗi năm, còn phải cho xuống vườn một lượng vôi bột nhất định để khử chua cho đất. Làm như vậy vừa phòng bệnh cho cây và quả quýt sẽ không bị chua. Cần lưu ý là cây quýt hay bị sâu đục thân, để đối phó với loại bệnh này, sau khi thu hoạch quả, tiến hành quét vôi vào gốc cây, thân cây từ 1 m trở xuống để hạn chế việc đẻ trứng của sâu hại.

Trên mỗi cây quýt, ông Bảy lại treo một vài lọ nhựa nhỏ lên cành, phía trên miệng khoét rỗng. Thấy tôi thắc mắc ông giải thích: Đấy là bẫy ruồi vàng, lúc quả gần chín, các loại côn trùng như ruồi vàng thường gây hại bằng cách chích lên quả làm cho quả bị vàng thối và rụng. Sau thời gian theo dõi, học hỏi kinh nghiệm, tôi tự nghiên cứu cắt các lọ nhựa và mua thuốc diệt ruồi vàng bỏ vào. Ruồi bị dẫn dụ bay đến ngửi thuốc và rơi xuống chết. Với cách này, vừa giữ được quả, cây không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật lại không tốn kém. Nhờ đó quả quýt đẹp mã, bán được giá cao.

Vào dịp 2 tháng cuối năm, bước vào mùa quýt chín. Thương lái từ các huyện trong và ngoài tỉnh tấp nập vào thu mua. Đặc biệt, với lối canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên, không sử dụng bất cứ một loại phân bón hóa học nào nên quýt bản địa Chiềng Yên là hoa quả sạch, được thị trường ưa chuộng, giá bán ổn định từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Năm 2018, gia đình tôi thu trên 10 tấn quýt, thu nhập hơn 200 triệu đồng.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top