Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 1 năm 2020 | 13:52

Tin NN Tây Bắc: Rộn ràng sản xuất mùa vụ ngày giáp Tết

Trên những cánh đồng ở Điện Biên, dù giáp Tết, nông dân vẫn hăng say lao động. Người làm đất, người gieo lúa nhằm đảm bảo khung lịch gieo cấy lúa đông xuân 2019 - 2020… tạo nên bức tranh ruộng đồng ngày giáp tết thêm rộn ràng, tươi mới.

sx.jpg

Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) cấy lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 bằng máy kéo tay. Ảnh: Báo Điện Biên.

 

Nhờ thời tiết thuận lợi nên hiện nay gia đình ông Quàng Văn Inh ở đội 15, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) đã xuống giống trên diện tích 2.500m2 lúa vụ đông xuân. Ông Inh cho biết: Năm nay để ứng phó với thời tiết, tránh không để mạ bị chết rét như một số vụ đông xuân trước đây, khi trời nắng ấm tôi tranh thủ xuống giống ngay mặc dù sớm hơn so với lịch thời vụ vài ngày, chủ yếu là giống lúa Nam Hương. 2 vụ sản xuất gần đây, tôi sử dụng máy cấy nên phải làm mạ từ giữa tháng 12/2019, do vụ đông xuân thời tiết lạnh nên làm mạ khoảng 20 ngày mới cấy được. Nhờ cấy bằng máy mà gia đình tôi tiết kiệm được nhiều thời gian và công tỉa dặm, dự kiến ngày 24 - 25 tháng Chạp là được nghỉ, không như mọi năm cứ phải làm đồng đến 28 - 29 tết, sau đó mới đi sắm tết được.

Trên cánh đồng xã Thanh Yên, trời đã gần tối nhưng chị Ðặng Thị Yên, ở thôn C3 vẫn cần mẫn gieo sạ. Chị Yên chia sẻ: Vụ đông xuân 2019 - 2020, thời tiết thuận lợi, không rét đậm kéo dài nên việc đồng ruộng làm nhanh hơn. Gia đình tôi canh tác trên diện tích gần 5.000m2 ruộng, do các chân ruộng không tập trung nên làm xong mảnh ruộng nào là khẩn trương gieo cấy mảnh ruộng khác. Năm nay, tết đến sớm nên xuống giống xong là tôi cũng chuẩn bị, mua sắm tết cho gia đình. Năm ngoái, tết vào đúng thời điểm lúa đến thời kỳ tỉa dặm, phải đến 29 - 30 tết tôi mới xong việc đồng áng, không có thời gian để sắm sửa tết.

Theo kế hoạch vụ đông xuân 2019 - 2020, trên địa bàn 21 xã của huyện Ðiện Biên có hơn 4.072ha lúa được đưa vào sản xuất, với cơ cấu giống gồm: IR64, Bắc thơm số 7, Séng cù và một số giống địa phương khác. Ðể vụ đông xuân  thắng lợi, ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Ðến thời điểm này, toàn huyện gieo cấy được 90% - 95% diện tích, còn một số xã khu vực cuối kênh như Sam Mứn, Pom Lót… nông dân đang làm đất, phấn đấu cơ bản hoàn thành gieo cấy trước tết Nguyên đán. Hiện nay cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân thường xuyên thăm nom đồng ruộng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích đã cấy để bảo đảm cây lúa bén rễ nhanh, sinh trưởng tốt. Vụ đông xuân 2019 - 2020 huyện Ðiện Biên có khoảng 250ha đất ruộng bị hạn, không đủ nước để gieo cấy lúa, do đó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác như ngô, lạc, rau màu…

Khởi sắc nơi biên cương

Nhờ có đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, xã Thu Lũm (huyện Mường Tè, Lai Châu) thực sự đổi thay với tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

 

bien-cuong.jpg

Người dân bản Pa Thắng chăm sóc nương sả. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Xuân này đến thăm xã Thu Lũm, chúng tôi thấy cảnh sắc nơi đây đổi khác, các bản người Hà Nhì, người Dao khoác lên mình “chiếc áo mới”, đồng ruộng, nương sả phủ xanh những vùng đất cằn cối khi trước. Xuân đang gõ cửa từng nhà, các gia đình tất bật sửa sang nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt sau những thành công từ sản xuất hoa màu, sả và nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Chu Chà Xá ở bản Pa Thắng chia sẻ: Năm nay, nương sả 1ha của gia đình tôi sản xuất thuận lợi, tăng nguồn thu nhập nên có điều kiện sắm sửa đón tết đủ đầy. Tôi còn nuôi 7 con lợn và gần 100 con gia cầm, mỗi lứa xuất bán đều có lãi cao. Thu nhập mỗi năm (trừ chi phí) gần 100 triệu đồng. Đó là nhờ vào sự định hướng đúng đắn của xã giúp tôi và người dân trong bản thay đổi cách nghĩ, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương.

Ngày trước, cuộc sống của người dân 9 bản của xã còn gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, chia cắt, đất sản xuất thiếu, giao thông không thuận lợi.

Đặt trọn niềm tin vào Đảng, Nhà nước, Nhân dân không còn vượt biên trái phép mà an cư để lạc nghiệp, tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua. Tự nguyện hiến 2.790m2 đất, 45.398 ngày công, trên 278 triệu đồng xây dựng nông thôn mới; tích cực khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, sả. Với 184,5ha lúa ruộng và 80ha nương ngô sản xuất 1 vụ/năm, nhiều giống lúa, ngô có chất lượng được đưa vào trồng như: PC6, thiên ưu 8, hương thơm số 1, MX6, CP989, VN 10, đạt năng suất cao, bình quân lương thực đầu người đạt 450kg/năm.

Đặc biệt, 500ha nương sả, thu hoạch chiết xuất tinh dầu đạt 58.170 lít, giá trị ước đạt trên 17 tỷ đồng năm 2019. Dưới tán rừng, Nhân dân trồng 857ha cây thảo quả. Đồng thời, trồng các loại cây dược liệu như: tam thất, sa nhân với diện tích hơn 205ha.

Tận dụng bãi chăn thả rộng, bà con trồng thêm cỏ voi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đại gia súc. Đã hình thành trang trại chăn nuôi quy mô từ 50 - 150 con gia súc. Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã đạt 1.848 con, đàn gia cầm gần 9.000 con. Từ hơn 9.000ha rừng được bảo vệ, tỷ lệ che phủ đạt 81,80%, năm 2019, gần 10 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được cấp phát tới người dân.

Theo số liệu thống kê của xã, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 25,6%, thu nhập đạt 33 triệu đồng/người/năm. Anh Phùng Lòng Kà – Chủ tịch UBND xã khẳng định: Có được kết quả trên là sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong xã. Xã sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác giảm nghèo; duy trì và phát huy những kết quả đạt được; tuyên dương, nhân rộng gương điển hình tiên tiến.

Thức dậy Đông hồ

Mươi, mười lăm năm về trước nói đến vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái) là nói tới một vùng quê nghèo khó, nơi người dân chật vật bươn chải với nương đồi, sông nước. Còn giờ đây, Đông hồ đang chuyển mình trong đổi mới với khát vọng vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

dong-ho.jpg
Ông Nguyễn Xuân Lộc ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: Báo Yên Bái
 

Những năm 2000, khi tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên được đưa vào khai thác, nhiều người dân sống dọc con đường không giấu nổi niềm vui khi giao thương thuận lợi, mở ra cơ hội giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. 

Các địa phương từ Vĩnh Kiên, Yên Bình đến Bạch Hà, Vũ Linh hay Phúc An… cũng xác định, đây là điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nên hàng năm, cấp ủy, chính quyền các xã đã chủ động trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch cả về diện tích, năng xuất, sản lượng; tập trung phát triển vùng cây ăn quả có múi, vùng chè nguyên liệu, vùng trọng điểm sản xuất thâm canh lúa, phát triển thủy sản hồ Thác Bà, chăn nuôi gia súc… Bởi thế mà giờ đây khu vực trung tâm các xã dọc tuyến đường đã hình thành những cụm dân cư đông đúc, kinh tế phát triển. 

Đồng chí Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An chia sẻ: "So với những năm trước, mấy năm nay, bộ mặt nông thôn của Phúc An đã thay đổi rất nhiều. Mặc dù vẫn là xã đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay Phúc An đã có 12/19 tiêu chí của xã nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 11,05%”. 

Ở Phúc An, có đến 70% dân số là người dân tộc Dao, Cao Lan, trình độ dân trí không đồng đều, nguồn thu nhập chính vẫn dựa vào rừng và đánh bắt thủy sản trên hồ, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Tiềm năng thì có nhiều nhưng chưa thể khai thác. 

Chậm rãi khua mái chèo sang vườn bưởi của gia đình, lão nông Nguyễn Xuân Lộc ở thôn Đồng Tý hồ hởi giới thiệu thành quả của 6 năm bới đất, lật cỏ chăm sóc cho 1,8 ha cây ăn quả với 400 gốc bưởi Diễn, da xanh, Đại Minh của gia đình. 

Ông Lộc cho biết: "Mảnh đất này tôi đã trồng đủ loại cây từ cà phê, đến bạch đàn nhưng đến giờ cây bưởi cho thu hoạch thì đây là loại cây đem lại giá trị kinh tế cao nhất. Số tiền lãi của vụ bưởi năm nay tôi dự định tiếp tục đầu tư vào vườn bưởi”. 

Ý chí vươn lên cùng sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật, về các dự án phát triển sản xuất với những mô hình chuyên canh, phát triển chăn nuôi hàng hóa… đã giúp nông thôn Phúc An đổi mới. Bên cạnh phát triển cây lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng rau màu… Phúc An đã có 15,6 ha cây ăn quả. 

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kiên Vũ Thành Vinh cho biết: "Với tư duy đổi mới về lãnh đạo kinh tế, Đảng bộ đã thường xuyên quan tâm và tăng cường sự lãnh đạo, do vậy, trong những năm gần đây, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế của Vĩnh Kiên luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Tân Lạc chuyển dịch từ trồng ngô lấy hạt sang ngô sinh khối

Ở vài vụ sản xuất gần đây, thay vì trồng ngô lấy hạt theo cách truyền thống, một số diện tích được người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu (Hòa Bình) chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối. Với 2 vụ/năm, thường thì ở vụ hè thu, diện tích trồng ngô sinh khối chủ yếu đáp ứng nhu cầu thu mua của các đơn vị tỉnh ngoài. Vụ đông xuân, bà con giữ lại hầu hết diện tích để phục vụ chăn nuôi.

Điều đáng nói là trồng ngô sinh khối, thời vụ được rút ngắn hơn, giá trị thu nhập tương đương so với trồng ngô lấy hạt. Tân Lạc là một trong những địa phương chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối khá mạnh.

 

trong-ngo.jpg

Hộ chăn nuôi các huyện Tân lạc đang chuyển dịch trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi ở vụ đông. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Ông Bùi Văn Tương ở xóm Mí, xã Bắc Sơn vừa thu hoạch xong 7.000 m2 ngô sinh khối. Thương lái từ Mộc Châu (Sơn La) về xóm thu mua và xử lý, chế biến cả cây gồm phần thân, lá, bắp non thành thức ăn chăn nuôi phục vụ các trang trại nuôi bò sữa chất lượng cao. Ông Tương cho biết: Trước đây, tôi trồng ngô hạt, năng suất cũng khá, nhưng từ khi chuyển sang trồng sinh khối, thời gian thu hoạch được rút ngắn đi. Vụ vừa rồi, tôi thu 11 tấn sinh khối, bán tại ruộng với giá 10.000 đồng - 12.000 đồng/yến, mang lại thu nhập hơn chục triệu đồng. Một mặt, tôi để dành theo khoảng và trồng thêm ngô gieo dày để phục vụ sản xuất chăn nuôi của gia đình. Với đàn gia súc lớn, thân, lá ngô là nguồn thức ăn xanh nhiều dinh dưỡng.

Theo anh Đinh Văn Oan, Trưởng xóm Mí, người dân xóm Mí đã bắt đầu chuyển đổi trồng ngô sinh khối kể từ năm 2017 đến nay. Hiện, có 65 hộ tham gia trồng với tổng diện tích khoảng 15 ha. Nếu ở vụ hè thu, toàn bộ diện tích đều được trồng hàng hóa để bán cho chăn nuôi khu vực tỉnh bạn thì ở vụ đông, phần lớn diện tích được bà con trong xóm giữ lại làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Trong điều kiện vùng cao khắc nghiệt, việc lựa chọn cây ngô gieo dầy, ngô sinh khối để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò trong những ngày mưa rét được các hộ chú trọng.

Với xã Địch Giáo, kể từ vụ đông 2019, tận dụng lợi thế về đồng đất bãi, bà con nông dân bước đầu thực hiện thí điểm trồng 5 ha ngô sinh khối. Anh Bùi Thanh Tùng, công chức Địa chính - Nông nghiệp xã cho biết: UBND xã đã tuyên truyền, vận động nông dân trồng ngô đông với tổng diện tích 24 ha. Diện tích này bao gồm cả trồng ngô lấy hạt và sinh khối làm nguồn thức ăn cho gia súc. Công tác tuyên truyền, vận động chuyển đổi, tận dụng diện tích đất bãi màu trồng ngô được bà con các xóm tích cực hưởng ứng, nhất là ở một số xóm như Kem, Kha Lạ... Cách làm này cũng góp phần gia tăng giá trị kinh tế đối với cây ngô, đảm bảo nguồn lương thực dự trữ quanh năm cho đàn gia súc.

Vấn đề đặt ra hiện nay là trồng ngô sinh khối để bán cho thị trường hàng hóa đang chỉ dừng lại ở mức độ tự phát. Người dân chưa thực sự yên tâm về đầu ra bởi không có liên kết sản xuất và tiêu thụ, không có hợp đồng giao dịch mua bán, bao tiêu. Các xã có diện tích trồng ngô sinh khối tập trung gồm Địch Giáo, Lũng Vân, Bắc Sơn, Phú Vinh, Phú Cường... Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho rằng, điều quan trọng qua thực hiện chuyển đổi mô hình này là nâng cao nhận thức của người dân trong việc đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, ý thức chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc ở vụ đông được nâng lên rõ rệt. Về đầu ra, trong trường hợp ngô sinh khối bấp bênh tiêu thụ, sản xuất của người dân không bị ảnh hưởng nhiều vì vẫn cho thu hạt.

Tổng đàn trâu, bò hiện có toàn huyện khoảng trên 26.000 con. Ở vụ đông, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngoài lượng rơm rạ gom được sau thu hoạch lúa mùa thì diện tích ngô, mía là nguồn thức ăn chăn nuôi dự trữ chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh diện tích cỏ voi, cỏ VA06 khoảng hơn 50 ha, vụ đông này, toàn huyện trồng trên 1.100 ha ngô, trong đó, diện tích ngô sinh khối, ngô gieo dày phục vụ nhu cầu chăn nuôi của các hộ khoảng 200 ha.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top