Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 9 năm 2020 | 15:23

Tin NN Tây Bắc: Sơn tra “rẻ như cho” khiến người dân lao đao

Từ cuối tháng 8 đến nay, sơn tra bản Lao Chải 2, xã Khun Há (Tam Đường, Lai Châu) vào vụ thu hoạch chính, được mùa nhưng giá “rẻ như cho” khiến người dân lao đao.

Mọi năm, sơn tra có giá từ 20 - 25 nghìn đồng/kg nhưng nay chỉ bán được với giá từ 6 - 8 nghìn đồng/kg.

 

son-tra.jpg

Cán bộ xã, bản Lao Chải 2 kiểm tra sản lượng sơn tra. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Bản Lao Chải 2 có đến 100% hộ dân trồng, chăm sóc 11ha sơn tra đang vào vụ thu hoạch với tổng sản lượng hơn 30 tấn quả (tăng 20 tấn quả so với cùng kỳ năm trước). Thời tiết năm nay mưa nhiều khiến sơn tra chín nhanh, không kịp thu hái dễ thối rụng.

Thời điểm này, bà con tranh thủ thời gian thu hái, vận chuyển sơn tra ra các chợ trên địa bàn tỉnh bán lẻ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt của bà con để “giải cứu” sản lượng sơn tra đang đà chín rộ.

Anh Lù A Nhà ở bản Lao Chải 2 tâm sự: “Như mọi người dân ở bản Lao Chải 2, vợ chồng tôi chật vật với việc tìm đầu ra cho sản phẩm sơn tra. Tuần qua, tôi cùng vợ tham gia thu hái, vận chuyển, bán lẻ tại chợ trung tâm thành phố Lai Châu cũng chỉ được 4 tạ sơn tra, trị giá 2,4 triệu đồng. Vất vả là vậy nhưng tôi lo thời gian tới sơn tra chín nhiều, không kịp tiêu thụ, gây thất thu cho bản. Tôi mong huyện sớm tìm đầu ra cho sản phẩm sơn tra, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”.

Năm nay, sơn tra bản Lao Chải 2 được mùa, sai quả, đẹp mã nhưng không được giá, khó tiêu thụ. Nhiều tư thương ép giá khiến người dân "tiến thoái lưỡng nan". Sơn tra rớt giá, bà con thất thu.

Anh Giàng A Lừ - Trưởng bản Lao Chải 2 buồn bã: “Diện tích sơn tra là tài sản chung của cả bản. 100% hộ dân được hưởng lợi. Gần đây, bà con nỗ lực xuất bán được gần 20 tấn quả sơn tra. Khi bà con đem sơn tra xuống chợ giá “rẻ như cho” cũng phải bán. Hiện, bản còn hơn 10 tấn sơn tra chưa có đầu ra. Bản mong các phòng, ban chuyên môn huyện sớm giúp bà con tìm đầu ra cho sản phẩm sơn tra, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân”.

Ngoài ra, bản Lao Chải 2 còn có 4ha sơn tra của một số hộ dân trồng riêng lẻ. Toàn bộ diện tích sơn tra của bản cách xa trung tâm huyện, xã, giao thông cách trở. Để vận chuyển được 1 tạ sơn tra ra đến chợ trung tâm huyện khá vất vả nhưng bà con cũng chỉ bán được 600 nghìn đồng khiến người dân nản chí.

Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há Vàng Páo Ly cho biết: “Hiện nay, bản Lao Chải 2 đang lao đao do thiếu đầu ra cho sản phẩm sơn tra. Xã đã nắm bắt được tình hình, động viên bà con bình tĩnh tìm giải pháp tháo gỡ bằng cách bán lẻ. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông qua mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua sơn tra cho bà con ngay tại bản. Từ đó, bà con mới gắn bó, chăm sóc, nâng cao sản lượng sơn tra”.

Thoát nghèo nhờ cây dong riềng

 

dong-rieng.jpg

Anh Lò Văn Pâng kiểm tra cây dong riềng của gia đình. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) đổi thay này là nhờ người dân trong xã đã mạnh dạn tận dụng lợi thế đất đồi trồng cây dong riềng theo hướng hàng hóa. Với người dân nơi đây, khoản thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ bán củ dong riềng đã giúp họ có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Lò Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Cây dong riềng đến với người dân xã Nà Tấu như một cái duyên, khi cuộc sống của người dân còn vô vàn khó khăn, bữa no, bữa đói thì cây dong riềng lại “bén rễ” nơi đây và trở thành một trong những cây trồng đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Năm 2004, cây dong riềng được trồng thử nghiệm ở một vài hộ dân trong xã. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, nhiều hộ dân nhận thấy loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ít, dễ tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần sản xuất lúa nương, gấp 2 lần sản xuất ngô nên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích. Hiện toàn xã có khoảng 500 hộ trồng dong riềng với 300ha, tập trung tại một số bản, như: Tà Cáng, Nà Láo, Lán Yên…

Là hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây dong riềng về trồng vùng đất đồi từ những năm 2004, đến nay anh Lò Văn Pâng, bản Phiêng Ban đã có hơn 5ha trồng dong riềng, mỗi năm cho thu hoạch 200 tấn củ. Bên nương dong riềng xanh tốt đang chuẩn bị cho thu hoạch, anh Pâng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong xã, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, làm không đủ ăn. Nhận thấy trên địa bàn xã còn nhiều diện tích đất đồi bỏ hoang, lại có nguồn lao động dồi dào nên tôi đã đi tìm hiểu về cây dong riềng và đi tham quan các mô hình trồng dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao ở Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và đầu tư mua giống dong riềng về trồng. Vụ đầu năng suất bình quân đạt 52 tấn củ tươi/ha; với giá bán 1.500 đồng/kg củ tươi, trừ chi phí thu về khoảng 90 triệu đồng/ha (nếu so với trồng lúa, trồng ngô thì lãi gấp 2 - 3 lần)”.

Theo anh Pâng, những năm đầu, dong riềng của anh chủ yếu bán củ tươi cho thương lái từ Hưng Yên lên thu mua về chế biến ra bột thành phẩm. Sau vài năm trồng và chăm sóc, nhận thấy trồng dong riềng thu nhập cao, sản xuất tới đâu thương lái thu mua tới đó, không phải phơi khô bảo quản như ngô, lúa, nên nhiều gia đình trong xã đã học hỏi và áp dụng, mang nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/năm, xóa được đói, giảm được nghèo, làm được nhà mới, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh. Khi cây dong riềng đã phát triển mạnh, năm 2017, anh mở xưởng sản xuất và chế biến miến dong, mạnh dạn đứng ra ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhờ đó, người dân trên địa bàn xã đã có đầu ra ổn định cho củ dong riềng.

Từ những hiệu quả kinh tế mà cây dong riềng đem lại cho người dân xã Nà Tấu trong thời gian qua, hiện xã đã làm thủ tục trình cấp trên để xây dựng miến dong trở thành sản phẩm OCOP. Việc xây dựng miến dong trở thành sản phẩm OCOP tạo cơ hội để thương hiệu miến dong Nà Tấu được nhiều người biết đến, có chỗ đứng trên thị trường; đồng thời cũng là cơ hội để cây dong riềng có đầu ra ổn định và thực sự trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương.

Trồng nếp tan Cao Phạ theo hướng hàng hóa

 

nep-tan.jpg

Cao Phạ chọn trồng lúa nếp tan theo hướng hàng hóa là hướng đi mới của đồng bào Thái.

Nhắc đến Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là người nghĩ ngay đến đèo Khau Phạ - một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam và điểm dừng chân trải nghiệm, khám phá, thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Lìm Mông dưới chân đèo Khau Phạ với những thửa ruộng bậc thang lóng lánh, mênh mang mùa nước đổ.

Xã Cao Phạ có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 5 bản người Mông và 2 bản người Thái. Trong những năm qua, cùng với việc phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Cao Phạ còn chú trọng phát triển nông nghiệp, trong đó trồng lúa nếp tan theo hướng hàng hóa đang là hướng đi mới của đồng bào Thái nơi đây.

 

nep.jpg

Cao Phạ hiện có 150 ha trồng lúa nếp tan một vụ với sản lượng đạt từ 550 - 600 tấn/năm.

Vào mùa lúa chín, khách du lịch đổ về Mù Cang Chải rất đông nên sản phẩm cốm được làm từ nếp tan ở xã Cao Phạ cũng được du khách rất ưa chuộng.

Thanh long ruột đỏ Thuận Châu liên tiếp “ghi điểm”

 

thanh-long-ruot-do.jpg

Sản phẩm thanh long ruột đỏ tại xã Chiềng Pha.

 

Năm 2020, sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu (Sơn La) liên tiếp “ghi điểm” khi bảo đảm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nga và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng, mở ra cơ hội cho cây thanh long ruột đỏ phát triển bền vững.

Năm 2018, cây thanh long ruột đỏ chính thức được đưa vào trồng thử nghiệm ở Thuận Châu theo Dự án phát triển sản phẩm thanh long liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 tại các xã: Chiềng Pha, Phổng Lái, Chiềng Ly. Trong đó, HTX Ngọc Hoàng ở huyện Mai Sơn được chọn là đơn vị liên kết thực hiện cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Đồng hành với người dân trồng thanh long ở Thuận Châu từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Ngọc Hoàng nắm rõ diện tích từng hộ, từng khoảnh, phấn khởi khi sản phẩm thanh long của huyện Thuận Châu xuất ngoại thành công, chị Dung chia sẻ: Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển chuỗi giá trị thanh long, HTX đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện để đưa cây thanh long vào trồng, mở các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ cho người dân. Mục tiêu của HTX là đưa toàn bộ diện tích sản xuất thanh long ở xã Chiềng Pha vào giám sát bằng camera để bảo đảm chất lượng xuất khẩu trong những năm tiếp theo.

Sau chuyến xuất khẩu 2 tấn thanh long đầu tiên “chào hàng” thị trường Nga vào đầu tháng 7 vừa qua, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Thuận Châu nhận được phản hồi tích cực. Ngay sau đó, huyện tiếp tục xuất khẩu thêm 10 tấn vào thị trường này theo đường chính ngạch thông qua HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng và Công ty TNHH Thực phẩm hữu cơ Hà Nội.

Đến nay, huyện Thuận Châu có 33 ha, trong đó 26 ha cho thu hoạch, sản lượng ước tính đạt 200 tấn, giá bán bình quân từ 20.000-25.000 đồng/kg. Năm 2020, huyện Thuận Châu phấn đấu xuất khẩu 20 tấn thanh long ruột đỏ theo đường chính ngạch sang thị trường Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Ông Tòng Văn Diện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện, cây thanh long là 1 trong 6 chuỗi liên kết sản xuất về phát triển cây ăn quả bền vững của huyện. Dự kiến giai đoạn 2020-2025, huyện Thuận Châu sẽ phát triển chuỗi thanh long ruột đỏ lên 150-200 ha. Qua đánh giá và phản hồi của khách hàng, quả thanh long ruột đỏ trồng trên địa bàn huyện Thuận Châu có trọng lượng từ 500-800g/quả, mẫu mã đẹp, chất lượng an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Hòa Bình: Trên 1.700ha trồng trọt được chứng nhận VietGAP

Thực hiện công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, Sở NN&PTNT Hòa Bình chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc sở tăng cường khảo sát, hướng dẫn cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP) năm 2020.

 

vietgap.jpg

Nhiều hộ ở xóm Khoang, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, cho chất lượng đảm bảo. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, có 44 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích được chứng nhận 1.719,6 ha; 14 cơ sở nuôi trồng thủy sản với quy mô 1.067 lồng; 13 cơ sở chăn nuôi với quy mô 664 tấn/năm.

Trong tháng 8, đơn vị chức năng đã lấy 2 mẫu phân bón gửi đi phân tích kiểm định chất lượng. Kết quả, 2/2 mẫu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, hiện đang trong quá trình xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời lấy 370 mẫu test nhanh kiểm tra định tính nhằm đánh giá thực trạng và định hướng lấy mẫu kiểm tra định lượng. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 17 cơ sở; xác nhận kiến thức ATTP cho 53 người…

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top