Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2019 | 21:59

Tin NN Tây Bắc: Sản lượng nhãn Sông Mã ước trên 30.000 tấn

Sông Mã hiện là địa phương có nhiều diện tích nhãn nhất trong tỉnh. Năm 2019, huyện dự kiến xuất khẩu 25 tấn nhãn quả tươi sang thị trường Australia, Mỹ và Trung Quốc.

nhan.jpg

Hiện, huyện đang tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, tập đoàn với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cây ăn quả để xuất khẩu nhãn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Toàn huyện hiện có 6.736 ha nhãn, năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha, sản lượng ước trên 30.000 tấn. Huyện có 41 HTX nông nghiệp; trong đó, 17 HTX tham gia sản xuất nhãn theo chuỗi giá trị với diện tích 358 ha.

Nhằm thực hiện chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, trong 3 năm (2016-2018), huyện đã xây dựng và thực hiện các mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP) với các hộ thành viên của 9 HTX sản xuất nhãn tham gia, diện tích 318 ha.

Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh Sơn La sẽ xuất khẩu sản phẩm nhãn quả tươi sang thị trường các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE... khoảng 8.100 tấn, giá trị hàng hóa ước đạt 8,8 triệu USD. Đối với sản phẩm nhãn chế biến xuất khẩu dự kiến là 1.720 tấn, giá trị hàng hóa ước đạt trên 1,8 triệu USD, chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc...

Tại thị trường trong nước, tỉnh Sơn La liên kết với các tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn… tiêu thụ nhãn theo các kênh phân phối trong nước, như các chợ đầu mối, chợ truyền thống bán lẻ; dự kiến sản lượng tiêu thụ khoảng 40.000 tấn. Đây là tín hiệu vui đối với các HTX, người nông dân trồng nhãn.

Thử nghiệm cây cà gai leo tại thôn Cao Bình

Thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có khí hậu ôn hòa, quanh năm sương mù bao phủ nên được ví như Sapa. Điều kiện thời tiết, khí hậu ở đây đã được các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá, thuận lợi cho phát triển cây dược liệu. Do đó, UBND xã đã đưa cây cà gai leo vào trồng thử nghiệm.

 

ca-gai.jpg

Mô hình trồng cà gai leo của anh La Văn Du (người thứ 2 từ trái sang) thôn Cao Bình, Hùng Mỹ. Ảnh: Báo Tuyên Quang

 

Anh La Văn Du cho biết, gia đình anh có 4.000 m2 đất trồng sắn kém hiệu quả được anh chuyển sang trồng cà gai leo, nay đã lên xanh tốt. Khi được chính quyền xã, trưởng thôn phổ biến về thử nghiệm trồng cây dược liệu, gia đình đăng ký tham gia, được hỗ trợ một phần cây giống, kỹ thuật chăm sóc, được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên cảm thấy rất yên tâm về giống cây trồng mới này. 

Toàn thôn Cao Bình hiện có 75 hộ dân, 100% đều là đồng bào dân tộc Tày và Dao, có 40 hộ là thuộc diện hộ nghèo. Mô hình trồng cà gai được triển khai từ tháng 5 năm nay, với 19 hộ tham gia trồng 2 ha, nhiều nhất là gia đình anh La Văn Du có 4.000 m2, anh Triệu Văn Hưng 3.000 m2, anh Lý Văn Hứa 2.000 m2... Các hộ dân tham gia mô hình ngoài việc được hỗ trợ cây giống còn được hỗ trợ 1 triệu đồng tiền phân bón, hỗ trợ công vận chuyển khi thu hoạch... Cà gai leo là cây thân thảo, có khả năng chịu hạn cao, đây là cây thuốc nam đặc biệt tốt cho gan, cà gai leo có thể phơi khô hoặc chế biến thành dạng cao đặc để sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nguyên liệu vẫn chủ yếu dựa vào thu hái ngoài tự nhiên, việc đưa vào trồng sẽ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, giống cây này cho thu hoạch 3 lần/năm, khoảng 10 lứa mới phải trồng lại. 

Hiện toàn bộ diện tích cà gai leo của thôn Cao Bình đã được Công ty cổ phần Tư vấn Phát triển nông thôn Xuân Mai (Hà Nội) đăng ký thu mua với giá 40 nghìn đồng/1kg khô. Trưởng thôn Lý Tiến Thắng cho biết, nếu tính trung bình 1.000 m2 cà gai leo hàng năm sẽ cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng, đây đang được coi là cây “giảm nghèo” cho nhân dân nơi đây.

Nông dân Nậm Tăm tập trung thu hoạch lúa, ngô vùng bán ngập

Với phương châm “chín đến đâu thu hoạch đến đó”, những ngày này, nông dân xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, ngô vùng bán ngập. Mặc dù bất lợi về thời tiết trong quá trình sinh trưởng nhưng toàn bộ diện tích sản xuất của xã đảm bảo năng suất, sản lượng.

Năm nay, gia đình anh Quàng Văn Ngoan ở bản Pá Khôm, xã Nậm Tăm gieo cấy 2.000m2 giống lúa PC6 trên vùng đất bán ngập thuộc lòng hồ Thủy điện Sơn La. Nếu như thời điểm này của năm trước, nước lòng hồ dâng cao gia đình anh đã không kịp thu hoạch thì năm nay anh đã có vụ lúa bội thu.     

lua.jpg

Gia đình anh Quàng Văn Ngoan thu hoạch lúa trồng trên đất bán ngập. Ảnh: Báo Sơn La

 

Anh Ngoan chia sẻ: Vì sợ nước lòng hồ dâng cao nên năm nay gia đình mình tổ chức gieo cấy từ tháng 3. Cũng khá lo lắng vì thời điểm cây lúa đang sinh trưởng và phát triển trời không có mưa, ngỡ sẽ mất mùa vậy mà giờ thu hoạch được 1 tấn thóc nên mừng lắm.

Năm nay, xã Nậm Tăm tổ chức gieo cấy 50ha lúa trên vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Sơn La, cơ cấu giống chủ yếu là PC6 và Nghi hương 2308. Các hộ gieo cấy tập trung ở 7 bản tái định cư, đến thời điểm hiện tại, bà con thu hoạch khoảng 50% diện tích. Qua đánh giá, năng suất lúa đạt 50 tạ/ha. Đối với diện tích ngô hiện cũng đã cho thu hoạch, năng suất đạt 40 tạ/ha.

Theo ông Cà Văn Nguyên – Chủ tịch UBND xã, trong năm nay, xã tổ chức gieo trồng 50ha lúa và 60ha ngô trên vùng đất bán ngập. Mặc dù gặp bất lợi về thời tiết cũng như bị sâu bệnh hại nhưng đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định đã thắng lợi. Với phương châm “chín đến đâu thu hoạch đến đó”, UBND xã vận động bà con thu hoạch trước khi nước lòng hồ dâng. Dự kiến đến đầu tháng 8 sẽ hoàn thành thu hoạch lúa, còn diện tích ngô phấn đấu hoàn thành khoảng 15/8. Các năm sau, tránh tình trạng ngập úng không kịp thu hoạch, chúng tôi tiếp tục vận động nông dân khi nước lòng hồ rút sẽ triển khai gieo trồng ngay.

Trồng sen – hướng phát triển kinh tế hiệu quả

 

sen.jpg

Đầm sen rộng gần 20ha của gia đình ông Thau khu 6, xã Dị Nậu. Ảnh: Báo Phú Thọ

 

Hiệu quả từ mô hình trồng sen mang lại giá trị thu nhập cao đã và đang khẳng định đây là một hướng phát triển kinh tế trong những năm trở lại đây ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông , Phú Thọ. Sen là giống cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, thích nghi tốt với những vùng đất trũng, ngập nước.

Gia đình ông Tạ Đình Thau ở khu 6 là một trong những người đầu tiên phát triển mô hình trồng sen ở Dị Nậu. Ông bắt đầu trồng sen từ năm 1998, với diện tích gần 20ha. Ông Thau chia sẻ: Sen là loại cây rất dễ trồng phù hợp với đồng trũng và ít tốn công chăm sóc, không phải phun thuốc trừ sâu mà giá bán sen hạt luôn cao và ổn định, thị trường tiêu thụ rộng. Thời điểm xuống giống sen là đầu tháng 2, đến tháng 3 sen bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch gương cho đến tháng 8”. Trồng sen chi phí thấp mà năng suất cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Ngoài ra, ông Thau còn cung cấp giống sen và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con ở nhiều địa phương. Theo ước tính với gần 20ha, sau mỗi vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch, gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng.

Dị Nậu là xã có nhiều cánh đồng trũng, ao, hồ nên rất thuận lợi trong việc trồng sen, vì vậy trong thời gian qua, xã đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện để bà con nông dân trên địa bàn đưa cây sen vào trồng kết hợp với nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa.

Ông Tạ Công Hải – Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: Trồng sen là mô hình không mới, nhưng để khuyến khích người dân xã cũng đã phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, cho bà con tham quan các mô hình trồng sen trên địa bàn. Tìm nguồn vốn vay cho hội viên có nhu cầu phát triển mô hình. Bên cạnh đó, về giống, kỹ thuật có thể học tập ngay tại các gia đình có nhiều năm kinh nghiệm. Chủ yếu nguồn đầu ra cho các sản phẩm từ sen luôn ổn định giúp bà con yên tâm phát triển và nhân rộng.

Điện Biên: Chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu, sâu cắn gié

Sâu keo mùa thu xuất hiện vào cuối tháng 4/2019 trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, rồi lây lan sang các huyện khác.

 

sau-keo.jpg
Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

Theo thống kê, đến nay đã có hơn 1.185ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu; trong đó 952ha nhiễm nhẹ, hơn 189ha nhiễm trung bình và 44,3ha nhiễm nặng. Mật độ sâu phổ biến từ 1 - 2 con/m2, có nơi cao từ 8 - 12 con/m2. Sâu keo mùa thu cũng lây lan và làm hại gần 70ha lúa vụ mùa trên địa bàn huyện Ðiện Biên và Tuần Giáo, với mật độ phổ biến từ 15 - 20 con/m2.

Cùng với sâu keo mùa thu, sâu cắn gié cũng đang là mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên lúa nương. Sâu cắn gié xuất hiện từ cuối tháng 6, đến nay đã lây lan tại 10/10 huyện, thị xã và thành phố, với tổng diện tích bị nhiễm hơn 1.012ha. Trong đó, gần 700ha diện tích bị nhiễm nhẹ, hơn 188ha bị nhiễm trung bình và gần 128ha bị nhiễm nặng, với mật độ phổ biến từ 20 - 40 con/m2, có những nơi lên đến 150 con/m2; những huyện bị nhiễm nặng là: Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông.

Ông Tòng Văn Lai, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Từ đầu tháng 6 đến nay, sâu keo mùa thu và sâu cắn gié gây hại ngô và lúa nương trên diện tích hơn 620ha; trong đó 245ha ngô và hơn 383ha lúa nương; mật độ trung bình từ 5 - 15 con/m2, nơi cao 25 con/m2.

Bà Nguyễn Thị Nhật, Phó phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðể hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện chủ động rà soát, nắm rõ diện tích trồng ngô, giống ngô, giai đoạn sinh trưởng để phục vụ việc điều tra và phòng trừ; xác định mật độ, tuổi sâu và thống kê diện tích nhiễm.

Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động theo dõi, phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ theo quy trình kỹ thuật; trong đó tập trung vào các biện pháp phòng chống tổng hợp như: Làm đất, luân canh, ngắt ổ trứng, sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non. Chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật ở những nơi có mật độ cao khi sâu tuổi nhỏ; phun trên cây ngô giai đoạn từ 5 - 7 lá bằng các thuốc có chứa hoạt chất: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacar, Lufenron. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát theo nguyên tắc “4 đúng”.

Ðối với thuốc trừ sâu cắn gié, hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có nên tạm thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu có hoạt chất vị độc, tiếp xúc để phun trừ. Do sâu cắn gié có khả năng kháng thuốc rất cao nên quá trình phun thuốc cần cân nhắc, tránh lạm dụng ảnh hưởng đến lúa. Những nơi mật độ từ 3 - 20 con/m2, sử dụng luân phiên thuốc có chứa hoạt chất Emamectin benzoat; những nơi sâu có mật độ cao, theo đàn thì sử dụng hỗn hợp thuốc có hoạt chất sinh học như: Emamectin benzoat với thuốc có chứa hoạt chất Cypermethrin, Alpha Cypermethrin, Thiosultap sodium. Sau khi phun 7 - 10 ngày phải tiến hành kiểm tra lại, nếu mật độ sâu còn đến ngưỡng thì tiến hành phun lần 2.

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Nhờ chủ động, tích cực triển khai công tác phòng trừ nên cơ bản đã kiểm soát được khả năng lây lan của sâu keo mùa thu và sâu cắn gié; giảm đáng kể diện tích ngô, lúa bị xâm nhiễm. Ðến nay, các địa phương đã thực hiện phun phòng trừ được gần 500ha đối với diện tích nhiễm sâu keo mùa thu và gần 590ha đối với diện tích nhiễm sâu cắn gié. Những diện tích còn lại hiện đang được các địa phương khẩn trương phun phòng.

Mặc dù đã tạm thời kiểm soát được mức độ lây lan và gây hại của sâu keo mùa thu cũng như sâu cắn gié, nhưng trong thời gian từ nay đến cuối vụ sản xuất, các địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác phòng chống. Bởi đây là đối tượng sâu hại có khả năng xâm nhiễm khó lường, gối lứa liên tục.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top