Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2019 | 11:46

Tin NN Tây Bắc: Xây dựng thương hiệu táo đại Sơn La

Xã Mường Bú hiện được biết đến là “vựa” trồng cây ăn quả chất lượng cao, quy mô lớn của huyện Mường La, trong đó táo đại được trồng theo quy trình VietGAP, giòn ngọt nổi tiếng.

tao.jpg
Ảnh: Báo Sơn La

 

Đến HTX Hưng Thịnh đúng thời điểm các thành viên đang thu hái những trái táo đại để xuất bán. Những cành táo cao 2 đến 3 mét sai trĩu quả, được chủ vườn dùng thanh tre, gỗ chống đỡ cẩn thận. 

Giám đốc Nguyễn Đình Hướng cho chúng tôi biết: HTX hiện có 20 thành viên, trong đó 7 thành viên trồng táo trên 10 ha theo quy trình VietGAP (đã được chứng nhận từ năm 2015). Vườn táo được chăm sóc đúng quy trình, chủ yếu bón phân chuồng ủ hoai, nước tưới được dẫn từ suối, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc thảo mộc. Năm nay, trong khi táo địa phương mất mùa thì táo đại lại được mùa, ước đạt 17 tấn quả/ha, giá bán tại vườn 35.000 đồng/kg, nhà vườn có thể thu về trên 500 triệu đồng/ha.

Gia đình anh Hướng có gần 1.000 gốc táo đại, ước vụ này thu trên 50 tấn quả, khoảng hơn 1,7 tỷ đồng. Hiện giờ, đang đầu vụ, trung bình mỗi ngày HTX xuất 200 kg táo theo đơn đặt hàng cho siêu thị BigC, Vinmark, Lote, Ione và một số hệ thống cửa hàng bán rau củ, quả sạch khác. Vào chính vụ, mỗi ngày xuất bán từ 4-5 tạ quả.

Để xây dựng thương hiệu cho quả táo đại, từ năm 2018, tỉnh và huyện đã hỗ trợ cho HTX tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm; HTX cũng đang phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu “Táo đại Sơn La”.

Năm 2005, giống táo đại được đưa về trồng trên địa bàn và người có công đầu tiên là anh Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, mang giống táo đại từ Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Bắc về chiết, ghép, nhân giống trong vườn nhà, giờ phát triển lên 3 ha, với khoảng 1.000 gốc.

Do hiệu quả kinh tế, nhiều hộ gia đình trên địa bàn và các xã lân cận đã đến học tập, nhờ anh ghép cải tạo và mua giống táo đại về trồng.

Na Hối tăng thu nhập từ mận Tam hoa trái vụ

Đặc sản mận Tam hoa nổi tiếng của vùng “Cao nguyên trắng” Bắc Hà (Lào Cai) vào vụ chính từ cuối tháng 4 hằng năm, nhưng cứ khoảng từ cuối năm trước đến đầu năm sau, nhiều cây mận Tam hoa vẫn cho quả trái vụ.

 

man-tam-hoa.jpg

Mận Tam hoa trái vụ có giá dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Anh Sền Văn Chung, ở thôn Sín Chải, xã Na Hối là chủ vườn mận với gần 300 gốc mận Tam hoa. Vào chính vụ, mỗi năm vườn mận đem về cho gia đình anh nguồn thu 70 – 80 triệu đồng từ việc thu hái quả và dịch vụ trải nghiệm vườn mận của khách du lịch.

Anh Chung cho biết: Dù sản lượng không nhiều bằng chính vụ nhưng việc thu hoạch được quả trái vụ như thế này cũng giúp gia đình anh tăng thêm nguồn thu nho nhỏ, góp phần hỗ trợ chi tiêu cho gia đình và con cái ăn học.

Tùy vào số lượng cây của từng nhà, nhưng trung bình mỗi ngày, những nhà có từ 200 – 300 gốc mận Tam hoa ở Na Hối có thể thu hoạch được 3 – 5 kg quả mận trái vụ. Mận Tam hoa trái vụ quả nhỏ, màu nhạt và có vị chát hơn nhưng vì số lượng ít, lạ miệng nên vẫn được nhiều du khách thích ăn, tìm mua. Với giá bán dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, mỗi tháng người dân ở đây cũng có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, theo những người dân ở đây, họ chỉ thu hoạch quả trái vụ một cách tự nhiên và không muốn có thêm tác động nào từ thời tiết hay hóa chất để tránh ảnh hưởng đến việc ra hoa và kết trái cho mùa vụ chính của mận Tam hoa.

Nông dân huyện Ðiện Biên tập trung sản xuất vụ đông

Vụ đông 2019, huyện Ðiện Biên có gần 500ha các loại cây trồng chủ yếu: Ngô (35ha), khoai lang (10ha), rau màu các loại (455ha)… Ðến thời điểm này, các loại cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, ngô đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ cờ; rau ăn lá các loại vừa trồng mới, vừa cho thu hoạch (45 ngày/lứa), một số diện tích cà chua, dưa chuột đang thu hoạch.

 

vu-dong.jpg

Cán bộ nông nghiệp huyện Ðiện Biên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn nông dân sản xuất vụ đông hiệu quả. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Ông Lò Văn Song, đội 3, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên, Điện Biên) cho biết: Vài năm trở lại đây, qua các vụ sản xuất tôi thấy vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập đáng kể, nên sau khi thu hoạch vụ mùa, tôi chủ động làm đất để trồng cây vụ đông. Gia đình tôi có gần 4.000m2 đất sản xuất, đối với diện tích chuyên canh thì vụ này tôi trồng củ đậu, ngô; trên diện tích ruộng 2 vụ, sau khi thu hoạch xong lúa mùa, gia đình tôi tập trung làm đất trồng rau. Vụ đông năm nay gia đình tôi trồng hơn 2.000m2 các loại rau su hào, bắp cải, dưa leo... Sản xuất thêm vụ đông này tuy vất vả, tốn nhiều công chăm sóc nhưng cho thu nhập ổn định.

Ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, mùa nắng nóng gây hạn kéo dài, mùa đông thì đã xảy ra một đợt rét đậm… làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây trồng. Song, nông dân trên địa bàn xã vẫn tích cực lao động sản xuất, nhất là đối với trồng rau vụ đông. Vụ đông năm nay, diện tích trồng rau màu của xã khoảng 40ha, chủ yếu là các loại bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa leo…

Hiện, rau màu phát triển tốt, chưa có mưa nhưng nhiều hộ dân đã đầu tư khoan giếng nên cũng đảm bảo nước tưới. Ðợt rét đậm vừa qua, có một số diện tích rau thơm bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Trên cây cà chua xuất hiện bệnh héo xanh, nhưng người dân phát hiện và phòng ngừa kịp thời.

Hưng Thịnh đổi thay nhờ cây ăn quả

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ phát triển cây ăn quả. Người dân từng bước áp dụng thành công tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa nhiều loại cây có giá trị vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

caq.jpg

Lãnh đạo xã Hưng Thịnh kiểm tra vườn cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Gia đình ông Hà Thế Mạch ở thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh là một trong những hộ trồng cây ăn quả có múi đã lâu năm. Nhận thấy đất đai, khí hậu phù hợp nên ông Mạch quyết định cải tạo toàn bộ diện tích chè già cỗi, vườn tạp kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn quả có múi như: cam sành, cam đường canh, bưởi Diễn, chanh đào, chanh tứ thời... 

Hiện, ông có hơn 2 ha cây ăn quả các loại, mỗi năm cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng. Ông Mạch chia sẻ: "Ở đất Hưng Thịnh này, tôi không thấy loại cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả của tôi có hơn 2 ha đang cho thu hoạch, được tư thương đến tận nhà thu mua. Năm trước, tôi thu khoảng 5 tấn cam đường canh, bưởi. Năm nay, tôi đang bắt đầu thu hái những lứa cam đầu tiên và được thương lái đến mua tận vườn với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg”. 

Ông Phạm Văn Sinh - Trưởng thôn Khang Chính cho biết: "Nhờ trồng cây ăn quả có múi, nhiều hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà ở khang trang, đóng góp tích cực để xây dựng thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Từ ngày chuyển đổi sang trồng các cây ăn quả, hiệu quả sản xuất của xã Hưng Thịnh nâng lên rõ rệt, đời sống nông dân thay đổi nhanh chóng. Nhà ít thì một năm cũng lãi vài chục triệu đồng, nhà nhiều thì lãi hàng trăm triệu đồng và một số hộ có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ cây ăn quả mỗi năm. 

Ngoài ra, các hộ còn liên kết xây dựng 9 tổ hợp tác trồng cây ăn quả và 1 hợp tác xã cây ăn quả với 13 thành viên. Các thành viên trong hợp tác xã liên kết chặt chẽ với nhau từ việc lựa chọn giống cây đưa vào trồng và đưa 30 ha cây ăn quả vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… 

Ông Nguyễn Gia Hồng - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh khẳng định: "Nhờ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, trồng chè và các loại cây trồng khác sang trồng cây ăn quả có múi, đời sống của người dân xã Hưng Thịnh được cải thiện khá nhanh. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm còn 4,16%. Diện mạo nông thôn xã Hưng Thịnh với hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan ngày càng được cải thiện rõ rệt”.

Hòa Bình chuyển đổi 950ha đất lúa sang cây trồng khác

 

nn-hoa-binh.jpg

Nông dân xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) chuyển đổi diện tích đất 1 vụ lúa thiếu nước sang trồng cây rau màu. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, tình hình tích nước tại các đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đạt 70 - 80% so với kế hoạch, khả năng việc thiếu nước phục vụ gieo cấy lúa và trồng cây màu sẽ xảy ra.

Bên cạnh việc sử dụng hợp lý nguồn nước tưới đảm bảo phục vụ làm đất và tưới dưỡng cho cây trồng, các địa phương cần chủ động chuyển đổi những diện tích khó khăn về nguồn nước, diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao, tận dụng triệt để diện tích đất bưa bãi, đồi thấp để tăng diện tích gieo trồng.

Tỉnh đã có kế hoạch chuyển đổi 950 ha đất trồng lúa khó khăn về nguồn nước sang trồng các cây trồng khác ở vụ đông - xuân, trong đó, chuyển đổi 390 ha đất 2 vụ lúa, 560 ha đất 1 vụ lúa, tập trung ở huyện Lạc Sơn 300 ha, Tân Lạc 320 ha, Cao Phong 115 ha, Mai Châu 55 ha. Ưu tiên chuyển đối những cây trồng như ngô, cây thức ăn gia súc, lạc, khoai lang, rau các loại, bí xanh, dưa chuột, cây dược liệu...

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top