Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 7 năm 2020 | 11:17

Tin NN Tây Bắc: Vựa nhãn Sông Mã đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu

Huyện Sông Mã (Sơn La) đã hỗ trợ các hợp tác xã về quy trình quản lý vùng trồng để sản phẩm nhãn đảm bảo được tiêu chuẩn về xuất khẩu.

nhan.jpg

Nhãn Sông Mã có đặc trưng riêng như quả to, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, hương vị thơm ngọt. Ảnh: VOV

 

Dịp này, người trồng nhãn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đang phấn khởi chuẩn bị thu hoạch mùa nhãn chính vụ.

Mấy năm gần đây, Sông Mã được biết đến là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La, với hơn 7.000 ha. Nhãn Sông Mã có đặc trưng riêng như quả to, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, hương vị thơm ngọt, đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần khẳng định thương hiệu nông sản Sơn La ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, để nhãn có quả ổn định, không mất mùa, cùng với kinh nghiệm của người trồng nhãn, cán bộ khuyến nông còn đến tận vườn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học vào sản xuất.

Người trồng nhãn đã thực hiện tốt kỹ thuật cắt tỉa cành, cắt tỉa quả giúp cho cây nhãn sinh trưởng phát triển tốt, tạo mẫu mã đẹp cho quả nhãn. Đồng thời chú trọng hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và sử dụng phân bón hữu cơ.

“Với sản lượng nhãn năm nay đạt khoảng 50.000 tấn, hiện nay huyện đang tập trung mời các doanh nghiệp và một số thương nhân trong và ngoài tỉnh, khảo sát vùng nguyên liệu và có các hợp đồng nguyên tắc với các hợp tác xã và các hộ sản xuất nhãn trên địa bàn. Huyện cũng tiếp tục thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã, một là về quy trình quản lý vùng trồng để sản phẩm nhãn đảm bảo được tiêu chuẩn đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu và tiêu thụ trong nước”, ông Phương cho biết.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Xã Lản Nhì Thàng (Phong Thổ, Lai Châu) những năm gần đây đã hướng dẫn người dân mở rộng diện tích đất trồng chè, mắc-ca, gừng, địa lan theo hướng hàng hóa gắn với phát triển du lịch và thị trường tiêu thụ nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.

 

lan.jpg

Tận dụng khí hậu mát mẻ, nhiều hộ dân bản Tô Y Phìn (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ) trồng địa lan dưới tán rừng. Ảnh: Báo Lai Châu.

 

Anh Trịnh Khắc Tấn - Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng cho biết: Từ năm 2017 đến năm 2019, xã mở rộng diện tích đất trồng chè Shan tại 9/9 bản với diện tích 105ha. Điều đáng mừng là dưới bàn tay chăm sóc của người nông dân, diện tích chè sinh trưởng, phát triển tốt, 20/105ha đã cho thu hoạch. Đến nay, tổng diện tích chè toàn xã lên 138,5ha, sản lượng và đầu ra ổn định do các thương lái, công ty đặt mua với giá dao động từ 6.000-15.000 đồng/kg chè búp tươi.

Cây mắc-ca được trồng theo 2 hình thức: xen chè (20ha) ở 3 bản Hồng Thu Mán, Hồng Thu Mông, Lùng Cù Seo Pả; trồng thuần (30ha) ở bản Chiêu Sải Phìn, 3ha đã cho thu hoạch. Tại bản Tô Y Phìn có khí hậu mát mẻ, bản Cung Mù Phìn gần trục đường quốc lộ, xã khuyến khích người dân trồng địa lan dưới tán rừng và trồng gừng bán cho khách hàng gần xa. Giờ đây, các cây trồng này đang trở thành nguồn thu chính, có giá trị kinh tế cao của nhiều gia đình.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển nông nghiệp đến người dân. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình điểm theo hình thức “Cầm tay chỉ việc” và khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thu hút và mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện nay, toàn huyện Phong Thổ có 3.887,1ha chuối (tăng 2.532,1ha so với năm 2015), năng suất bình quân trên 14,2 tấn/ha; 269ha chè, sản lượng búp tươi bình quân đạt trên 70 tấn/năm.

Ngoài ra, huyện còn có 1.737,88ha dược liệu, 1.384,72ha cao su, 80.497 chậu địa lan, 182ha mắc-ca, 155ha lê, 35ha mận, 65ha đào, 20ha mía, 70ha xoài và 66,31ha sơn tra.
Huyện cũng có nhiều sản phẩm nông sản (chuối, sắn, ngô, thảo quả, nghệ) được người tiêu dùng ưa chuộng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu hàng địa phương ở mức cao.

Thu nhập bình quân đầu người của huyện lên mức 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,3%/năm, đến năm 2020 còn trên 20%, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn khẳng định: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất lớn tập trung như: cây ăn quả nhiệt đới (chuối, xoài) ở Huổi Luông, Ma Ly Pho, Bản Lang, Mường So, Khổng Lào; cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận) ở Mù Sang, Dào San, Sin Suối Hồ; chè và địa lan ở Sin Suối Hồ, Lản Nhì Thàng; cây dược liệu ở Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Tung Qua Lìn, Dào San. Trong huyện bước đầu hình thành liên kết doanh nghiệp, HTX với hộ dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Năng suất, chất lượng, uy tín sản phẩm ngày càng được nâng cao”.

Điện Biên: 252ha cây trồng vụ mùa bị nhiễm sâu keo mùa thu

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên, toàn tỉnh hiện có 252ha cây trồng nông nghiệp vụ mùa bị nhiễm sâu keo mùa thu, gồm: 205ha ngô, diện tích phòng trừ 41,6ha (phân bố tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố) và 47ha lúa mùa, diện tích phòng trừ 37ha phân bố tại 2 huyện: Tuần Giáo và Điện Biên Đông.

 

sau-keo.jpg

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên kiểm tra mức độ gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

 

Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Tình hình sâu bệnh trên cây trồng vụ mùa năm 2020 đang có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đối tượng sâu keo mùa thu không chỉ gây hại trên cây ngô mà đã gây hại lan sang nhiều diện tích lúa mùa. Đến nay, diện tích lúa mùa bị nhiễm sâu keo mùa thu tăng 40ha so với cùng kỳ trước.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là 2 huyện: Tuần Giáo và Điện Biên Đông chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp chính quyền cấp xã rà soát, khoanh vùng và tổ chức phun phòng trừ 100% diện tích bị nhiễm.

Văn Yên phát triển cây quế bền vững

Cây quế không chỉ giúp người dân Văn Yên (Yên Bái) xóa đói giảm nghèo, làm giàu, là "biểu tượng" kinh tế, văn hóa của cộng đồng người Dao, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường.

 

que.jpg

Người dân Văn Yên thu hoạch quế vỏ. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Tháng 1 năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Như vậy, Văn Yên sở hữu vùng quế lớn nhất nước với giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. 

Từ khi được nhận văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế Văn Yên đã được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ngoài nước như thị trường Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Âu. 

Theo UBND huyện Văn Yên, đến năm 2020, diện tích quế toàn huyện đạt trên 40.000 ha có hơn 50 loại sản phẩm được sản xuất từ vỏ quế, sản lượng quế vỏ khô hàng năm đạt trên 6.000 tấn, tinh dầu quế trên 300 tấn, thân cây quế được sử dụng trong chế biến gỗ bao bì, ván bóc và đồ mộc gia dụng, giá trị trung bình hàng năm từ sản phẩm quế đạt trên 700 tỷ đồng. 

Mới đây, Vương quốc Thái Lan đã quyết định bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, một quốc gia khác bảo hộ sản phẩm của Việt Nam trên đất nước họ. Điều đó đã khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế vẫn còn những khó khăn, tồn tại do người dân chưa được đào tạo, hướng dẫn sâu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế, vẫn còn hiện tượng trồng quế với mật độ quá dày (trên 1 vạn cây/ha)…; chí phí sản xuất sản phẩm quế còn cao, việc khai thác quế chưa hợp lý, phần lớn sản phẩm vỏ quế là xuất thô chưa qua chế biến; giá trị và thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế không ổn định... 

Để Văn Yên trở thành trung tâm trọng điểm về sản xuất, chế biến các sản phẩm quế, huyện cần phát triển diện tích quế đạt khoảng 60.000 ha, trong đó sản xuất quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế trên 35.000 ha. 

Để làm được, cần tiếp tục rà soát, quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu quế tập trung, nhất là tại các xã trọng điểm; tăng cường đào tạo, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại quế.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top