Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 12 năm 2018 | 10:25

Tin NN Tây Bắc: Rau Gia Phú sẵn sàng phục vụ Tết

Thời điểm này, nông dân xã Gia Phú đang tập trung tối đa nhân lực để chăm sóc diện tích rau màu, mục tiêu hướng đến là vụ đông thắng lợi toàn diện.

gia-phu.jpg
Ảnh: Báo Lào Cai

 

Ông Lưu Hoàng Điểu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết, vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng được hơn 185ha cây trồng vụ đông, trong đó, vùng chuyên canh ở địa phương duy trì khoảng 172ha phục vụ thị trường Tết.

Để đảm bảo rau, đậu bán được giá và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh dịp Tết Nguyên đán 2019, thì các chủng loại được người dân đưa vào gieo trồng rất phong phú và đa dạng như: Rau cải và đậu các loại, cà chua, súp lơ, xà lách, su su, rau gia vị, mướp…

Ông Lưu Hoàng Điểu cho biết thêm, với việc phát triển, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông, trong đó đẩy mạnh đưa giống cây rau màu mới, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón và duy trì ổn định diện tích vùng trồng rau đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã với mức bình quân đạt 32,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,2%.

Tà Mít phát triển nghề nuôi cá lồng

Khai thác lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, xã Tà Mít (Tân Uyên, Lai Châu) vận động Nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định.

 

lai-chau.jpg

Người dân xã Tà Mít nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Xã tổ chức cho bà con đi tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Cùng với đó, vận động Nhân dân phối hợp với Công ty Cổ phần Sông Thiên Đức (tỉnh Bắc Ninh) phát triển vùng nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Công ty có trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và bao tiêu đầu ra giúp bà con yên tâm đầu tư ngành nghề mới này. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu làm lồng bằng tre, nứa, luồng, hiện nay đã chuyển sang lồng bằng lưới quây vừa giảm chi phí lại có hiệu quả kinh tế cao. Hàng tháng, Công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn các hộ lựa chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đảm bảo đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Đức Công - Chủ tịch UBND xã Tà Mít cho biết: “Với nhiều vị trí lòng hồ có diện tích bề mặt rộng từ 2-3km, mực nước sâu vài chục mét, nguồn nước sạch vì không có chất thải từ các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi, lý tưởng để Nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ. Vì vậy, từ năm 2017, xã vận động mở rộng diện tích nuôi cá lồng và được Nhân dân tích cực hưởng ứng. Ngoài phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia định hướng, bao tiêu sản phẩm, năm nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh với số tiền 1 tỷ 520 triệu đồng, xã giải ngân cho 11 hộ tham gia nuôi cá lồng toàn bộ cá giống và một phần thức ăn cho cá”.

Hiện, xã có trên địa bàn có 130 lồng nuôi cá, trong đó 85 lồng của 13 hộ gia đình trong xã, còn lại là của Công ty Cổ phần Sông Thiên Đức. Các giống cá chủ yếu là trắm, chép, rô phi, trê, tầm, lăng… Theo tính toán của bà con, nuôi cá lồng trên hồ hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi theo phương thức truyền thống quảng canh với ưu điểm cá sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao, kiểm soát được dịch bệnh. Trung bình mỗi lồng thu hơn 1 tấn cá tùy theo từng loại, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng/lồng. Về đầu ra sản phẩm, ngoài Công ty thu mua, một số hộ ký kết với các đơn vị trường học có bếp ăn tập thể. Bà con cũng mang cá ra chợ trung tâm huyện để bán.

Si Ma Cai phòng, chống đói, rét cho gia súc

Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) hiện có 19.927 con gia súc các loại, trong đó có 13.400 con trâu, hơn 6.000 con bò và 500 con ngựa. Đây đều là những loại gia súc có sức chịu rét kém, dễ bị dịch bệnh nếu chăm sóc không chu đáo, nhất là trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Để đảm bảo cho đàn gia súc phát triển ổn định, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các xã vận động người dân tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc trong 2 đợt với hàng nghìn liều vắc xin các loại, đồng thời hướng dẫn người dân dự trữ thức ăn cho gia súc.

Đến nay, có hơn 3.000 hộ dự trữ được 200 kg thức ăn khô trở lên, 1.500 hộ dự trữ dưới 200 kg và người dân đã trồng 21 ha ngô dày làm thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, che chắn không để gió lùa, có thể sưởi ấm cho gia súc những ngày rét hại và cho gia súc ăn thêm thức ăn tinh bột để gia súc có sức đề kháng với dịch bệnh, đồng thời không chăn thả gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

 

chong-ret.jpg

Hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, phòng, chống rét cho gia súc tại xã Mản Thẩn. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vào mùa đông, nguồn cỏ trồng và cỏ tự nhiên không còn đáp ứng đủ cho gia súc. Do đó, ngay sau khi các xã bước vào thu hoạch lúa chính vụ, ngành nông nghiệp huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân tích trữ rơm, rạ và một số phụ phẩm nông nghiệp khác để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc; tập trung chăm sóc diện tích cỏ trồng, bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, cây chuối... và cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng. Cùng với đó là khuyến khích bà con đầu tư làm mới và tu sửa chuồng trại, che chắn chống rét, thực hiện nuôi nhốt, không chăn thả gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Phụ nữ Thượng Bằng La làm giàu từ cây ăn quả

Xã Thượng Bằng La (Văn Chấn, Yên Bái) có gần 500 ha cam; trong đó, có khoảng 50% diện tích đang cho thu hoạch, chủ yếu là các loại cam: đường canh, cam chanh, cam sành, cam Vinh, cam Va-len-xi-a, cam chín sớm CS1…

 

lam-giau.jpg

Mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình chị Đặng Thị Liên ở thôn 5, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Dưới chân núi Tè có mô hình trồng cam Đường canh, cam Vinh của chị Đặng Thị Liên được chuyển đổi từ vườn chè cỗi kém hiệu quả. Hiện, gia đình chị Liên có 350 gốc cam đã cho thu hoạch và thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. 

Chị Liên cho hay: "Ở thôn 5, hầu hết các hộ đều trồng cam, nên để giúp nhau nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam sạch cho thị trường, chúng tôi đặc biệt quan tâm cập nhật kỹ thuật sản xuất an toàn”. 

Năm 2018, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn trên 5 tỷ đồng; duy trì mô hình hội viên tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng tạo nguồn vốn vay tại chỗ và toàn xã có 6 tổ với tổng số tiền tiết kiệm trên 312 triệu đồng. 

Hiện tại, Hội Phụ nữ xã Thượng Bằng La có hàng trăm hộ hội viên có mô hình kinh tế có thu nhập cao, trong đó, thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng có 175 hộ; từ 100 - 200 triệu đồng có 84 hộ; trên 200 triệu đồng có 19 hộ, 6 hộ có thu nhập 500 - 800 triệu đồng; trên 1 tỷ đồng có 3 hộ.

Người dân xã Cao Sơn lao đao vì củ đót tụt giá thảm hại

Được kỳ vọng là cây xóa đói, giảm nghèo nhưng những vụ mùa gần đây, dong riềng (hay còn gọi là củ đót) liên tục rớt giá thảm hại. Những ngày này, bà con xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình) ngậm ngùi đào dong riềng bán với giá chỉ vài trăm đồng một cân.

 

cu-dot.jpg

Mặc dù giá bán rất thấp nhưng vợ chồng ông Bàn Văn Tơn, xóm Tằm, xã Cao Sơn (Đà Bắc) vẫn  ngậm ngùi thu hoạch dong riềng để có đất kịp làm vụ mới. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Đến huyện vùng cao Đà Bắc, nhắc đến cây dong riềng ai cũng biết. Xã Cao Sơn trồng nhiều loại cây này. Theo đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã: Những năm gần đây, diện tích trồng dong riềng ở Cao Sơn dao động từ 250 - 300 ha/năm. Đây được coi là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con. Có những thời điểm, người dân coi dong riềng không chỉ là cây giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu khi giá bán tăng lên 2.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm được ít hơn năm mất, dong riềng liên tục rớt giá, tính ra giá trị kinh tế chưa bằng cây ngô, cây sắn. Còn vụ này, giá dong riềng lập "đáy” mới…

"Nếu không đào bán thì không có đất để làm vụ mới, giá thấp thế này thì còn thua cây ngô, cây sắn”, ông Bàn Văn Tơn, xóm Tằm chia sẻ. Hai hôm nay, vợ chồng ông Sơn  đắn đo không biết nên đào dong riềng bán hay không vì giá quá thấp, chỉ từ 550 - 600 đồng/kg. Mấy năm trở lại đây, gia đình ông Tơn duy trì trồng hơn 2.000 m2 dong riềng. Vụ năm ngoái, bán từ 1.500 - 2.000 đồng/kg đã đem lại cho gia đình ông hơn 8 triệu đồng. "Việc trồng, chăm sóc dong riềng không quá vất vả, nếu giá bán 1.500 đồng/kg đã có lãi. Còn với giá như hiện nay chúng tôi làm không có công, thậm chí chưa đủ tiền đầu tư giống và phân bón”, ông Tơn ngán ngẩm. 

Ở xã Cao Sơn, những xóm trồng nhiều dong riềng nhất gồm: Sèo, Sơn Phú, Nà Chiếu. Tính đến thời điểm này, khoảng một nửa diện tích dong riềng của xã đã được thu hoạch. Theo đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã, để tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, một xưởng sản xuất miến dong ở Cao Sơn đã được thành lập. Những ngày gần đây, xưởng mới bắt đầu hoạt động trở lại. 

Cây bưởi trên đất Mai Sơn

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn (Sơn La) có 273 ha đất trồng bưởi, tập trung ở các xã: Cò Nòi, Hát Lót, Mường Bon, Chiềng Mung, Chiềng Ban và thị trấn Hát Lót; với các giống bưởi chủ yếu là bưởi da xanh, bưởi Diễn, được trồng theo quy trình kỹ thuật khoa học mới, như tỉa cành, bón phân, thực hiện nguyên tắc “4 đúng” về thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất; năng suất bình quân trên 15-18 tấn/ha.

 

trong-buoi.JPG

Ảnh: Báo Sơn La

 

Được trồng từ năm 2013, bưởi da xanh thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Mai Sơn. Theo những người làm vườn, bưởi da xanh có sức đề kháng tốt, chống chịu được với thời tiết, khí hậu cực đoan như lạnh giá, sương muối, chỉ sau 3 năm trồng và chăm sóc đã cho thu hoạch, nếu chiết ghép cải tạo thì chỉ sau 1 năm đã cho thu quả. Đặc biệt bưởi da xanh có thời gian thu hoạch khá dài, từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 1 năm sau, do đó hiệu quả kinh tế cao. Bưởi da xanh nếu chăm bón tốt có thể đạt trọng lượng trung bình 2kg/quả, có quả đạt từ 2,5-3kg, một ha cho thu hoạch khoảng 15-20 tấn quả, với giá bán tại vườn từ 35-50 nghìn đồng/kg sẽ cho nguồn thu từ 600-800 triệu đồng.

Còn bưởi Diễn, tuy chất lượng trồng ở vùng đồi núi không đạt 100% như trồng ở đồng bằng. Bù lại, bưởi Diễn trồng ở đây có ưu điểm là hằng năm ra quả đều hơn so với miền xuôi; ưu điểm nữa của bưởi Diễn là thường chín rộ vào những ngày đầu tháng Chạp, nên đáp ứng được nhu cầu sử dụng bưởi trong dịp Tết của người dân...

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top