Nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng nhỏ (1,85%) trong cơ cấu kinh tế của thành phố Việt Trì (Phú Thọ) nhưng có vai trò rất quan trọng trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân khu vực đô thị.
HTX nông nghiệp công nghệ cao Việt Trì Ecofarm - khu 4, xã Hùng Lô đầu tư mô hình trồng dưa vàng với quy mô trên 1ha, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Phú Thọ
Hiện, diện tích đất nông nghiệp của thành phố là trên 5.400ha, tổng diện tích trồng lúa 2 vụ đạt gần 3.300ha/năm với sản lượng trên 12.200 tấn. Các địa phương đã mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng diện tích trà xuân muộn trên 75% và trà mùa sớm trên 60% tổng diện tích gieo cấy.
Ông Phan Thanh Dương- Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Những năm qua, UBND thành phố tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khuyến khích sản xuất liền vùng, cùng trà, cùng giống, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hoa chất lượng cao, tập trung ở các xã: Sông Lô, Tân Đức, Thanh Đình; hình thành một số mô hình trồng bưởi Diễn, dưa các loại, chuối, thanh long, nho, măng tây xanh trên vùng đất bãi. Việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ mở ra triển vọng gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân mà còn là hướng đi chiến lược đưa nông nghiệp đô thị phát triển bền vững.
Thành phố có nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng như: Hỗ trợ một phần kinh phí về giống, phân bón, vật tư cho một số mô hình điểm; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới vào sản xuất; hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018 đạt gần 14 tỷ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị trên 3,3 tỷ đồng. Việc xây dựng, thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao đạt kết quả bước đầu.
Bản Bo phát triển chè chất lượng cao
Thực hiện Nghị quyết số 07 - NQ/ĐU ngày 15/11/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bản Bo (huyện Tam Đường – Lai Châu) về phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao, giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 07), 3 năm qua, Nhân dân trong xã chú trọng trồng, chăm sóc chè chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là giải pháp góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Cán bộ xã Bản Bo (huyện Tam Đường) hướng dẫn bà con bản Cốc Phát thu hái chè. Ảnh: Báo Lai Châu.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo cho biết, Nghị quyết 07 đề ra mục tiêu đến năm 2020 toàn xã trồng mới 150ha cây chè. Sau khi ban hành Nghị quyết, Đảng ủy xã kiện toàn Ban Chỉ đạo trồng chè cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng bản tuyên truyền cho bà con hiểu về giá trị kinh tế của việc đầu tư phát triển và thâm canh cây chè. Xã đẩy mạnh việc quán triệt, học tập Nghị quyết nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của Nhân dân. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, toàn xã trồng mới 190,32ha chè, đạt 126,8% so với mục tiêu Nghị quyết (trong đó, năm 2016 trồng 71,74ha; năm 2017 trồng 39,29ha, năm 2018 trồng 79,29ha tại 15 bản với cơ cấu giống chè kim tuyên và PH8). Bản Nà Ly được coi là vùng nguyên liệu chè chất lượng cao của xã với hơn 120ha chè.
Đến nay, toàn xã có 471,23ha chè, trong đó 290,3ha chè kinh doanh, năng suất 7,5 tấn/ha/năm. Toàn bộ sản phẩm chè búp của xã được Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường thu mua theo đúng địa bàn phân vùng nguyên liệu và hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè búp tươi với nông dân, không hạ giá, ép giá, nâng giá vật tư làm thiệt hại cho người sản xuất.
Bảo Yên: Mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập hơn 440 triệu đồng/ha
Mô hình trồng dâu nuôi tằm do HTX Tiến Đạt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cùng các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã thực hiện.
Năm 2017, vùng nguyên liệu dâu tằm đạt 25,8 ha với 114 hộ tham gia (trong đó, xã Việt Tiến là 12,3 ha/68 hộ, xã Minh Tân với 13,5 ha/46 hộ), đến nay, diện tích trồng dâu đã cho thu hoạch. Năm 2018, HTX Tiến Đạt đã liên kết và cấp giống cho nhân dân các xã Lương Sơn, Long Khánh, Long Phúc, Xuân Thượng, Cam Cọn, thị trấn Phố Ràng, mở rộng diện tích 2 xã Việt Tiến, Minh Tân, nâng tổng diện tích trồng dâu trên toàn huyện Bảo Yên là 91 ha.
HTX đã tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ nông dân liên kết trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn các xã Minh Tân, Việt Tiến; đồng thời chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ đầu ra sản phẩm kén tằm với thời gian thực hiện hợp đồng 10 năm, thu mua theo giá thị trường nhưng giá sàn thấp nhất 110.000 đồng/kg kén tằm. Theo tính toán của HTX, với giá sàn thấp nhất, người trồng dâu nuôi tằm vẫn có thể thu được 443,2 triệu đồng/ha/năm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai), dâu tằm được xác định là một trong 5 loại cây trồng huyện tập trung chỉ đạo phát triển trong thời gian tới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân (5 loại cây trồng gồm: Quế, chè, hồng không hạt, xả, dâu tằm). Để nông dân yên tâm sản xuất, UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát công tác quy hoạch vùng sản xuất, đề xuất cơ chế hỗ trợ để mở rộng vùng nguyên liệu; giám sát việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ kén tằm giữa các hộ nông dân với HTX Tiến Đạt là đơn vị đầu tư và tiêu thụ sản phẩm kén tằm; đồng thời, đề xuất với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan xem xét có cơ chế hỗ trợ kinh phí phát triển trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Bảo Yên giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.
Văn Chấn phòng, chống đói, rét cho gia súc
Huyện Văn Chấn có tổng đàn vật nuôi tương đối lớn với trên 23.000 con trâu, 6.614 con bò và khoảng 114.000 con lợn.
Nông dân Văn Chấn mặc ấm cho gia súc trong những ngày rét. Ảnh: Báo Yên Bái
Để chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc, giảm thiểu thiệt hại trong vụ đông xuân 2018 - 2019, UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch với các biện pháp phòng, chống được đẩy mạnh đồng bộ.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi. Đồng thời, rà soát các hộ có chăn nuôi đại gia súc và nắm rõ danh sách các hộ chưa có chuồng nuôi để vận động làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh thú y và phòng, chống đói, rét cho gia súc.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: từ ngày 25/10/2018, UBND huyện đã ban hành chỉ thị, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp phòng chống đói, rét cho gia súc ngay từ đầu vụ.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ cỏ, rơm, lá ngô làm thức ăn, tận dụng chăn, vải, bạt cũ ủ ấm cho gia súc trong ngày đông giá rét. Các xã vùng cao phải đưa gia súc thả rông về chuồng nuôi nhốt trước khi trời rét để chăm sóc và theo dõi.
Những ngày giá rét khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, người dân phải cho trâu, bò nghỉ làm việc, không chăn thả tự do mà nuôi nhốt tại chuồng có kiểm soát thành phần dinh dưỡng, bổ sung thức ăn tinh bột, đá liếm, nước uống ấm... để nâng cao sức đề kháng, đủ năng lượng chống rét và một số bệnh dịch.
Để bảo đảm đủ thức ăn cho đàn gia súc trong tiết trời lạnh giá, huyện Văn Chấn đã vận động nhân dân thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò đảm bảo bình quân 5 - 7 kg rơm, rạ hoặc cỏ khô/con/ngày.
Vận động người dân không thả rông gia súc trên rừng núi; chủ động đưa gia súc về chuồng nuôi nhốt trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò già, yếu và gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng, chống rét, dịch bệnh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại...
Việc chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh trong mùa đông cho đàn gia súc ở Văn Chấn không chỉ góp phần bảo vệ tài sản của nông dân mà còn đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.
Phân bổ 1 tấn ngô giống, 500kg rau giống hỗ trợ thiệt hại do mưa lũ
Ngay sau tiếp nhận lượng giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ vào trung tuần tháng 12, Sở NN & PTNT đã tiến hành phân bổ và chuyển cho các địa phương tiếp nhận với tổng lượng giống gồm 1.000 tấn ngô giống HN88, 500kg hạt rau giống các loại (cải mơ Hoàng Mai, cải bẹ Đại Bình Phô 818 Trung Quốc, bí xanh sặt, bắp cải F1 Nhật Bản).
Cán bộ phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy kiểm tra lại số lượng và chủng loại giống trước khi các xã tiếp nhận. Ảnh: Báo Hòa Bình
Việc phân bổ ở 11/11 huyện, thành phố căn cứ theo diện tích cây trồng thiệt hại do thiên tai của năm 2018 và lượng giống hỗ trợ. Trong đó, phân bổ cho huyện Đà Bắc 150kg ngô giống, 8kg rau giống; Mai Châu 140kg ngô giống, 15kg rau giống; Kim Bôi 130kg ngô giống, 45kg rau giống; Lạc Sơn 120kg ngô giống, 30kg rau giống; Tân Lạc 100kg ngô giống, 20kg rau giống; Yên Thủy 80kg ngô giống, 15kg rau giống… UBND các xã, phường, thị trấn được tiếp nhận giống hỗ trợ có trách nhiệm quản lý, phân bổ giống đến hộ gia đình, đảm bảo việc phân bổ đúng đối tượng và kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2018 – 2019.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…