Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 7 năm 2020 | 11:39

Tin NN Tây Bắc: Quả su su Sa Pa đầu vụ được giá

Sa Pa (Lào Cai) đang bước vào vụ thu hoạch su su. Tin vui đối với các chủ vườn trồng là giá quả su su đầu vụ ổn định, dao động khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg.

su-su.jpg
Người dân phường Ô Quý Hồ thu hoạch quả su su. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Năm 2020, huyện Sa Pa trồng 120 ha su su, trong đó 80 ha trồng lấy quả và 40 ha trồng lấy ngọn. Quả su su Sa Pa nổi tiếng về độ ngon ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Su su Sa Pa chính thức có nhãn hiệu vào năm 2016 và đến năm 2019 được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) hạng 3 sao, góp phần nâng giá trị sản phẩm quả su su vốn bấp bênh trước đó.

Bà Trần Thị Tâm (phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa) là người quê gốc Thanh Hóa. Cách đây 10 năm, bà lên Sa Pa thuê đất trồng su su. Năm nay, gia đình bà trồng 2 ha su su lấy quả. Thời điểm này, gia đình bà bắt đầu thu hoạch su su. Với kinh nghiệm trồng su su lâu năm, bà Tâm sẵn có mối thu mua ở Lào Cai và Yên Bái, Hà Nội. Bà Tâm cho biết giá bán quả su su đầu vụ ổn định, bán buôn 12.000 đồng/kg. Với 2 ha su su, bà có thể thu hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài tự trồng để bán, bà Tâm còn thu mua quả su su của các chủ vườn lân cận, sau đó cung cấp cho mối buôn. Trong vụ năm nay, bà thuê 5 lao động người địa phương thu hoạch vườn nhà và thu mua ở các vườn trồng khác.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đồng từ Vĩnh Phúc lên Sa Pa thuê đất trồng su su. Anh Đồng từng băn khoăn không biết có nên mở rộng diện tích trồng su su lấy quả vì có nhiều thời điểm giá quả su su xuống thấp. Tuy nhiên, anh đã lựa chọn duy trì 3 ha su su lấy quả được 8 năm. Với kinh nghiệm có được từ vùng chuyên canh nông nghiệp nổi tiếng Vĩnh Phúc, anh áp dụng kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nên cây su su cho năng suất quả ổn định. Mỗi năm, diện tích su su của gia đình anh cho thu 50 tấn quả, thu lãi gần 200 triệu đồng.

Su su lấy quả trồng tập trung tại phường Ô Quý Hồ và xã Ngũ Chỉ Sơn vì tại đây có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Thị trường tiêu thụ chính của quả su su Sa Pa là thành phố Lào Cai và các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Hà Nội. Nếu so sánh thì quả su su Sa Pa được bán với giá cao hơn so với các vùng trồng khác. Nguyên do là sau nhiều thời điểm giá quả su su bấp bênh, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc tìm giải pháp giúp người trồng nâng giá trị, trong đó chú trọng đến chất lượng, xây dựng và quảng bá thương hiệu su su Sa Pa. Quả su su Sa Pa được tiêu thụ theo hình thức các tư thương, hợp tác xã và doanh nghiệp đến tận vườn thu mua, sau đó phân phối ra thị trường lân cận và đưa vào nhiều siêu thị nổi tiếng của Việt Nam. Hiện nay, vùng trồng su su Sa Pa không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động người địa phương.

Ông Vũ Xuân Quý, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Mỗi năm, Sa Pa cung cấp 4.000 tấn quả su su ra thị trường. Su su Sa Pa chủ yếu được trồng theo phương pháp hữu cơ, an toàn sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Giá quả su su đầu vụ năm nay ổn định và có lợi cho người trồng. Ngành nông nghiệp thị xã đang tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu quả su su Sa Pa để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập và làm giàu.

Cây mắc ca phát triển phù hợp ở Điện Biên

 

mac-ca.jpg

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi khảo sát diện tích trồng mắc ca tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển cây mắc ca, tỉnh Điện Biên đã cho chủ trương đầu tư 5 dự án trồng mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tổng quy mô trồng tập trung trên 17.200ha. Đến nay, 8/10 địa phương đã trồng mắc ca, tổng diện tích hơn 3.200ha theo 2 hình thức trồng thuần và trồng xen.

Hiện, có khoảng 8ha cho thu hoạch, tổng sản lượng giai đoạn 2015 - 2019 đạt gần 35 tấn. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án và đảm bảo quyền lợi của người dân góp đất trồng mắc ca, tỉnh Điện Biên đã quyết định cơ chế sử dụng đất, chia sẻ lợi ích giữa 2 bên cụ thể, chi tiết và có sự ràng buộc. Tuy nhiên, do là loại cây trồng mới, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây mắc ca...

Huyện Tuần Giáo - địa phương có diện tích trồng mắc ca lớn nhất tỉnh Điện Biên hiện nay (hơn 1.400ha). Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết diện tích mắc ca đã trồng từ 3 - 4 năm đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích đang có quả chuẩn bị cho thu hoạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, mô hình liên kết các nhà, trong đó những người góp đất trồng mắc ca được coi là chủ thể cùng với sự hỗ trợ của chủ đầu tư là cách làm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để hoàn thành mục tiêu trồng 2.000ha mắc ca tại địa phương...

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao phương pháp, cách làm và những giải pháp mà tỉnh Điện Biên đang thực hiện trong việc quy hoạch, phát triển cây mắc ca. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, mắc ca là cây đa mục tiêu, đối với diện tích đất chưa có rừng, tỉnh chủ động xây dựng quy hoạch cụ thể để quyết định có mở rộng diện tích hay không; tuy nhiên, cũng phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Mở rộng diện tích trồng phải gắn với phương án chế biến tại chỗ và nghiên cứu thị trường đầu ra cũng như giá thành sản phẩm...

Mùa thu hoạch chanh leo ở Thuận Châu

Hơn 5 năm qua, cây chanh leo đã được đưa vào trồng trên những nương, đồi ở huyện Thuận Châu (Sơn La), từ vài chục ha ban đầu, đến nay phát triển mở rộng lên trên 230 ha.

Cây chanh leo đã và đang làm thay đổi tư duy sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mở ra hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

 

chanh-leo.jpg

Người dân xã Chiềng Pha thu hoạch chanh leo.

 

Nhắc đến cây chanh leo ở Thuận Châu, có lẽ ít ai hiểu rõ hơn chị Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu, có trụ sở tại xã Phổng Lái. Là người gắn bó với cây chanh leo từ những ngày đầu tiên, nắm rõ từng vùng trồng chanh leo trên đất Thuận Châu, chị Bình đã cùng với HTX chủ động liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua quả chanh leo cho người dân.

Sản phẩm chanh leo của Thuận Châu đã được đem đi trưng bày, giới thiệu tại nhiều Hội chợ, Tuần nông sản tại Sơn La, Mộc Châu, Hà Nội... được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Ngoài việc xuất bán quả tươi ra thị trường, HTX Chanh leo Thuận Châu đã nghiên cứu, sản xuất thành công nước chanh leo cô đặc.

Xã Mường É cũng là địa phương có diện tích cây chanh leo tương đối lớn (trên 40 ha). Ghé thăm vườn chanh leo của gia đình anh Lường Văn Soạn ở bản Há Tốc, chúng tôi bị cuốn hút bởi vườn chanh leo sai trĩu, quả to tròn, xanh óng. Mặc dù chỉ với 5.000 m² đất trồng, nhưng theo tính toán của anh Soạn sản lượng chanh năm nay dự kiến đạt trên 10 tấn, với giá bán bình quân 5.000 – 8.000 đồng/kg, gia đình anh sẽ thu khoảng 70 triệu đồng.

Nhằm phát triển cây chanh leo theo hướng bền vững, huyện Thuận Châu đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc rà soát vùng trồng chanh leo, tuyên truyền và vận động bà con tham gia trồng tập trung tại các xã: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập, Chiềng Bôm, Muổi Nọi, Chiềng Ly và Bon Phặng. 

Liên Hòa mở rộng diện tích cây gai xanh

 

gai-xanh.jpg

Nhân dân bản Lắm, xã Liên Hòa (Vân Hồ) thu hoạch cây gai xanh.

 

Những năm gần đây, xã Liên Hòa (Vân Hồ) đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Liên Hòa là xã vùng III, từ nhiều năm nay, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào canh tác cây ngô, sắn, lúa. Năm 2017, Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước (Hà Nội) trồng thí điểm hơn 2.000 m² cây gai xanh, thay thế diện tích đất trồng ngô tại bản Nôn. Đây là loại cây ít bị sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, sau khi trồng khoảng 3 tháng là được thu hoạch và không phải trồng lại, sau 55-60 ngày có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Đặc biệt, cây gai xanh không làm đất bạc màu, lá cây có thể tận dụng làm phân bón giúp đất tơi xốp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác.

Ông Vì Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã thông tin: Sau khi trồng thí điểm, nhận thấy điều kiện tự nhiên của xã có khí hậu nóng ẩm, phần lớn là đất đồi, phù hợp cho việc trồng cây gai xanh, xã đã vận động người dân trồng gần 40 ha ở bản Nôn, Suối Nậu và bản Ngậm. Những ngày đầu triển khai, người dân được Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước cung ứng cây giống, phân bón bằng hình thức vay trả chậm và chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Cùng với đó, để giúp nhân dân mở rộng diện tích vùng trồng gai xanh, năm 2019, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở 3 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây gai xanh cho gần 100 lượt người. Khuyến khích các hộ dân trồng trước có kinh nghiệm hướng dẫn những hộ dân mới trồng, nhờ vậy diện tích vùng trồng gai xanh ngày càng mở rộng. Hiện, toàn xã có 87 ha cây gai xanh đã cho thu hoạch sản lượng đạt gần 2 tấn vỏ khô/ha/năm, với giá thu mua 40 nghìn đồng/kg đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Gia đình ông Lý Văn Danh, bản Suối Nậu, là hộ đầu tiên trồng cây gai xanh ở bản, ông Danh cho biết: Đầu năm 2018, gia đình tôi chuyển đổi 5.000 m² đất trồng ngô sang trồng gai xanh, được Công ty An Phước hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên yên tâm sản xuất. Trung bình thu hơn 1 tấn sợi/năm, sau khi trừ chi phí gia đình thu trên 30 triệu đồng. Nếu so với trồng ngô trên cùng diện tích trên thì cây gai xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với kết quả tích cực, cây gai xanh dần trở thành cây trồng mới mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở Liên Hòa. Hiện nay, xã đang tiếp tục vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây gai xanh, phấn đấu hết năm nay toàn xã có 100 ha cây gai xanh, góp phần giúp người dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top