Năm nay, khoảng 8.550/18.900 ha xoài Sơn La đến tuổi thu hoạch. Hiện, hoa xoài đang nở rộ, ngút ngàn khắp vườn đồi, nhiều diện tích đang vào kỳ kết trái với tỷ lệ đậu quả cao, mang niềm vui tới cho người nông dân.
Vùng trồng xoài xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Trên quê hương xoài thơm Yên Châu, đâu đâu cũng thấy màu hoa xoài vàng thẫm, đang vào giai đoạn kết trái; lốm đốm số ít cây mới hé nở hoa vàng nhạt. Bên kia suối Sặp Vạt, vườn xoài của gia đình ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) đồng loạt nở hoa phủ vàng cả triền đồi thật bắt mắt, thu hút chúng tôi vượt qua cầu treo, vào rừng hoa xoài. Dưới ánh nắng hanh khô đầu năm, hương xoài càng thơm nồng mùi mật, lâng lâng niềm vui mùa hoa.
Nâng chùm hoa với những quả non li ti, ông Sơn vui vẻ: Chưa bao giờ xoài ra nhiều hoa, đậu quả cao như năm nay. Thời tiết thuận lợi và bà con đã có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh tốt từ lúc xoài chuẩn bị ra hoa. 3 ha xoài của gia đình chắc sẽ vượt sản lượng 40 tấn năm trước.
Theo ông Sơn: Giai đoạn quả non cần phải tưới nước đầy đủ cho cây để hạn chế rụng quả sinh lý. Mỗi gốc đều được lắp vòi tưới tiết kiệm nước để dưỡng cây và giữ quả non. Khoảng 2 tuần đầu sau khi đậu quả, bắt đầu tỉa quả, tính toán đến khi thu hoạch thì cây 3 năm tuổi khoảng 25 quả, cây 4 - 5 tuổi khoảng 40 quả, cây lâu năm hơn thì để số lượng quả tùy vào tán to hay nhỏ.
Vùng cây ăn quả huyện Mai Sơn cũng bắt đầu vụ kết trái, màu hoa vàng thẫm, nổi bật giữa màu xanh cây trái. Đến bản Noong Xôm, xã Hát Lót, đường bê tông chạy dài đến tận khu trồng cây ăn quả, xoài trồng liền vùng, liền khoảnh, cây chen cả những khe đá. Nông dân ở đây áp dụng kỹ thuật rải vụ, xoài ra hoa sớm hơn chính vụ khoảng nửa tháng.
Xoài và nhãn là hai cây chủ lực của tỉnh. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh năm nay, tỷ lệ xoài ra hoa, đậu quả rất cao. Ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn hướng dẫn kỹ thuật chăm chi tiết công việc từng tháng, từng thời điểm của cây, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu. Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn đến các doanh nghiệp, HTX, nông dân thực hiện.
Làm giàu từ trồng hoa hồng cổ
Nhận thấy trồng giống hoa hồng cổ là hướng làm kinh tế hiệu quả, bền vững, anh Phan Văn Hoàn (sinh năm 1978), xóm Ðồi Chè, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích trồng lên tới 3ha.
Mỗi tháng anh Hoàn thu 30 - 40kg bông hoa hồng.
Anh Hoàn cho biết, khi anh bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu về các mô hình làm kinh tế từ nông nghiệp ở một số tỉnh lân cận. Ðược bạn bè giới thiệu, anh đến huyện Văn Giang (Hưng Yên) để học hỏi cách làm, trau dồi thêm kỹ năng trồng và chăm sóc hoa hồng.
Với số vốn gần 1 tỷ đồng vay của ngân hàng, vận dụng những kiến thức đã học, anh Hoàn tiến hành đầu tư cải tạo 3ha đất trồng keo cũ, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, mua 5.000 cây giống các loại như hồng cổ Sa Pa, hồng Vân Khôi, hồng bạch cổ, hồng leo cổ Hải Phòng, hồng cổ Huế… Qua chăm sóc, anh Hoàn đánh giá cao về sức sống của loại hoa này, phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương. Hỏi về kỹ thuật chăm sóc anh cho hay, khi trồng lưu ý tỷ lệ khoảng cách giữa các cây là 2,5m giúp cho cây thông thoáng và hứng đủ ánh nắng. Ðồng thời, hàng ngày tưới đầy đủ nước, thường xuyên cắt tỉa cành và sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Nếu cây có mắc một số bệnh như phấn trắng, rệp sáp thì dùng các chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt ngâm rượu...
Ðến thời điểm thích hợp, anh dùng phương pháp chiết cành từ cây bố mẹ để nhân giống. Nhờ vậy, không chỉ giữ lại những giống hoa tốt mà trung bình mỗi tháng, gia đình anh còn tăng thêm thu nhập từ việc xuất bán hoa giống với giá 100.000 đồng/cây.
Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu của gia đình chính là từ thu hoạch bông, sản xuất ra các sản phẩm như trà hoa hồng, nước hoa hồng, mặt nạ… Anh Hoàn đã đầu tư mua máy chế xuất và đặt xưởng ngay gần nơi trồng hoa. Ðến nay anh đã thiết lập được 20 điểm phân phối sản phẩm trên cả nước. Nhờ tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm đến nay lợi nhuận thu được từ mô hình trồng hoa hồng cổ của gia đình anh khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.
Phát triển cây dược liệu ở vùng cao Phong Thổ
Các xã vùng cao của huyện Phong Thổ (Lai Châu) như: Dào San, Sin Suối Hồ, Tung Qua Lìn, Mồ Sì San… có tiềm năng đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển một số loại cây dược liệu.
Để khai thác tiềm năng, thời gian qua, huyện đã có định hướng phát triển cây dược liệu tại các xã vùng cao, coi đây là một trong những hướng đi giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Người dân bản Séo Hồ Thầu (xã Mồ Sì San) trồng cây dược liệu bảy lá một hoa. Ảnh: Báo Lai Châu.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025 huyện Phong Thổ đã xây dựng đề án hỗ trợ các xã vùng cao phát triển trồng 2ha cây dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao như: sâm Lai Châu, cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến. Cùng với đó phát triển trồng một số loại cây dược liệu khác theo hướng hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gồm: hà thủ ô đỏ, đảng sâm, đương quy, xuyên khung, actiso… diện tích định hướng khoảng 50ha.
Ông Tẩn Chin Lùng, tham gia trồng cây dược liệu ở bản Séo Hồ Thầu (xã Mồ Sì San) cho biết: Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, gia đình tôi chuyển đổi 1.000m2 cây ngắn ngày sang trồng cây sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đương quy. Nhờ chăm sóc tốt cũng như phù hợp với điều kiện thời tiết nên cây dược liệu phát triển tốt, hàng ngày gia đình bố trí nhân công chăm sóc, bảo vệ. Mong rằng loại cây mới này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều hộ tham gia trồng để giúp dân bản thoát nghèo.
Năm 2020, trên địa bàn các xã: Dào San, Tung Qua Lìn, Mồ Sì San, Pa Vây Sử… đã triển khai trồng được trên 300ha cây sa nhân; 0,25ha cây tam thất và 3ha sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đương quy, actiso… Một số diện tích đương quy, actiso, tam thất đã bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế. Điển hình như tại xã Sin Suối Hồ, 1ha cây đương quy sau khi cho thu hoạch đem lại cho người trồng từ 100 - 150 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí. Đối với các loại dược liệu như: sâm Lai Châu, bẩy lá một hoa, hà thủ ô đỏ… có giá trị hàng trăm nghìn đồng cho đến hàng triệu đồng/kg.
Ông Trần Bảo Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện rất lớn. Hiện nay huyện đang từng bước triển khai trồng và đánh giá hiệu quả qua từng năm. Nếu hiệu quả kinh tế được khẳng định sẽ tiến hành mở rộng thêm diện tích và vận động nhiều hộ dân tham gia hơn nữa. Đồng thời, việc phát triển cây dược liệu phải đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu. Chú trọng bảo tồn và phát triển các loại dược liệu quý có lợi thế để hỗ trợ như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến và xác định những loài cây chủ lực, định hướng quy mô, các khu vực phát triển là cơ sở thu hút đầu tư.
Bản Mù phát triển chăn nuôi gia súc để tăng thu nhập
Xác định chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao cho người dân, Đảng ủy, chính quyền xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, vận động đồng bào Mông chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang nuôi nhốt tập trung.
Một mô hình chăn nuôi trâu bán chăn thả của người dân xã Bản Mù. Ảnh: Báo Yên Bái
Nhờ tích cực phát triển chăn nuôi gia súc mà nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định, sung túc. Gia đình ông Giàng A Thái ở thôn Mù Thấp từng là hộ nghèo của xã, nhưng khi được vận động, hướng dẫn, ông đã đầu tư mua trâu, bò giống về phát triển chăn nuôi. Mỗi năm, gia đình ông bán từ 1 - 2 con để trang trải cuộc sống. Hiện nay, gia đình ông Thái vẫn còn 5 con trâu, 4 con bò đang được vỗ béo để xuất chuồng trong thời gian tới.
Ông Giàng A Thái chia sẻ: "Phát triển chăn nuôi trâu, bò mang lại lợi ích kinh tế cao, thu nhập của gia đình được tăng thêm, tôi đã có điều kiện sửa sang nhà cửa khang trang hơn và nuôi con ăn học”.
Là hộ nghèo cùng thôn với ông Giàng A Thái, anh Tráng A Trinh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư xây dựng chuồng trại và mua trâu, bò giống về nuôi. Trong 3 năm qua, mỗi năm anh bán 1 con, gia đình anh hiện nay không những có cuộc sống ổn định mà đã thoát nghèo.
Anh Trinh phấn khởi: "Tôi rất cảm ơn Nhà nước, mà trực tiếp là Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho tôi vay nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình tôi nay đã thoát được nghèo”.
Để giúp người dân có điều kiện mua trâu, bò giống phát triển chăn nuôi, Đảng ủy, chính quyền xã Bản Mù đã chỉ đạo các đoàn thể nhận ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả và diện tích đất có độ dốc cao sang trồng cỏ voi, cỏ VA06 làm thức ăn xanh cho gia súc.
Đến nay, xã Bản Mù đã có trên 1.300 con trâu, gần 1.300 con bò, 4.800 con lợn và gần 1.500 con dê, ngựa. Nhờ tích cực phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã vươn lên thoát đói nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 55%.
Ông Giàng A Chú - Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết: "Hiện nay, hầu hết các hộ dân cư trú trên địa bàn xã đều tham gia phát triển chăn nuôi trâu, bò một cách tích cực. Hộ nuôi ít có từ 1 - 2 con, hộ nhiều từ 5 - 7 con, có hộ còn trên 10 con…”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…