Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 10 năm 2019 | 11:8

Tin NN Tây Bắc: Vụ mùa thắng lợi trên cánh đồng Mường Thanh

Nhờ thực hiện tốt các phương án tổ chức sản xuất, tăng cường các biện pháp chăm sóc nên toàn bộ diện tích lúa phát triển tốt nông dân Mường Thanh (Điện Biên) có vụ mùa thắng lợi.

lua.jpg
Nông dân huyện Ðiện Biên thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Vụ mùa 2019, diện tích gieo cấy lúa trên cánh đồng Mường Thanh là 6.378,78ha; năng suất ước đạt 60,32 tạ/ha, sản lượng ước đạt 38.475,67 tấn (đạt 102% kế hoạch tỉnh giao).

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Vụ mùa 2019, điều kiện thời tiết, khí hậu, mưa lũ, sâu bệnh diễn biến bất thường ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Ðặc biệt sau các đợt mưa lớn trong tháng 7, 8, 9. Ðể khắc phục khó khăn, bất lợi, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kịp thời xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa; tham mưu kịp thời các biện pháp, giải pháp để chỉ đạo, đôn đốc chính quyền cơ sở và nông dân thực hiện.

Các phòng chuyên môn thường xuyên tổ chức điều tra, dự tính, dự báo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời sinh vật, dịch hại như: Rầy nâu, đạo ôn, khô vằn... trên cây lúa, không để bùng phát diện rộng, bảo vệ an toàn sản xuất. Kết quả sản xuất vụ mùa, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Năng suất bình quân khu vực lòng chảo ước đạt 63,95 tạ/ha; một số xã đạt năng suất cao, như: Thanh An (66,34 tạ/ha), Thanh Xương (65,56 tạ/ha)... Về triển khai cánh đồng lớn trong vụ mùa 2019, trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã (HTX) thực hiện, gồm: HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên và HTX Công nghệ cao bản Mé, Thanh Hưng với tổng diện tích 97ha (tăng 22ha so với năm 2018).

Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc thu hoạch và phơi lúa, đến thời điểm này, gia đình bà Ðặng Thị Yên, thôn C3 Thanh Trường, xã Thanh Yên đã thu hoạch xong hơn 5.000m2. Bà Yên cho biết: Do thường xuyên thăm ruộng, phát hiện phun thuốc phòng trừ kịp thời nên diện tích lúa của gia đình tôi ít gặp sâu, bệnh hại; năng suất ước đạt 60 tạ/ha. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi thu được hơn 3 tấn thóc, chủ yếu là các giống: tám thơm, nếp. Lúa nếp vụ này chất lượng tốt, hạt chắc, mẩy, đẹp mã hơn vụ trước. Từ khi có dịch vụ thuê máy gặt đập liên hợp, việc thu hoạch rất thuận lợi và nhanh chóng.

Trong vụ sản xuất 2019, để tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống nhằm tăng hiệu quả sản xuất lúa trên cánh đồng Mường Thanh và tăng thu nhập cho nông dân, các cơ quan chuyên môn (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư, Trạm Bảo vệ thực vật) đã triển khai các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như: Nhân rộng diện tích lúa cấy bằng phương pháp sử dụng máy cấy với 65,5ha tại các xã Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Yên, Noong Hẹt giúp giảm công lao động, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ðặc biệt đây là giải pháp tối ưu trong việc xử lý lúa lẫn trên đồng ruộng, giảm 80 - 90% lúa lẫn so với gieo vãi. Triển khai mô hình cánh đồng một giống tại xã Thanh Xương với quy mô 8,3ha; đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế, tạo được sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Duy trì và nhân rộng ứng dụng canh tác lúa cải tiến (SRI) trên địa bàn huyện với 14 câu lạc bộ SRI, giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế 15 - 20% so với sản xuất đại trà.

Lào Cai có thêm 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Ngày 4/1, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã công nhận thêm 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 46 sản phẩm.

 

ocop.jpg

Tinh bột sắn dây của Hợp tác xã nông sản, dược liệu Mạnh Hương, huyện Bảo Thắng được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Cụ thể, theo đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2019 , đã có 23 sản phẩm của các huyện Sa Pa (11 sản phẩm), Bảo Yên (5 sản phẩm), Bảo Thắng (7 sản phẩm). Qua đánh giá, Hội đồng đã xếp hạng cho 19 sản phẩm cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Trà phun sương Atiso Sa Pa, cao phun sương Atiso Sa Pa, cao mềm Atiso Sa Pa (Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa); dịch vụ du lịch “Khu sinh thái vường đá Tả Phìn” Hợp tác xã Tả Phìn Xanh; chocolate Detox (Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa); chè xanh Ô Long Bảo Yên (Công ty TNHH chè Đại Hưng); sữa ong chúa (Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân); mật ong (Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân).

11 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Phấn hoa (Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân); tinh bột sắn dây (Hợp tác xã nông sản dược liệu Mạnh Hương); trà túi lọc trà dây leo Sa Pa, trà giảo cổ lam Sa Pa, trà dây leo Sa Pa, trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa (Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sa Pa); rượu thóc H’Mong Sa Pa (Hợp tác xã H’Mong Sa Pa); mật ong núi đá (hộ Cao Văn Chiến, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng); rượu ngô bao tử Phú Sơn, rượu nếp Phú Sơn (Hợp tác xã Phú Sơn); chè xanh (Công ty TNHH Chè Đại Hưng).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiếp tục khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, dựa trên những sản phẩm sẵn có của địa phương trong xây dựng mỗi xã một sản phẩm; đồng thời, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP quốc gia vào năm 2020.

Đẩy mạnh phát triển đại gia súc ở Nậm Cuổi

Với lợi thế về vùng chăn thả và những chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, những năm gần đây, xã Nậm Cuổi (Sìn Hồ, Lai Châu) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc, giúp bà con nâng cao thu nhập.

 

gia-suc.jpg

Nhờ chăn nuôi trâu, bò giúp anh Quàng Văn Van (bên phải) có thu nhập cao. Ảnh: Báo Lai Châu.

 

Nhận thấy phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2015, anh Quàng Văn Van ở bản Cuổi Tở 2 mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện mua 2 con trâu sinh sản. Để đàn trâu sinh trưởng, phát triển tốt, anh Van đầu tư làm chuồng trại kiên cố, tiêm vắcxin định kỳ phòng dịch bệnh; tích trữ rơm rạ đảm bảo thức ăn cho gia súc trong mùa đông và tiến hành chăn thả khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Nhờ đó, đến năm 2018 anh đã bán 2 con trâu để có vốn mở rộng quy mô chuồng và mua thêm bò. Đến nay, gia đình anh có đàn trâu, bò 5 con, thu nhập 50 triệu đồng từ bán gia súc thương phẩm.

Anh Van chia sẻ: Ở đây mùa đông thời tiết không khắc nghiệt lắm lại có vùng chăn thả nên mình đầu tư nuôi trâu, bò. Nhờ chăn nuôi, gia đình có nguồn thu ổn định đảm bảo cuộc sống và nuôi các con ăn học.

Là bản trung tâm của xã, hiện Cuổi Tở 2 có tổng số 108 hộ, trong đó 80 hộ phát triển chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là trâu, bò với tổng số 230 con. Trước đây, trong bản nhiều hộ cũng nuôi lợn, gà quy mô gia trại, tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như giá lợn xuống thấp, bà con quyết định chuyển sang nuôi đại gia súc. Hằng năm, bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích trữ thức ăn khô, thường xuyên phòng chống đói rét, dịch bệnh. Đến nay, bản có 17 hộ có đàn trâu, bò trên 5 con; giảm từ 4 – 5 hộ nghèo/năm.

Xã Nậm Cuổi có tổng đàn gia súc 3.763 con, trong đó 2.237 con trâu, 228 con bò, 1.297 con lợn. Là xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, xác định phát triển đại gia súc là hướng đi mang lại thu nhập cao, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đồng bộ các giải pháp, khuyến khích bà con đầu tư chuồng trại, con giống đưa chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa. Song song với đó, UBND xã phối hợp với ngành chuyên môn huyện và các bản tổ chức vận động bà con tiêm phòng đầy đủ để hạn chế dịch bệnh xảy ra,. Từ đầu năm đến nay, xã đã triển khai tiêm phòng vắcxin đợt 1 với 2.950 liều, chủ yếu là tụ huyết trùng trâu, bò, lợn và dịch tả lợn… Tỷ lệ tăng đàn hằng năm đều đạt trên 5%, từ chăn nuôi giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Ông Lù Văn Hòa – Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết: Xác định chăn nuôi là lợi thế của địa phương, từ đầu nhiệm kỳ, HĐND xã ra Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc duy trì tốc độ tăng đàn 5%/năm. Đảm bảo mục tiêu đó, chúng tôi thường xuyên quan tâm, đôn đốc UBND xã cùng các bản tăng cường vận động bà con mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi, chú trọng phòng chống dịch bệnh. Thường trực HĐND xã nâng cao chất lượng công tác giám sát để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để bà con ngày càng mở rộng quy mô chăn nuôi.

Vùng dâu mới Chấn Thịnh

Nhắc đến nghề trồng dâu nuôi tằm, người ta hay nhắc đến xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Nhưng giờ đây, đến với xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cũng sẽ được chứng kiến những vườn dâu, nong tằm đã, đang làm thay đổi cuộc sống của người dân.

 

dau-tam.jpg

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện Văn Chấn (bên trái) hướng dẫn các hộ ở thôn Bồ chăm sóc tằm. Ảnh: Báo yên Bái

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng dâu Tân Đồng, huyện Trấn Yên, chị Nguyễn Thị Yên có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng dâu, nuôi tằm. Năm 2011, chị Yên lấy chồng ở thôn Bồ, xã Chấn Thịnh và sau khi lấy chồng, 2 vợ chồng chị đi làm công nhân nhà máy quặng sắt nhưng thu nhập không cao mà lại không có thời gian chăm sóc gia đình. Năm 2013, chị Yên lên Tân Đồng lấy giống dâu về trồng. Ban đầu chị trồng quanh vườn nhà, sau đó, chị bàn với chồng thuê ruộng trồng thêm. 

Hiện nay, gia đình chị trồng được 7.000 m2  dâu và có 2 nhà nuôi tằm, mỗi năm trừ chi phí còn cho thu nhập gần 150 triệu đồng. Chị Yên cho biết: "Cây dâu đưa về đây phù hợp với đồng đất, nên sinh trưởng phát triển tốt. Việc nuôi tằm hiện không vất vả như xưa nuôi trên nong. Kỹ thuật nuôi trong nhà tằm thì chỉ lo lúc tằm ăn rỗi còn sau mỗi lứa tằm mới phải dọn dẹp, vệ sinh nên cũng không tốn nhiều nhân lực. Nếu đầu ra ổn định, trồng dâu, nuôi tằm sẽ có hiệu quả kinh tế rất cao so với trồng lúa”.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, xã Chấn Thịnh đã vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. Cây dâu được đưa vào trồng đã 4 - 5 năm nay nhưng người dân trồng nhỏ lẻ, chưa thành phong trào. Đến năm 2018, khi huyện Văn Chấn triển khai thực hiện đề án trồng dâu, nuôi tằm, Chấn Thịnh được chọn làm xã điểm đã tạo niềm tin, động lực để người dân tiếp tục mở rộng diện tích. Các hộ tham gia đề án được hỗ trợ 100% giống dâu (tương ứng 21 triệu đồng/ha); hỗ trợ giống tằm lứa 1, năm đầu (tương ứng 1.500.000 đồng/ha); đồng thời, hỗ trợ tham quan, học tập các mô hình và chuyển giao kỹ thuật nuôi tằm, xây dựng nhà nuôi tằm đúng yêu cầu kỹ thuật. 

Năm 2019, xã Chấn Thịnh dự định trồng mới 27,5ha dâu, bởi vậy, ngay từ đầu năm, xã đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện rà soát, quy hoạch diện tích đất trồng dâu; đồng thời, vận động nhân dân chuẩn bị đất và diện tích nhà xưởng để nuôi tằm. Xã đưa giống dâu lai ít sâu, bệnh, không kén đất, có khả năng chống chịu, thích nghi rất cao, thu hoạch lâu dài vào trồng. 

Mặc dù nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề mới đối với người dân xã Chấn Thịnh nhưng với truyền thống cần cù, chịu khó trong tiếp cận khoa học, kỹ thuật, các hộ dân ở xã Chấn Thịnh đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm. Hiện nay, toàn xã trồng được gần 50 ha dâu, có 127 hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó, có gần 50 hộ nuôi đều cho hiệu quả kinh tế cao còn lại là các hộ mới tham gia nuôi được 1 - 2 năm. 

Ông Hoàng Quý Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: "Với diện tích đất nông nghiệp ven suối khá lớn, chúng tôi thấy cây dâu khá hiệu quả để chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Chính quyền xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Dù nghề trồng dâu còn mới nhưng với giá trị tính được bình quân 1 ha cũng đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm nên nhân dân rất phấn khởi”. 

Cao Phong: Trên 972 ha cam đạt chất lượng VietGAP

9 tháng năm nay, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

cam-cao-phong.jpg

Hộ thành viên HTX Nông nghiệp Nhật Minh đã bắt đầu thu hoạch cam lòng vàng. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Đến nay, toàn huyện có 972,44 ha cam chất lượng VietGAP với 734 hộ tham gia. Trong đó, diện tích cam VietGAP năm 2014 có 46,97 ha với 15 hộ tham gia; năm 2015 có 59,5 ha với 100 hộ tham gia; năm 2016 có 141,89 ha với 120 hộ tham gia; năm 2017 có 164,6 ha với 86 hộ tham gia; năm 2018 có 616,7 ha, gồm Dự án hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ cam Cao Phong theo hướng nâng cao chất lượng và quản lý thương hiệu (Chương trình MTQG xây dựng NTM) 369,48 ha với 193 hộ, 1 HTX tham gia, Công ty TNHH MTV Cao Phong 190 ha với 210 hộ công nhân tham gia, còn lại là diện tích của Hội trồng cam thị trấn Cao Phong và một số tổ chức, cá nhân khác.

Huyện đang quản lý tốt diện tích 447 ha cam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Hội trồng cam thị trấn Cao Phong, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hà Phong, HTX 3T Nông sản Cao Phong, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tuấn Thủy, HTX cam sạch Cao Phong Anh Tú, HTX Nông nghiệp Nhật Minh, Công ty TNHH Hùng Phong...

 

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top